Papaverin

5 sản phẩm

Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:

Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây

Papaverin

Bài viết biên soạn dựa theo

Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba

Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022

TRANG 1270-1271, tải PDF TẠI ĐÂY

PAPAVERIN HYDROCLORID 

Tên chung quốc tế: Papaverine hydrochloride.

Mã ATC: A03AD01, G04BE02. 

Loại thuốc: Thuốc chống co thắt cơ trơn. 

1 Dạng thuốc và hàm lượng 

Viên nén: 30 mg, 40 mg, 60 mg, 100 mg.

Nang giải phóng kéo dài: 150 mg.

Thuốc tiêm: 30 mg/ml (2 ml, 10 ml). 

Cấu trúc 3D của Papaverin
Cấu trúc 3D của Papaverin

2 Dược lực học 

Papaverin là alcaloid chiết xuất từ Nhựa thuốc phiện hoặc tổng hợp, nhưng nó không có mối liên quan về hóa học hay tác dụng dược lý với các alcaloid khác của thuốc phiện (morphin). Tác dụng điều trị chủ yếu của papaverin là chống co thắt cơ trơn. Tác dụng chống co thắt của papaverin chủ yếu ở các mạch máu gồm cơ động mạch vành, mạch não và mạch máu ngoại vi. Papaverin cũng gây giãn cơ trơn phế quản, đường tiêu hóa, niệu quản và đường mật. Papaverin làm thư giãn cơ tim do ức chế trực tiếp tính kích thích của cơ tim, kéo dài thời gian trơ và làm giảm sự dẫn truyền. 

Tác dụng chống co thắt của papaverin trực tiếp và không liên quan tới sự phân bố thần kinh ở cơ. Khi có tắc mạch, thuốc có thể tác dụng, do chống lại sự co mạch phản xạ ở mạch nhánh. Papaverin có hai cơ chế tác dụng chống co thắt, gồm ức chế phosphoryl hóa do oxy hóa và cản trở calci trong khi co cơ. Thuốc ít tác dụng trên hệ TKTW, mặc dù liều cao có thể gây ức chế ở một số người bệnh. Thuốc cũng có hoạt tính chẹn kênh calci yếu khi dùng liều cao. Papaverin ít có tác dụng giảm đau. 

Trước kia papaverin đã được dùng để chống thiếu máu não, thiếu máu ngoại vi do co thắt động mạch, thiếu máu cơ tim, co thắt phế quản do hen, cơn đau thắt ngực. Tuy nhiên, tác dụng và hiệu quả không rõ rệt nên ngày nay các chỉ định này đã bị loại bỏ và thay thế bằng các thuốc có hiệu quả hơn. 

Ngoài các tác dụng đã nêu trên, papaverin hydroclorid còn được dùng một mình (2,5 - 37,5 mg, thường dùng đến 30 mg) hoặc kết hợp với phentolamin mesylat (0,08 - 1,25 mg, thường là 0,5 - 1 mg) để điều trị rối loạn cương dương vật ở nam giới bằng cách tiêm thuốc vào thể hang. ADR khi tiêm thuốc vào thể hang thường là gây cương đau dương vật kéo dài, hoặc gây nhiễm khuẩn, tụ máu tại chỗ, có thể bị xơ hóa hoặc vẹo dương vật nếu dùng trong thời gian dài. Phần lớn các chuyên gia khuyến cáo thuốc lựa chọn hàng đầu điều trị rối loạn cương dương ở nam giới là các thuốc ức chế phosphodiesterase typ 5 (sildenafil, Tadalafil, Vardenafil) trừ khi bị chống chỉ định. 

Papaverin thường được dùng dưới dạng muối hydroclorid. Các dạng muối papaverin codecarboxylat, cromesilat, hydrobromid, nicotinat, sulfat và teprosiglat đã được dùng. 

3 Dược động học 

Papaverin hydroclorid được hấp thu tốt qua Đường tiêu hóa và tác dụng xuất hiện khá nhanh. Thuốc phân bố khắp cơ thể, có nồng độ cao nhất ở mô mỡ và gan. Nửa đời sinh học khi uống khoảng 1 - 2 giờ, nhưng trị số này thay đổi với từng người bệnh. Tuy nhiên có thể duy trì nồng độ huyết tương khá hằng định bằng cách uống thuốc cách nhau 6 giờ. Uống dạng thuốc giải phóng kéo dài có thể giải phóng liên tục papaverin hydroclorid trong thời gian 12 giờ. Có tới 90% thuốc gắn với protein huyết tương. Sinh khả dụng khi uống khoảng 54%. Thuốc chuyển hóa chính và nhanh ở gan, bài tiết qua nước tiểu, chủ yếu dưới dạng liên hợp glucuronid của các chất chuyển hóa dạng phenolic. 

