Oxytocine

4 sản phẩm

Ước tính: 3 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:

Nếu phát hiện thông tin nào chưa chính xác, vui lòng báo cáo cho chúng tôi tại đây Oxytocine

 Bài viết biên soạn dựa theo

Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba

Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022


OXYTOCIN 

Tên chung quốc tế: Oxytocin. 

Mã ATC: H01BB02. 

Loại thuốc: Thuốc thúc đẻ - Hormon thùy sau tuyến yên. 

1 Dạng thuốc và hàm lượng 

Ống tiêm: 2 đơn vị/ml, 5 đơn vị/ml, 10 đơn vị/ml; 2 đơn vị/2 ml, 5 đơn vị/5 ml. 

Lọ nhỏ mũi: 40 đơn vị/ml (5 ml). 

Chế phẩm có bán trên thị trường thường là dạng oxytocin tổng hợp, pH của dung dịch tiêm được điều chỉnh đến 2,5 - 4,5 bằng acid acetic. Hiệu lực của oxytocin được tính theo hoạt tính hạ huyết áp trên gà. Mỗi đơn vị tương ứng với 2 - 2,2 microgam hormon tinh khiết. 

2 Dược lực học 

Oxytocin dùng để gây sảy thai, gây chuyển dạ đẻ hoặc thúc đẻ và để giảm chảy máu nơi nhau bám. Oxytocin gây co bóp tử cung với mức độ đau thay đổi tùy theo cường độ co bóp tử cung. Oxytocin là một hormon nonapeptid, oxytocin ngoại sinh cũng có tất cả các tác dụng dược lý như oxytocin nội sinh. 

Oxytocin kích thích gián tiếp lên co bóp cơ trơn tử cung bằng cách làm tăng tính thẩm natri của sợi tơ cơ tử cung. Nồng độ cao estrogen làm hạ thấp ngưỡng đáp ứng của tử cung với oxytocin. Tử cung đáp ứng với oxytocin tăng theo thời gian mang thai và cao hơn ở người đang chuyển dạ (thai kỳ càng lớn, tử cung càng đáp ứng với oxytocin, gây ra cơn co tử cung giống như khi chuyển dạ đẻ tự nhiên); chỉ liều rất cao mới gây co bóp tử cung ở đầu thai kỳ. Tử cung đến hạn đẻ co bóp do oxytocin gây ra giống như khi chuyển dạ đẻ tự nhiên. Ở tử cung đến hạn đẻ, oxytocin làm tăng biến độ và tần số cơn co tử cung, đồng thời làm giảm hoạt động của cổ tử cung nên làm giãn, làm cổ tử cung mở hết và nhất thời cản trở máu tới tử cung. 

Oxytocine

Oxytocin gây co bóp tế bào cơ biểu mô quanh nang tuyến sữa, làm sữa từ các nang tuyến sữa dồn vào các ống dẫn lớn hơn, vì vậy oxytocin làm sữa dễ chảy ra. Oxytocin không phải là chất tăng sinh sữa. 

Oxytocin gây giãn mạch, tăng lưu lượng máu tới thận, mạch vành và não. Huyết áp thường không thay đổi, nhưng sau khi tiêm tĩnh mạch liều cao hoặc dung dịch không pha loãng, huyết áp có thể giảm thoáng qua, tim đập nhanh và cung lượng tim tăng do phản xạ. Bất kỳ một giảm huyết áp nào lúc đầu thường kéo theo tăng huyết áp nhẹ nhưng kéo dài sau đó, điều này có thể nguy hiểm cho người bệnh đã bị giảm thể tích máu hoặc có bệnh tim. Do đó không nên tiêm tĩnh mạch mà nên pha loãng truyền tĩnh mạch hoặc tiêm bắp. 

Trái với vasopressin, oxytocin có tác dụng chống bài niệu yếu; tuy nhiên ngộ độc nước có thể xảy ra khi dùng oxytocin với một thể tích quá nhiều dịch truyền không có chất điện giải và/hoặc tiêm truyền quá nhanh. 

3 Dược động học 

3.1 Hấp thu

Oxytocin bị chymotrypsin phân hủy ở hệ tiêu hóa. Sau khi tiêm tĩnh mạch oxytocin, tử cung đáp ứng hầu như ngay lập tức và mức độ đáp ứng giảm xuống trong vòng 1 giờ. Sau khi tiêm bắp, tử cung đáp ứng trong vòng 3 - 5 phút và kéo dài 2 - 3 giờ. Sau khi tiêm tĩnh mạch với liều 100 - 200 mili đơn vị, tác dụng gây chảy sữa của oxytocin xảy ra trong vòng vài phút và kéo dài khoảng 20 phút. 

