Quế
263 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Linh Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Quế được biết đến khá phổ biến với công dụng trị mụn nhọt lâu lành, cảm mạo, đau dạ dày, tiêu chảy, Đau Bụng Kinh và tiêu hóa kém. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Quế.
1 Giới thiệu về cây Quế
Quế, còn được biết đến với tên gọi Quế Thanh, Quế Việt Nam, Quế Sài Gòn, Quế Quỳ, Quế Đơn, Quế Quan, là một loại gia vị được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Có nhiều loài cây thuộc chi Cinnamomum Schaeffer, họ Long Não (Lauraceae) được sử dụng để sản xuất quế. Tuy nhiên, ở Việt Nam, hai loài quan trọng nhất là:
- Cinnamomum cassia (L.) J. Presl: còn được gọi là Quế Đơn, Quế Quan.
- Cinnamomum loureiroi Nees: còn được gọi là Quế Việt Nam, Quế Sài Gòn, Quế Thanh, Quế Quỳ, Quế Trà My/Trà Bồng.
1.1 Đặc điểm thực vật
C. cassia và C. loureiroi là hai loài cây khác nhau thuộc chi Cinnamomum. Cây C. cassia có chiều cao từ 10-20m, lá mọc so le, phiến lá dày cứng, hình mác, gốc thuôn và đầu nhọn. Mặt trên của lá màu lục sẫm bóng, mặt dưới màu xám tro, có 3 gân hình cung và gân phụ nhiều, song song. Cụm hoa của cây hình chùm xim mọc ở kẽ lá gần đầu cành, bao gồm 6 phiến hoa gần bằng nhau, màu trắng và có lông nhỏ ở mặt ngoài. Quả hạch của cây hình trứng, nằm trong đài tồn tại và khi chín có màu nâu tím. Cả cây đều có mùi thơm. Trong khi đó, C. loureiroi có hình dạng cây, lá và quả tương tự nhưng nhỏ hơn một chút.
Mô tả vị thuốc Quế theo Dược điển như sau:
- C. cassia: Mảnh vỏ được cuộn tròn thành ống, độ dài và rộng thay đổi khác nhau, dày 1mm - 8mm, mặt ngoài có màu nâu đến nâu xám, có vết cuống lá và các lỗ vỏ. Mặt trong màu nâu đỏ đến nâu sẫm, nhẵn hay gồ ghề. Chất cứng và giòn, dễ bẻ gãy, mặt bẻ không nhẵn, có xơ. Mặt cắt ngang có hai lớp, lớp ngoài màu vàng nâu, lớp trong màu nâu đỏ, có xơ ngắn. Có một vòng màu nâu hơi vàng giữa hai lớp. Mùi thơm, cị cay ngọt, hậu vị tê nhẹ.
- Quế C.zeylanicum mỏng hơn C. cassia, lớp trong màu nâu vàng, mùi thơm nhẹ.
- Loài C.lourelrii sau khi cạo lớp bần thì chỉ còn một lớp màu nâu hơi đỏ hay nâu sẫm, mùi thơm, chất giòn, dễ bẻ, vết bẻ có xơ.
1.2 Thu hái và chế biến vỏ quế khô
Quế cassia được sử dụng phần vỏ thân (Cortex Cinnamomi). Vỏ được thu hoạch khi cây đạt tuổi trên 10 năm. Quá trình thu hoạch được thực hiện vào tháng 4-5 và 9-10, khi cây có nhiều Nhựa, dễ bóc. Sau khi phơi, vỏ quế được ủ và tạo hình trước khi phơi tiếp để khô.
Mỗi lần lấy vỏ nên lấy nửa bên, để lại nửa bên cho cây tái sinh, và khi bóc không được làm sót lại gỗ vì như vậy quế sẽ giảm giá trị.
Nếu vỏ to, dày thì phải ủ, ngâm nước một ngày rồi rửa và để ráo nước. Lấy lá chuối tươi, hơ mềm rồi lớt quanh sọt dày khoảng 5 cm, rồi đậy lại bằng lá chuối cũng dày 5cm. Buộc chặt, mùa nóng để 3 ngày, mùa lạnh để 7 ngày hàng ngày đem đảo cho nóng đều. Dỡ quế ra sọt rồi ngâm nước 1 giờ nữa. Vớt ra đặt lên phên nứa, đè lên bằng một phên nứa khác, ép cho phẳng, để chỗ khô mát cho se lại. Thời gian ủ qurrs vào mùa nóng mất 15-16 ngày, mùa mưa có thể hơn 1 tháng.
Bào chế: Loại tạp, và lớp bần, làm thuốc hoàn thì đem giã nát, tán thành bột, thuốc thang thì đem mài với nước thuốc để uống.
Bảo quản: Để trong bình kín những nơi khô mát. Có thể lấy sáp ong miết vào hai đầu thanh quế, bọc giấy polyethylen, cho vào thùng kín để nơi khô mát.
