Sodium Fluoride
23 sản phẩm
Dược sĩ Trà Thu Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Sodium Fluoride được biết đến là thành phần trong kem đánh răng và nước súc miệng với công dụng ngăn ngừa sâu răng. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin về Sodium Fluoride.
1 Sodium Fluoride là chất gì?
Sodium Fluoride hay Natri Fluoride là chất rắn kết tinh không màu hoặc bột màu trắng hoặc chất rắn hòa tan trong chất lỏng, tan tốt trong nước. Sodium Fluoride được điều chế bằng cách trung hoà Acid Hydrofluoric hoặc Acid Hexafluorosilicic. Sodium Fluoride cùng với Sodium monofluorophosphate và Florua Stannous là ba loại florua chính được sử dụng trong các sản phẩm chăm sóc răng miệng để giúp ngăn ngừa sâu răng. Sodium Fluoride trong kem đánh răng hoặc trong nước súc miệng giúp tăng cường thêm vai trò ngăn ngừa sâu răng một cách an toàn và hiệu quả khi được pha chế đúng công thức, sử dụng theo hướng dẫn.
Công thức hóa học: NaF.
Trạng thái: Sodium Fluoride là chất rắn kết tinh không màu hoặc bột màu trắng hoặc chất rắn hòa tan trong chất lỏng, tan tốt trong nước.
2 Tác dụng
Sodium Fluoride có tác dụng gì? Sodium Fluoride trong kem đánh răng hay nước súc miệng giúp tăng cường thêm vai trò ngăn ngừa sâu răng một cách an toàn và hiệu quả khi được sử dụng theo hướng dẫn. Các phân tử Florua giúp ngăn ngừa sâu răng và giúp tái khoáng hóa men răng, thâm nhập vào men răng để xây dựng lại các vị trí đã bị ăn mòn.
2.1 Dược lực học
Cơ chế chính của việc ngăn ngừa sâu răng của florua là tác dụng tại chỗ. Các chất bổ sung fluor toàn thân cũng được cho là có tác dụng chủ yếu tại chỗ (tức là trong quá trình uống, qua nước bọt).
Có ba loại hiệu ứng liên quan đến florua:
- Tác dụng ức chế khử khoáng (làm giảm khả năng hòa tan của men răng trong môi trường axit).
- Thúc đẩy sự tái khoáng của men răng trong quá trình sâu răng.
- Tác dụng diệt khuẩn đối với các sinh vật mảng bám răng. Điều này dẫn đến việc ức chế sự sinh sôi của vi khuẩn trên mảng bám răng và ngăn ngừa sự hình thành các acid gây sâu răng.
2.2 Dược động học
- Hấp thu: Hấp thu tốt qua Đường tiêu hóa. Florua hít vào được hấp thụ qua phổi.
- Phân bố: Không liên kết với protein huyết tương. Qua được nhau thai và sữa mẹ. Các ion florua được phân phối chủ yếu đến răng và xương. Ngoài ra còn có mặt trong tóc, móng và nước bọt.
- Chuyển hóa: Sodium Fluoride sau tiêu hóa được chuyển hóa thành acid hydrofluoric.
- Thải trừ: Thời gian bán thải từ 2 - 9 giờ. Sodium Fluoride được đào thải chủ yếu qua nước tiểu, một lượng nhỏ được bài tiết qua phân và mồ hôi.
3 Chỉ định - Chống chỉ định
3.1 Chỉ định
Dự phòng sâu răng ở người lớn và trẻ em.
3.2 Chống chỉ định
- Người có tiền sử quá mẫn với Sodium Fluoride hoặc Florua.
- Không uống nước ở nơi có hàm lượng florua trong nước vượt quá 0,6 ppm.
- Không sử dụng viên nén 1,1 mg cho trẻ dưới 3 tuổi.
- Không sử dụng viên 2,2 mg cho trẻ dưới 6 tuổi.
- Không sử dụng kem đánh răng có hàm lượng Sodium Fluoride 0,619% cho trẻ dưới 10 tuổi; và không dùng kem đánh răng có hàm lượng 1,1% Sodium Fluoride cho trẻ dưới 16 tuổi.
4 Liều dùng - Cách dùng
4.1 Sodium Fluoride trong kem đánh răng
Đối tượng sử dụng | Liều dùng - Cách dùng |
Người lớn |
Bôi một lớp khoảng 1 cm lên đầu bàn chải đánh răng và đánh răng trong thời gian ít nhất 1 phút, tốt nhất là vào buổi sáng và buổi tối.
