Thảo Quyết Minh (Senna tora)
62 sản phẩm
Dược sĩ Tăng Uyên Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Thảo quyết minh được biết đến khá phổ biến với công dụng hỗ trợ điều trị trĩ và bệnh về mắt. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Thảo quyết minh.
1 Giới thiệu về cây Thảo quyết minh
Thảo Quyết Minh còn có tên gọi khác là Muồng lạc, Đậu ma, Muồng ngủ, Muồng hôi, Muồng đồng tiền, mọc ở vùng thấp cho tới độ cao 1000m, những nơi đất hoang trên đồi, trên các trảng, ven các đường đi.
Tên khoa học của Thảo quyết minh là Senna tora (L.) Roxb., thuộc họ Đậu (Fabaceae).
1.1 Đặc điểm thực vật
Cây thân thảo hay cây nhỡ thấp, cao 30-90cm, lên tới 1m; thân cành nhẵn. Lá kép lông chim, mọc so le, có trục 2-3cm, có một tuyến hình mũi dùi dài 2mm giữa 2 đôi lá chét dưới; cuống lá 1-4cm. Lá chét 3 đôi, có cuống ngắn, dạng màng, hình trái xoan ngược, mọc đối, dài 2-5cm, rộng 1,5-2cm, đầu tròn rộng, gốc tròn hẹp, hai mặt nhẵn có gân nổi rõ, màu lục nhạt.
Cụm hoa chùm ở nách lá, ngắn, với 1-3 hoa; đài 5 thùy không bằng nhau. Hoa có cuống dài 4-10mm; lá đài gần bằng nhau, hình trái xoan; 5 cánh hoa vàng, không đều nhau, hình trái xoan ngược; nhị sinh sản 7, gần đều nhau, bao phấn hình 4 cạnh, chỉ nhị ngắn, nhị lép 3; bầu không cuống, có lông mịn rậm. Quả đậu hẹp, hình trụ, cong nhiều hay ít, dài 10-15cm, rộng 5mm, thắt lại ở 2 đầu; chứa 20-30 hạt hình thoi, nhẵn bóng, màu nâu vàng, to 5mm. Mùa hoa vào tháng 6-8, mùa quả vào tháng 9-11.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Hạt, thường gọi là Quyết minh tử; thân, rễ cũng được dùng.
Thu hái quả vào cuối thu, phơi khô, đập lấy hạt. Thân, rễ dùng tươi, thu hái quanh năm.
1.3 Đặc điểm phân bố
Tại Việt Nam, cây có khắp nơi từ bắc vào nam. Cây có nguồn gốc Trung và Nam Mỹ, hiện mọc hoang ở hầu hết các vùng nhiệt đới.
2 Thành phần hóa học
Nhiều tác giả đã báo cáo rằng các bộ phận khác nhau của cây chứa các thành phần khác nhau. Lá của cây chứa Emodin, tricontain-1-ol, stigmasterol, β-sitosterol-β-D-glucoside, succinic acid, tartaric acid, uridine, quercetin, isoquercitin. Ngoài ra lá & hạt còn chứa các anthraquinon như chrysophanol, physcion, emodin, rhein, obtusifolin, obtusin, chyrso-obtusin, rubrofusarin, aurantio-obtusin, chysophanic acid-9-anthrone. Từ chiết xuất hạt, các phenolic glycoside như triglucoside, norrubrofusarin, gentiobioside torachysone, toralactone và alaterinin đã được phân lập. Chiết xuất hòa tan trong butanol của hạt cây có chứa 3 naphthopyrone glucosides, bao gồm cassia side, rubrofusarin-6-o-β-gentiobioside và toralactone-9-o-β-D-gentiobioside. Chiết xuất hạt cũng đã chứng minh sự hiện diện của dẫn xuất anthraquinone như 1-desmethylaurantio-obtusin và 1-desmethylchryso-obtusin.
Gôm được chiết xuất từ hạt của cây chứa 70% cao polysaccharide có chuỗi lót 1,4-β-D-mannopyarnose liên kết với đơn vị α-D-galactopyranose được liên kết 1,6. Thành phần cúa saccharide là mannose (78-79%), galactose(16-17%) và glucose(7.5-8%).
