Thục Địa (Rehmannia glutinosa)
219 sản phẩm
Dược sĩ Thu Hà Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 3 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Thục địa là rễ củ của cây Địa hoàng sau khi đã chế biến kỹ lưỡng. Theo y học dân gian, thục địa được coi là vị thuốc bổ, có tác dụng bổ thận, tráng dương, sinh tinh, đồng thời hoạt huyết, tăng cường miễn dịch, kháng viêm hiệu quả. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến thông tin chi tiết về Thục địa.
1 Tổng quan
1.1 Tên gọi, danh pháp
Tên tiếng Việt: Thục địa.
Tên khác: Địa hoàng, Sinh Địa hoàng; Sinh địa; Nguyên sinh địa; Sheng di huang.
Tên khoa học: Rehmannia glutinosa (Gaertn.) Libosch. ex Steud.
Họ: Scrophulariaceae (Hoa mõm chó).
1.2 Đặc điểm thực vật
Địa hoàng thuộc cây thân thảo sống lâu năm với chiều cao trung bình khoảng từ 20cm - 30cm, trên thân cây có sự xuất hiện của lông mềm và lông tiết màu trắng hoặc xám tro nhạt. Rễ Địa hoàng phát triển trong đất và tạo thành củ.
Lá thường mọc vòng ở quanh gốc cây; phiến lá hình bầu dục, gốc thuôn dài, đầu tròn, chiều dài lá thay đổi trong khoảng từ 3cm - 15cm, bề rộng là 1,5cm - 6cm, ở mép lá thấy có răng tròn, sắp xếp không đều nhau; gân lá hình mạng nhện, đường gân nổi rõ ở mặt sau lá, khiến lá có cảm giác như bị rộp lên và chia làm nhiều múi nhỏ.
Hoa Thục địa thường mọc thành các chùm trên cùng một cuống chung dài, vị trí tập trung ở đầu cành. Đài và tràng hình chuông, tràng hơi cong nhẹ, đo chiều dài thấy từ 3cm - 4cm, mặt ngoài tím sẫm, mặt trong ngả vàng, có những đốm tím 4 nhị, nhị dài.
Quả hình trứng, bên trong có chứa nhiều hạt nhỏ.
Hoa thường bất đầu xuất hiện vào khoảng tháng 4 - 6, thời điểm kết quả là cuối hạ, đầu thu tức là tầm tháng 7 - 8.
1.3 Phân bố, thu hái, chế biến
1.3.1 Phân bố
Thục Địa hay Địa hoàng là loại cây có xuất xứ từ đất nước tỷ dân Trung Quốc. Cây được nhập và trồng ở nước ta vào những năm 1958, đến nay đã phát triển và được trồng ở nhiều tỉnh ở cả miền Bắc và miền Nam.
Do cây có nguồn gốc từ vùng ôn đới Trung Quốc, khí hậu ấm quang năm, nên khi trồng tại Việt Nam người dân thường chọn những thời điểm mà nhiệt độ ngoài trời duy trì dưới 30oC để đảm bảo tỉ lệ thành cây cao nhất. Khi thời tiết trở lên nóng hơn, nhiệt độ tăng cao, mưa nhiều thì đã vào vụ thu hoạch lấy rễ củ. Mặc dù Địa hoàng là cây có khả năng ra hoa kết quả tốt, nhưng thông thường người ta hay tận dụng đặc điểm nảy mầm của rễ củ làm giống cây trồng. Nhân giống thường dùng mầm rễ, chọn những mầm tiêu chuẩn, chiều dài từ 1cm - 2cm đem làm giống.
1.3.2 Thu hái
Thường có 2 vụ thu hoạch mỗi năm là vụ đông xuân (khoảng sau tết âm lịch, tức là tháng 2-3) và vụ hạ (khoảng cuối hạ tầm tháng 8-9). Theo kinh nghiệm của dân gian, phần rễ củ có chất lượng cao và nhiều dinh dưỡng nhất thường phải có tuổi đời từ 6 tháng trở lên.