4 Chỉ định 

Papaverin có thể dùng để chống co thắt cơ trơn đường tiêu hóa, đường niệu, đường mật, nhưng không dùng để chữa co thắt mạch vành, mạch não, co thắt phế quản như trước kia. Cho nên chỉ định của papaverin chỉ nên cho khi có :

  • Đau bụng do tăng nhu động ruột, dạ dày. 
  • Cơn đau quặn thận. 
  • Cơn đau quặn mật.

5 Chống chỉ định 

Người bệnh quá mẫn với papaverin. 

Khi có blốc nhĩ - thất hoàn toàn và phải dùng hết sức thận trọng khi có suy giảm dẫn truyền, vì thuốc có thể gây ngoại tâm thu thất nhất thời, có thể là ngoại tâm thu hoặc cơn nhịp nhanh kịch phát. 

Chống chỉ định của Papaverin
Chống chỉ định của Papaverin

6 Thận trọng 

Nên tránh dùng cho người bị Parkinson, đặc biệt khi đang dùng levodopa. 

Phải dùng papaverin hydroclorid một cách hết sức thận trọng cho người bệnh tăng nhãn áp, bệnh glôcôm. Thuốc tiêm papaverin hydroclorid được dùng dưới sự giám sát của bác sĩ có kinh nghiệm. Phải tiêm tĩnh mạch chậm và rất thận trọng vì nếu tiêm nhanh, có thể gây loạn nhịp và ngừng thở dẫn đến tử vong. 

Ngừng dùng papaverin khi có những triệu chứng quá mẫn gan rõ ràng (triệu chứng về tiêu hóa, vàng da), hoặc thấy có tăng bạch cầu ưa eosin, hoặc khi những kết quả xét nghiệm chức năng gan biến đổi. Không dùng cho trẻ sơ sinh do tăng nguy cơ giãn mạch não của thuốc và có thể chảy máu trong sọ. 

Độ an toàn và hiệu quả của papaverin ở trẻ em chưa được xác định. Không dùng papaverin trong thời gian dài vì có thể dẫn đến phụ thuộc vào thuốc. 

7 Thời kỳ mang thai 

Chưa biết papaverin có thể gây độc hại với thai nhi khi dùng cho người mang thai, hoặc có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản hay không. Không dùng papaverin cho người mang thai, trừ khi thật cần thiết. 

8 Thời kỳ cho con bú 

Chưa biết papaverin có bài tiết trong sữa người hay không. Vì nhiều thuốc được bài tiết trong sữa người, nên cần thận trọng cân nhắc lợi ích và nguy cơ khi dùng papaverin cho người cho con bú.

9 Tác dụng không mong muốn (ADR) 

Mặc dù độc tính của papaverin hydroclorid thấp sau khi uống, nhưng đã gặp những ADR do tác dụng trên các hệ thần kinh thực vật và trung ương. Những ADR về tiêu hóa, viêm gan và quá mẫn gan cũng đã được thông báo. 

9.1 Ít gặp 

Tim mạch: đỏ bừng mặt, nhịp tim nhanh, tăng huyết áp nhẹ, loạn nhịp khi tiêm tĩnh mạch nhanh. 

TKTW: chóng mặt, ngủ gà, an thần, ngủ lịm, nhức đầu. 

Tiêu hóa: buồn nôn, táo bón, chán ăn, ỉa chảy. 

Gan: quá mẫn gan, viêm gan mạn tính. 

Hô hấp: ngừng thở (nếu tiêm tĩnh mạch nhanh). 

9.2 Hướng dẫn cách xử trí ADR 

Phải ngừng dùng papaverin khi thấy có quá mẫn gan với những triệu chứng về tiêu hóa, vàng da, hoặc có tăng bạch cầu ưa eosin, hoặc nếu kết quả xét nghiệm chức năng gan biến đổi. 