1.3 Đặc điểm phân bố
Quế là loại cây tự nhiên mọc hoang trong rừng hoặc được trồng ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung như Yên Bái, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An. Ngoài ra, C. loureiroi được trồng chủ yếu tại Quảng Nam và Quảng Ngãi. Ngoài Việt Nam, quế cũng được trồng phổ biến tại nhiều quốc gia như Srilanca, Trung Quốc, Indonesia.
2 Thành phần hóa học
Vỏ của cây quế chứa tinh dầu có hàm lượng từ 1-3%, có vị cay và ngọt. Thành phần chính của tinh dầu là aldehyd cinnamic chiếm tới 85% trở lên. Quế Sài Gòn có hàm lượng tinh dầu và cinnamaldehyd (95%) cao hơn so với loài quế khác. Ngoài ra, vỏ quế còn chứa các hợp chất diterpenoid, phenylpropanoid, chất nhầy, Flavonoid, tannin, lignan và coumarin. Trong khi đó, lá quế có hàm lượng tinh dầu thấp hơn vỏ, chỉ từ 0,1-1%, và thành phần chính cũng là aldehyd cinnamic, khoảng 80%.
3 Vỏ quế khô có tác dụng gì?
3.1 Tác dụng dược lý
Tinh dầu có khả năng chống oxy hóa, kháng khuẩn và diệt nấm, giúp tăng cường sự bài tiết, co mạch, tăng nhu động ruột và co bóp tử cung, hỗ trợ chức năng hô hấp và tuần hoàn, đồng thời ngăn chặn sự phát triển của khối u, xơ vữa động mạch vành. Còn cao Quế thì giúp phòng ngừa tăng protein niệu trên chuột cống trắng, ức chế miễn dịch, tăng lưu lượng máu đến dạ dày và chống loét dạ dày do tiêm dưới da serotonin. Tinh dầu và cao Quế có tác dụng điều hòa miễn dịch, chống viêm, kháng dị ứng, giảm đau, chống béo phì và tiểu đường.
3.2 Quế khẩu có tác dụng gì theo y học cổ truyền
3.2.1 Tính vị, tác dụng
Quế chi có vị cay, tính nóng và ngọt nhẹ, cũng như có tính độc nhẹ và tạo khí lên, được coi là một dương dược. Quy kinh tỳ, tâm, can, thận.
Công năng: bổ hỏa, trợ dương, tán hàn, chỉ thống, hoạt huyết thông kinh. Chủ trị: Lưng gối đau lạnh, nôn mửa, bụng đau lạnh, tiêu chảy, bế kinh, đau bụng kinh, phù thũng, rối loạn tiểu tiện.
3.2.2 Công dụng của cây Quế
Quế có thể được sử dụng trong việc trị mụn nhọt lâu lành, cảm mạo, đau dạ dày, tiêu chảy, đau bụng kinh, kinh bế và tiêu hóa kém. Nó cũng có thể được sử dụng làm thuốc cấp cứu cho các bệnh do hàn như phong tê bại, đau bụng trúng thực, hôn mê, chân tay lạnh và mạch chậm nhỏ. Quế có thể được sử dụng dưới dạng cồn thuốc, rượu thuốc hoặc rượu khai vị. Ngoài ra, quế nhục cũng là một loại gia vị phổ biến được sử dụng trong ẩm thực.
Liều lượng: Dùng 1g - 4g dạng thuốc hãm hay hoàn tán.
Kiêng kỵ: Phụ nữ có thai, âm hư hỏa vượng không nên sử dụng.
4 Uống quế có tác dụng gì? Uống nước quế có tốt không?
4.1 Giảm nhiễm nấm
Một nghiên cứu phòng thí nghiệm năm 2016 đã chỉ ra rằng dầu quế có khả năng cải thiện tình trạng nhiễm nấm bằng cách kháng khuẩn chống lại loại nấm Candida ảnh hưởng đến máu.
4.2 Có thể giảm lượng đường trong máu
Trên động vật, nghiên cứu cho thấy rằng quế cassia có thể giúp giảm mức đường trong máu ở con người. Những người tham gia nghiên cứu đã tiêu thụ 6 gam quế mỗi ngày trong khoảng thời gian từ 40 ngày đến 4 tháng.
4.3 Bệnh Alzheimer
Nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra rằng quế có khả năng ngăn ngừa bệnh Alzheimer. Một chiết xuất từ vỏ quế gọi là CEppt đã cho thấy hiệu quả trong việc ngăn ngừa sự phát triển của các triệu chứng bệnh Alzheimer ở chuột, bao gồm cả mảng amyloid, đồng thời cải thiện khả năng suy nghĩ và lý luận.
4.4 Bảo vệ chống lại HIV
Vào năm 2000, một nguồn tin đáng tin cậy cho biết rằng quế có thể giúp bảo vệ chống lại virus HIV. Các nhà khoa học đã thử nghiệm nhiều loại chiết xuất và phát hiện ra rằng vỏ cây quế, chồi và quả là những thành phần hiệu quả nhất trong việc giảm hoạt động của virus HIV. Năm 2016, các nhà khoa học đã phát hiện một chất chiết xuất từ quế có hoạt tính chống lại HIV trong phòng thí nghiệm, nhưng quế vẫn chưa được sử dụng trong liệu pháp điều trị HIV.
