Paraben
21 sản phẩm
Dược sĩ Thu Trang Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 3 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Paraben là một nhóm hóa chất thường được sử dụng làm chất bảo quản trong thực phẩm, mỹ phẩm và thuốc để kéo dài thời hạn sử dụng. Tuy nhiên, chúng tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Paraben
1 Paraben là chất gì?
Paraben là một nhóm các hóa chất nhân tạo, được tổng hợp dựa trên cấu trúc của axit para-hydroxybenzoic (PHBA) xuất hiện tự nhiên trong nhiều loại trái cây và rau quả, chẳng hạn như dưa chuột, anh đào, cà rốt, quả việt Quất và Hành Tây.
Paraben thường được sử dụng làm chất bảo quản trong các sản phẩm mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm và đồ uống. Paraben được sử dụng để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn có hại và nấm mốc, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm và sức khỏe của người tiêu dùng. Từ những năm 1920, người ta đã bắt đầu áp dụng paraben để bảo quản các sản phẩm làm đẹp.
Các paraben được sử dụng phổ biến nhất trong là methylparaben, propylparaben, butylparaben và ethylparaben. Và thường có nhiều hơn một paraben được sử dụng trong các loại sản phẩm trên. Trong đó, paraben chuỗi ngắn, methylparaben và ethylparaben, thường được sử dụng kết hợp, trong khi butylparaben thường được sử dụng đơn độc.
Con người có thể tiếp xúc với paraben thông qua việc chạm hoặc ăn các sản phẩm có chứa paraben. Nhiều sản phẩm như đồ trang điểm, kem dưỡng ẩm, sản phẩm chăm sóc tóc và kem cạo râu đều có chứa paraben. Paraben trong các sản phẩm này được hấp thụ qua da. Paraben cũng có thể xâm nhập vào cơ thể khi chúng ta nuốt viên thuốc hoặc ăn các loại thực phẩm và đồ uống có chứa paraben. Paraben khi vào cơ thể sẽ nhanh chóng bị đào thải ra ngoài.
CIR khuyến nghị giới hạn nồng độ đối với nồng độ đơn lẻ (tối đa 0,4%) và tổng nồng độ paraben (tối đa 0,8%) trong một sản phẩm
2 Paraben trong mỹ phẩm có hại không?
Nhiều người lo lắng, các loại mỹ phẩm có paraben sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí có liên quan đến ung thư vú. Parabens không tan trong nước và có thể xâm nhập vào da. Do đó, việc sử dụng lặp đi lặp lại một sản phẩm hoặc nhiều sản phẩm có chứa paraben có thể đồng nghĩa với việc tiếp xúc gần như liên tục.
Các chuyên gia cho biêt, paraben đã được sử dụng một cách an toàn trong gần 100 năm với vai trò là một chất bảo quản trong ngành công nghiệp thực phẩm, dược phẩm, chăm sóc cá nhân và mỹ phẩm.
Các nhà khoa học của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho biết: đến nay, chưa có thông tin nào về việc paraben trong mỹ phẩm có ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Cùng với đó, FDA đang tiến hành xem xét các vấn đề khác xung quanh việc sử dụng các sản phẩm chứa paraben.
3 Paraben ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe?
Trong một khảo sát của Trung tâm Kiểm tra Sức khỏe và Dinh dưỡng Quốc gia (NHANES) năm 2005-2006, các chuyên gia đã đo lượng paraben trong nước tiểu của hơn 2.548 người tham gia từ sáu tuổi trở lên. Bằng cách đo các hóa chất này trong nước tiểu, các nhà khoa học có thể ước tính lượng paraben đã xâm nhập vào cơ thể con người. Khi đó, họ đã tìm thấy Methylparaben và propylparaben trong nước tiểu của hầu hết những người được xét nghiệm. Điều này cho thấy dân số Hoa Kỳ đã tiếp xúc rộng rãi với các hợp chất paraben.
