Sâm Ngọc Linh (Sâm Việt Nam, Cây Thuốc Giấu, Sâm Ngọc Linh K5 - Panax vietnamensis)
25 sản phẩm
Dược sĩ Tăng Uyên Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 4 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Asterids (nhánh hoa Cúc) |
Bộ(ordo) | Apiales (Hoa tán) |
Họ(familia) | Araliaceae (Hoa tán) |
Chi(genus) | Panax |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Panax vietnamensis Ha et Grushv. |
Sâm Ngọc Linh được sử dụng rộng rãi bởi công dụng bồi bổ sức khỏe, tăng cường thể lực, chống suy nhược. Vậy, vị thuốc này có tác dụng gì? Và sử dụng Sâm Ngọc Linh thế nào mang lại hiệu quả tối ưu nhất? Mời quý bạn đọc tìm hiểu trong bài viết sau đây.
1 Giới thiệu về cây Sâm Ngọc Linh
Sâm Ngọc Linh có mấy loại? Sâm Ngọc Linh còn có tên gọi khác là Sâm Việt Nam, Sâm khu 5, mọc dưới tán rừng hỗn giao có độ che phủ cao, ít dốc, dọc theo các suối ẩm, có nhiều đất mùn, ở độ cao 1500-2000m.
Tên khoa học của Sâm Ngọc Linh là Panax vietnamensis Ha et Grushv., thuộc họ Ngũ gia bì (Araliaceae).
Dưới đây là hình ảnh cây Sâm Ngọc Linh:
1.1 Đặc điểm thực vật
Cây thảo sống nhiều năm, cao 40-60cm, có khi tới 1m. Thân rễ nạc, mọc bò ngang như củ Gừng, đường kính 1-3,5cm, dài có thể tới 1m, có nhiều đốt, không phân nhánh, mang những vết sẹo do thân khí sinh rụng hàng năm để lại, cuối thân rễ có dạng con quay, mặt ngoài màu nâu nhạt, ruột trắng ngà. Thân khí sinh mọc thẳng đứng, mảnh, màu xanh hoặc hơi tím, đường kính 5-8mm, thường lụi hàng năm. Lá kép hình chân vịt mọc vòng, thường có 3-5 lá có lá chét hình trứng ngược hoặc hình mác, dài 10-14cm, rộng 3-5cm, gốc hình nêm, đầu thuôn dài thành mũi nhọn, mép khía răng nhỏ.
Cụm hoa là một tán đơn ở ngọn thân, có cuống dài, hoa nhiều màu lục vàng, đôi khi có thêm 1-4 tán phụ; đài có 5 răng dài, nhị 5, chỉ nhị hình sợi, bầu thượng, 1 ô. Quả nang, màu đỏ tươi hình trứng, thường có chấm đen ở đỉnh, 1-2 hạt, hình thận, có vân, màu trắng hay vàng nhạt. Ra hoa vào năm thứ 4-5, mùa hoa tháng 4-6, mùa quả tháng 7-9.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Thân rễ và rễ củ, đôi khi dùng lá.
Thu hái thân rễ và rễ củ vào năm thứ 5-6 khi cây tàn lụi, rửa sạch, dùng tươi hoặc phơi khô.
1.3 Đặc điểm phân bố
Là loài đặc hữu của Việt Nam, được trồng bán tự nhiên và mọc ở vùng núi Ngọc Linh thuộc tỉnh Kon Tum và Quảng Nam.
Ngọc Linh là dãy núi cao thứ 2 của nước ta, đỉnh cao nhất là Ngọc Linh 2598 mét. Sâm Ngọc Linh là loài đặc biệt ưa ẩm và ưa bóng, thường mọc rải rác hoặc tập trung thành từng đám ở những những khu rừng kín thường xanh hoặc những khu rừng lá kim với độ tán che có thể lên đến 80% hoặc hơn. Môi trường phân bố thường xuyên ẩm ướt, có mây mù, nhiệt độ trung bình khoảng từ 15 đến 18 độ C, lượng mưa khoảng 3000 mm/năm. Đất có hàm lượng mùn cao, cây sinh trưởng và phát triển mạnh khi vào màu xuân hè, mùa hoa quả từ tháng 5 đến tháng 10, quả sau khi rụng xuống đất sẽ tồn tại trong khoảng 4 tháng và nảy mầm khi vào mùa xuân năm sau. Khi quan sát thấy có một đám gồm nhiều cây Sâm Ngọc Linh có độ tuổi khác nhau, có thể kết luận rằng, cây có khả năng tái sinh từ hạt tương đối tốt.