3.2 Phân bố

Oxytocin được phân bố khắp dịch ngoại bào. Một lượng nhỏ oxytocin có thể vào vòng tuần hoàn thai nhi. Oxytocin có nửa đời trong huyết tương khoảng 3 - 5 phút. 

3.3 Chuyển hóa

Thuốc bị phân hủy nhanh ở gan và thận. Oxytocinase là enzym trong tuần hoàn được sản xuất sớm từ đầu thai kỳ cũng có khả năng làm mất hoạt tính của oxytocin. 

3.4 Thải trừ

Chỉ một lượng nhỏ oxytocin thải trừ vào nước tiểu ở dạng không đổi. 

4 Chỉ định 

Gây chuyển dạ đẻ cho người mang thai đến hoặc sắp đến hạn đẻ (ngày dự kiến sinh nở) mà nếu tiếp tục mang thai có thể có nguy cơ cho mẹ hoặc thai (thí dụ, thai phụ bị đái tháo đường, tăng huyết áp, suy nhau thai...). 

Thúc đẻ khi tăng chuyển dạ kéo dài. 

Phòng và điều trị chảy máu sau đẻ do đờ tử cung. 

Gây sảy thai (sảy thai không hoàn toàn, thai chết lưu). 

Một số chế phẩm có chứa Oxytocine
Một số chế phẩm có chứa Oxytocine

5 Chống chỉ định 

Cơn co tử cung cường tính, tắc cơ học đường sổ thai; suy thai khi chưa đẻ; trường hợp không thể để theo đường tự nhiên được (ví dụ: không tương ứng kích thước giữa đầu thai nhi và khung chậu, ngôi bất thường, nhau tiền đạo, mạch tiền đạo, nhau bong non, sa dây nhau, dễ bị vỡ tử cung do mang thai nhiều lần, đa ối, hoặc có sẹo tử cung do phẫu thuật, kể cả sẹo nạo thủng, bóc nhân xơ tử cung); tránh dùng thuốc kéo dài ở người bị đờ tử cung trơ với oxytocin, nhiễm độc thai nghén, tiền sản giật nặng, sản giật, hoặc bệnh tim mạch. Người bệnh có tiền sử quá mẫn cảm với thuốc. 

6 Thận trọng 

Chỉ các cán bộ chuyên khoa cao trong bệnh viện có sẵn phương tiện chăm sóc tăng cường và phẫu thuật mới được dùng oxytocin. Trong khi dùng oxytocin, phải theo dõi liên tục cơn co tử cung, tần số tim thai nhi và mẹ, huyết áp mẹ và áp lực trong tử cung (nếu có thể) để tránh các biến chứng. Nếu xảy ra co tử cung cường tính, phải ngừng ngay oxytocin. Kích thích tử cung co do oxytocin thường giảm ngay sau khi ngừng thuốc. 

Vì oxytocin có thể gây một vài tác dụng chống bài niệu, nên được khuyến cáo hạn chế đưa dịch vào cơ thể, tránh dùng các dịch tiêm truyền nồng độ natri thấp. Tránh dùng oxytocin liều cao (40 - 50 mili đơn vị/phút) hoặc trong giai đoạn dài (truyền chậm trên 24 giờ), đồng thời giám sát lượng dịch đưa vào, thải ra trong khi dùng thuốc. Tác dụng trên tim mạch của oxytocin như loạn nhịp tim, hạ huyết áp, thiếu máu cơ tim, dãn mạch ngoại biên và nhịp tim nhanh đã được báo cáo. Nguy cơ các phản ứng có hại này phụ thuộc vào liều và đường dùng, đồng thời gia tăng trên bệnh nhân có bệnh tim mạch kèm theo. Cần rất thận trọng khi sử dụng thuốc cho bệnh nhân có huyết động không ổn định. 

Các trường hợp tử vong ở thai nhi hoặc mẹ do cơn tăng huyết áp, xuất huyết dưới màng nhện hoặc vỡ tử cung đã xảy ra khi dùng oxytocin để thúc đẻ trong giai đoạn đầu tiên hoặc thứ hai khi sinh đẻ. Liều cao hoặc nhạy cảm với oxytocin có thể dẫn đến tăng trương lực cơ tử cung, chuột rút, co cơ kiểu uốn ván hoặc vỡ tử cung. 

7 Thời kỳ mang thai 

Oxytocin không được dùng trong 3 hoặc 6 tháng đầu thai kỳ, trừ trường hợp sảy thai tự nhiên hay gây sảy thai. Oxytocin không gây dị dạng thai khi dùng theo chỉ định, tuy nhiên có thể gây các ADR khác không phải quái thai. 

