Thạch Hộc (Dendrobium nobile Lindl.)
20 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Linh Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Monocots (Thực vật một lá mầm) |
Bộ(ordo) | Asparagales (Thiên môn đông) |
Họ(familia) | Orchidaceae (Lan) |
Chi(genus) | Dendrobium |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Dendrobium nobile Lindl. |
Thạch hộc được biết đến khá phổ biến với công dụng chữa ho khan, khô cổ, háo người, nam giới bị đau lưng mỏi gối hoặc thiếu sinh lực. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Thạch hộc.
1 Giới thiệu
Cây Thạch hộc, hay còn gọi là Kẹp thảo, Hoàng thảo dẹt, Kim thoa hoàng thảo, Hoàng thảo cẳng gà, Huỳnh thảo, tên Thái là Co vàng sào, có tên khoa học là Dendrobium nobile Lindl., thuộc họ Lan (Orchidaceae).
Theo cuốn sách Thần nông bản thảo kinh có viết: Thạch hộc là thân của thạch hộc kim thoa và các loại thực vật cùng loài, là thực vật thân cỏ sống lâu năm, thuộc họ Lan - Orchidaceae. Cây sinh sống ở trong núi sâu, trên vách núi đá. Người hái thuốc phải treo mình trên vách đá mới hái được.
1.1 Đặc điểm thực vật
Thạch Hộc sống phụ sinh trên các cây cao. Thân của nó mọc thẳng, cao khoảng từ 0,3 đến 0,6 mét, dẹt và phía trên hơi dày hơn. Trên thân, có đốt dài từ 2,5 đến 3 cm và có vân dọc. Lá của Thạch hộc hình dạng thuôn dài và gần như không có cuống. Cụm hoa mọc thành chùm, các hoa to và đẹp, màu hồng hoặc có điểm hồng. Cánh môi của hoa cuộn thành hình phễu và có điểm màu tía ở phần nơi họng hoa.
1.2 Thu hái và chế biến
Các loài thuộc chi Dendrobium được sử dụng trong y học như một loại dược liệu, được gọi là Herba Dendrobii. Thạch hộc được hái về và sau đó loại bỏ các rễ con và lá trước khi phơi hay sấy khô. Khi sử dụng, thạch hộc được tẩm rượu và thái nhỏ trước khi sử dụng. Dược liệu này có dạng đoạn trụ hoặc đoạn trụ dẹt với đường kính từ 0,4 cm đến 1,2 cm. Bề mặt ngoài của thạch hộc có màu lục vàng, trơn mịn hoặc có vạch dọc. Thể chất của nó là mập và mọng nước. Thạch hộc có mùi nhẹ và vị hơi đắng, nhưng sau đó là vị ngọt, có chất nhầy khi nhai.
1.3 Đặc điểm phân bố
Cây phân bố rải rác trên toàn vùng cận nhiệt đới và nhiệt đới của châu Á, và cũng phổ biến ở Việt Nam. Cây thích ẩm và phát triển tốt dưới bóng cây rừng ẩm ướt, thường mọc trên các cây gỗ lớn ở độ cao khoảng 1500 mét. Ngoài ra, cây này cũng được trồng làm cây cảnh. Chu kỳ hoa thường vào tháng 3-4.
2 Thành phần hóa học
Các chất alkaloid (như dendrobin, nobilin...), hợp chất phenol (như aphyllon A-B, aphyllal C-D), lignan, neolignan, stilben (như nobilin A, E...), phenanthren (như dendronobin, confusarin...), sesquiterpen (như dendronobilin A, K nobilomethylen, dendronobilosid A...) và polysaccharid đều là các thành phần chính trong Thạch hộc.
3 Thạch hộc có tác dụng gì?
3.1 Tác dụng dược lý
Các nghiên cứu dược lý hiện đại đã chỉ ra rằng, các chất hoạt tính có trong Thạch hộc có tác dụng đa dạng trên cơ thể. Các tác dụng đó bao gồm chống oxi hóa, giảm viêm, chống khối u, tăng cường hệ miễn dịch, hạ đường huyết, ngăn ngừa mệt mỏi, bảo vệ thần kinh, kháng khuẩn và kháng nấm.
Y học hiện đại đã nghiên cứu và chứng mình, thạch hộc còn có tác dụng bổ thận, dưỡng gan, sáng mắt, cường gân cốt, kết hợp sử dụng với địa hoàng sống, cầu kỷ, hoa cúc, có thể trị các bệnh về mắt, thị lực giảm sút, hoa mắt, chóng mắt, nội chướng dẫn đến mù.