Trên thân rễ có nhiều vết sẹo, mỗi năm, từ phần thân chỉ mọc lên một lá, các nhà khoa học dựa vào đặc điểm này để xác định tuổi của các cây Sâm, Nguyễn Châu Giang và Đào Kim Long đã từng thu được một mẫu Sâm Ngọc Linh có chiều dài thân rễ xấp xỉ 1 mét, với khoảng 60 vết sẹo trên thân, đây là con số kỷ lục từng biết đến của Sâm Ngọc Linh.
Do bị khai thác quá mức nên nhiệm vụ hàng đầu hiện nay là bảo tồn được cây Sâm Ngọc Linh.
2 Cách trồng
Sau khi được phát hiện, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu trồng Sâm Ngọc Linh tại chỗ đồng thời thử trồng ở một số khu vực khác như Đà Lạt, Sa Pa.
Sâm Ngọc Linh được nhân giống bằng hạt, quả sau khi chín được thu về và tiến hành loại bỏ hết phần thịt quả, đem rửa sạch, xử lý hạt bằng thuốc chống nấm và đem đi gieo ngay.
Đất tại vườn ươm cần được làm kỹ, xử lý đất tốt nhằm mục đích loại bỏ sâu bệnh sau đó tiến hành lên luống rồi gieo hạt. Có nhiều phương pháp gieo hạt khác nhau bao gồm gieo vãi, chọc lỗ, gieo rạch sao cho khoảng cách giữa các cây con sau khi mọc là 5x10cm. Sau khi gieo hạt xong, tiến hành phủ nhẹ một lớp đất, tưới nước để cung cấp đủ ẩm cho hạt, làm giàn che, chỉ để khoảng 20-30% ánh sáng có thể lọt vào. Sau 2-3 tháng thì hạt bắt đầu nảy ẩm, không nên bón lót trong vườn ươm mà chỉ bón lót sau khi cây đã mọc nhằm mục đích hạn chế nấm bệnh, giun gây ảnh hưởng đến tỷ lệ nảy mầm của hạt.
Những cây con cần bón NPK để cây khỏe mạnh, nếu dùng phân chuồng thì phải dùng phân thật hoại mục, vườm ươm lúc nào cũng cần sạch cỏ, thoát nước tốt, đủ ẩm cho cây phát triển.
Cây con được khoảng 1 năm tuổi thì tiến hành đánh đi trồng.
Đất trồng là đất bazan, có độ tơi xốp, giữ ẩm nhưng thoát nước tốt. Đất trồng tiến hành cày bừa kỹ, lên luống, có thể rải lá khô lên mặt uống rồi đốt, mặt luống rộng khoảng 60-70cm, bón 20-25 tấn phân chuồng trộn cùng tro bếp ủ đến khi thật hoại tử cho mỗi hecta. Khi trồng thì cần nhẹ tay để rễ không bị cong, trồng cây con đến đâu thì tưới nước đến đó để cây đủ ẩm.
Yêu cầu bắt buộc là phải che bóng cho cây, làm giàn ngay sau khi trồng xong, giàn cao từ 1,5 mét trở lên, làm chắc chắn, chống gió tốt, vật liệu dùng có khả năng chịu mưa nắng lâu.
Thường xuyên làm cỏ, hàng năm tiến hành bón thúc cho cây khi cây bước vào giai đoạn sinh trưởng mạnh.
Sâm Ngọc Linh thường bị nhiều loài sâu bệnh phá hoại do đó, cần chăm sóc kỹ càng, thường xuyên kiểm tra để loại trừ.
Cây sau khi trồng được 4-7 năm mới tiến hành thu hoạch, thời điểm thu hoạch là vào mùa đông sau khi đã thu hạt để làm giống, trường hợp không thu hạt thì có thể thu củ khi cây ra nụ.
3 Thành phần hóa học của Sâm Ngọc Linh
3.1 Thân rễ và rễ củ
Saponin: Cho đến nay, 52 saponin riêng lẻ chủ yếu thuộc loại dammarane triterpene vẫn chưa được xác định đặc điểm và chúng có thể được phân loại thành các loại phụ như protopanaxadiol, protopanaxatriol và occotillol ngoại trừ hai saponin loại oleanane (ginsenoside Ro và hemsloside Ma3). Trong số đó, ginsenoside Rb1, Rb2, Rd, Re và Rg1; majonoside R1 và R2; notoginsenoside R1; vinaginsenoside R1, R2 và R11 là những saponin chính.
