Thioridazin
1 sản phẩm
Dược sĩ Nguyễn Trang Dược sĩ lâm sàng - Đại học Dược Hà Nội
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Bài viết biên soạn theo
Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba
Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022
Trang 1571-1573, tải PDF TẠI ĐÂY
THIORIDAZIN
Tên chung quốc tế: Thioridazine.
Mã ATC: N05AC02.
Loại thuốc: Thuốc an thần kinh/thuốc chống loạn thần điển hình.
1 Dạng thuốc và hàm lượng
Viên nén: 10 mg, 25 mg, 50 mg, 100 mg.
2 Dược lực học
Thioridazin là một thuốc chống loạn thần điển hình, dẫn chất piperidin phenothiazin. Thuốc có tác dụng chống loạn thần theo cơ chế ức chế thụ thể dopamin (D2) trên vùng não giữa - hệ viền, làm mất tác dụng của dopamin ở vùng này dẫn đến làm giảm các triệu chứng hoang tưởng, ảo giác của bệnh tâm thần phân liệt. Thuốc có tác dụng an thần gây ngủ trung bình và kháng cholinergic mạnh, nhưng tác dụng ngoại tháp yếu và ít có tác dụng chống nôn. Thioridazin có khả năng gây loạn nhịp tim nặng (xoắn đinh), có thể gây tử vong đột ngột, do đó thioridazin chỉ được sử dụng cho các bệnh nhân tâm thần phân liệt không đáp ứng hoặc không dung nạp với các thuốc an thần kinh khác. Thioridazin còn có tác dụng đối kháng hoạt tính của ion calci. Điều này có thể liên quan đến một số ADR của thuốc trên tim và trên hoạt động tình dục.
3 Dược động học
3.1 Hấp thu
Sau khi uống, thioridazin hấp thu nhanh và hoàn toàn qua Đường tiêu hóa. Thuốc đạt nồng độ đỉnh sau uống 1 giờ.
3.2 Phân bố
Thioridazin phân bố nhiều vào các mô trong đó có TKTW. Thể tích phân bố của thuốc khoảng 17,8 lít/kg. Tỷ lệ liên kết với protein huyết tương của thioridazin và dẫn chất chuyển hóa có hoạt tính khoảng 95%. Thioridazin qua được nhau thai và được bài xuất vào sữa mẹ.
3.3 Chuyển hóa
Thioridazin được chuyển hóa ở gan trước khi thải trừ chủ yếu thông qua CYP2D6. Hai dẫn chất chuyển hóa chính còn hoạt tính là mesoridazin và sulforidazin. Chuyển hóa của thioridazin bị ảnh hưởng bởi hiện tượng đa hình di truyền của CYP2D6.
3.4 Thải trừ
Sau khi uống, nửa đời thải trừ trong huyết tương của thioridazin khoảng 21 - 24 giờ. Thuốc được thải trừ chủ yếu qua thận dưới dạng các chất chuyển hóa.
4 Chỉ định
Điều trị tâm thần phân liệt cho bệnh nhân đã kháng lại hoặc không. Hô hấp: ngạt mũi. dung nạp với các thuốc chống loạn thần khác.
5 Chống chỉ định
Quá mẫn với thioridazin (cần chủ ý quá mẫn chéo với các dẫn chất
phenothiazin khác có thể xảy ra).
Phối hợp đồng thời với các thuốc gây kéo dài khoảng QT, các bệnh nhân có tiền sử loạn nhịp tim hoặc có hội chứng bẩm sinh kéo dài
khoảng QT.
Phối hợp đồng thời với các thuốc ức chế CYP2D6 (fluoxetin, paroxetin, fluvoxamin, Propranolol, pindolol), bệnh nhân có khiếm khuyết di truyền làm giảm hoạt tính của CYP2D6. Bệnh nhân có tăng hoặc hạ huyết áp nặng. Bệnh nhân có hệ TKTW bị ức chế nặng, hôn mê.
6 Thận trọng
Do ADR nghiêm trọng trên tim mạch (gây loạn nhịp tim) nên thioridazin chỉ nên được giới hạn chỉ định cho các bệnh nhân tâm thần phân liệt đã kháng lại hoặc không dung nạp với các thuốc chống loạn thần khác. Việc mở rộng chỉ định cho các rối loạn tâm thần khác đã bị cấm. Ở một số nước trong đó có Anh, các chế phẩm có chứa thioridazin đã bị rút số đăng ký lưu hành.
Bệnh nhân trước khi được điều trị bằng thioridazin phải được đánh giá điện tâm đồ và làm điện giải đồ trong máu. Cần theo dõi chặt điện tâm đồ trước mỗi lần tăng liều, 1 tháng sau khi đạt hiệu quả điều trị tối đa và cứ 6 tháng một lần trong quá trình điều trị duy trì. Cần theo dõi điện giải đồ định kỳ trong quá trình điều trị để kịp thời điều chỉnh nếu có bất thường.