Tuy nhiên, việc tìm thấy sự có mặt của paraben trong nước tiểu không có nghĩa là chúng gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Và paraben được đánh giá bởi FDA và CIR là an toàn khi sử dụng trong mỹ phẩm.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và Cơ quan Đánh giá Thành phần Mỹ phẩm (CIR) đã tiến hành kiểm tra độ an toàn của các thành phần trong thực phẩm và mỹ phẩm. Kết quả là không tìm thấy bất kỳ rủi ro nào khi sử dụng paraben. FDA cho biết việc sử dụng tới 0,1% methyl- và propylparabens là an toàn cho thực phẩm và đồ uống. Mỹ phẩm thường chứa từ 0,01% đến 0,3% paraben. Theo CIR, các hợp chất này an toàn với liều lượng lên tới 25%. Ngoài ra, propylparaben còn được phát hiện là có thể làm giảm tác động của chấn thương sọ não liên quan đến bệnh Alzheimer.
Mặc dù vậy, nếu bạn sử dụng các sản phẩm chứa paraben lâu dài, bạn cần lưu ý về các tác dụng không mong muốn của chúng.
3.1 Làm giảm khả năng sinh sản
Một số nghiên cứu ban đầu cho thấy paraben ảnh hưởng đến chức năng sản xuất nội tiết tố. Paraben có thể hoạt động giống như hormone estrogen trong cơ thể, làm rối loạn hệ thống hormone và ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của cả nam và nữ. Cụ thể, một số chuyên gia lo ngại, Paraben có thể làm giảm khả năng sinh sản và làm cản trở quá trình bài tiết hormone của cơ thể.
Các chuyên gia cho biết, độ dài và đặc điểm của các chuỗi bên phân nhánh có thể làm tăng hoạt tính estrogen của paraben.
Ngoài ra, điều này có thể dẫn đến những thay đổi về cholesterol, đường huyết, chức năng tuyến giáp và chức năng miễn dịch. Một số nguy cơ như dị ứng, béo phì và vô sinh được cho là có liên quan đến việc sử dụng các sản phẩm chứa paraben.
3.2 Gây tăng đường huyết
Các nghiên cứu cho thấy, một hỗn hợp các paraben dường như gây ra nhiều nguy hại hơn một paraben đơn độc. Cụ thể, sự kết hợp giữa butylparaben và propylparaben làm tăng lượng đường trong máu ở phụ nữ mang thai trong tam cá nguyệt thứ nhất và thứ hai. Điều này dẫn đến nguy cơ mắc phải bệnh tiểu đường thai kỳ.
Tuy nhiên, tác dụng gây tăng đường huyết của paraben không thể hiện rõ ràng ở nam giới và phụ nữ không mang thai. Vì thế, cần nhiều nghiên cứu hơn để khẳng định chắc chắn về ảnh hưởng của paraben đến nồng độ đường huyết nói chung.
3.3 Gây ung thư
Các nhà khoa học lo ngại về việc tiếp xúc thường xuyên với paraben có thể góp phần gia tăng nguy cơ ung thư, đặc biệt là ung thư vú ở phụ nữ. Đặc biệt, propylparaben có thể làm thay đổi biểu hiện của gen, bao gồm cả gen trong tế bào ung thư vú (Wróbel 2014) và thúc đẩy sự phát triển của tế bào ung thư vú.
Một nghiên cứu gần đây của Đại học California-Berkeley cho thấy butylparaben liều thấp, trước đây gần như được coi là vô hại, có thể kích hoạt các gen ung thư và làm gia tăng sự phát triển của các tế bào ung thư vú.
3.4 Làm giảm chức năng miễn dịch
Người ta thường nói, chức năng miễn dịch tốt thường gắn liền với một đường ruột khỏe mạnh. Tuy nhiên, có một số bằng chứng cho thấy, việc sử dụng các sản phẩm chứa paraben có thể ngăn cản sự phát triển của các vi khuẩn có lợi trong đường ruột. Điều này góp phần làm suy yếu hệ thống miễn dịch.