Polyacetylen: 7 polyacetylen được phân lập ở phân đoạn ít phân cực, trong đó 5 hợp chất đã được xác định cấu trúc với panaxypol và heptadeca-1,8(E)-dien-4,6-diyn-3,10-diol là 2 polyacetylen chính yếu và 2 hợp chất mới là 10-acetoxy-heptadeca-8(E)-en-4,6-diyn-3-ol và heptadeca-1,8(E), 10(E)-trien-4,6-diyn-3,10-diol.
Acid béo: Hàm lượng dầu béo trong thân rễ và rễ củ Sâm Ngọc Linh chiếm 0,55%, bao gồm acid palmitic, acid stearic, acid oleic, acid linoleic, acid linolenic.
Acid amin: Một loạt các acid amin đã được xác định, chẳng hạn như tryptophan, lysin, histidin, Arginin, acid aspartic, threonin, senin, acid glutamic, prolin, glycin, alanin, cystin, valin, methiolin, isoleucin, leucin, tyrosin, phenylanin.
Khoáng chất: Bao gồm K, Ca, Mg, Fe, Sr, Ti, B, Rb, Mn, Zn.
Sterol: -sitosterol, daucosterin.
Glucid: Đường tự do (6,19%), đường toàn phần (26,77%).
Tinh dầu: 0,05-0,1%.
Vitamin C: 0,059%.
3.2 Lá
Saponin: 19 saponin đã được phân lập từ lá Sâm Ngọc Linh với 8 saponin có cấu trúc mới được đặt tên là vinaginsenoside-L1 - L8.
Khoáng chất: Pb, Cu, Zn, Sn.
== >> Mời bạn đọc tham khảo vị thuốc cùng công dụng: Nấm Linh chi - Vị thuốc bổ chữa suy nhược thần kinh hiệu quả
4 Tác dụng - Công dụng của Sâm Ngọc Linh
4.1 Tác dụng dược lý
4.1.1 Tác dụng trên hệ thần kinh
Sâm Ngọc Linh có tác dụng kích thích thần kinh, làm tăng hoạt động vận động và trí nhớ khi dùng liều thấp; tuy nhiên lại gây ức chế thần kinh khi dùng liều cao. Ở liều uống một lần 200mg/kg hoặc liều 50-100mg/kg trong 7 ngày cho chuột, Sâm Ngọc Linh có tác dụng chống trầm cảm. Tác dụng này cũng được thể hiện khi dùng majonoside R2 được phân lập từ Sâm Ngọc Linh ở cả 3 liều 3,1; 6,2 và 12,5 mg/kg.
4.1.2 Tăng sinh lực
Sâm Ngọc Linh có tác dụng tăng lực trong thí nghiệm chuột bơi, làm tăng sức chịu đựng, sự dẻo dai, chống lại mệt mỏi, giúp phục hồi thể lực.
4.1.3 Tăng khả năng thích nghi
Liều 100mg/kg có tác dụng làm tăng khả năng chịu đựng của chuột đối với nóng (37-42 độ C) và lạnh (-5 độ C), giúp kéo dài thời gian sống sót của chuột. Trong thí nghiệm khác, chuột nhắt trắng được nuôi riêng trong 4 tuần, thời gian ngủ khi tiêm natri barbital giảm đi 30%. Sử dụng Sâm Ngọc Linh liều 50-200mg/kg hoặc liều tiêm 3,1-12,5 mg/kg majonoside R2 làm thời gian ngủ trở lại gần bình thường.
4.1.4 Chống oxy hóa
Saponin phân lập từ Sâm Ngọc Linh ở nồng độ 0,05-0,5 mg/ml có tác dụng chống oxy hóa, ức chế sự hình thành 3,4-Methylenedioxyamphetamine (MDA), là sản phẩm của quá trình oxy hóa lipid màng sinh học.
4.1.5 Kích thích miễn dịch
Bột Sâm Ngọc Linh liều uống 500mg/kg và majonoside R2 tiêm màng bụng có tác dụng làm tăng chỉ số thực bào ở chuột nhắt trắng. Sự kết hợp này cũng làm tăng tỷ lệ sống sót ở chuột khi dùng E.coli gây chết, có khả năng là do làm tăng tác dụng thực bào với vi khuẩn.
4.1.6 Hồi phục máu
Sâm Ngọc Linh có tác dụng làm phục hồi số lượng hồng cầu và bạch cầu trong thí nghiệm làm giảm hồng cầu và bạch cầu trên động vật thí nghiệm.
Ngoài ra, Sâm Ngọc Linh còn có tác dụng tăng cường hormon sinh dục, điều hòa hoạt động tim, chống tăng cholesterol máu, bảo vệ gan, chống viêm và ức chế sự phát triển của vi khuẩn Streptococcus gây viêm họng.
