Thạch Tùng Răng Cưa (Lycopodium serratum)
12 sản phẩm
Dược sĩ Tăng Uyên Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Thạch tùng răng cưa được sử dụng rộng rãi bởi công dụng bảo vệ thần kinh. Vậy, vị thuốc này có tác dụng gì? Và sử dụng Thạch tùng răng cưa thế nào mang lại hiệu quả tối ưu nhất? Mời quý bạn đọc tìm hiểu trong bài viết sau đây.
1 Giới thiệu về cây Thạch tùng răng cưa
Thạch Tùng răng cưa hay còn được gọi là Thạch tùng răng, Chân sói. Tên khoa học Thạch tùng răng cưa là Lycopodium serratum Thunb. (Huperzia serrata (Thunb.) Trevis.), thuộc họ Thông đất (Lycopodiaceae).
Cây thường mọc thành từng đám nhỏ trên đất hay gốc cây có nhiều rêu trong rừng rậm thường xanh, trên đất ẩm có tầng dày và nhiều mùn, ở độ cao 300-1800m.
1.1 Đặc điểm thực vật
Cây mọc trên đất. Thân mọc đứng cao 15-40cm, đơn hay lưỡng phân 1-2 lần, đường kính khoảng 2mm, hình trụ. Lá hình bầu dục đến hình mũi mác, dài 15mm, rộng 3mm, khá mỏng, gân giữa nổi rõ, mép có răng cưa. Túi bào tử mọc ở nách nhánh lá giống lá thường. Túi bào tử hình thận, màu vàng tươi.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Toàn cây.
Thu hái quanh năm, rửa sạch, dùng tươi hoặc phơi khô.
1.3 Đặc điểm phân bố
Tại Việt Nam, cây có ở Lào Cai, Hà Nội, Cao Bằng, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Kon Tum, Lâm Đồng, Ninh Thuận. Ngoài ra còn có ở Xakhalin, Nam Nhật Bản, Triều Tiên, Nepan tới Úc.
2 Thành phần hóa học
Chủ yếu là alkaloid với hai lớp chính:
- Lớp lycopodine: Ví dụ như huperzines E, F, G, O và Y1-Y3.
- Lớp lycodine: Lycodine, Hup A-B, trong đó A là trọng tâm chính của nhiều nghiên cứu liên quan đến các hoạt động sinh học liên quan tới chứng Alzheimer.
Ngoài ra còn có các hợp chất trong bảng dưới:
Bộ phận | Thành phần |
Toàn cây | Lucidioline, Lycoposerramine, Serratezomine C, Serratidine, 4α,6α-Dihydroxyserratidine, 4α-Hydroxyserratidine, 6α-Hydroxyserratidine, 6α-Hydroxy-5,15-oxide-lycopodane, Miyoshianine B, Lycoposerramine O, 12-deoxyhuperzine O, Huperserine A-E, Huperzinine, N-methyl-huperzine B, Lycothunine, Dihydrolycopoclavamine A, Fawcettimine, N-Formyllycoposerramine T, N-Methyllycoposerramine T, Serratezomine A-B, Serratinine, Serratine, Macleanine… |
Lá, thân | Serratenediol |
Khác | N,N-dimethylhuperzine A, 8-Deoxyserratinine… |
==>> Mời bạn đọc tham khảo vị thuốc cùng công dụng: Cây Thông đất - Vị thuốc cải thiện trí nhớ, bổ thần kinh
3 Tác dụng - Công dụng của cây Thạch tùng răng cưa
3.1 Tác dụng dược lý
3.1.1 Chống bệnh Alzheimer (AD) nhờ hoạt tính kháng Acetylcholinesterase (AChE)
Trước năm 2000, nhiều thử nghiệm ức chế cholinesterase đã chỉ ra rằng Hup A là chất ức chế AChE chọn lọc nhất, mặc dù hoạt tính của nó không phải là mạnh nhất trong ống nghiệm. Trái ngược với sự ức chế AChE trong ống nghiệm, tác dụng ức chế tương đối của Hup A đường uống đối với AChE vỏ não được phát hiện lần lượt là mạnh gấp khoảng 24 lần và 180 lần về mặt phân tử so với donepezil và tacrine. Ngoài ra, Hup A được tiêm trong màng bụng có tác dụng ức chế AChE tương tự ở chuột như đã quan sát thấy sau khi uống. Nhìn chung, Hup A là một chất ức chế AChE mạnh, có thể đảo ngược và chọn lọc, đã được phê duyệt là thuốc điều trị AD ở Trung Quốc và được bán trên thị trường Hoa Kỳ dưới dạng thực phẩm bổ sung. Ngoài ra, Hup A hiện được sử dụng để ngăn ngừa ngộ độc phospho hữu cơ và trên lâm sàng để điều trị bệnh nhược cơ do hoạt tính ức chế AChE của nó.
