Urea
40 sản phẩm
Dược sĩ Nguyễn Trang Dược sĩ lâm sàng - Đại học Dược Hà Nội
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Bài viết biên soạn dựa theo
Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba
Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022
URÊ
Tên chung quốc tế: Carbamide (Urea).
Mã ATC: B05BC02, D02AE01.
Loại thuốc: Thuốc da liễu, lợi tiểu thẩm thấu.
1 Dạng thuốc và hàm lượng
Kem: 10%, 20%, 22%, 30%, 39%, 40%, 41%, 45%, 47%, 50%.
Gel: 39%, 40%, 45%.
Thuốc mỡ: 10%, 20%, 22%, 40%.
Dung dịch: 45%, 50%.
Hỗn dịch: 40%, 50%.
Xà phòng: 20%, 35%, 40%.
Nhũ tương: 40%, 45%, 50%.
Nhũ tương dùng ngoài (lotion): 5%, 10%, 15%, 25%, 40%. Viên nén (trong bộ kit chẩn đoán vi khuẩn HP): 50 mg, 100 mg. Thuốc bột (trong bộ kit chẩn đoán vi khuẩn HP): 45 mg, 75 mg.
2 Dược lực học
Urê (carbamid) được dùng chủ yếu dưới dạng kem hay thuốc mỡ ở nồng độ thích hợp để làm mềm da và giúp cho da luôn giữ được độ ẩm nhất định. Cơ chế tác dụng của urê là làm gãy các liên kết hydro bình thường của protein sừng, thông qua tác dụng hydrat hóa và tiêu keratin, thúc đẩy sự tróc vảy ở lớp sừng trong những trường hợp da bị sừng hóa và khô da (bệnh vẩy cá - ichthyosis, bệnh vẩy nến - psoriasis...). Urê cũng có tác dụng làm cho một số thuốc thấm qua da nhanh hơn (ví dụ: Thuốc có thể làm tăng tốc độ hấp thu của hydrocortison lên gấp 2 lần so với bình thường). Chính vì vậy, người ta thường đưa thêm hydrocortison 1% vào trong thành phần của thuốc để làm tác nhân chống viêm da.
Urê đánh dấu bằng carbon-13 (13C) được dùng để chẩn đoán in vivo nhiễm khuẩn Helicobacter pylori dựa vào lượng 13C-carbon dioxyd đo được trong hơi thở trước và sau khi uống một liều duy nhất 13C-urê, bởi vì H. pylori sinh ra urease thủy phân urê thành amonia và carbon dioxyd, vì vậy tạo ra một lượng 13C-carbon dioxyd thừa so với trước khi uống 13C-urê. Thử nghiệm này không được thực hiện trong vòng 4 tuần đã điều trị bằng kháng sinh và trong vòng 2 tuần điều trị cùng các chất ức chế tiết dịch vị. Urê đánh dấu bằng carbon-14 (14C) cũng được dùng để chẩn đoán nhiễm khuẩn Helicobacter pylori qua hơi thở.
3 Dược động học
Urê được hấp thu rất nhanh qua ống tiêu hóa, nhưng đồng thời cũng gây kích ứng dạ dày - ruột. Urê bị thủy phân tạo amoniac và carbon dioxyd rồi lại được tái tổng hợp thành urê. Urê được phân bố vào các dịch ngoài và trong tế bào, bao gồm bạch huyết (lympho), mật, dịch não tủy và máu; urê qua được hàng rào nhau thai và thấm vào mắt, có thể xuất hiện trong sữa mẹ. Nồng độ thuốc cao nhất tập trung ở thận.
Urê được bài xuất dưới dạng không đổi qua nước tiểu.
4 Chỉ định
Dùng tại chỗ: Điều trị bệnh vảy cá, bệnh vảy nến, tăng dày sừng, khô da.
Uống liều đơn 13C-urê: Chẩn đoán in vivo nhiễm khuẩn Helicobacter pylori.
5 Chống chỉ định
Quá mẫn với urê.
Suy thận nặng.
6 Thận trọng
7
Không nên dùng urê ở những vùng gần mắt hoặc vùng niêm mạc. Thận trọng khi dùng thuốc ở mặt và những vùng da bị nứt nẻ hay bị viêm.
Đã có thông báo là nồng độ urê huyết tăng cao khi trẻ sơ sinh được điều trị bằng kem bôi da có chứa urê, vì vậy, không nên dùng tại chỗ bất kỳ thuốc urê nào cho trẻ sơ sinh.
8 Thời kỳ mang thai
Chưa có nghiên cứu chứng minh về sự an toàn cho phụ nữ mang thai khi dùng urê. Nên dùng thận trọng cho người mang thai.
9 Thời kỳ cho con bú
Không dùng trong thời kỳ cho con bú.
10 Tác dụng không mong muốn (ADR)
Thuốc bôi có thể gây kích ứng: ban đỏ, nóng bừng, ngứa.
11 Liều lượng và cách dùng
Dùng tại chỗ: Điều trị bệnh vảy cá, bệnh vảy nến, tăng dày sừng: Bôi kem hoặc nhũ tương dùng ngoài (lotion) có chứa 5 - 25% urê lên chỗ bị bệnh. Chế phẩm có nồng độ urê cao hơn từ 30 - 40% được dùng trong trường hợp nặng, loại có nồng độ 40% được dùng trong trường hợp bị bệnh ở mỏng. Bôi 1 - 3 lần/ngày, dùng sau khi tắm sẽ tăng hiệu quả.
Chẩn đoán in vivo nhiễm khuẩn Helicobacter pylori: Uống liều đơn 13C-urê từ 50 mg, 75 mg hoặc 100 mg tùy theo yêu cầu của bộ sinh phẩm chẩn đoán sẽ sử dụng.
12 Tương tác thuốc
Urê có thể làm tăng bài tiết lithi qua thận.
Có thể có tác dụng hiệp đồng với các thuốc lợi niệu khác kể cả các chất ức chế carbonic anhydrase.
Arginin có thể làm tăng nitơ của urê trong máu và gây tăng Kali huyết nặng ở những người bệnh bị suy thận.
Urê có thể làm tăng tác dụng của 5-fluorouracil và dithranol. Tăng giải phóng và tính thẩm của một số thuốc ngoài da khác, như corticosteroid.
13 Quá liều và xử trí
Trong trường hợp bị đau rát tại chỗ bôi thuốc, cần phải rửa sạch kem thuốc và hỏi ý kiến thầy thuốc.
Cập nhật lần cuối: 2020.