Lá cũng được đánh giá để tìm ra hàm lượng dinh dưỡng gần đúng, thành phần axit amin và một số nguyên tố khoáng đặc biệt. Kết quả cho thấy sự hiện diện của 11,25% protein thô, 28,00% protein sợi thô. 17 axit amin cũng được tìm thấy có mặt trong dịch chiết. Các nguyên tố khác nhau là Ca, Fe, Na, Mg, Mn, Co, K…
== >> Mời bạn đọc tham khảo vị thuốc cùng công dụng: Cây Hòe - Vị thuốc cầm máu, giải nhiệt, hạ đường huyết hiệu quả
3 Tác dụng - Công dụng của Thảo quyết minh
3.1 Tác dụng dược lý
3.1.1 Kháng nấm, kháng khuẩn
Thành phần kháng nấm chính được xác định là Chrysophanic acid-9-anthrone. Hợp chất này đã ngăn chặn sự phát triển của Trichophyton rubrum, T.mentagrophytes, Microsporum canis, M.gypseum, và Geotrichum candum. Trong một nghiên cứu, chiết xuất Ethanol của hạt cho thấy sự ức chế sự phát triển của C.albicans. Dịch chiết ethanol và nước từ lá có hoạt tính kháng khuẩn trong vùng ức chế ở liều 0,15 mg và 0,3 mg tương ứng. Chiết xuất cho thấy hoạt tính kháng khuẩn rõ rệt khi so sánh với thuốc tham chiếu tiêu chuẩn Ciprofloxacin.
3.1.2 Bảo vệ gan, giảm mỡ máu
Trong một nghiên cứu thực nghiệm, tổn thương gan do carbon tetrachloride gây ra ở chuột bạch tạng đã giảm khi dùng chiết xuất lá đường uống với liều 100-600 mg/kg trọng lượng cơ thể. Nghiên cứu cho thấy chiết xuất đã làm tăng mức độ SGPT, SGOT, ALP và sản xuất melanoaldehyde.
Trong một nghiên cứu khác, chiết xuất hạt làm giảm mức cholesterol toàn phần trong huyết thanh lần lượt là 40,04, 40,55 và 70,25%.
3.1.3 Chống viêm, giảm đau
Chiết xuất ethanol của lá cho thấy tác dụng chữa lành vết thương trong mô hình do cắt bỏ trên chuột và quan sát thấy rằng khả năng co lại vết thương của chiết xuất cao hơn so với nhóm đối chứng (dạng thuốc mỡ) và có thể so sánh với thuốc mỡ Nitrofurazone tiêu chuẩn. Do đó chiết xuất ethanol cho thấy hoạt động chống viêm tốt. Chiết xuất methanol của lá cây làm giảm phản ứng đau ở chuột một cách hiệu quả với giá trị LD50 ở chuột là hơn 1800 mg/kg.
3.1.4 Chống tiểu đường
Trong một nghiên cứu, việc sàng lọc thuốc trị đái tháo đường đối với chiết xuất metanol của hạt Thảo quyết minh sử dụng liều duy nhất và điều trị kéo dài ở chuột bạch tạng mắc bệnh tiểu đường thông thường và do alloxan gây ra đã được đánh giá. Người ta quan sát thấy rằng khi chiết xuất methanol được dùng ở liều 50,100 và 200 mg/kg thể trọng bằng đường uống, hiệu quả điều trị đái tháo đường là tốt ở nhóm điều trị thông thường, cấp tính và kéo dài, đặc biệt là ở liều 200 mg/kg thể trọng. Nghiên cứu được thực hiện bằng cách sử dụng thuốc tiêu chuẩn Glibenclamide.
3.1.5 Chống oxy hóa
Trong một nghiên cứu, người ta đã chứng minh rằng chiết xuất nước và methanol của hạt cho thấy tác dụng chống oxy hóa đối với quá trình peroxy hóa axit linoleic. Khi so sánh với α-tocopherol, chiết xuất methanolic đã chứng minh tác dụng chống oxy hóa mạnh nhưng yếu hơn so với hydroxyanisole butylated. Được phát hiện là do chứa 1,3,8-trihydroxy-6-methyl-9,10-anthracene dione.