== >> Mời bạn xem thêm dược liệu: Cây Macca - Chống oxy hóa, bảo vệ tim mạch, thần kinh
4.2 Sâm Ngọc Linh chữa được bệnh gì?
Sâm Ngọc Linh có tính ấm, vị đắng, hơi ngọt, mùi thơm nhẹ, không độc, quy vào kinh tâm, thận, có tác dụng kích thích hoạt động, tăng trí nhớ, tăng lực, hồi phục chức năng các cơ quan, tăng thích nghi với các tác nhân có hại.
Trong đông y, Sâm Ngọc Linh được dùng trong bồi bổ, tăng cường thể lực, chống suy nhược, hồi phục sức lực, tăng sức chịu đựng, kích thích nội tiết tố sinh dục, điều hòa thần kinh trung ương và tim mạch, chống xơ vữa động mạch và giảm đường huyết.
5 Cách sử dụng Sâm Ngọc Linh
5.1 Ngậm Sâm Ngọc Linh
Ngậm 1 miếng Sâm Ngọc Linh tan dần trong miệng, dùng cho người bệnh dài ngày, mệt mỏi, suy nhược, lười ăn, phế hư gây phổi yếu, khó thở, hen phế quản.
5.2 Sâm Ngọc Linh tẩm mật ong
Sâm Ngọc Linh rửa sạch, thái lát, xếp vào bình thủy tinh/sành, đổ mật ông cho ngập sâm, đậy kín, ngâm trong 1 tháng. Mỗi ngày ngậm 3-5 lát sâm, giúp bồi bổ sức khỏe, hồi phục sau bệnh, tăng thể lực.
Tác dụng của Sâm Ngọc Linh đối với phụ nữ: Sâm Ngọc Linh tẩm Mật Ong là bài thuốc tuyệt vời cho phái đẹp, bao gồm bổ sung độ ẩm, phục hồi tế bào da, thải bỏ da chết, tăng tuần hoàn máu dưới da, giảm bã nhờn và mụn, giúp da luôn tươi trẻ, hồng hào.
5.3 Trà Sâm Ngọc Linh bổ dưỡng
Sâm Ngọc Linh thái lát, cho vài lát (khoang 1-2g) vào ấm, hãm với nước sôi trong 5 phút rồi uống như trà, có thể hãm vài lần tới khi nước nhạt, lấy lát sâm trong ấm nhai và nuốt dần.
5.4 Sâm Ngọc Linh ngâm rượu
Sâm Ngọc Linh rửa sạch, ngâm với rượu 50-70 độ trong bình thủy tinh, trong ít nhất 3 tháng. Ngâm theo tỷ lệ 100g sâm tương ứng với 2-3 lít rượu, mỗi ngày uống 50-100ml rượu Sâm Ngọc Linh.
Dùng cho người suy nhược, sức khỏe kém, giúp bảo vệ gan thận, bồi bổ sức khỏe, nhất là với nam giới thường xuyên uống rượu bia.
5.5 Cháo Sâm Ngọc Linh
Sâm Ngọc Linh 3g thái lát mỏng, sắc với nước, thêm gạo và nước vừa đủ nấu thành cháo, nêm nếm gia vị vừa ăn theo sở thích.
Dùng cho người mắc bệnh tiêu hóa kéo dài, người cao tuổi, suy yếu, răng hỏng nhiều.
6 Những người không nên dùng Sâm Ngọc Linh
Các đối tượng sau tránh dùng Sâm Ngọc Linh:
- Phụ nữ mang thai: Vì có thể gây co bóp thành tử cung, dẫn tới sảy thai và làm tăng hormon sinh dục, tác động xấu tới thai nhi.
- Người đau bụng thể hàn, lạnh bụng, tiêu chảy tiết tả: Có thể làm bệnh trầm trọng hơn.
- Người cao huyết áp: Sâm Ngọc Linh có các hoạt chất có khả năng làm tăng huyết áp.
- Trẻ em: Sức đề kháng chưa hoàn chỉnh, hệ tiêu hóa chưa đủ khả năng hấp thu quá nhiều dưỡng chất từ sâm.
- Người mất ngủ: Vì Sâm Ngọc Linh có thể kích thích thần kinh, tăng sự tỉnh táo, khiến khó đi vào giấc ngủ.
7 Một số câu hỏi thường gặp
7.1 Sâm Ngọc Linh Kon Tum giá bao nhiêu?
Sâm Ngọc Linh Kon Tum có giá lên đến vài trăm triệu đồng cho 1kg, tùy thuộc vào kích thước, số năm tuổi và hàm lượng dưỡng chất. Bạn đọc nên tìm mua Sâm Ngọc Linh ở những địa chỉ uy tín, tránh tình trạng vừa mất tiền vừa mua phải hàng giả, hàng nhái.