Trên lâm sàng, Thạch hộc được sử dụng để tăng bài tiết dịch vị, giảm đường và lipid trong máu, đồng thời được dùng để điều trị ung thư dạ dày, phổi và giảm các tác dụng phụ của các thuốc điều trị ung thư.
Các hợp chất alkaloid trong Dendrobium nobile Lindl. có khả năng phục hồi tổn thương cho cơ thể và khớp thần kinh thông qua việc ức chế quá trình tạo amyloidogen in vivo và in vitro và kích hoạt con đường truyền tín hiệu Wnt/β-catenin để bảo vệ tính toàn vẹn của khớp thần kinh, đặc biệt trong trường hợp bị tổn thương do Aβ trung gian.
Chiết xuất Shihu đã phục hồi cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột và cải thiện tình trạng viêm phổi ở chuột bị viêm mũi dị ứng, đưa ra một phương pháp mới trong điều trị viêm mũi dị ứng bằng Y học cổ truyền Trung Quốc.
3.2 Vị thuốc Thạch hộc - Công dụng theo y học cổ truyền
Thạch hộc có vị ngọt, nhạt, tính bình; có tác dụng thanh nhiệt, tư âm bổ thận, trừ phiền chỉ khát, ích vị sinh tân.
Dendrobin đã được chứng minh có tác dụng giảm sốt và gây mê, tăng lượng đường trong máu; tuy nhiên, khi sử dụng ở liều cao, nó có thể gây giảm áp lực tim, làm giảm huyết áp và gây khó thở.
Thạch hộc được sử dụng phổ biến để chữa trị các triệu chứng như ho khan, khô cổ, háo người. Nó cũng được dùng để giúp nam giới bị đau lưng mỏi gối hoặc thiếu sinh lực. Liều dùng thường là 8-16g, và có thể sử dụng dưới dạng thuốc sắc. Ngoài ra, thạch hộc cũng có thể được kết hợp với các loại thuốc khác để điều trị các bệnh khác nhau. Ví dụ, khi chữa ho, thạch hộc thường được kết hợp với Mạch Môn và vỏ Quýt khô; khi chữa đau lưng mỏi gối, Câu kỷ và Ngưu Tất có thể được thêm vào.
Trong nhiều thế kỷ, Đông Trùng Hạ Thảo, Nấm Linh Chi, Nhân Sâm và nhiều loại thuốc quý khác đã được xem là các bài thuốc cổ truyền cao cấp và quý giá tại Trung Quốc. Trong thời gian gần đây, dendrobium đã được sử dụng để chữa trị các bệnh như hệ thống tuần hoàn, tăng đường huyết, tăng lipid máu và các vấn đề về thần kinh do lão hóa gây ra. Ngoài ra, trong y học cổ truyền Trung Quốc, dendrobium được sử dụng để bổ dưỡng dòng chảy cơ thể (bao gồm máu, nước bọt, nước mắt, bài tiết nội tiết và tiết dầu ester), giải nhiệt, bồi bổ cơ thể, bổ phổi, giảm ho, cải thiện thị lực và tăng cường sức khỏe.
Trong cuốn sách Thần nông bản thảo kinh có viết: thạch hộc giúp thanh nhiệt dạ dày, bồi bổ tân dịch, thúc đẩy bài tiết dịch vị, giúp ích cho tiêu hóa, kích thích tính nhu động của ruột non. Đúng như trong Bản kinh có viết: Thạch hộc có thể trị chứng "thương trung", mà "bổ khí tràng vị". Thạch hộc còn bổ tỳ ích vị, giúp cho khí huyết lưu thông, ngũ tạng được nuôi dưỡng, bổ ngũ tạng hư nhược do ngũ lao thất thương, giúp cho cơ thịt phát triển, có thể cải thiện được tình trạng gầy yếu của cơ thể. Sức sống của thạch hộc rất mạnh, chỉ cần tưới nước thường xuyên, có thể sống lâu năm, vì thế còn được gọi là “thiên niên nhuận". Người xưa cho rằng, thạch hộc dựa vào nước và đá mà sống, vì thế còn có khả năng dưỡng thận, nhuận phế. Vậy nên, thạch hộc được coi là một loại dược phẩm bổ âm quan trọng, có tác dụng trị liệu tốt đối với hiện tượng tân dịch khô, miệng khát, lưỡi đỏ không có rêu, sốt nhẹ, mồ hôi trộm do âm hư gây ra.