4.5 Giảm tác dụng của bữa ăn nhiều chất béo
Nghiên cứu vào năm 2011 đã chỉ ra rằng sử dụng nhiều gia vị chống oxy hóa trong chế độ ăn uống, bao gồm quế, có thể giúp giảm phản ứng tiêu cực của cơ thể đối với các bữa ăn chứa nhiều chất béo. Sáu người đã tiêu thụ một pha lê gia vị 14g và kết quả cho thấy hoạt động chống oxy hóa tăng 13%, phản ứng Insulin giảm 21% và mức độ chất béo trung tính giảm 31%.
4.6 Làm lành vết thương
Các nhà khoa học đã phát hiện cách đóng gói các hợp chất kháng khuẩn từ cây Bạc Hà và quế vào các viên nang nhỏ để hỗ trợ chữa bệnh và tiêu diệt vi khuẩn. Nghiên cứu từ năm 2015 cho thấy rằng bạc hà và quế có thể được sử dụng trong thuốc điều trị các vết thương bị nhiễm trùng.
4.7 Giảm nguy cơ tim mạch
Theo nghiên cứu, quế chứa các hợp chất có thể có lợi cho sức khỏe tim mạch, trong đó Cinnamaldehyde được cho là giúp giảm huyết áp ở động vật. Một nghiên cứu vào năm 2014 cũng đã chỉ ra rằng, sự kết hợp giữa quế và tập thể dục đã giúp cải thiện chức năng tim của chuột. Ngoài ra, một số loại thực phẩm cũng được biết đến có khả năng giúp hạ huyết áp.
4.8 Ngăn ngừa ung thư
Các hợp chất trong quế có thể có tác dụng chống lại ung thư. Nghiên cứu trên động vật cho thấy rằng Cinnamaldehydes trong quế có tính chống oxy hóa, giúp giảm căng thẳng oxy hóa trong tế bào khối u ác tính. Một số loại thực phẩm cũng được biết đến có khả năng ngăn ngừa ung thư.
5 Cách sử dụng bột vỏ quế khô
Quế là một gia vị được sử dụng rộng rãi trong các món ăn ngọt và mặn. Hương thơm đặc trưng của quế được tạo ra bởi chất cinnamaldehyde có trong quế.
Để bổ sung quế vào chế độ ăn uống, bạn có thể:
- Sử dụng quế thay thế đường trong bột yến mạch.
- Thêm quế vào bánh ngọt, bánh quy, bánh mì và sốt táo.
- Pha trộn táo và quế với bánh quế để có món ăn không cần sử dụng đường.
6 Tác hại của Quế
Quế là một loại gia vị quen thuộc và được xem là an toàn trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, nó chứa coumarin, một chất có thể gây hại cho gan và gây ảnh hưởng đến quá trình đông máu. Vì vậy, nếu bạn đang sử dụng thuốc chống đông máu, mắc bệnh tiểu đường hoặc có vấn đề về gan, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng quế. Các loại quế khác nhau có hàm lượng coumarin khác nhau, ví dụ như bột quế Cassia có nhiều coumarin hơn so với bột quế Ceylon. Bạn không nên sử dụng quế để thay thế cho phương pháp điều trị y tế. Ngoài ra, các chất bổ sung khác cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, do đó, hãy luôn tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng chúng.
7 Bài thuốc từ cây Quế
- Điều trị các triệu chứng phong thấp đau các khớp không sốt: sử dụng Đại táo 3 quả, Quế chi 12g, Phụ tử 12g, Sinh khương 12g, và Cam Thảo 8g để sắc nước uống lúc nóng.
- Điều trị chứng phù: sử dụng Quế chi 4g, Bạch Truật 12g, Bạch Linh 12g, Trư linh 12g mỗi loại, và Trạch Tả 16g để tán bột mịn, mỗi lần uống 8-12g hoặc dùng để làm thuốc sắc.
- Điều trị chứng viêm phế quản hoặc hen phế quản mạn tính với nhiều đàm: sử dụng Cam thảo 4g, Quế chi 8g, Bạch truật 8g, và Bạch linh 12g để sắc nước uống.
8 Tài liệu tham khảo
- Nhận thức cây thuốc và dược liệu (Xuất bản năm 2021). Quế trang 74 - 75, Nhận thức cây thuốc và dược liệu. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2023.
- Dược Điển Việt Nam 5 tập 2 (Xuất bản năm 2017). Quế (vỏ thân, vỏ cành) trang 1296 - 1297, Dược điển Việt Nam 5 tập 2. Truy cập ngày 13 tháng 09 năm 2023.
- Tác giả Yvette Brazier và cộng sự (Đăng ngày 3 tháng 1 năm 2020). What are the health benefits of cinnamon?, Medicalnewstoday. Truy cập ngày 08 tháng 04 năm 2023.