Sorbitol
146 sản phẩm
Dược sĩ Huyền My Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Bài viết biên soạn dựa theo
Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba
Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022
Trang 1495-1496, tải PDF TẠI ĐÂY
Sorbitol
Tên chung quốc tế: Sorbitol.
Mã ATC: A06AD18, A06AG07, B05CX02, V04CC01.
Loại thuốc: Thuốc nhuận tràng thẩm thấu.
1 Dạng thuốc và hàm lượng
Thuốc bột uống: Gói 5 g.
Dung dịch uống: 70%.
Dung dịch thụt trực tràng: 70%.
Dung dịch vô khuẩn để rửa: 3% (3 000 ml, 5 000 ml); 3,3% (2.000 ml, 4000 ml).
2 Dược lực học
Sorbitol (D-glucitol) là một alcol có nhiều nhóm hydroxyl, có vị ngọt bằng một nửa đường mía (sacarose). Với vai trò là chất làm ngọt, sorbitol được sử dụng trong các thực phẩm dùng cho người đái tháo đường hoặc thay thế đường sacarose trong đồ ăn và đồ uống không đường. Thuốc thúc đẩy sự hydrat hóa các chất chứa trong ruột. Sorbitol kích thích tiết cholecystokinin - pancreazymin và tăng nhu động ruột nhờ tác dụng nhuận tràng thẩm thấu.
Sorbitol cũng được dùng để gây lợi niệu thẩm thấu hoặc làm chất giữ ẩm và ổn định trong một số chế phẩm thuốc, mỹ phẩm.
3 Dược động học
Sorbitol được hấp thu kém qua Đường tiêu hóa, sau khi uống hoặc đặt trực tràng.
Sorbitol chuyển hóa chủ yếu ở gan thành fructose, nhờ xúc tác của sorbitol dehydrogenase. Một số sorbitol có thể chuyển đổi trực tiếp thành Glucose nhờ aldose reductase.
Một phần rất nhỏ sorbitol không chuyển hóa được đào thải qua thận, phần còn lại đào thải dưới dạng CO₂ khi thở ra trong quá trình hô hấp.
4 Chỉ định
Điều trị triệu chứng táo bón và khó tiêu.
Tưới rửa bàng quang trong phẫu thuật tiết niệu.
5 Chống chỉ định
Viêm đại tràng thực thể (viêm loét đại - trực tràng, bệnh Crohn), hội chứng tắc ruột hay bản tắc, đau bụng chưa rõ nguyên nhân. Vô niệu.
Tắc đường dẫn mật.
Người bệnh không dung nạp Fructose do di truyền (bệnh chuyển hóa hiếm gặp).
6 Thận trọng
Dùng thận trọng cho người bị phình đại tràng vì nhu động đại tràng có thể bị thay đổi, gây ứ phân.
Ở người bệnh "đại tràng kích thích" tránh dùng sorbitol khi đói và nên giảm liều.
Không nên dùng lâu dài thuốc nhuận tràng. Điều trị táo bón bằng sorbitol chỉ để hỗ trợ cho cách điều trị bằng chế độ ăn uống. Trường hợp sorbitol dùng kết hợp với than hoạt có thể làm tăng nồng độ natri huyết ở cả người lớn và trẻ em, nên theo dõi cân bằng nước, điện giải và sử dụng liều sorbitol thấp nhất có thể.
Dung dịch tưới rửa cần được sử dụng thận trọng trong các trường hợp:
Rối loạn chức năng tim phổi nặng.
Đái tháo đường, vì thuốc có thể gây tăng đường huyết. Bệnh nhân cần theo dõi đường huyết cẩn thận.
Rối loạn dung nạp fructose.
Tình trạng tăng thẩm thấu có thể gia tăng ở những bệnh nhân không có khả năng chuyển hóa sorbitol.
Hydrat hóa không đầy đủ hoặc giảm dung lượng máu, vì thuốc gây lợi tiểu kéo dài và mất nước.
Rối loạn chuyển hóa, nguy cơ nhiễm toan lactic.