== >> Mời bạn xem thêm dược liệu: Cây sáng mắt - Duy trì thị lực, giảm triệu chứng hô hấp
3.2 Hạt Thảo quyết minh có tác dụng gì?
Hạt tươi có vị nhạt hơi đắng, có chất nhầy; hạt sao qua có tính hơi hàn, vị ngọt, đắng, mặn, quy vào kinh can, thận, có tác dụng thanh can hỏa, trừ phong nhiệt, minh mục, ích thận, an thần, lợi tiểu, nhuận tràng.
Trong đông y, Thảo quyết minh được dùng trong trị viêm kết mạc cấp, loét giác mạc, quáng gà, tăng nhãn áp; tăng huyết áp; xơ gan cổ trướng, viêm gan; táo bón thường xuyên; trẻ hấp thu kém, suy dinh dưỡng. Dùng ngoài trị côn trùng đốt, rắn cắn, mụn nhọt, hắc lào.
4 Cách dùng và các bài thuốc từ cây Thảo quyết minh
4.1 Cách dùng của Thảo quyết minh
Thường dùng Thảo quyết minh sao vàng: Liều dùng 5-10g sắc nước uống, có thể dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác. Cũng có thể dùng 10-15g hạt sao nhỏ lửa tới khi có mùi thơm, lấy ra để nguội, sắc uống. Đây cũng là cách dùng trà Thảo quyết minh giảm cân, nhờ tác dụng giảm mỡ máu của nó.
4.2 Tác dụng phụ của Thảo quyết minh
Dùng nhiều dễ gây đi lỏng và kém tiêu, khi thấy có dấu hiệu này cần ngưng dùng. Không dùng cho người bị tiêu chảy.
4.3 Bài thuốc
4.3.1 Trị bệnh về mắt
Viêm kết mạc cấp, mắt đỏ đau, chảy nước mắt nhiều, sợ ánh sáng: Quyết minh tử, dã Cúc Hoa mỗi vị 9g, mạn kinh tử, Mộc Tặc mỗi vị 6g. Sắc uống.
Chữa đau mắt, mắt mờ, hoa mắt, đau lưng chuột rút: Quyết minh tử 20g, Huyền Sâm, Sinh Địa mỗi vị 12g. Sắc uống.
Chữa viêm giác mạc cấp: Quyết minh tử, hạt cúc hoa mỗi vị 10g, quả quan âm, mộc tặc mỗi vị 5g. Sắc uống.
Viêm võng mạc: Quyết minh tử, vong nguyệt sa, dạ minh sa mỗi vị 10g, Cam Thảo 6g, hồng táo 5 quả. Sắc uống.
4.3.2 Trị bệnh khác
Chữa huyết áp cao, đau đầu: Quyết minh tử 15g, xay và tán thành bột, thêm đường, hòa với nước đun sôi. Liều dùng 3g, ngày uống 3 lần.
Chữa khó ngủ, ngủ hay mê, tim hồi hộp, huyết áp cao: Quyết minh tử 20g, Mạch Môn 15g, Liên Nhục sao 6g. Sắc uống.
Chữa xuất huyết dưới da, đi ngoài ra máu, lỵ, trĩ táo ra máu, dự phòng xuất huyết não: Quyết minh tử sao, Hoa Hòe mỗi vị 10g sắc uống. Hoặc 2 vị đồng lượng, sao, tán bột, uống mỗi lần 2-7g, ngày uống 3 lần; dự phòng thì ngày uống 10-12g.
Hắc lào: Lá Thảo quyết minh 20g. Ngâm với 40-50ml rượu và 5ml giấm trong 10 ngày, dùng bôi mỗi ngày.
5 Tài liệu tham khảo
1. Tác giả Võ Văn Chi (Xuất bản năm 2021). Muồng ngủ trang 175-176, Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 2. Truy cập ngày 19 tháng 4 năm 2023.
2. Chủ biên Trần Hùng (Xuất bản năm 2021). Thảo quyết minh trang 277, Nhận thức cây thuốc và dược liệu. Truy cập ngày 19 tháng 4 năm 2023.