Trạch Tả (Alisma plantago-aquatica)
94 sản phẩm
Dược sĩ Nguyễn Trang Dược sĩ lâm sàng - Đại học Dược Hà Nội
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Với công dụng hiệu quả trong hỗ trợ điều trị tiểu đường, mỡ máu cao, bệnh đường niệu, Trạch tả được rất nhiều người sử dụng mỗi ngày. Vì vậy, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến quý bạn đọc thông tin về đặc điểm, công dụng và các bài thuốc của Trạch tả.
1 Giới thiệu về cây Trạch tả
Trạch Tả còn có tên gọi khác là Mã Đề nước, mọc ở nơi ẩm thấp hay trong nước, của vùng ôn đới và cận nhiệt.
Trong cuốn sách Thần Nông Bản Thảo Kinh có viết: Trạch tả còn có tê là kiến trạch tả, là loài cây sống lâu năm trong vùng đầm lầy, họ trạch tả. Loài này, phân bố ở Phúc Kiến, Tứ Xuyên, Giang Tây,... Thời gian thu hoạch vào mùa đông khi thân cây và lá đã khô, rửa sạch, sao khô bằng lửa nhỏ, bỏ đi phần rễ nhỏ và vỏ thô, ngâm vào nước cho mềm rồi thái lát, phơi khô là được. Có thể sao cùng trấu hoặc nước muối dưa chua.
Tên khoa học của Trạch tả là Alisma plantago-aquatica L., thuộc họ Trạch tả (Alismataceae).
1.1 Đặc điểm thực vật
Cây thân thảo, cao 40-50cm. Thân rễ hình cầu hoặc hình con quay, nạc, màu trắng. Lá có cuống dài, bẹ to mọc ốp vào nhau và xòe ra như hình hoa thị, phiến lá hình trái xoan hoặc hình trứng, mép nguyên lượn sóng, gân lá 5-7 hình cung.
Cụm hoa mọc trên một cán thẳng dài, lên tới 1m, thành chùy, có nhiều vòng hoa xếp thành tầng nhỏ dần về phía ngọn, mỗi tầng lại phân nhánh thành những chùy nhỏ. Hoa Trạch tả lưỡng tính, màu trắng hoặc hồng; đài có 3 răng màu lục, tồn tại tới khi thành quả; tràng hoa 3 cánh có 1 cựa màu vàng nhạt rất mỏng và sớm rụng; nhị 6-9, dẹt; bầu nhiều ô xếp thành một vòng, mỗi ô có 1 noãn nhỏ, vòi nhụy mảnh dễ rụng. Quả bế giẹp, dạng màng, có đài tồn tại. Mùa hoa quả vào tháng 10-12.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng của Trạch tả là Thân rễ. Thân rễ thu hái vào tháng 4-5 khi cây chuyển sang màu vàng, bỏ rễ con, cạo vỏ ngoài và rửa sạch, phơi hoặc sấy khô. Khi dùng, ủ thân rễ cho mềm, thái lát, phơi khô (dùng sống) hoặc tẩm muối (tỷ lệ 100g trạch tả với 2g muối hòa trong 60ml nước), sao vàng.
Mô tả dược liệu: Thân rễ hình cầu, hình trứng hay con quay. Mặt ngoài máu trắng hơi vàng hay nâu hơi vàng, có các rãnh nông, dạng vòng không đều ở ngang củ, có nhiều vết sẹo rễ nhỏ dạng bướu, ở đầu thân rễ có vết của thân cây sót lại. Chất chắc, mặt bẻ gãy màu trắng vàng, có tinh bột, nhiều lỗ nhỏ. Mùi thơm nhẹ, vị hơi đắng.
1.3 Đặc điểm phân bố
Tại Việt Nam, cây mọc hoang ở vùng núi và được trồng ở nhiều nơi.
2 Thành phần hóa học
Các nghiên cứu hóa học trước đây về Trạch tả đã báo cáo việc xác định triterpene, diterpene, sesquiterpene, steroid, alkaloid và axit phenolic. Terpene và axit phenolic được coi là chất chuyển hóa thứ cấp chính từ cây thuốc này. Các hợp chất trong thân rễ Trạch tả được trình bày trong bảng dưới đây.