3.1.2 Chống khối u
Chiết xuất Ethanol của Thạch tùng răng cưa có thể làm giảm khả năng chữa lành vết thương của u thần kinh đệm C6 được điều trị bằng LPS. Nó cũng chỉ ra rằng có liên quan đến các cơ chế thu thập và ức chế biểu hiện ma trận metallicoproteinase-9 (MMP-9) của ROS.
Ở liều 100 μg/ml, Thạch tùng răng cưa gây ra quá trình chết theo chương trình của tế bào SK-Hep1 (75,7%), HT-29 (71,7%), A549 (53,8%) và HL-60 (89,2%). Trong số này, các tế bào HL-60 rất nhạy cảm với sự ức chế tăng trưởng và quá trình chết theo chương trình do Thạch tùng răng cưa gây ra.
3.1.3 Tác dụng khác
Dịch chiết ethanol hoặc nước của Thạch tùng răng cưa cho thấy một số hoạt động chống bệnh tiểu đường và chữa lành vết thương. Tuy nhiên, những nghiên cứu còn quá sơ bộ và mắc phải những thiếu sót thực nghiệm quan trọng, cần có nghiên cứu đầy đủ hơn.
==>> Mời bạn đọc xem thêm dược liệu: Cây Thông cùng công dụng chữa ho hen, trị mụn nhọt, lở loét
3.2 Công dụng theo y học cổ truyền
Tính vị, tác dụng: Thạch tùng răng cưa có tính bình, vị đắng, hơi ngọt, có tác dụng hoạt huyết tán ứ, thoái nhiệt, chỉ huyết, tiêu thũng giải độc, gây mê, giảm đau.
Công dụng: Trong đông y, Thạch tùng răng cưa thường được dùng trị đòn ngã tổn thương, vết thâm tím sưng đau; nôn ra máu, tiểu máu, trĩ chảy máu. Ở Vân Nam (Trung Quốc) còn dùng trị viêm phổi, phế ung, lao thương thổ huyết, thũng độc.
4 Cách dùng và bài thuốc từ Thạch tùng
4.1 Cách dùng
Liều dùng 3-10g dưới dạng thuốc sắc. Dùng ngoài trị đinh nhọt, viêm mủ da, rắn cắn, bỏng, cháy da: Giã cây tươi đắp ngoài.
Lưu ý: Không dùng cho phụ nữ có thai.
4.2 Bài thuốc
4.2.1 Trị đòn ngã tổn thương
Dùng Thạch tùng răng cưa 16g sắc uống, đồng thời giã cây tươi đắp ngoài chỗ đau.
4.2.2 Trị đinh nhọt và viêm mủ da
Nguyên liệu: Thạch tùng răng cưa, bán biên liên, tử hoa địa đinh, vẩy rồng, đồng lượng, đều tươi.
Cách làm: Rửa sạch, giã nát, thêm giấm rồi đắp lên phần bị đau, viêm.
5 Tài liệu tham khảo
1. Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 2, tác giả Võ Văn Chi, Nhà xuất bản y học (Xuất bản năm 2021). Thạch tùng răng trang 813, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 2. Truy cập ngày 5 tháng 5 năm 2023.
2. Tác giả Bo Wang, Canyuan Guan, Qiang Fu (Ngày đăng 10 tháng 3 năm 2021). The traditional uses, secondary metabolites, and pharmacology of Lycopodium species, Springer Link. Truy cập ngày 5 tháng 5 năm 2023.