8 Thời kỳ cho con bú 

Oxytocin có thể vào sữa mẹ một lượng nhỏ. Khi cần điều trị oxytocin sau đẻ (kiểm soát chảy máu nặng), chỉ cho con bú sau khi ngừng thuốc ít nhất 1 ngày. 

9 Tác dụng không mong muốn (ADR) 

9.1 Thường gặp và rất thường gặp 

Tim mạch: loạn nhịp tim. 

Tiêu hóa: buồn nôn, nôn. 

TKTW: nhức đầu. 

9.2 Ít gặp 

Chuyển hóa: tác dụng chống bài niệu có thể gây ngộ độc nước thoáng qua kèm đau đầu và buồn nôn. 

9.3 Hiếm gặp và rất hiếm gặp 

Toàn thân: phản ứng phản vệ. 

Da: ban da, mày đay

Hô hấp: phù thanh quản. 

Liều cao hoặc tử cung quá mẫn cảm với oxytocin: tăng trương lực tử cung, co thắt, co cứng tử cung hoặc vỡ tử cung. 

10 Liều lượng và cách dùng 

10.1 Gây chuyển dạ đẻ

Truyền tĩnh mạch bằng dụng cụ kiểm soát được tốc độ truyền, trước khi truyền tĩnh mạch, thuốc thường phải pha loãng với dung dịch Natri clorid 0,9% hoặc dung dịch Ringer lactat hoặc dung dịch dextrose 5% đến nồng độ thích hợp. Dung dịch oxytocin có nồng độ 10 mili đơn vị/ml thường được sử dụng. Dung dịch này được chuẩn bị bằng cách thêm dung dịch chứa 5 đơn vị vào 500 ml dung dịch pha loãng. 

Dung dịch oxytocin có nồng độ 20 mili đơn vị/ml cũng có thể được sử dụng trong những trường hợp cần thiết, được chuẩn bị bằng cách thêm 10 đơn vị vào 500 ml dung dịch pha loãng. 

Liều lượng và tốc độ truyền được xác định theo đáp ứng của từ cung. Phải giám sát liên tục tần số tim thai và cơn co tử cung. Phải ngừng truyền oxytocin khi có cơn co tử cung cường tính hoặc suy thai, thêm vào đó cần kết hợp cho sản phụ thở oxygen và áp dụng các xử lý cần thiết khác. 

Tốc độ truyền ban đầu là 0,5 - 1 mili đơn vị (0,0005 - 0,001 đv)/ phút, sau đó tăng dần thêm 1 - 2 mili đơn vị (0,001 - 0,002 đv)/ 2 phút, cách nhau ít nhất 30 phút, cho tới khi có cơn co tử cung như chuyển dạ bình thường (khoảng 3 - 4 cơn co trong 10 phút thường đáp ứng ở liều 0,01 mili đơn vị/phút) và tối đa 0,02 mili đơn vị phút; nếu cơn co tử cung như chuyển dạ bình thường không đạt được sau khi dùng 5 đơn vị thì phải ngừng dùng thuốc (có thể nhắc lại vào ngày tiếp theo và bắt đầu truyền 0,001 - 0,004 đơn vị/phút). Tốc độ tới 6 mili đơn vị/phút (0,006 đv/phút) đã được báo cáo cho nồng độ oxytocin huyết tương giống như khi chuyển dạ đẻ tự nhiên. Một khi chuyển dạ đã tiến triển, có thể ngừng dần dần tiêm truyền oxytocin. 

10.2 Mổ lấy thai

Tiêm tĩnh mạch chậm 5 đơn vị ngay sau khi lấy thai ra.

10.3 Phòng chảy máu sau khi đẻ, sau khi đã xổ nhau

Ngay sau khi bong nhau, tiêm tĩnh mạch chậm 5 đơn vị (nếu đã tiêm truyền tĩnh mạch để gây chuyển dạ đẻ hoặc thúc đẻ, tăng tốc độ truyền trong giai đoạn 3 và trong vài giờ sau). 

Chú ý: Có thể tiêm bắp ergometrin thay cho oxytocin nếu không cần tác dụng nhanh. 

10.4 Điều trị chảy máu sau khi đẻ

Tiêm tĩnh mạch chậm 5 đơn vị (liều này có thể nhắc lại), tiếp theo trong trường hợp nặng có thể truyền tĩnh mạch 40 đơn vị/500 ml dịch truyền với tốc độ thích hợp để kiểm soát đờ tử cung. 

Chú ý: Tránh tiêm tĩnh mạch nhanh (có thể gây tụt huyết áp nhất thời), cần tiêm chậm. 