Nhóm hợp chất | Hợp chất |
Triterpenoid | 5β,29-Dihydroxy alisol A; Alisol W; Alisolide A - I; 16β-methoxyalisol B monoacetate; 16β-hydroxyalisol B monoacetate; 16-oxo-alisol A; alisol E 23-acetate; alisol F 24-acetate và 11-anhydroalisol F |
Sesquiterpen | Alismoxyde |
Axit béo | Octadeca-9 12-dienoic acid và ester của nó |
Axit phenylpropionic và các hợp chất khác | Plantain A, axit ferulic, rynchopeterine A & B, axit rosmarinic |
== >> Mời bạn đọc tham khảo vị thuốc cùng công dụng: Cây Mã đề - Vị thuốc trị nám và chữa lành vết thương
3 Tác dụng - Công dụng của Trạch tả
3.1 Tác dụng dược lý
Ngày nay, trach tả được dùng rộng rãi để trị bệnh ù tai, hoa mắt, chóng mặt (bệnh Meriere). máu nhiễm mỡ. Điều này cũng chứng mình công dụng của trạch tả được viết trong Bản kinh, đó là làm cho con người mắt tỉnh, tai thính.
3.1.1 Chống viêm
Nghiên cứu thu được 16-oxo-alisol A, alisol E 23-acetate, alisol F 24-acetate và 11-anhydroalisol F từ Trạch tả. Tất cả chúng đều cho thấy hoạt động chống viêm đáng kể với giá trị IC50 từ 0,76 - 38,20μM. Plantain A có trong Trạch tả cho thấy tác dụng chống viêm in vivo. Các nghiên cứu sâu hơn chỉ ra rằng hợp chất có thể làm giảm nồng độ TNF-α, TGF-β1, COX-2, PEG2 và IL-1β ở chuột bằng cách tiêm carrageenan vào tuyến tiền liệt, cho phép có tác dụng chống viêm tuyến tiền liệt không do vi khuẩn mãn tính.
3.1.2 Chống sỏi tiết niệu
Chiết xuất triterpenoid toàn phần đảo ngược những thay đổi về urê và creatinine huyết thanh, Ca2+ nước tiểu, trọng lượng tương đối của thận, Ca2+ và Mg2+ trong thận do ethylene glycol và Alfacalcidol gây ra. Nó cũng làm giảm số lượng và kích thước của các tinh thể Canxi oxalate lắng đọng, bảo vệ thận khỏi bị hư hại nghiêm trọng. Những kết quả này cho thấy tổng số triterpen của Trạch tả có tác dụng có lợi đối với sỏi tiết niệu canxi oxalate do ethylene glycol và alfacalcidol gây ra.
3.1.3 Chống rối loạn lipid máu
Trạch tả có thể khôi phục sự rối loạn chuyển hóa axit amin, purine, pyrimidine và năng lượng do chế độ ăn nhiều chất béo gây ra về mức bình thường hoặc gần bình thường. Chiết xuất thân rễ làm giảm đáng kể ALT, AST, cholesterol gan, chất béo trung tính và tăng cholesterol lipoprotein mật độ cao. Alisol B 23-acetate và alisol A 24-acetate là các triterpen có hoạt tính chính trong chống tăng lipid máu. Nghiên cứu sâu hơn về cơ chế của chúng chỉ ra rằng chúng có thể ức chế hoạt động của HMG-CoA reductase, cho phép chúng có tác dụng chống tăng lipid máu.
3.1.4 Lợi tiểu
Alisols A, B và F từ Trạch tả có tác dụng lợi tiểu. Chiết xuất triterpenoid toàn phần cải thiện lượng nước tiểu thải ra và bài tiết chất điện giải và hỗn hợp alisol B 23-acetate, alisol B, alisol A 24-acetate, alisol A, alisol C 23-acetate cũng làm tăng lượng nước tiểu. Những phát hiện này cho thấy rằng triterpenoids có thể được coi là thuốc lợi tiểu.
