Nitrofurantoin

2 sản phẩm

Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:

Nếu phát hiện thông tin nào chưa chính xác, vui lòng báo cáo cho chúng tôi tại đây Nitrofurantoin

Bài viết biên soạn dựa theo

Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba

Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022

NITROFURANTOIN 

Tên chung quốc tế: Nitrofurantoin. 

Mã ATC: J01XE01. 

Loại thuốc: Thuốc nitrofuran kháng khuẩn đường tiết niệu.

NITROFURANTOIN
NITROFURANTOIN  

1 Dạng thuốc và hàm lượng 

Viên nang: 25 mg, 50 mg, 100 mg. 

Viên nang giải phóng 2 lớp: 100 mg. Hỗn dịch uống: 25 mg/ml (300 ml). 

2 Dược lực học 

Nitrofurantoin là một dẫn chất nitrofuran có tác dụng kháng khuẩn. In vitro, thuốc có tác dụng với hầu hết các chủng vi khuẩn Gram âm và Gram dương gây bệnh đường tiết niệu. Cơ chế tác dụng kháng khuẩn của nitrofurantoin chưa được rõ và đầy đủ. Trong tế bào vi khuẩn, nitrofurantoin bị khử thành chất trung gian gây bất hoạt hoặc biến đổi protein ribosom của vi khuẩn và một số đại phân tử khác. Do đó, nitrofurantoin ức chế quá trình sinh tổng hợp protein, DNA, RNA và quá trình sinh tổng hợp vách tế bào của vi khuẩn. Thuốc có thể có tác dụng kìm khuẩn hoặc diệt khuẩn tùy thuộc vào nồng độ thuốc đạt được tại vị trí nhiễm khuẩn. Khi dùng ở liều điều trị, nitrofurantoin có tác dụng diệt khuẩn tại đường niệu.

Phổ tác dụng: In vitro, nitrofurantoin có tác dụng trên nhiều vi khuẩn Gram dương và Gram âm gây bệnh ở đường tiết niệu. Các chủng Gram dương nhạy cảm với nitrofurantoin bao gồm Staphylococcus aureus, S. saprophyticus, coagulase-negative staphylococci (ví dụ S. epidermidis), Enterococcus faecalis, Streptococcus agalactiae, streptococci nhóm D, viridans streptococci và Corynebacterium. Các chủng Gram âm nhạy với nitrofurantoin bao gồm Citrobacter amalonaticus, C. diversus, C. freundii, Klebsiella oxytoca, K. ozaenae, Enterobacter, Escherichia coli, Neisseria, Salmonella, Shigella. Nitrofurantoin thường bị kháng bởi phần lớn các chủng Proteus, Serratia, Pseudomonas, Acinetobacter, Providencia. 

Kháng thuốc hiếm khi xảy ra trong khi điều trị, nhưng có thể tăng khi dùng thuốc dài ngày. 

3 Dược động học 

Nitrofurantoin được hấp thu nhanh và hoàn toàn qua đường tiêu hóa. Tốc độ hấp thu phụ thuộc vào kích thước tinh thể của dược chất. Dạng tinh thể kích thước lớn hòa tan và hấp thu chậm hơn, nồng độ thuốc trong huyết tương thấp hơn, thời gian đạt tới nồng độ đỉnh trong nước tiểu kéo dài hơn dạng tinh thể bé. Thức ăn có thể tăng Sinh khả dụng của thuốc và kéo dài khoảng thời gian nồng độ thuốc trong nước tiểu có tác dụng điều trị, ảnh hưởng của thức ăn rõ rệt hơn khi thuốc được dùng ở dạng tinh thể kích thước lớn. Chế phẩm nitrofurantoin của các nhà sản xuất khác nhau có thể không tương đương sinh học, do vậy cần theo dõi và thay đổi thuốc nếu thấy không có đáp ứng. 

Khoảng 20 - 60% nitrofurantoin có liên kết với protein huyết tương. Thuốc qua được nhau thai, có thể phân bố trong mật và có thể tìm thấy ở dạng vết trong sữa mẹ. Nồng độ thuốc trong máu và các mô thấp, không đạt tới nồng độ kháng khuẩn do thuốc thải trừ nhanh. Nửa đời thải trừ trong huyết tương khoảng 0,3 - 1 giờ. Nitrofurantoin chuyển hóa ở gan và hầu hết ở các mô cơ thể, khoảng 30 - 40% liều thải trừ qua nước tiểu dưới dạng không biến đổi. Liều trung bình có thể cho nồng độ trong nước tiểu từ 50 - 200 microgam/ml ở người có chức năng thận bình thường. Tốc độ thải trừ phụ thuộc tuyến tính vào Độ thanh thải creatinin, vì vậy hiệu quả điều trị giảm và nguy cơ ngộ độc tăng ở người bệnh giảm chức năng thận. Nitrofurantoin làm nước tiểu có màu nâu. 