Theo những tư liệu ghi chép thời xưa, thạch hộc còn tốt cho cổ họng. Người xưa thường lấy loại cây này uống thay trà, có hiệu quả tốt với cổ họng. Đời sau vẫn có nhiều người áp dụng theo phương pháp này. Trong các vị thuốc Đông y mà Mai Lan Phương
dùng cũng có thạch hộc. Hiện nay, một số ca sĩ, phát thanh viên, cũng thường dùng thạch hộc để kích thích tuyến nước bọt, nhuận hầu, trị các bệnh về cổ họng. Thạch hộc có thể chế thành trà để uống. Cách làm như sau: Lấy 10g thạch hộc khô, đun với nước khoảng nửa giờ rồi đổ vào trong bình giữ nhiệt, dùng dần. Do thạch hộc hình dạng khẳng khiu không có dịch, nên thời gian đun phải kéo dài, cần duy trì độ đặc, thì thành phần hữu hiệu của thuốc mới tiết ra hết được.
4 Bài thuốc từ cây Thạch hộc
4.1 Chống người gầy mòn và ngăn ngừa hư hao
Sử dụng thảo dược gồm thạch hộc 6g, Đảng Sâm 5g, Mạch môn đông 4g, Ngũ Vị Tử 4g, Cam Thảo chích 4g, Kỷ tử 4g, Ngưu tất 4g, Đỗ Trọng 4g, đun với nước 600ml, chia thành 3 lần uống trong ngày khi sắc còn 200ml.
4.2 Hỗ trợ điều trị khó thở ở trẻ em
Cho trẻ uống Mật Ong kết hợp với giã nhỏ cả cây.
4.3 Điều trị viêm dạ dày, đầy hơi, buồn nôn
Sử dụng một hỗn hợp gồm thạch hộc 12g, mạch môn 12g, hoa phấn 12g, bạch biển đậu 12g, trúc nhự tươi 12g, bắc sa sâm lông và giá đậu tươi (mầm đậu sống) 16g, đun sắc uống trong ngày, dùng trong 1 tháng.
4.4 Hỗ trợ điều trị viêm họng, ho, ngực sườn đầy tức
Sử dụng thảo dược gồm thạch hộc 6g, tỳ bà diệp 4g, mạch môn đông 4g, Trần Bì 4g, đun sắc và uống trong ngày.
5 Một số câu hỏi thường gặp
5.1 Giá lan thạch hộc tía
Có nhiều loại Lan thạch hộc khác nhau như: Lan thạch hộc trắng, Lan thạch hộc tía, Lan thạch hộc thơm,... nhưng Lan thạch hộc tía là loài phổ biến nhất. Giá Lan thạch hộc tía khoảng 25.000 đến 50.000 đồng/bó hoa tươi, vài triệu đồng cho 1kg Lan thạch hộc khô,...
5.2 Lan thạch hộc mini giá bao nhiêu?
Giá thành mỗi chậu Lan thạch hộc mini dao động khoảng vài trăm nghìn đồng một chậu tùy thuộc vào kích thước cũng như số lượng hoa.
6 Tài liệu tham khảo
- Nhận thức cây thuốc và dược liệu, chủ biên Trần Hùng (Xuất bản năm 2021). Thạch hộc trang 74 - 75, Nhận thức cây thuốc và dược liệu. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2023.
- Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1, tác giả Võ Văn Chi, Nhà xuất bản y học (Xuất bản năm 2021). Thạch hộc trang 90 - 91, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2023.
- Tác giả Xuqiang Nie và cộng sự (Đăng ngày 15 tháng 7 năm 2020). Anti-aging properties of Dendrobium nobile Lindl.: From molecular mechanisms to potential treatments, ScienceDirect. Truy cập ngày 13 tháng 04 năm 2023.
- Tác giả Wei Zhang và cộng sự (Đăng năm 2022). Dendrobium nobile Lindl. Alkaloids Ameliorate Aβ25-35-Induced Synaptic Deficits by Targeting Wnt/β-Catenin Pathway in Alzheimer's Disease Models, PubMed. Truy cập ngày 13 tháng 04 năm 2023.
- Sách Thần Nông Bản Thảo Kinh (Xuất bản năm 2021). Thạch Hộc, trang 82-83. Truy cập ngày 19 tháng 12 năm 2023.