3.1.5 Bảo vệ tế bào
Bên cạnh các tác dụng nêu trên, các chất chuyển hóa thứ cấp từ các loài Alisma cũng có tác dụng bảo vệ thần kinh, bao gồm chống lại tổn thương SH-SY5Y do H2O2 gây ra. Alismanoid C ức chế quá trình chết theo chương trình do H2O2 gây ra, các mức biểu hiện Bax và PARP bị phân cắt được điều chỉnh giảm và mức biểu hiện Bcl-2 được điều chỉnh tăng trong các tế bào SH-SY5Y được xử lý bằng H2O2, chứng tỏ nó có thể được coi là một hợp chất tiềm năng để điều trị bệnh Parkinson do oxy phản ứng.
== >> Mời bạn xem thêm dược liệu: Râu Ngô - Vị thuốc lợi tiểu, bảo vệ gan thận, trị sỏi hiệu quả
3.2 Công dụng theo y học cổ truyền
Trạch tả thuộc nhóm thuốc nào? Trong y cổ truyền, Trạch tả thuộc nhóm “lợi thủy thẩm thấp”, có tính hàn, vị ngọt, quy vào kinh thận, bàng quang, có tác dụng lợi thủy, thẩm thấp, thanh nhiệt.
Trong đông y, Trạch tả được dùng trong chữa thủy thũng, viêm thận, bể thận, tiểu khó, tiểu máu; nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt; mỡ máu cao, béo phì.
Trong cuốn sách Thần Nông Bản Thảo Kinh có viết: Đông y cho rằng, trạch tả vị ngọt, tính hàn, có tác dụng lợi thủy, loại bỏ chứng thấp nhiệt trong thận và bàng quang. Y học hiện đại cũng nghiên cứu và chứng minh, trạch tả có tác dụng tăng cường chức năng của đường tiết niệu, đặc biệt đối với người mắc bệnh viêm thận. Thường kết hợp với bạch truật, sa nhân..., dùng trị bệnh tiêu tiện không thông, trưởng bụng, thanh lọc thận và bàng quang. Cũng có thể kết hợp với Cam Thảo, hoạt thạch, tri mẫu, hoàng bách, dùng trị bệnh về hệ thống đường tiết niệu như lây nhiễm, kết sỏi, kết hạch, viêm tuyến tiền liệt. Trạch tả không những có tác dụng loại bỏ thấp nhiệt ở phần hạ tiêu, mà còn có tác dụng hạ thấp nhiệt ở phần trung tiêu, tránh thấp nhiệt tăng lên vùng thượng tiêu. Các thấy thuốc xưa cho rằng, thấp tà thâm nhập vào tỷ làm cho cơ thể gầy yếu, chất nước không vận hóa ứ lại, thành nhiệt, thành hòa, nội thương tình chí, dẫn đến hiện tượng mở mắt, tai không thính.
Bản kinh cho rằng, trạch tả có thể dưỡng ngũ tạng, dùng trong thời gian dài giúp cơ thể khỏe mạnh, trên thực tế không phải như vậy. Mặc dù trạch tả có tác dụng trục thấp nhiệt trong tỷ, vị, khiến cho khí thanh trong hành lên trên, tăng cường chức năng của ngũ tạng, trị chứng hoa mắt, chóng mặt. Tuy nhiên, trạch tả lại không phải là một loại thuốc bổ, dùng lâu với lượng lớn dẫn đến tình trạng khí huyết khó lưu thông, khí thanh trong không hành lên trên được, dẫn đến chân âm tổn hao, thậm chí còn làm mù mắt, điếc tai.
