Thành Ngạnh (Cratoxylon prunifolium Dyer)
8 sản phẩm
Dược sĩ Thanh Huyền Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Thành ngạnh là vị thuốc có công dụng thanh nhiệt, lợi tiêu hóa, giải độc... Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin về vị thuốc Thành ngạnh.
1 Giới thiệu về cây Thành ngạnh
Thành Ngạnh có tên khác là lành ngạnh, cây đỏ ngọn, ngành ngạnh, vàng la, cúc lương, hoàng ngưu trà hay voòng a mộc, may tiên, ti u...
Danh pháp khoa học: Cratoxylon prunifolium Dyer, thuộc ho Ban - Hypericaceae
1.1 Cây thành ngạnh có mấy loại?
Dựa vào hình thái, có thể chia thành ngạnh thành 3 loại: Thành ngạnh đỏ có phần lá non màu đỏ - hay dùng loại này làm thuốc, cây thành ngạnh bonsai thường dùng làm cảnh, và cây thành ngạnh cổ thụ to, sống lâu năm trong rừng thường để lấy gỗ
1.2 Cách nhận biết cây thành ngạnh
Cây thường nhỏ, có gai ở gốc, trong tự nhiên có thể có những cây to, cho gỗ, cao tới 6 - 12 m. Cành non có lông tơ, dần dần lớn lên có màu tro, nhẵn.
Cây còn có tên khác là Đỏ Ngọn do thân phần ngọn non có màu đỏ là màu của lông tơ
Lá hình bầu dục hay hình mác, mọc đối, dài 12-13 cm, rộng 35-40 mm, cuống ngắn chỉ 3-5mm, mặt trên lá có lông nhỏ, lá non có lông tơ và có màu đỏ giống màu ngọn ngon
Hoa mọc trên những cành ngắn, có lông, màu hồng nhạt; nhị nhiều; bầu hoa hình nón.
Quả nang, chiều dài 15 mm, rộng 7-8 mm. Hạt hình trứng có chiều dài 6 mm và chiều rộng 3 mm.
Rễ cọc, có thể dài tới hơn 1m
1.3 Vi phẫu
Gân lá: Mặt trên lõm, mặt dưới lồi. Biểu bì trên và biểu bì dưới gồm 1 hàng tế bào thành dày mang lông che chở đa bao. Libe-gỗ xếp thành hình cung sát mô mềm.Mô mềm gồm các tế bào hình đa giác, thành mỏng. Bao quanh bó libe-gỗ là các bó sợi xếp thành hình vòng cung. Nhiều tinh thể calci oxalat hình cầu gai rải rác trong mô mềm.
Phiến lá: Biểu bì trên và biểu bì dưới gồm 1 hàng tế bào mang nhiều lông che chở đa bào. Mô giậu gồm 1 lớp tế bào hình chữ nhật, xếp vuông góc với biểu bì.
1.4 Phân bố, sinh thái
Cây mọc hoang ở các tỉnh miền Bắc, trên đồi trọc ở những vùng trung du, đồi núi thấp (dưới 600m). Ngoài ra, cây còn tìm thấy ở Campuchia, Thái Lan, Lào, Indonesia...
Cây có tính chất chịu hạn tốt, khả năng tái sinh cây chồi lớn, ưa sáng, do có bộ rễ cọc dài, khỏe nên có thể phát triển ở trên những vùng đất ít màu mỡ, khô cằn
Tháng 5 đến tháng 7 hàng năm là mùa hoa quả.
1.5 Bộ phận sử dụng
Lá: dùng để pha trà và làm thuốc và có thể dùng tươi hay ủ rồi phơi khô trước khi dùng
Ngoài ra, vỏ thân và rễ ngành ngạnh cũng được sử dụng
2 Thành phần hóa học
Từ lâu, tanin và Flavonoid đã được tìm thấy trong thành ngạnh. Các nghiên cứu sau đó đã xác định trong lá thành ngạnh có quercetin hyperosid, 1,3,6,7 tetrahydroxyxanthon, Mangiferin và isomangiferin
Trong một thử nghiệm, đã chiết xuất được catechin bằng chất lỏng siêu tới hạn bao gồm epigallocatechin-3-O-gallate (EGCG) và epicatechin-3-O-gallate (ECG) từ Cratoxylum prunifolium Dyer
3 Tác dụng của cây thành ngạnh
3.1 Tác dụng dược lý
Tác dụng của cây đỏ ngọn là chống oxy hóa, giúp bảo vệ tế bào, ngăn ngừa xơ vữa động mạch. Cao thành ngạnh có tác dụng hoạt hóa hệ thần kinh thực vật và dịch chiết ngành ngạnh làm tăng khả năng thành lập phản xạ có điều kiện
3.2 Công dụng
Tính vị, công năng: Thành ngạnh vị đắng chát, tính mát có tác dụng giải độc, thanh nhiệt, kích thích tiêu hoá, rau ngành ngạnh ăn ngon
Theo y học dân gian: Phụ nữ sau sinh dùng mỗi ngày 15-30g lá uống giúp ăn ngon, nếu kết hợp với thanh cao hoa vàng làm hạ sốt, trị mồ hôi trộm. Thành ngành còn dùng chữa cảm sốt, viêm ruột, ho mất tiếng, uống nước sắc lá hay vỏ cây.
Ở Trung Quốc, dùng thành ngạnh trị cảm nắng, vàng da, viêm dạ dày ruột cấp...
Ở Ấn Độ, nước sắc vỏ cây chữa đau bụng, bôi Nhựa vỏ cây để giảm ngứa
4 Mua cây thành ngạnh ở đâu?
Bạn có thể tham khảo các trang web uy tín để lựa chọn.
Dưới đây là một số trang web mà khi tìm kiếm, bạn có thể dễ dàng mua cây thành ngạnh như: thaoduochcm.com, thegioithuocnam.vn, thaoduocthanhbinh.com...
5 Bài thuốc có thành ngạnh
5.1 Chữa bí tiểu
Dùng 20g thành ngạnh, 10g thân rễ mía dò, xắt nhỏ, đun với 400ml nước khi còn 100ml lấy uống 2 lần mỗi ngày
5.2 Chữa lỵ, phòng cảm nắng
Dùng lượng vừa đủ lá non, sắc uống thay nước chè
5.3 Chữa bỏng
Dùng lá giã nát, trộn với nước vo gạo đặc, đắp lên vết bỏng
5.4 Chữa vết thương
Dùng bột mịn chứa 60g ngọn non thành ngạnh, 50g cỏ nhọ nồi, 40g vôi bột, 30g hạt cau già, rắc lên vết thương đã phủ gạc mỏng
6 Tài liệu tham khảo
- Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2 (Xuất bản năm 2006). Lành ngạnh trang 145-147, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập 2. Truy cập ngày 13 tháng 06 năm 2023.
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (Xuất bản năm 2004). Lành ngạnh trang 408-409, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Truy cập ngày 13 tháng 06 năm 2023.
- Dược Điển Việt Nam 5 tập 2 (Xuất bản năm 2017). Chuyên luận Dược liệu: Ngành ngạnh (lá) trang 1263 - 1264, Dược điển Việt Nam 5 tập 2. Truy cập ngày 13 tháng 06 năm 2023.
- Tác giả: X L Cao và cộng sự (Ngày đăng: năm 2000). Supercritical fluid extraction of catechins from Cratoxylum prunifolium dyer and subsequent purification by high-speed counter-current chromatography, Pubmed. Truy cập ngày 13 tháng 06 năm 2023