4 Chỉ định 

Các trường hợp nhiễm khuẩn đường tiết niệu cấp tính không có biến chứng và mạn tính do Escherichia coli, Enterococcus, Staphylococcus saprophyticus, Staphylococcus aureus và các chủng nhạy cảm Klebsiella, Enterobacter. 

Phòng nhiễm khuẩn hoặc điều trị ngăn chặn dài ngày cho những trường hợp nhiễm khuẩn tiết niệu bị tái phát. 

Dự phòng nhiễm khuẩn phẫu thuật đường tiết niệu sinh dục.

5 Chống chỉ định 

Quá mẫn với nitrofurantoin. 

Suy thận nặng, vô niệu, thiểu niệu, suy giảm chức năng thận (Clcr < 60 ml/phút). 

Người bệnh thiếu hụt G6PD. 

Người loạn chuyển hóa porphyrin. 

Trẻ em dưới 1 tháng tuổi. 

Phụ nữ mang thai giai đoạn gần sinh (38 - 42 tuần) và khi sinh, vì nguy cơ gây bệnh thiếu máu cho trẻ sơ sinh. 

6 Thận trọng 

Theo dõi chức năng phổi khi phải điều trị dài ngày, ngừng thuốc nếu thấy bất kỳ dấu hiệu nào gây nguy hại ở phổi. 

Thận trọng với những bệnh nhân đã có tiền sử bệnh ở phổi, gan, thần kinh hoặc dị ứng. Những người mắc các bệnh như suy thận, thiếu máu, hen, đái tháo đường mất cân bằng điện giải, thiếu vitamin B có xu hướng dễ mắc bệnh lý thần kinh ngoại biên. Cần ngừng thuốc nếu thấy có dấu hiệu của bệnh lý thần kinh ngoại biên tiến triển. 

Mặc dù các triệu chứng bệnh lý ở gan như viêm gan, vàng da ứ mật, hoại tử gan hiếm khi xảy ra nhưng đã thấy thông báo có trường hợp tử vong. Do vậy, cần theo dõi cẩn thận và ngừng thuốc ngay nếu có dấu hiệu viêm gan. 

Theo dõi chức năng thận khi phải điều trị dài ngày. Thuốc có thể làm cho nước tiểu người bệnh có màu nâu. 

Thận trọng với người bệnh cao tuổi, cần điều chỉnh liều lượng, do nguy cơ ngộ độc cao, đặc biệt là tai biến cấp đường hô hấp. 

Phụ nữ mang thai

7 Thời kỳ mang thai 

Cần cân nhắc và thận trọng khi chỉ định dùng nitrofurantoin để điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu ở phụ nữ mang thai. 

Chống chỉ định dùng nitrofurantoin cho phụ nữ mang thai giai đoạn gần sinh (38 - 42 tuần). 

8 Thời kỳ cho con bú 

Nitrofurantoin có thể sử dụng đối với người cho con bú, trừ trường hợp trẻ bị thiếu G6PD. 

9 Tác dụng không mong muốn (ADR) 

ADR xảy ra ở khoảng 1% người bệnh dùng thuốc. Thường gặp là các phản ứng ở Đường tiêu hóa, phản ứng mẫn cảm có hồi phục. Các phản ứng cấp tính và đôi khi rất nặng có thể xảy ra ở phổi, cần hết sức lưu ý. 

9.1 Thường gặp 

Toàn thân: nhức đầu. 

Tiêu hóa: buồn nôn, nôn, ỉa chảy, chán ăn. 

Da: ngoại ban, mày đay, ngứa. 

9.2 Ít gặp và hiếm gặp 

Thần kinh: chóng mặt, buồn ngủ. 

Hô hấp: độc tính cấp trên phổi. 

9.3 Rất hiếm gặp 

Thần kinh: bệnh lý đa thần kinh ngoại biên, tăng áp lực nội sọ lành tính. Tiêu hóa: độc gan. 

Miễn dịch: hội chứng Stevens-Johnson, viêm da bong vảy, hội chứng giả lupus, sốc phản vệ, sốt do thuốc, tăng bạch cầu ưa acid.

Máu: giảm bạch cầu đa nhân, giảm tiểu cầu, thiếu máu tan huyết ở người thiếu hụt G6PD di truyền. 

Khác: rụng tóc tạm thời. 

10 Hướng dẫn cách xử trí ADR 

Với các trường hợp bị tổn thương ở phổi ngay cả khi ngừng thuốc, đặc biệt khi dùng thuốc dài ngày, phải được điều trị theo chuyên khoa. Khi gặp các phản ứng bệnh dây thần kinh ngoại biên, cần ngừng thuốc ngay và điều trị triệu chứng, hỗ trợ nếu cần. 

