Somatropin

1 sản phẩm

Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:

Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây

Somatropin

Tên chung quốc tế: Somatropin

Biệt dược thường gặp: Genotropin , Humatrope , Norditropin FlexPro Pen, Nutropin AQ NuSpin 10, Omnitrope.

Phân loại: Hormone tăng trưởng

Mã ATC: H01AC01 

1 Dạng thuốc và hàm lượng

Dạng thuốc: bột đông khô pha tiêm và Dung dịch tiêm sẵn.

Hàm lượng: 

  • Dạng bột: từ 0,6mg đến 12mg.
  • Dạng dung dịch: từ 5mg/1.5ml đến 24mg/3ml .

2 Cơ chế tác dụng của Hormone tăng trưởng Somatropin

2.1 Dược lực học

Hormone tăng trưởng Somatropin (GH) được sản xuất bởi tuyến yên và đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển cơ thể. Khi tiết ra, Somatropin liên kết với thụ thể GH trên các tế bào mô đích (xương, cơ, gan, mỡ), kích thích quá trình truyền tín hiệu nội bào. Tín hiệu này kích hoạt các yếu tố phiên mã, tăng tổng hợp protein như IGF-1, IGF BP-3, thúc đẩy sự phát triển và biệt hóa tế bào.

Somatropin tác động trực tiếp và gián tiếp qua IGF-1, kích thích sự tăng trưởng mô, đặc biệt là xương và cơ. Nó cũng kích thích sản xuất Glucose ở gan, tổng hợp protein và phân giải lipid. Đối với trẻ em thiếu hụt GH, Somatropin giúp tăng trưởng chiều cao bằng cách kích thích sự phát triển của xương và tăng tổng hợp protein tế bào, giúp tăng trưởng hiệu quả, đặc biệt trong giai đoạn dậy thì.

Cơ chế của Somatropin
Cơ chế của Somatropin

2.2 Dược động học

2.2.1 Hấp thu

Somatropin được hấp thu chậm qua đường tiêm dưới da, với Sinh khả dụng khoảng 80%. Điều này có nghĩa là một phần thuốc sẽ bị giảm thiểu trong quá trình đi qua hệ tuần hoàn trước khi đến các mô đích.

2.2.2 Phân bố

Thể tích phân bố của Somatropin vào cơ thể là khoảng 0,96 L/kg, cho thấy thuốc phân bố rộng rãi trong các mô và cơ quan, bao gồm xương, cơ, gan và mô mỡ, nơi thuốc phát huy tác dụng sinh lý của mình.

2.2.3 Chuyển hoá

Sự chuyển hóa của Somatropin chủ yếu diễn ra ở gan và thận. Các enzyme tại gan giúp phân hủy Somatropin thành các sản phẩm chuyển hóa, trong khi thận cũng tham gia vào quá trình này. Một phần sản phẩm phân hủy của thuốc có thể quay trở lại hệ tuần hoàn và tiếp tục tác động lên các cơ quan khác.

2.2.4 Thải trừ

Thời gian bán thải của Somatropin trong cơ thể là khoảng 0,4 giờ, tức là thời gian cần để nồng độ thuốc giảm một nửa trong huyết tương. Tuy nhiên, sau khi tiêm dưới da, thời gian bán thải kéo dài hơn, vào khoảng 2-3 giờ, nhờ vào quá trình giải phóng thuốc từ mô dưới da vào hệ tuần hoàn một cách từ từ.

3 Chỉ định của Hormone tăng trưởng Somatropin

Somatropin là hormone tăng trưởng tự nhiên của con người, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển xương và cơ bắp.

Thuốc được sử dụng để điều trị tình trạng chậm phát triển ở trẻ em và người lớn thiếu hụt hormone tăng trưởng, bao gồm những trường hợp như thấp còi do hội chứng Noonan, hội chứng Turner, hội chứng Prader-Willi, hoặc trẻ sinh ra có vóc dáng thấp và không bắt kịp tăng trưởng.

