Succimer

0 sản phẩm

Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:

Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây

Succimer

Bài viết biên soạn dựa theo

Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba

Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022

Trang 1508-1510, tải PDF TẠI ĐÂY

SUCCIMER

Tên chung quốc tế: Succimer

Mã ATC: V03AB

Loại thuốc: Thuốc giải độc kim loại nặng

1 Dạng thuốc và hàm lượng

Viên nang: 100 mg, 200 mg.

2 Dược lực học

Succimer là một tác nhân tạo phức chelat với kim loại nặng được sử dụng để điều trị ngộ độc chì và thủy ngân. Succimer là một chất hữu cơ liên kết hóa trị với các ion kim loại như chì, cadmi (cadimi - Cd), thủy ngân và arsen tạo phức hợp bền vững, tan trong nước, tăng đào thải các kim loại qua nước tiểu. Succimer ít tạo phức với các kim loại cần thiết như Kẽm, đồng và Sắt. Do tính đặc hiệu cao với chì, tính an toàn và có thể sử dụng đường uống, succimer thích hợp hơn các tác nhân tạo phức chelat khác trong điều trị ngộ độc chì. Succimer làm giảm lượng chì, thủy ngân trong máu và cải thiện các triệu chứng của ngộ độc các kim loại này.

Dược lực học của Succimer
Dược lực học của Succimer 

3 Dược động học

3.1 Hấp thu

Thuốc hấp thu nhanh nhưng thay đổi khi dùng theo đường uống, Cmax đạt được trong khoảng 1 - 4 giờ.

3.2 Phân bố

Thuốc liên kết với protein huyết tương khoảng 85%, succimer phân bố chủ yếu ở dịch ngoại bào.

3.3 Chuyển hóa

Thuốc được chuyển hóa nhanh ở gan chủ yếu dưới dạng cystein-succimer-disulfid, chất chuyển hóa có hoạt tính.

3.4 Thải trừ

Thuốc được thải trừ qua thận xấp xỉ 25% liều ban đầu. Trong đó, 90% bài xuất vào nước tiểu dưới dạng cystein-succimer- disulfid, chỉ 10% bài xuất dưới dạng không đổi. Nửa đời thải trừ của thuốc khoảng 48 giờ.

4 Chỉ định

Điều trị ngộ độc chì và thủy ngân.

Chỉ định sử dụng của Succimer
Chỉ định sử dụng của Succimer

5 Chống chỉ định

Quả mẫn với succimer.

6 Thận trọng

Do sự tái phân bố chì từ xương ra các mô mềm và máu, nên sau khi ngừng thuốc nồng độ chì trong máu có thể tăng trở lại với các triệu chứng đi cùng. Sau khi ngừng điều trị, bệnh nhân nên được kiểm tra nồng độ chì trong máu ít nhất một lần một tuần đến khi ổn định để kiểm soát tình trạng tăng trở lại nồng độ chì trong máu. Mức độ nặng của nhiễm độc chì (xác định bởi nồng độ chì trong máu thời điểm bắt đầu điều trị, tốc độ và mức độ tăng trở lại nồng độ chì trong máu) nên được sử dụng để xác định tần suất kiểm soát nồng độ chì trong máu.

Tất cả các bệnh nhân đang được điều trị với succimer nên được cung cấp đủ nước. Thận trọng khi sử dụng trên bệnh nhân có suy giảm chức năng thận. Succimer có thể thẩm tách nhưng phức với chì thì không.

Tăng tạm thời transaminase huyết thanh được ghi nhận trên 6 - 10% bệnh nhân trong quá trình điều trị. Cần kiểm soát nồng độ transaminase huyết thanh trước khi bắt đầu điều trị và ít nhất 1 lần/ tuần trong suốt quá trình điều trị. Nên theo dõi chặt chẽ bệnh nhân có tiền sử bệnh lý trên gan.

Khả năng dị ứng hoặc phản ứng trên da, niêm mạc có thể gặp khi điều trị lặp lại (cũng như trong suốt các đợt điều trị ban đầu). Nếu phải điều trị lặp lại, cần theo dõi sát bệnh nhân trong suốt đợt điều trị.

Giảm bạch cầu trung tính từ nhẹ đến trung bình đã được ghi nhận trên các bệnh nhân điều trị với succimer. Cần xét nghiệm công thức máu và số lượng tiểu cầu trước đợt điều trị và hàng tuần trong suốt đợt điều trị.

Bệnh nhân nên được hướng dẫn báo cáo bất kì dấu hiệu nào của nhiễm trùng. Nếu nghi ngờ nhiễm trùng, các xét nghiệm chẩn đoán nên được tiến hành ngay lập tức. 

7 Thời kỳ mang thai

Chưa đủ dữ liệu chứng minh tính an toàn của thuốc trên phụ nữ mang thai. Chỉ dùng succimer cho phụ nữ mang thai sau khi cân nhắc kỹ lợi ích và nguy cơ đối với thai nhi.

8 Thời kỳ cho con bú

Chưa rõ liệu thuốc có được bài tiết vào sữa mẹ hay không. Tuy nhiên do nhiều thuốc và kim loại nặng được bài tiết vào sữa mẹ, phụ nữ cho con bú phải sử dụng succimer nên tránh cho trẻ bú mẹ trong thời gian dùng thuốc.