Bôi một lớp khoảng 2 cm lên đầu bàn chải đánh răng và đánh răng trong khoảng 3 phút, sau mỗi bữa ăn. Sử dụng kem đánh răng chứa Natri Florua hàng ngày thay cho kem đánh răng thông thường. Nhổ ra và súc miệng kỹ bằng nước sau khi sử dụng. |
Trẻ em từ 6 tuổi trở lên |
Cách sử dụng tương tự như người lớn. |
4.2 Sodium Fluoride trong nước súc miệng
Đối tượng sử dụng | Liều dùng - Cách dùng |
Người lớn | Dung dịch súc miệng 0,2% hoặc 0,05%: Sử dụng 10 ml mỗi ngày một lần, trong 1 phút rồi nhổ ra. Tốt nhất là sử dụng trước khi đi ngủ. |
Trẻ em | Dung dịch nước súc miệng 0,05% sử dụng cho trẻ trên 6 tuổi. Sử dụng 10 ml mỗi ngày một lần, trong 1 phút rồi nhổ ra. Sử dụng trước khi đi ngủ. |
4.3 Sodium Fluoride trong viên uống, viên nhai, viên ngậm
Đối tượng sử dụng | Liều dùng - Cách dùng |
Người lớn | Mỗi viên chứa 1 mg florua: Sử dụng 1 viên mỗi ngày. |
Trẻ em | 1,1 mg và 2,2 mg Sodium Fluoride tương ứng với 0,5 mg và 1 mg florua. Liều lượng ion florua được khuyến nghị hàng ngày dựa trên hàm lượng florua trong nước uống. |
==>> Xem thêm về hoạt chất: Natri Sulfat - Hoạt chất được sử dụng làm sạch ruột trong nội soi.
5 Tác dụng phụ
- Đáng kể: Nhiễm fluor răng và thay đổi xương (uống kéo dài với liều lượng quá mức).
- Trên tiêu hóa: Gây rối loạn tiêu hóa, cảm giác nóng rát ở miệng, co thắt dạ dày, buồn nôn hoặc nôn, phân có màu đen, hắc ín, loét miệng hoặc môi.
- Trên hệ miễn dịch: Gây rối loạn hệ thống miễn dịch, phản ứng quá mẫn.
- Trên da: Gây rối loạn da và mô dưới da, phát ban, mụn trứng cá.
6 Tương tác thuốc
Thuốc | Tương tác |
Thuốc hoặc sản phẩm có chứa ion Al, Ca hoặc Mg | Gây giảm hấp thụ Florua. |
Các sản phẩm từ sữa ( Sữa, pho mát, sữa chua,...) | Gây chậm hấp thu Sodium Fluoride. |
==>> Mời quý bạn đọc xem thêm: Natri Clorid - bù nước và điện giải - Dược thư Quốc gia 2022.
7 Thận trọng
- Sử dụng quá nhiều florua có thể gây ra các mảng trắng hoặc đốm vàng hoặc nâu trên răng. Do đó dùng đúng liều lượng và thời gian chỉ định của bác sĩ.
- Tránh ăn uống hoặc đánh răng ngay sau khi sử dụng sản phẩm chứa Sodium Fluoride.
- Không nên sử dụng thuốc có chứa Canxi hoặc thực phẩm giàu canxi trong vòng 2 giờ trước hoặc 2 giờ sau khi dùng Sodium Fluoride.
- Với đối tượng trẻ em, sử dụng các sản phẩm chứa Sodium Fluorid cho đúng độ tuổi, đúng liều lượng theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Thận trọng dùng trên phụ nữ có thai.
8 Sodium Fluoride có độc không?
Hoạt chất Sodium Fluoride rất tốt cho xương và răng. Tuy nhiên nên nếu quá lạm dụng hoặc dùng quá liều lượng được khuyến cáo, người dùng có thể bị nhiễm độc Sodium Fluoride với các biểu hiện ngộ độc như nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng, vàng men răng.
9 Cập nhật thông tin nghiên cứu mới
Điều trị bệnh xốp xơ tai tai bằng Sodium Fluoride và các thuốc hiện đại khác:
Xốp xơ tai là bệnh loạn dưỡng xương nguyên phát của bao tai trong và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây điếc ở người lớn. Nguyên lý cơ bản của việc điều trị nội khoa cho bệnh xốp xơ tai là làm chậm lại và dừng giai đoạn tiêu xương. Các phương pháp điều trị bảo tồn bao gồm Natri Florua (NaF), Bisphosphonates và các loại thuốc hiện đại khác. Theo kết quả nghiên cứu, việc sử dụng NaF trong thời gian ít nhất sáu tháng sẽ ổn định ngưỡng nghe (HT), cải thiện các triệu chứng tiền đình và làm chậm tình trạng ù tai trầm trọng hơn. Việc sử dụng Bisphosphonates trong thời gian ít nhất sáu tháng cho thấy sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ phần trăm trong việc cải thiện tình trạng mất thính lực, chóng mặt và thuyên giảm ù tai.
10 Các dạng bào chế phổ biến
Sodium Fluoride là thành phần có mặt chủ yếu trong các sản phẩm kem đánh răng, nước súc miệng, viên uống bảo vệ răng miệng.
Các sản phẩm chứa Sodium Fluoride nổi tiếng trên thị trường như: Kem đánh răng Kin, kem đánh răng Sensodyne, nước súc miệng Listerine Cool Mint, nước súc miệng Listerine Natural Green, Lacalut Sensitive,...
Hình ảnh một số sản phẩm chứa Sodium Fluoride:
11 Tài liệu tham khảo
1. Chuyên gia MIMS. Sodium Fluoride, MIMS. Truy cập ngày 01 tháng 09 năm 2023.
2. Chuyên gia Pubchem. Sodium Fluoride, Pubchem. Truy cập ngày 01 tháng 09 năm 2023.
3. Tác giả Panagiotis P Gogoulos và Cộng sự ( Đăng ngày 10 tháng 2 năm 2023). Conservative Otosclerosis Treatment With Sodium Fluoride and Other Modern Formulations: A Systematic Review, Pubmed. truy cập ngày 01 tháng 09 năm 2023.