Ngoài ra, sự hiện diện của một số loại paraben có liên quan đến việc thúc đẩy sản xuất các tế bào T hỗ trợ loại 2 (Th2) và giảm sản xuất các tế bào T hỗ trợ loại 1 (Th1). Nhiều tế bào Th2 làm cho hệ thống miễn dịch trở nên nhạy cảm và có những phản ứng thái quá với các kích thích gây ra các triệu chứng như ở bệnh hen suyễn hoặc bệnh chàm. Trong khi đó, số lượng tế bào Th1 ít đi khiến cơ thể không được bảo vệ khỏi các phản ứng tự miễn dịch.
3.5 Gây kích ứng da
Da có thể trở nên nhạy cảm với các sản phẩm có chứa paraben, dẫn đến kích ứng và nổi mẩn ngứa (CIR 2006). Khả năng gây mẫn cảm đã được chứng minh là có liên quan đến độ dài chuỗi bên của paraben (Sonnenburg 2015).
Vì da có hệ vi sinh vật riêng, nên khi tiếp xúc, paraben có thể làm giảm số lượng vi khuẩn lành mạnh trên da và làm suy yếu hệ thống miễn dịch của da. Các triệu chứng dị ứng paraben bao gồm nổi mẩn, da đỏ, ngứa và khô,... Tác hại này thường gặp hơn ở các loại paraben có cấu trúc hóa học lớn.
3.6 Thay đổi chức năng não
Một nghiên cứu cho thấy rằng butyl- và isobutyl-paraben có thể ngăn cản quá trình học hỏi ở động vật. Vì thế, người ta lo ngại paraben có thể gây hại cho não bộ của con người.
4 Câu hỏi thường gặp
4.1 Paraben có gây ung thư không?
Một số bài báo và tin đồn trên Internet đã nói về mối liên quan giữa một số paraben và bệnh ung thư. Các báo cáo này ngụ ý rằng paraben có thể gây ung thư bằng cách hoạt động giống như estrogen và gây rối loạn nội tiết. Trong đó, các paraben chuỗi dài hơn, propyl- và butyl-, có liên quan đến hoạt tính estrogen mạnh hơn.
Tuy nhiên, một số nghiên cứu trên động vật cho thấy, khả năng tác động đến estrogen của paraben là rất yếu. Paraben đã được chứng minh là yếu hơn 10.000 lần so với Phytoestrogen mạnh nhất và kém hơn 100.000 lần so với Estradiol, estrogen được cơ thể sản xuất tự nhiên. Ngoài ra, số liệu thống kê dân số cũng không tìm thấy mối liên hệ trực tiếp nào giữa các sản phẩm mỹ phẩm chứa paraben và bệnh ung thư.
Hầu hết các nhà khoa học đồng ý rằng không có tác dụng gây rối loạn nội tiết từ việc sử dụng paraben trong mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc cá nhân vì tác dụng của chúng, nếu có, là rất yếu.
4.2 Thực phẩm nào chứa paraben?
Thông thường các sản phẩm thực phẩm có thời gian sử dụng dài hoặc dễ bị hư hỏng sẽ được bổ sung thêm paraben để kéo dài tuổi thọ của chúng. Chẳng hạn như: bia, nước sốt, món tráng miệng, nước ngọt, mứt, sản phẩm sữa đông lạnh, rau chế biến và siro hương liệu.
Một số loại trái cây, chẳng hạn như quả việt quất, có chứa paraben như một chất bảo quản tự nhiên .
4.3 Việc sử dụng paraben trong mỹ phẩm có bị cấm không?
Paraben không bị cấm khi sử dụng trong mỹ phẩm với hàm lượng thích hợp. Paraben được phép sử dụng bởi các cơ quan chính phủ trên khắp thế giới, bao gồm Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Úc và Canada với phạm vi sử dụng an toàn.