9 Tác dụng không mong muốn (ADR)

9.1 Thường gặp

Tiêu hóa: nôn, buồn nôn, tiêu chảy, chán ăn, triệu chứng bệnh trĩ, phân lỏng, vị kim loại trong miệng.

Toàn thân: đau lưng, đau quặn bụng, đau dạ dày, đau đầu, đau xương sườn, ớn lạnh, đau bên sườn, sốt, triệu chứng giống cúm, nặng đầu/mệt mỏi, bệnh do monilia (một loại nấm Candida).

Chuyển hóa: tăng AST, ALT, phosphatase kiềm, cholesterol huyết.

Da: phát ban, ngứa. Hô hấp: đau họng, sổ mũi, nghẹt mũi, ho.

9.2 Ít gặp

Hệ bạch huyết: giảm bạch cầu trung tính từ nhẹ đến trung bình, tăng tiểu cầu, thỉnh thoảng tăng bạch cầu ưa acid.

Thần kinh: lờ đờ, chóng mặt, bệnh thần kinh vận động - cảm giác, buồn ngủ, dị cảm.

Cảm giác đặc biệt: mắt mờ, tai bị nút tắc, viêm tai, chảy nước mắt.

9.3 Hiếm gặp

Tan máu trên bệnh nhân thiếu G6PD, loạn nhịp tim, tăng thân nhiệt

10 Hướng dẫn cách xử trí ADR

Cần bù đủ nước trong quá trình điều trị với succimer. Nếu phát ban xảy ra, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị. Nếu số lượng bạch cầu trung tính < 1 200/mm³ nên tạm ngừng điều trị; có thể điều trị lại khi số lượng bạch cầu trung tính > 1 500/mm³ nhưng cần sử dụng thận trọng. Tham khảo ý kiến các chuyên gia chống độc, cần cân nhắc giữa lợi ích - nguy cơ của việc ngừng điều trị hoặc tiếp tục điều trị.

11 Liều lượng và cách dùng

11.1 Cách dùng

Nên uống thuốc với nhiều nước. Nếu bệnh nhân không thể nuốt viên nang, tháo bỏ vỏ nang, rắc thuốc vào một lượng nhỏ thức ăn mềm hoặc nước hoa quả.

11.2 Liều dùng

Trẻ em ≥ 12 tháng tuổi, người lớn: Uống 10 mg/kg/lần (hoặc 350 mg/m/lần) mỗi 8 giờ trong 5 ngày, sau đó mỗi 12 giờ trong 14 ngày tiếp theo. Tối đa 500 mg/lần.

Liều tính theo cân nặng như sau:

Cân nặng Liều lượng 
8-15kg100 mg/lần
16-23kg200 mg/lần
24-34kg 300 mg/lần
35-44kg400 mg/lần 
> 45kg 500 mg/lần

Lưu ý: Tùy thuộc nồng độ chì, thủy ngân trong máu, đợt điều trị có thể được lặp lại, nhưng khoảng cách giữa các đợt không nên dưới 2 tuần do cần đợi sự tái phân bố của các kim loại nặng, đặc biệt là chì giữa các vị trí lưu trữ ngoài mạch (như xương, mô mềm) và trong mạch máu.

Người suy thận: Không cần hiệu chỉnh liều, nên sử dụng thận trọng và theo dõi chặt chẽ bệnh nhân.

Người suy gan: Không cần hiệu chỉnh liều.

Tuy nhiên với các bệnh nhân có tiền sử các bệnh lý về gan có thể cần kiểm soát thường xuyên transaminase huyết thanh do thuốc có thể làm tăng tạm thời enzym gan.

Trẻ em có nồng độ chì > 70 microgam/dl hoặc đã có triệu chứng do ngộ độc chì: Theo khuyến cáo của Hiệp hội Nhi khoa Mỹ (AAP) nên sử dụng các tác nhân giải độc đường tiêm. Trẻ em < 12 tháng tuổi: Tính an toàn và hiệu quả của thuốc cho trẻ < 12 tháng tuổi chưa được chứng minh.

Liều lượng dùng của Succimer
Liều lượng dùng của Succimer 

12 Tương tác thuốc

Chưa rõ tương tác của succimer với các thuốc khác. Không nên sử dụng đồng thời suecimer với các thuốc tạo phức chelat khác như CaNa₂EDTA. Suecimer có thể ảnh hưởng đến kết quả một số test chẩn đoán sử dụng huyết thanh hoặc nước tiểu. Các nghiên cứu in vitro cho thấy thuốc có thể gây dương tính giả kết quả định lượng keton trong nước tiểu nếu kỹ thuật xét nghiệm sử dụng nitroprussid và làm giảm kết quả định lượng acid uric và creatin phosphokinase trong huyết thanh.

13 Quá liều và xử trí

Chưa có trường hợp quá liều được ghi nhận. Nếu quá liều cần gây nôn hoặc rửa dạ dày - ruột cho bệnh nhân, sau đó sử dụng than hoạt và sử dụng các biện pháp điều trị hỗ trợ phù hợp.

Cập nhật lần cuối: 2020

Xem thêm chi tiết

Các sản phẩm có chứa hoạt chất Succimer

1/0
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633