Ở người lớn, Somatropin cũng được dùng để điều trị hội chứng ruột ngắn hoặc ngăn ngừa sụt cân nghiêm trọng do AIDS.

Chỉ định của Somatropin
Chỉ định của Somatropin

4 Liều dùng và cách dùng của Hormone tăng trưởng Somatropin

4.1 Liều dùng

4.1.1 Người lớn

Thiếu hụt bẩm sinh: 0,2–0,5 mg/ngày, điều chỉnh theo nồng độ IGF-1.

Thiếu hụt mắc phải ở tuổi trưởng thành: bắt đầu từ 0,1–0,3 mg/ngày, tăng dần tùy vào kết quả lâm sàng và IGF-1.

Nữ giới có thể cần liều cao hơn nam giới, đặc biệt khi dùng estrogen.

Hội chứng ruột ngắn: 0,1 mg/ngày, liều tối da: 8mg, 1 lần/ngày.

Ngăn ngừa sụt cân nghiêm trọng do AIDS:

  • Dưới 35kg: 0,1mg/kg, 1 lần/ngày.
  • Từ 35–45kg: 4mg/kg, 1 lần/ngày.
  • Từ 45–55kg: 5mg/kg, 1 lần/ngày.
  • Trên 55kg: 6mg/kg, 1 lần/ngày.
  • Liều tối đa: 6mg, 1 lần/ngày.

4.1.2 Trẻ em

Thiếu hụt Somatotropin: 0,025–0,035 mg/kg/ngày hoặc 0,7–1,0 mg/m² diện tích cơ thể/ngày.

Hội chứng Turner: 0,045–0,067 mg/kg/ngày hoặc 1,3–2,0 mg/m² diện tích cơ thể/ngày.

Suy thận mạn: 0,050 mg/kg/ngày hoặc 1,4 mg/m² diện tích cơ thể/ngày.

Trẻ sinh thiếu tháng: 0,035 mg/kg/ngày hoặc 1,0 mg/m² diện tích cơ thể/ngày, ngừng điều trị nếu tốc độ tăng trưởng dưới 2cm/năm.

Hội chứng Noonan: 0,066 mg/kg/ngày (có thể giảm xuống 0,033 mg/kg/ngày). Hội chứng Prader-Willi: 0,035 mg/kg/ngày hoặc 1,0 mg/m² diện tích cơ thể/ngày, không quá 2,7 mg/ngày.

4.1.3 Đối tượng khác

Trên 60 tuổi: bắt đầu với 0,1–0,2 mg/ngày, tối đa 0,5 mg/ngày.

Trên 80 tuổi: không nên điều trị.

4.2 Cách dùng

Thuốc được tiêm dưới da mỗi tối, nên thay đổi vị trí tiêm để tránh mất mô mỡ.

5 Chống chỉ định 

Không sử dụng Somatropin cho người:

  • Dị ứng với thuốc.
  • Có khối u, đặc biệt là ở não.
  • Đã đóng sụn tăng trưởng.
  • Sau phẫu thuật lớn, chấn thương nặng hoặc suy hô hấp.
  • Suy thận mãn, đã ghép thận.
  • Hội chứng Prader-Willi kèm béo phì nặng, khó thở.
  • Bệnh võng mạc do đái tháo đường.

6 Lưu ý và thận Trọng

Trẻ em điều trị bằng Somatropin cần theo dõi thường xuyên bởi bác sĩ, đặc biệt với hội chứng Turner, suy thận mãn tính, chậm phát triển ở trẻ sinh thiếu tháng và hội chứng Noonan. Tăng trưởng chiều cao chỉ thực hiện trước khi trưởng thành, khi sụn chưa hoàn toàn hóa cốt.

Bệnh nhân sau điều trị khối u ác tính cần theo dõi nguy cơ tái phát. 

Bệnh nhân đái tháo đường cần điều chỉnh liều Insulin và theo dõi chặt chẽ tình trạng dung nạp glucose. 