10.5 Sảy thai thường, nhất là thai chết lưu

Tiêm tĩnh mạch chậm 5 đơn vị, sau đó nếu cần thiết truyền tĩnh mạch 0,02 - 0,04 đơn vị/phút hoặc nhanh hơn. Tổng liều trong 12 giờ không vượt quá 30 đơn vị để tránh gây ngộ độc nước cùng với hạ natri huyết. 

11 Tương tác thuốc 

Tránh phối hợp oxytocin với carbopost tromethamin hoặc gemepost do có thể làm tăng độc tính của oxytocin. 

Dùng cyclopropan gây mê phối hợp với dùng oxytocin sẽ gây hạ huyết áp. 

Oxytocin có thể làm tăng tác dụng kéo dài khoảng QT khi dùng cùng với các thuốc kéo dài khoảng QT như Haloperidol.

Oxytocin sử dụng đồng thời với dinoproston, Misoprostol có thể gây tăng trương lực cơ tử cung. Oxytocin làm chậm tác dụng gây mê của thiopental. 

12 Tương kỵ 

Tương kỵ với fibrinolysin, norepinephrin bitartrat, proclorperazin edisylat và natri warfarin. Oxytocin cũng tương kỵ với nhiều thuốc khác, nhưng sự tương hợp phụ thuộc vào nhiều thông số (nồng độ của thuốc, pH, nhiệt độ). 

13 Quá liều và xử trí 

13.1 Triệu chứng

Suy thai, ngạt và tử vong thai nhi, có thể làm tăng trương lực cơ tử cung, tử cung co cứng, vỡ tử cung và tổn thương mô mềm, bong nhau non và nghẽn mạch do nước ối. 

13.2 Xử trí

Ngừng sử dụng oxytocin ngay. Điều trị triệu chứng và hỗ trợ nói chung.

Cập nhật lần cuối: 22021


Phần nghiên cứu sau đây không nằm trong Dược thư quốc gia Việt Nam 2022 lần xuất bản thứ 3

14 So sánh Oxytocin và Carbetoin

Carbetocin là chất đồng vận của Oxytocin, giúp tăng trương lực tử cung, đã được chứng minh có độ dung nạp tốt, an toàn với thời gian tác dụng kéo dài. Kết quả của công trình nghiên cứu ngẫu nhiên mù đôi, đa trung tâm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về đánh giá hiệu quả của Carbetocin trong phòng ngừa băng huyết sau sinh cho thấy Carbetocin ổn định nhiệt là một loại thuốc thay thế có độ an toàn và hiệu quả như Oxytocin trong việc ngăn ngừa băng huyết sau sinh. Carbetocin không yêu cầu làm lạnh và duy trì hiệu quả trong ít nhất 03 năm bảo quản ở 300C và độ ẩm tương đối 75%.  

Một số nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng Carbetocin có tác dụng ngăn ngừa băng huyết sau sinh tốt hơn, hạn chế sử dụng thêm thuốc khác sau khi điều trị và thời gian tác dụng nhanh hơn so với Oxytocin. Hơn nữa, tỷ lệ bệnh nhân phải can thiệp tử cung thấp hơn so với Oxytocin, tỷ lệ bệnh nhân mất máu thể tích > 500ml và phải can thiệp tử cung thấp hơn so với Misoprostol và tác dụng ngăn ngừa băng huyết tốt hơn so với Methylergometrin. So với Oxytocin, Carbetocin tạo ra đáp ứng tử cung kéo dài cả về cường độ lẫn tần số các cơn co tử cung và được dùng ngay sau sinh dưới dạng 01 liều đơn 100mcg tiêm bolus tĩnh mạch chậm trong thời gian hơn 01 phút. 

Với những ưu điểm vượt trội, Carbetocin có thể trở thành thuốc được lựa chọn để phòng ngừa băng huyết sau sinh tại Bệnh viện thay thế cho Oxytocin.

15 Tài liệu tham khảo

1. Tác giả Andrea Day, Philip Barclay, Louise Page (Ngày đăng: tháng 9 năm 2022). Is there a role for carbetocin in the prophylaxis of postpartum obstetric haemorrhage? , BMJ. Truy cập ngày 14 tháng 7 năm 2023. 

Xem thêm chi tiết

Các sản phẩm có chứa hoạt chất Oxytocine

Vinphatoxin 5UI (Hộp 10 ống)
Vinphatoxin 5UI (Hộp 10 ống)
120.000₫
Oxytocin Injection BP 10 Units
Oxytocin Injection BP 10 Units
95.000₫
Oxytocin Injection BP 5IU
Oxytocin Injection BP 5IU
65.000₫
Oxytocin 5IU/ml Danapha
Oxytocin 5IU/ml Danapha
Liên hệ
1 1/1
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633