Rối loạn chức năng thận nặng. Cần theo dõi chức năng thận. Phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt qua niệu đạo: Sự hấp thu chất lỏng toàn thân có thể dẫn tới suy tim sung huyết. Theo dõi tình trạng tim mạch, đặc biệt ở những bệnh nhân bệnh tim.
7 Thời kỳ mang thai
Chưa có dữ liệu nghiên cứu đầy đủ. Thận trọng khi dùng thuốc cho phụ nữ mang thai.
8 Thời kỳ cho con bú
Chưa có nghiên cứu đầy đủ. Chỉ dùng thuốc khi lợi ích vượt trội nguy cơ.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
Nội tiết và chuyển hóa: rối loạn cân bằng nước và điện giải, nhiễm toan lactic.
Tiêu hóa: ỉa chảy, đau bụng, nôn và buồn nôn, đặc biệt ở những người bệnh có “đại tràng kích thích" hoặc trướng bụng.
9 Hướng dẫn cách xử trí ADR
Ngừng dùng thuốc và thay thuốc khác.
10 Liều lượng và cách dùng
11 Cách dùng
Đối với gói thuốc bột: Pha 1 gói trong 1/2 cốc nước, uống trước bữa ăn 10 phút.
Đối với dạng dung dịch: Chỉ được dùng các thuốc nhuận tràng thẩm thấu với liều đơn và không thường xuyên.
Dung dịch 3%. Có thể hâm nóng tới không quá 45 °C.
Dung dịch 3,3% trong bao bì nhựa: Không được hâm nóng quá 66 °C.
12 Liều dùng
Điều trị triệu chứng khó tiêu: Dùng thuốc trước bữa ăn hoặc khi có khó tiêu, người lớn 1 - 3 gói/ngày.
Điều trị triệu chứng táo bón:
Thuốc bột gói 5 g: Người lớn dùng 1 gói vào lúc đói, buổi sáng. Trẻ em: 1/2 liều người lớn.
Dung dịch 70% uống: Người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên: Uống liều 30 - 150 ml; trẻ em từ 2 - 11 tuổi: Uống 2 ml/kg.
Dung dịch thụt trực tràng: Người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên: Liều thường dùng để thụt là 120 ml dung dịch 25 - 30% (được pha từ dung dịch 70%); trẻ em từ 2 - 11 tuổi: 30 - 60 ml dung dịch 25-30%.
Tưới rửa bàng quang: Dùng dung dịch 3% và 3,3% để tưới rửa bàng quang trong phẫu thuật qua niệu đạo.
Khi sử dụng kết hợp với than hoạt:
Than hoạt uống để làm thuốc hấp phụ giải độc, sử dụng kết hợp với sorbitol cho dễ uống đồng thời sorbitol làm cho đi ỉa lỏng để thải trừ than và chất độc được than hấp phụ ra ngoài. Trẻ em: Uống dung dịch sorbitol 35% liều 4,3 ml/kg kết hợp với than hoạt liều 1 g/kg. Người lớn: Uống dung dịch sorbitol 70% liều 4,3 ml/kg kết hợp với than hoạt liều 1 g/kg, cứ 4 giờ uống 1 lần cho đến khi đi ngoài ra than hoạt.
13 Tương tác thuốc
Do làm tăng nhu động ruột, mọi thuốc nhuận tràng có thể rút ngắn thời gian di chuyển của các thuốc uống cùng, do đó làm giảm sự hấp thu của những thuốc này.
Dùng đồng thời với natri polystyren sulfonat gây nguy cơ hoại tử trực tràng, có thể gây tử vong.
Lamivudin: Làm giảm tác dụng của Lamivudin.
Droperidol: Làm tăng nguy cơ độc tính trên tim (kéo dài khoảng QT, xoắn đinh, ngừng tim).
Levomethadyl: Tăng nguy cơ kéo dài khoảng QT.
14 Quá liều và xử trí
Triệu chứng: Rối loạn nước và điện giải do dùng nhiều liều lặp lại.
Xử trí: Bù nước và điện giải nếu cần.
Cập nhật lần cuối: 2018