Củ Địa hoàng tươi vừa thu hoạch có hình thoi hoặc hình trụ cong queo, dễ dàng bẻ gẫy; mặt ngoài củ có màu vàng đỏ, thân củ thường có những nơi thắt lại chia củ thành các khoanh. Trên các rãnh sẽ thấy vết tịch của mầm.
1.3.3 Bộ phần dùng
Địa hoàng thường lấy rễ củ làm thuốc.
Rễ củ sau khi được chế biến, tuỳ theo cách chế biến, mà người ta gọi là Sinh địa hoàng hay Thục địa hoàng.
Chế biến
Theo kinh nghiệm từ xa xưa truyền lại, có hai cách chế biến củ dược liệu tươi, tương ứng với 2 hai vị thuốc khác nhau từ củ Địa hoàng là Thục địa và Sinh địa:
Cách 1: Những củ nhỏ được lựa riêng, nấu lấy nước, sau đó ngâm những củ rễ to trong phần nước thu được này. Đem phơi khô rồi lại tiếp tục tẩm nước lần 2. Thực hiện liên tục cho đến khi đủ 9 lần tẩm nước, rễ củ chuyển sang màu đen nhánh là đạt chuẩn.
Cách 2: Nấu phần dược liệu tươi trong nước và rượu trắng 40 độ. Khuấy đều tay cho ngấm và cho đến khi nước cạn hẳn. Sau đó thêm Gừng và nước 2 lần, đun trên bếp cho tới khi thấy củ có màu đen nhánh thì tắt bếp.
Sau khi bào chế, bảo quản Thục địa trong túi hoặc lọ kín, để nơi khô thoáng, tránh ẩm thấp, mối mọt.
2 Thành phần hoá học
Trong rễ củ Thục Địa người ta tìm thấy có tới 15 acid amin, cùng với D-glucozamin, acid phosphorie, hỗn hợp các cacbohydrat, trong đó chủ yếu là stachyoza; campesterol, catalpol, mannit, rehmannin, đường glucose và 1 lượng nhỏ caroten.
3 Công dụng
3.1 Theo y học cổ truyền
Tính vị: Thục địa là vị thuốc có vị ngọt, mùi thơm và tính hơi ôn
Quy kinh: quy vào 3 kinh Tâm, Can và Thận.
Công năng:
Dưỡng huyết, tư âm, sinh tân chỉ khát.
Chủ trị:
Thường dùng Thục địa để trị các chứng âm huyết hư như đau lưng mỏi gối, cơ thể suy nhược, di tinh, di niệu, ù tai, điếc tai, đau đầu chóng mặt, thị lực suy giảm.
Theo các tài liệu Đông Y, rễ củ Địa hoàng không qua chế biến có thể dùng để chữa sốt do nhiệt phiền với chứng trạng đặc trưng là lưỡi đỏ sẫm và khát, âm hư, suy nhiệt bên trong, ho khạc ra máu, chảy máu cam, ban da và có những vết đỏ trên da.
Kiêng kỵ:
Không dùng Thục địa cho người tỳ hư gây kém ăn, đầy trướng, ỉa chảy kéo dài.
Không dùng chung với lai phục tử (hạt cải củ).
Không dùng cùng Sắt
3.2 Tác dụng dược lý
3.2.1 Ngăn ngừa loãng xương
Sử dụng Thục địa có tác dụng ngăn ngừa loãng xương, đặc biệt là loãng xương sau mãn kinh và loãng xương do tuổi già ở cả nữ giới và nam giới.
3.2.2 Tác dụng kháng viêm
Thành phần trong nước sắc Thục địa có nhiều hoạt chất có tác dụng kháng viêm mạnh. Khi thực nghiệm trên chuột cống đã bị gây viêm bằng Formalin ở vùng chân đùi, thuốc làm giảm viêm rõ rệt các triệu chứng của viêm.
3.2.3 Tác dụng đối với đường huyết và tim mạch
Thục địa làm thuốc dùng để làm hạ và ổn định chỉ số đường huyết nhưng không làm thay đổi chỉ số đường huyết khi ở ngưỡng bình thường.
Nước sắc Địa hoàng có tác dụng giúp tăng cường sức khỏe tim mạch, hạ huyết áp, ngoài ra còn dùng để cầm máu, bảo vệ gan, mật, lợi tiểu và chống chất phóng xạ, chống nấm.