Trường hợp viêm ruột có giả mạc có thể tăng khi dùng các thuốc chống nhiễm khuẩn. Trường hợp nhẹ có thể hết khi ngừng thuốc. Trường hợp trung bình đến nặng có thể phải cho truyền dịch, cung cấp điện giải, thay thế protein. Nếu người bệnh không đáp ứng với các liệu pháp này hoặc trong những trường hợp nặng hơn, sử dụng các thuốc kháng khuẩn nếu cần. 

11 Liều lượng và cách dùng 

11.1 Cách dùng

Thuốc dùng đường uống. Để giảm phản ứng đối với dạ dày - ruột, đồng thời làm tăng hấp thu và dung nạp thuốc, nên uống nitrofurantoin cùng sữa hoặc bữa ăn. 

11.2 Liều dùng

11.2.1 Người lớn

Uống 50 - 100 mg/lần, 4 lần/ ngày. Nếu dùng viên giải phóng 2 lớp, uống 100 mg, cách nhau mỗi 12 giờ. Đợt điều trị ít nhất 7 ngày hoặc cho tới 3 ngày sau khi cấy vi khuẩn nước tiểu cho kết quả âm tính. 

Phòng tái phát: 50 - 100 mg, 1 lần mỗi ngày, uống trước khi đi ngủ. Dự phòng nhiễm khuẩn phẫu thuật niệu sinh dục: dùng viên giải phóng 2 lớp, 100 mg, 2 lần mỗi ngày vào ngày làm phẫu thuật và 3 ngày sau đó. 

11.2.2 Trẻ em > 1 tháng tuổi

Liều thường dùng 3 mg/kg/ngày, chia 4 lần. Có thể dùng mức liều cao hơn là 5 - 7 mg/kg/24 giờ, chia 4 lần. Đợt điều trị ít nhất 7 ngày hoặc cho tới 3 ngày sau khi cấy vi khuẩn nước tiểu cho kết quả âm tính. 

Phòng tái phát: Dùng dài ngày với liều 1 mg/kg/ngày, uống 1 lần  trước khi đi ngủ hoặc chia làm 2 lần/ngày. 

11.2.3 Người suy thận

Cl > 60 ml/phút: dùng như liều bình thường. Không dùng trong trường hợp Cl < 60 ml/phút, thẩm tách máu hoặc thẩm phân màng bụng. 

12 Tương tác thuốc 

Nitrofurantoin và các kháng sinh nhóm quinolon đối kháng in vitro, nhưng chưa rõ tương tác trên lâm sàng. 

Tác dụng kháng khuẩn của thuốc giảm khi có mặt các chất ức chế carbonic anhydrase và các thuốc khác làm kiềm hóa nước tiểu, do vậy không nên dùng đồng thời, 

Các thuốc thải acid uric niệu, như probenecid, sulfinpyrazon có thể ức chế bài tiết nitrofurantoin ở ống thận, làm tăng nồng độ trong máu, tăng nguy cơ ngộ độc và làm giảm hiệu quả điều trị viêm đường tiết niệu. 

Thuốc kháng acid có chứa magnesi trisilicat có thể làm giảm hấp thu nitrofurantoin qua đường tiêu hóa. 

Nitrofurantoin có thể gây phản ứng dương tính giả, khi xét nghiệm Glucose niệu bằng phương pháp khử đồng. 

13 Tương kỵ 

Nitrofurantoin tương kỵ với đệm citrat, phản ứng tạo thành tạp acid 3-(5-nitrofurfuryliden amino) hydantonic. 

14 Quá liều và xử trí 

14.1 Triệu chứng

Chủ yếu là nôn. 

14.2 Xử trí

Để giảm hấp thu khi dùng quá liều, gây nên nếu bệnh nhân không tự nôn được. 

Không có thuốc giải độc đặc hiệu, chủ yếu duy trì cung cấp lượng dịch truyền lớn để tăng cường bài tiết thuốc qua nước tiểu. Thẩm tách máu nếu cần loại thuốc nhanh hơn. 

Chăm sóc hỗ trợ, chú ý rối loạn tâm thần. 

Sản phẩm có chứa NITROFURANTOIN
Sản phẩm có chứa NITROFURANTOIN

Cập nhật lần cuối: 2020

Xem thêm chi tiết

Các sản phẩm có chứa hoạt chất Nitrofurantoin

Nitrofon-100
Nitrofon-100
Liên hệ
Piyeloseptyl 100mg
Piyeloseptyl 100mg
550.000₫
1 1/1
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633