Thận trọng khi sử dụng thioridazin cho người cao tuổi, đặc biệt phụ nữ. Do làm tăng khả năng nhạy cảm với các ADR (tăng tần suất xuất hiện rối loạn vận động muộn, hội chứng an thần kinh ác tính, hạ huyết áp). Bệnh nhân cần được hiệu chỉnh liều với liều thấp nhất có thể khi bắt đầu điều trị.
Thận trọng khi sử dụng thuốc với bệnh nhân có tiền sử ung thư vú do thioridazin làm tăng nồng độ prolactin huyết.
Thận trọng khi sử dụng thuốc cho bệnh nhân động kinh, bệnh nhân có nguy cơ giảm bạch cầu và mất bạch cầu hạt do thuốc có thể làm nặng thêm các tình trạng trên.
Thận trọng khi sử dụng thuốc cho các bệnh nhân cần sự tập trung, tỉnh táo như lái xe, vận hành máy móc do tác dụng an thần của
thioridazin.
7 Thời kỳ mang thai
Trẻ sơ sinh có thể bị hội chứng ngoại tháp, hội chứng cai thuốc khi mẹ dùng thuốc ở những tháng cuối thai kỳ. Thuốc có thể gây kích thích, run, giảm trương lực, khó bú, suy hô hấp cho trẻ. Không khuyến cáo dùng thioridazin cho người mang thai, trừ khi lợi ích đối với mẹ vượt trội nguy cơ tiềm ẩn đối với thai nhi.
8 Thời kỳ cho con bú
Cần tránh không sử dụng thioridazin cho phụ nữ đang cho con bú hoặc không cho con bú khi bắt buộc phải điều trị cho mẹ.
9 Tác dụng không mong muốn (ADR)
9.1 ADR thông thường
Tim mạch: hạ huyết áp, tụt huyết áp thế đứng.
Da: toát mồ hôi, viêm da, ban da, tăng nhạy cảm với ánh sáng. Tiêu hóa: khô miệng, táo bón.
TKTW: chóng mặt, bồ chồn bất an, loạn trương lực cơ cấp, hội chứng ngoại tháp, ngủ gà, hội chứng giống Parkinson, rối loạn vận động muộn.
Mắt: nhìn mờ, bệnh sừng hóa biểu mô giác mạc, bệnh sắc tố võng mạc.
Thận: bí tiểu.
Hô hấp: ngạt mũi.
9.2 ADR nghiêm trọng
Tim mạch: kéo dài khoảng QT, đột tử do ngừng tim, xoắn đinh. Tiêu hóa: táo bón, liệt ruột.
Huyết học: mất bạch cầu hạt, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu. Gan: vàng da tắc mật.
Miễn dịch: Lupus ban đỏ hệ thống.
TKTW mất điều hòa thân nhiệt, hội chứng an thần kinh ác tính, cơn động kinh.
Sinh sản: cương dương kéo dài.
Khác: tử vong.
9.3 Hướng dẫn cách xử trí ADR
Với liều khuyến cáo, ADR của thioridazin thường nhẹ và thoáng qua. Độc tính với tim liên quan đến liều dùng. Tuy nhiên kéo dài khoảng QT và tử vong đột ngột đôi khi xảy ra ở liều thường dùng. Ngừng thuốc ngay trong trường hợp xuất hiện bất thường trên điện tâm đồ (kéo dài khoảng QT, loạn nhịp, xoắn đỉnh) và điều trị tích cực các rối loạn nhịp tim này.
Ngừng thuốc trong trường hợp xuất hiện các biểu hiện của hội chứng an thần kinh ác tính. Điều trị hỗ trợ tích cực và theo dõi chặt bệnh nhân. Cần thận trọng khi sử dụng lại thioridazin cho bệnh nhân sau khi xuất hiện hội chứng an thần kinh ác tính. Nên lựa chọn các thuốc ít gây hội chứng này hơn và cần tăng liều từ từ cho bệnh nhân.
Ngừng thuốc hoặc giảm liều thioridazin nếu xuất hiện rối loạn vận động muộn trong quá trình sử dụng thuốc.
10 Liều lượng và cách dùng
10.1 Cách dùng
Liều dùng của thioridazin phải được hiệu chỉnh thận trọng trên từng người bệnh và sử dụng liều thấp nhất có hiệu quả.
10.2 Liều lượng
Điều trị tâm thần phân liệt ở người bệnh kháng lại hoặc không dung nạp với các thuốc chống loạn thần khác.
Người lớn: Khởi đầu, uống 50 - 100 mg/lần, ngày 3 lần. Tăng từ từ liều đến liều tối đa 800 mg/ngày, chia làm 2 - 4 lần. Liều tăng không quá 100 mg/tuần.
Khi đã kiểm soát được các triệu chứng, giảm liều từ từ để xác định liều tối thiểu duy trì (dao động từ 200 - 800 mg/ngày, chia làm 2 - 4 lần).
Trẻ em từ 2 - 18 tuổi: Khởi đầu, uống 0,5 mg/kg/ngày, chia làm nhiều lần. Tăng từ từ liều đến liều tối đa 3 mg/kg/ngày.