4 So sánh tác dụng của Trạch tả và Trư linh
Trạch tả | Trư linh | |
Giống nhau | Quy vào thận và bàng quang kinh Có tác dụng thanh nhiệt lợi thủy | |
Khác nhau | Tính hàn, có tác dụng tiết nhiệt mạnh, thấm lợi kém hơn Lợi thủy, thông được ôn nhiệt ở tạng Chủ giảm khát Chữa thủy thũng, tiểu tiện không lợi, đàn bà băng huyết, chủ trị tướng hỏa huyễn vựng Trị tiêu khát, trị thủy tiết và trị tả tướng hỏa Trị cước khí, đuổi tà ở thận, đau lưng | Tính bình, khả năng tiết nhiệt không bằng Trạch tả nhưng thấm lợi tốt hơn, thường dùng chữa bệnh thủy khí Lợi thủy, tả được tà ở biểu Trị thủy thũng, thường dùng chữa bệnh thủy khí Chủ trị di tinh, bạch trọc, tướng hỏa thịnh sinh ra chóng mặt, băng huyết Trị thủy tiết, lợi tiểu tiện Trị cước khí |
5 Các bài thuốc từ cây Trạch tả
5.1 Chữa thủy thũng, cổ trướng
Nguyên liệu: Trạch tả, Bạch Truật mỗi vị 15g.
Cách làm: Nghiền thành bột mịn, uống cùng nước sắc Phục linh.
5.2 Chữa tiểu khó do thử nhiệt
Nguyên liệu: Trạch tả, Xa tiền tử mỗi vị 10g, Thông thảo 6g.
Cách làm: Sắc nước uống.
5.3 Chữa lipid máu cao
Nguyên liệu: Trạch tả, Hà thủ ô, Hoàng tinh, Kim anh, Sơn Tra mỗi vị 3g, Thảo quyết minh, Tang Ký Sinh mỗi vị 6g, Mộc Hương 1g.
Cách làm: Nấu cao luyện thành viên, mỗi viên khoảng 1,1g. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 5-8 viên.
5.4 Chữa béo phì đơn thuần
Nguyên liệu: Trạch tả, Sơn tra, Thảo Quyết Minh mỗi vị 12g, Phan Tả Diệp 1,5g.
Cách làm: Thái nhỏ, hãm với nước sôi, chia làm 2 lần uống trong ngày, mỗi đợt điều trị dùng trong 4 tuần.
5.5 Chữa huyết áp cao
Nguyên liệu: Trạch tả, Ích mẫu, Xa tiền tử, Hạ Khô Thảo, Thảo quyết minh, Câu Đằng, đồng lượng.
Cách làm: Sắc uống.
5.6 Chữa hoa mắt chóng mặt
Nguyên liệu: Trạch tả, Bạch truật, Phục Linh, Bán Hạ chế, Nữ trinh tử mỗi vị 9g, Hạ liên thảo 10g.
Cách làm: Sắc uống.
5.7 Chữa gan nhiễm mỡ
Nguyên liệu: Trạch tả 20g, Hà Thủ Ô sống, Thảo quyết minh, Đan sâm, Hoàng Kỳ mỗi vị 15g, Sơn tra sống 30g, Hổ trượng 12g, Hà diệp 15g.
Cách làm: Sắc uống.
5.8 Chữa tiểu đường
Nguyên liệu: Trạch tả, Ngọc trúc, Sa uyển, Tật lê mỗi vị 12g, Hoài Sơn, Tang bạch bì, Câu Kỷ Tử mỗi vị 15g, Râu Ngô 9g.
Cách làm: Sắc uống, mỗi đợt dùng 1 tuần. Kiêng đồ lạnh, cay và thịt dê, cừu.
Lưu ý: Kiêng kỵ Trạch tả: Người can thận âm hư không có thấp nhiệt.
6 Tài liệu tham khảo
1. Tác giả Lei Feng và cộng sự (Ngày đăng 13 tháng 11 năm 2020). Alisma genus: Phytochemical constituents, biosynthesis, and biological activities, PubMed. Truy cập ngày 4 tháng 4 năm 2023.
2. Nhận thức cây thuốc và dược liệu (Xuất bản năm 2021). Trạch tả trang 299-300, Nhận thức cây thuốc và dược liệu. Truy cập ngày 4 tháng 4 năm 2023.
3. Sách Thần Nông Bản Thảo Kinh (Xuất bản năm 2021). Trạch tả, trang 75-76. Truy cập ngày 18 tháng 12 năm 2023.