3.2.4 Đối với hệ miễn dịch
Dịch chiết Thục Địa được chứng minh có tác dụng ức chế miễn dịch kiểu corticoid nhưng không gây ra sự ức chế hoặc làm teo vỏ của tuyến thượng thận. Các thực nghiệm cho thấy Sinh địa hay Thục địa thì đều giúp làm giảm sự ức chế chức năng của vỏ tuyến thượng thận gây ra bởi Corticoid.
4 Liều dùng & cách dùng của Thục địa
4.1 Liều dùng của Thục địa
Thục địa thường dùng từ 8-16g một ngày tùy tình trạng bệnh, đã có trường hợp có thể dùng liều tới 40g ở dạng thuốc sắc hoặc phối hợp với các vị khác trong các bài thuốc cổ truyển.
Không dùng chung Thục địa với Sắt.
4.2 Các bài thuốc có chứa Thục địa
4.2.1 Lục vị đại hoàng thang
Dược vị gồm có:
- 20-30g Thục địa (Quân) có tác dụng chấn tinh ích tủy, tư âm bổ thận.
- 10-16g Sơn thủ (Thần) có tác dụng cố sáp tinh khí, bổ dưỡng can thận.
- 10016g Hoài Sơn (Thần) có tác dụng cố sáp tinh, bổ ích tỳ âm.
- 8-12g Phục Linh (Tá) có tác dụng lợi thấp, giảm bớt tính nhiệt và nê trệ của Thục địa, tiết trọc khí ở thận.
- 8-12g Đan bì (Tá) có tác dụng làm giảm bớt tính ôn sáp của Sơn Thù và thanh tiết hư nhiệt.
Lục vị địa hoàng thang chủ trị can thận âm hư chứng với các chứng trạng chính gồm:
- Yêu tất toan nhuyễn.
- Khẩu táo yết can.
- Đầu vậng mục huyễn.
- Thiệt hồng thiểu đài.
- Váng đầu.
- Miệng và họng khô.
- Hoa mắt.
- Lưỡi đỏ, ít rêu.
- Thủ tục tâm nhiệt.
- Di tinh, cốt chứng, tiêu khát.
- Túc cấn tác thống.
Nguyên nhân gây bệnh do hư nhiệt nội kháng, can thận âm khuy.
Tác dụng của bài thuốc Lục vị địa hoàng thang: Tư bổ âm của can thận, trị can thận bất túc. Trên lâm sàng hiện nay, các triệu chứng của Can thận âm hư như tiểu đường, viêm đường tiết niệu mãn tính, tăng huyết áp, suy nhược thần kinh, thường sử dụng bài thuốc này rồi gia giảm các vị.
Ứng dụng trên lâm sàng: Lục vị địa hoàng thang được ứng dụng nhiều trên lâm sàng để điều trị một số bệnh lý mạn tính như suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, lao thận, lao phổi, cường tuyến giáp, xơ mỡ mạch, cao huyết áp, phòng ngừa tai biến mạch máu não ở người lớn tuổi, bệnh nhân có hội chứng Can thận âm hư đều có thể gia giảm dùng. Đối với các bệnh lý liên quan đến mắt như viêm võng mạc trung tâm, viêm thị thần kinh có thể thêm các vị Ngũ Vị Tử, Sài Hồ, Đương Quy.
Kiêng kỵ: Không dùng cho người rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy.
Tham khảo:
Thận chủ 5 chất dịch do đó nếu thủy không vững thì chân âm không đủ, tiểu tiện không lưu thông dẫn đến tình trạng tà thủy đi ngược lên do đó sử dụng Địa hoàng làm quân để bảo vệ thận, dùng Trạch Tả làm tá để cải thiện tình trạng ngưng trệ. Trường hợp thận hư nếu không dùng bổ phế, không khơi thông thì cũng không củng cố được tác dụng phong tàng. Sơn dược giúp bồi bổ, Phục linh giúp khơi thông nguồn nước tiểu, Thù du để thu hồi thiếu dương hỏa, Đơn bì giúp thanh hỏa của thiếu âm, kiềm chế dương khí của thiếu dương.