Khi cần dừng thioridazin, cần giảm liều từ từ trong vòng 1 - 2 tuần để tránh xuất hiện hội chứng cai thuốc.
Độ an toàn và hiệu quả của thioridazin chưa được xác lập ở bệnh nhân dưới 2 tuổi.
Bệnh nhân suy gan, suy thận: Không cần hiệu chỉnh liều.
11 Tương tác thuốc
11.1 Các thuốc tránh không nên phối hợp
Không phối hợp thioridazin với các thuốc có nguy cơ kéo dài khoảng QT trên điện tâm đồ (cisaprid, gemifloxacin, fluvoxamin, grepafloxacin, iopamidol, dolasetron, Moxifloxacin, procainamid, sunitinib, các thuốc chống loạn nhịp nhóm III, halofantrin, terfenadin, droperidol, moricizin, cloroquin, các thuốc chống trầm cảm 3 vòng, enfluoran, astemisol, bepridil, halothan, zolmitriptan, quinidin, probucol, Gatifloxacin, mefloquin, Levofloxacin, Ondansetron, foscanet, isofluran, Sparfloxacin) do tăng nguy cơ độc tính trên tim (kéo dài khoảng QT, xoắn đỉnh, ngừng tim); với metoclopramid do tăng nguy cơ xuất hiện hội chứng ngoại tháp, với các thuốc ức chế chuyển hóa của thioridazin (roxithromycin, fluoxetin, paroxetin, pindolol, propranolol, methadon, saquinavir, ritonavir) do tăng độc tính của thioridazin.
11.2 Các thuốc cần thận trọng khi phối hợp
Làm tăng tác dụng và độc tỉnh của thioridazin: Dùng đồng thời với rượu, các thuốc ức chế acetyl cholinesterase làm tăng tác dụng ức chế TKTW của thioridazin.
Làm giảm tác dụng của thioridazin: antacid, các chế phẩm có chứa lithi.
Làm tăng tác dụng và độc tinh của một số thuốc khác: Thioridazin làm tăng tác dụng của các thuốc kháng cholinergic, làm tăng tác dụng hạ áp của các thuốc chống tăng huyết áp, tăng tác dụng ức chế TKTW của rượu, các thuốc giảm đau opioid và các thuốc ức chế TKTW khác. Thioridazin còn có thể làm tăng tác dụng của các thuốc khác là cơ chất của CYP2D6 như Tamoxifen, ziprasidon do cạnh tranh chuyển hóa với các thuốc này qua trung gian CYP2D6. Làm giảm tác dụng và độc tính của một số thuốc khác: Thioridazin có thể làm giảm tác dụng của các thuốc điều trị Parkinson.
12 Tương kỵ
Dung dịch uống chứa thioridazin có tương kỵ làm giảm Sinh khả dụng khi trộn lẫn với dung dịch chứa carbamazepin do vậy không nên dùng đồng thời hai dung dịch này.
13 Quá liều và xử trí
13.1 Triệu chứng
Thường gặp: nhịp tim nhanh, ngủ gà, kéo dài khoảng QT và phức hợp QRS trên điện tâm đồ, (Blốc) nhĩ thất, kháng cholinergic, giãn đồng tử, các triệu chứng ngoại tháp, co cứng cơ, tăng tiết nước bọt, suy giảm ý thức từ mức độ an thần cho đến hôn mê. Đôi khi có xuất hiện ngừng tim phổi, loạn nhịp thất (bao gồm cả xoắn đỉnh), hội chứng an thần kinh ác tính, ức chế hô hấp, phù phổi, động kinh, hạ huyết áp.
13.2 Xử trí
Chưa có thuốc giải độc đặc hiệu. Biện pháp giải độc chủ yếu là điều trị triệu chứng, chăm sóc hỗ trợ, theo dõi chức năng tim mạch và các dấu hiệu sinh tồn. Rửa dạ dày cùng với uống than hoạt để loại bỏ và ngăn cản hấp thu phần thuốc còn lưu lại trong đường tiêu hóa. Duy trì thông khí hỗ trợ và liệu pháp oxygen. Điều trị tụt huyết áp và trụy tuần hoàn cho bệnh nhân. Cân nhắc dùng máy tạo nhịp, khử rung, truyền tĩnh mạch magnesi sulfat, lidocain, Phenytoin hoặc isoproterenol, đồng thời điều chỉnh cân bằng điện giải và toan - kiềm (truyền dung dịch bicarbonat) khi có xuất hiện loạn nhịp. Điều chỉnh hạ huyết áp bằng truyền dung dịch muối đẳng trương, nếu cần bổ sung thêm các thuốc kích thích thụ thể alpha đơn thuần như phenylephrin, metaraminol hoặc levarterenol. Kiểm soát cơn động kinh bằng các dẫn chất benzodiazepin, barbiturat hoặc Propofol.
Cập nhật lần cuối: 2017.
14 Sản phẩm có chứa hoạt chất Thioridazin