FDA đã tuyên bố rằng không có lý do gì để người tiêu dùng lo ngại về việc sử dụng mỹ phẩm có chứa paraben. FDA cũng đã phân loại methyl và propylparaben là những hợp chất an toàn để sử dụng trong bảo quản thực phẩm.
4.4 Có nên sử dụng mỹ phẩm không chứa paraben không?
Trong suốt những thập kỷ qua, tác dụng phụ của việc tiếp xúc lâu dài với paraben khiến nhiều người lo ngại. Mặc dù gần như tất cả các sản phẩm mỹ phẩm đều sử dụng một số loại chất bảo quản để đảm bảo chất lượng, nhưng các loại mỹ phẩm không chứa paraben có thể an toàn hơn nếu sử dụng lâu dài.
Bạn nên đọc kỹ bảng thành phần hoặc tìm kiếm cụm từ “không paraben” hoặc 0% paraben” trên bao bì của sản phẩm nếu lo ngại về các tác hại của hợp chất này.
Nhiều nhà sản xuất mỹ phẩm tự nhiên và hữu cơ đã tìm ra các giải pháp thay thế hiệu quả cho paraben để ngăn chặn sự phát triển của vi sinh vật trong các sản phẩm chăm sóc cá nhân. “Một số công ty đã tạo ra sản phẩm không chứa chất bảo quản, hạn sử dụng ngắn hơn sản phẩm thông thường (sáu tháng đến một năm), nhưng nếu dùng hàng ngày thì có khả năng dùng hết trước khi hết hạn”.
4.5 Paraben có gây ô nhiễm môi trường không?
Theo các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, paraben cũng có liên quan đến tác hại sinh thái, vì lượng butylparaben thấp cũng có thể giết chết san hô (Danaovaro 2008). Các kết quả phân tích cho thấy paraben đã xuất hiện trong các mẫu nước, cá và trầm tích (Haman 2015).
Ngoài ra, khi paraben được kết hợp với nước máy được khử trùng bằng clo, một số sản phẩm phụ của paraben được khử trùng bằng clo có thể hình thành (Canosa 2006). Người ta biết rất ít về độc tính của các sản phẩm phụ này, tuy nhiên, chúng có thể tồn tại lâu dài hơn (Haman 2015).
Tóm lại, paraben vẫn được coi là an toàn để sử dụng trong các sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm và thuốc. Tuy nhiên, các tác hại chưa được biết rõ của nó vẫn rất đáng lo ngại. Vì thế, hãy thận trọng khi sử dụng các sản phẩm có chứa paraben.
5 Tài liệu tham khảo
1. (n( FDA (Ngày đăng: Ngày 25 tháng 02 năm 2022). Parabens in Cosmetics, FDA. Ngày truy cập: Ngày 09 tháng 05 năm 2023 )n)
2. (n( CDC (Ngày đăng: Ngày 07 tháng 04 năm 2023). Paraben, CDC. Ngày truy cập: Ngày 09 tháng 05 năm 2023 )n)
3. (n( Tasha Stoiber (Ngày đăng: Ngày 09 tháng 04 năm 2019). What Are Parabens, and Why Don’t They Belong in Cosmetics?, EWG. Ngày truy cập: Ngày 09 tháng 05 năm 2023 )n)
4. (n( Chemical Safety Facts, (Ngày đăng: Ngày 14 tháng 10 năm 2022). Paraben, CSF. Ngày truy cập: Ngày 09 tháng 05 năm 2023 )n)
5. (n( Tasha Stoiber (Ngày đăng: Ngày 09 tháng 04 năm 2019). What Are Parabens, and Why Don’t They Belong in Cosmetics?, EWG. Ngày truy cập: Ngày 09 tháng 05 năm 2023 )n)