Lục vị địa hoàng thang không dùng để trị Can thận bất túc mà bản chất là trị tạng Tâm và phần âm.
Lục vị địa hoàng thang là bài thuốc nhuận hạ, thuần âm dùng trị các bệnh do thận hư như trẻ chậm biết đi, ống chân mềm, chậm mọc răng, thóp đầu không kín. Trẻ nhỏ dương khí ít, không có phép bổ dương, dùng Lục vị địa hoàng thang là có công hiệu ngay.
4.2.2 Bổ thận sinh tinh cho nam giới
Nguyên liệu: chuẩn bị 100g thục địa, hoàng tinh; Nhục Thung Dung, kỷ tử, sinh địa, Dâm Dương Hoắc, quy đầu, bắc kỳ, phòng đảng sâm mỗi vị 50g; cam Cúc Hoa 30g; hắc táo nhân, cốt toái bổ, xuyên Ngưu Tất, xuyên Tục Đoạn, Nhân Sâm, Đảng Sâm, lộc giác giao: 40g; Đỗ Trọng 500g, Trần Bì 20g, đại táo 30 quả.
Ngâm rượu dùng để uống hàng ngày.
4.2.3 Trị suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, say xẩm chóng mặt, tinh thần mệt mỏi
Nguyên liệu: Thục địa 16g; Sơn thù 12g, Hoài sơn 12g; Trạch tả 8g, Đan bì 8g, Phục linh 8g, Phụ Tử chế 8g; Nhục Quế 4g. Sắc cùng 400ml nước, đun đến khi còn 100ml, chia làm hai lần dùng trong ngày.
4.2.4 Trị thoái hoá cột sống
Thục địa 30g, nhục thung dung, dâm dương hoắc, kê Huyết Đằng mỗi vị lấy 20g, la bạc tử lấy 10g… Có thể sắc để lấy nước uống hoặc đem tán rồi nặn thành viên uống mỗi ngày đều được.
4.2.5 Trị tăng huyết áp
Thục địa dùng 20g đến 30g mỗi ngày, dùng liên tục trong vòng 14 – 21 ngày.
4.2.6 Trị vô sinh ở nữ
Nguyên liệu: Hoài sơn, thục địa, sơn thù, đơn bì, bạch linh, trạch tả lấy lượng như nhau.
Thục địa đem nấu thành cao, trộn đều với mật. Hỗn hợp Hoài sơn, đơn bì, Bạch Linh và sơn thù đem tán nhuyễn thành bột mịn sau đó trộn vào cùng thục địa và mật ong trước đó. Luyện thành viên nhỏ vừa phải dùng để uống.
Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần từ 5-10gr thuốc đã luyện.
4.2.7 Trị dương minh ôn bệnh
Nguyên liệu: Nguyên sâm, thục địa, mạch môn.
Rửa sạch các nguyên liệu, loại bỏ tạp, bụi bẩn, sau đó đem sắc cùng với khoảng 8 chén nước, đun tới khi còn 3 chén thuốc thì được. Thuốc nên sử dụng khi còn nóng.
Ngoài ra, người bệnh có thể sử dụng các cách khác như thục địa nấu cùng nước sâm, nấu trà Bí Đao hoặc ngâm rượu, có tác dụng giúp giải nhiệt, tiêu khát đồng thời tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
5 Tài liệu tham khảo
1. Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (Xuất bản năm 2004), Sinh địa trang 837 - 841. Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Truy cập ngày 12 tháng 6 năm 2023.
2. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1 (Xuất bản năm 2006), Địa hoàng trang 775 - 781. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam. Truy cập ngày 12 tháng 6 năm 2023.
3. Ru-Xue Zhang , Mao-Xing Li, Zheng-Ping Jia (Ngày đăng: ngày 8 tháng 5 năm 2008). Rehmannia glutinosa: review of botany, chemistry and pharmacology, Pubmed. Truy cập ngày 12 tháng 6 năm 2023.
4. Zhiying Bian và cộng sự (Ngày đăng: ngày 6 tháng 4 năm 2023). Extraction, structure and bioactivities of polysaccharides from Rehmannia glutinosa: A review, Pubmed. Truy cập ngày 12 tháng 6 năm 2023.