Cần theo dõi chức năng tuyến giáp và thận, thận trọng trên bệnh nhân suy tuyến yên hoặc dùng glucocorticoid.

Ở nữ giới dùng estrogen, liều Somatropin có thể cần tăng. 

Ngừng điều trị nếu phát hiện tăng huyết áp nội sọ. 

Chứng vẹo cột sống có thể tiến triển nhanh ở trẻ mắc hội chứng Prader-Willi, cần lưu ý dấu hiệu vẹo cột sống.

7 Thời kỳ mang thai và cho con bú

Không sử dụng thuốc Somatropin trong thời kỳ mang thai. Cần hỏi bác sĩ trước khi sử dụng các sản phẩm có chứa Somatropin trên bà mẹ cho con bú

8 Tác dụng không mong muốn

8.1 Thường gặp

8.1.1 Tại chỗ tiêm

Đau, ngứa, đỏ hoặc sưng tấy nhẹ.

8.1.2 Toàn thân

Cơ xương khớp: Đau cơ, đau khớp, đau đầu, đau lưng.

Tiêu hóa: Đau bụng, đầy hơi, buồn nôn.

Hô hấp: Cảm giác như bị cảm cúm (nghẹt mũi, hắt hơi, đau họng).

Khác: Tăng cân nhanh, tê bì chân tay, mệt mỏi.

8.2 Nghiêm trọng 

8.2.1 Rối loạn cơ xương khớp

Đau khớp nghiêm trọng, đặc biệt là gối và hông, đi khập khiễng.

Tê bì ở tay, chân.

8.2.2 Rối loạn thần kinh

Đau đầu dữ dội, thay đổi thị lực, chóng mặt, buồn nôn.

Thay đổi hành vi, co giật.

8.2.3 Rối loạn nội tiết

Tăng đường huyết (khát nước, tiểu nhiều, mệt mỏi).

Rối loạn tuyến thượng thận (yếu mệt, chóng mặt, sụt cân).

8.2.4 Khác

Sưng phù nghiêm trọng, đặc biệt ở tay chân.

Vấn đề về da (nốt ruồi thay đổi).

Viêm tụy (đau bụng dữ dội, buồn nôn).

Tăng áp lực nội sọ (đau đầu dữ dội, buồn nôn, rối loạn thị giác).

9 Tương tác

9.1 Tương tác với các thuốc khác

Hormone tăng trưởng Somatropin có thể tương tác với một số thuốc như thuốc tránh thai, liệu pháp thay thế hormone, insulin, thuốc trị tiểu đường, hoặc steroid (prednisone, dexamethasone, Methylprednisolone, v.v.). Trước khi sử dụng hormone tăng trưởng Somatropin, cần thông báo với bác sĩ tất cả các thuốc mà bạn đang sử dụng để ngăn ngừa tương tác xảy ra.

9.2 Tương kỵ

Không dùng chung hormone tăng trưởng Somatropin với các sản phẩm khác

10 Quá liều

Quá liều Somatropin có thể gây ra các triệu chứng như run rẩy, đổ mồ hôi lạnh, cảm giác đói tăng, đau đầu, buồn ngủ, yếu cơ, chóng mặt, nhịp tim nhanh và buồn nôn. Nếu quá liều kéo dài, có thể dẫn đến tăng trưởng quá mức. 

Khi nghi ngờ quá liều, cần ngay lập tức đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

11 Bảo quản

Bảo quản trong tủ lạnh, từ 2°C đến 8°C. Không để thuốc đông lạnh.

Để xa tầm tay trẻ em.

12 Tài liệu tham khảo

  1. Cerner Multum (Đăng ngày 29 tháng 02 năm 2024). Somatropin, Drugs.com. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2024.
Xem thêm chi tiết

Các sản phẩm có chứa hoạt chất Somatropin

Genotropin GoQuick 12mg/ml
Genotropin GoQuick 12mg/ml
Liên hệ
1 1/1
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633