7.2 Lá Sâm Ngọc Linh giá bao nhiêu?
Giá lá Sâm Ngọc Linh tươi dao động khoảng từ 12.000.000 đến 15.000.000 đồng cho 1kg, giá lá đã sấy khô có thể lên đến 120.000.000 đến 150.000.000 đồng/kg.
8 Cảnh báo Sâm Ngọc Linh giả tràn lan trên thị trường
Hiện nay, giá 1 kg Sâm Ngọc Linh loại I trồng tại Quảng Nam là khoảng 300 triệu đồng. Sâm trồng tại Lai Châu có giá khoảng 120 triệu/kg. Tuy nhiên, một số cá nhân đang giao bán Sâm Ngọc Linh với giá chỉ vài chục thậm chí là vài triệu đồng một cân, đây hầu như đều là những loại sâm nhập lậu từ Trung Quốc, giả mạo Sâm Ngọc Linh, Sâm Lai Châu.
Qua điều tra từ các cơ quan chức năng, Sâm nhập lậu từ Trung Quốc cũng là giống sâm Việt Nam nhưng được trồng tại Trung Quốc và sử dụng các thuốc, chất kích thích để cây phát triển nhanh với sản lượng cao. Kết quả kiểm nghiệm các loại sâm giả mạo này cho thấy trong thành phần có chứa cả những loại thuốc bảo vệ thực vật đã cấm tại Việt Nam, với lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật cao gấp nhiều lần ngưỡng tối đa cho phép. Điều này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dùng nếu mua phải sâm giả mạo.
Các biện pháp quản lý, xử phạt sâm nhập lậu từ Trung Quốc giả mạo Sâm Ngọc Linh, Sâm Lai Châu Việt Nam còn khó khăn do thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi, và công việc làm giám định sâm cũng như các sản phẩm từ sâm rất phức tạp, tốn kém. Vì vậy, mỗi người cần hết sức cảnh giác, chỉ mua và dùng Sâm Ngọc Linh có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tại các cơ sở buôn bán uy tín, có đầy đủ hóa đơn chứng từ.
Hiện nay, Sâm Ngọc Linh còn được quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội do có nhiều tác dụng đối với sức khỏe mà còn đem lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, Sâm Ngọc Linh chỉ được trồng ở huyện Nam Trà My (Quảng Nam) và Tu Mơ Rông (Kon Tum). Nguồn Sâm Ngọc Linh thật trên thị trường là rất hiếm, rất ít. Chính vì lợi nhuận cao, nhiều đối tượng đã trộn các loại sâm khác hoặc Tam thất vào để bán ra thị trường.
Theo các chuyên gia, Sâm Ngọc Linh tự nhiên trên thân có nhiều mắt, các mắt lõm vào thân, xếp so le nhau. Khi dùng dao để cắt thân thành từng lát mỏng thì thấy phần củ có màu vàng nhạt, phần thân lại có màu hơi tím. Khi nếm thì thấy có vị đắng nhưng dư vị lại ngọt. Bên cạnh đỏ, vỏ của cây Sâm Ngọc Linh cũng rất nhẵn và mỏng, nếu rửa sạch thì thấy cỏ có màu nâu vàng hoặc xanh xám. Trong khi đó, mắt của củ Tam Thất thì mọc nối tiếp nhau, lá Tam Thất xẻ răng cưa nhọn.
Một phương pháp thường dùng để phân biệt Sâm Ngọc Linh thật và giả là thử Saponin có trong củ, tuy nhiên, nhiều loại dược liệu khác cũng có saponin như Sâm Lai Châu (có hàm lượng saponin cao hơn nhiều so với Sâm Ngọc Linh). Do đó, để đảm bảo an toàn, người tiêu dùng chỉ nên mua Sâm Ngọc Linh ở những địa chỉ uy tín.
9 Tài liệu tham khảo
- Nhận thức cây thuốc và dược liệu (Xuất bản năm 2021). Sâm Việt Nam trang 263-265, Nhận thức cây thuốc và dược liệu. Truy cập ngày 27 tháng 3 năm 2023.
- Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Sâm Việt Nam, trang 704-711. Truy cập ngày 21 tháng 11 năm 2024.
- Tác giả Đỗ Tất Lợi. Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam. Nhân Sâm Việt Nam trang 808 – 810. Truy cập ngày 21 tháng 11 năm 2024.