10 Liều lượng và cách dùng 

10.1 Cách dùng 

Papaverin hydroclorid có thể dùng uống hoặc tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch chậm. 

Có thể dùng papaverin uống trong hoặc sau bữa ăn, hoặc với sữa hoặc các kháng acid để làm giảm rối loạn tiêu hóa. Tiêm tĩnh mạch khi cần có tác dụng ngay, nhưng phải tiêm chậm trong thời gian 1 - 2 phút để tránh những ADR nghiêm trọng. 

10.2 Liều lượng

10.2.1 Uống

Viên nang giải phóng kéo dài: Người lớn, uống 150 mg, cách 8 - 12 giờ/lần; hoặc 300 mg, cách 12 giờ/lần. 

Viên nén: Người lớn, uống 40 - 100 mg/lần, ngày 2 - 3 lần; có thể dùng tới 600 mg/ngày. 

10.2.2 Tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch

Liều thuốc tiêm papaverin hydroclorid thường dùng cho người lớn là 30 mg; tuy nhiên có thể dùng liều 30 - 120 mg, tiêm nhắc lại cứ 3 - 4 giờ/lần, nếu cần. Trong điều trị ngoại tâm thu tim, 2 liều có thể cho cách nhau 10 phút. Người cao tuổi thường dùng liều 30 - 65 mg (hiếm khi tới 120 mg), tiêm nhắc lại cứ 3 giờ/lần. Trẻ em có thể dùng 6 mg/kg/24 giờ, chia thành 4 liều nhỏ. 

11 Tương tác thuốc 

Các thuốc ức chế hệ TKTW làm tăng nhẹ tác dụng của papaverin. Morphin có tác dụng hiệp đồng với papaverin. 

Papaverin có thể phong bế các thụ thể dopamin. Khi dùng đồng thời, papaverin có thể cản trở tác dụng điều trị của Levodopa ở người bệnh Parkinson. Tránh dùng papaverin ở người bệnh Parkinson, đặc biệt khi người bệnh này đang điều trị với levodopa.

12 Tương kỵ 

Không trộn lẫn thuốc tiêm papaverin hydroclorid với Dung dịch tiêm Ringer lactat vì có thể gây tủa. 

13 Quá liều và xử trí 

13.1 Triệu chứng

Nói chung, những biểu hiện của quá liều do vận mạch không ổn định, gồm buồn nôn, nôn, yếu cơ, ức chế hệ TKTW, rung giật nhãn cầu, song thị, toát mồ hôi, đỏ bừng, chóng mặt và nhịp tim nhanh xoang. Khi quá liều nặng, papaverin ức chế mạnh hô hấp tế bào và là thuốc chẹn kênh calci yếu. Sau khi uống liều 15 g papaverin hydroclorid, đã nhận thấy có nhiễm acid với tăng thông khí, tăng Glucose huyết và giảm Kali huyết. 

13.2 Xử trí

Khi quá liều papaverin, phải đảm bảo đường thở của người bệnh và truyền dịch hỗ trợ. Theo dõi cẩn thận những dấu hiệu nặng đe dọa cuộc sống, các khí trong máu và các chỉ số hóa sinh trong máu. 

Nếu co giật xảy ra, điều trị bằng Diazepam, Phenytoin hoặc Phenobarbital. Khi có những co giật khó điều trị, có thể dùng thiopental hoặc halothan để gây mê và thuốc phong bế thần kinh - cơ để gây liệt. Có thể truyền dịch tĩnh mạch, đặt chân người bệnh ở tư thế nâng cao và/hoặc có thể dùng một thuốc tăng huyết áp như dopamin, noradrenalin để điều trị hạ huyết áp. Có thể dùng calci gluconat để điều trị các tác dụng có hại về tim; theo dõi nồng độ calci huyết tương và điện tâm đồ. Chưa biết có thể loại bỏ papaverin bằng tăng cường bài niệu, thẩm tách màng bụng hoặc thẩm tách máu hay không. 

Cập nhật lần cuối: 2016

Xem thêm chi tiết

Các sản phẩm có chứa hoạt chất Papaverin

Opispas 40mg
Opispas 40mg
Liên hệ
Papaverin 2% Danapha
Papaverin 2% Danapha
Liên hệ
Paparin.inj
Paparin.inj
Liên hệ
Papaverin 40mg Vidipha
Papaverin 40mg Vidipha
Liên hệ
1 1/1
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633