Nghệ Vàng (Khương Hoàng, Uất Kim - Curcuma longa L.)

330 sản phẩm

Ước tính: 4 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:

Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây

Phân loại khoa học
Giới(regnum)

Plantae (Thực vật)

Angiospermae (Thực vật có hoa)

Monocots (Thực vật một lá mầm)

Commelinids (nhánh Thài lài)

Bộ(ordo)

Zingiberales (Gừng)

Họ(familia)

Zingiberaceae (Gừng)

Chi(genus)

Curcuma

Danh pháp hai phần (Tên khoa học)

Curcuma longa L.

Nghệ Vàng (Khương Hoàng, Uất Kim - Curcuma longa L.)

Nghệ vàng được biết đến khá phổ biến với công dụng chữa khó thở, đau liên sườn dưới, đau nhức vùng ngực và bụng, ứ máu, bế kinh, kinh nguyệt không đều. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Nghệ vàng.

1 Giới thiệu

Nghệ còn được biết đến với các tên gọi khác như Nghệ vàng, Khương hoàng và có tên khoa học là Curcuma longa L. Nó thuộc vào họ Gừng - Zingiberaceae.

Vị thuốc thân rễ của Nghệ vàng theo Dược điển Việt Nam có tên khoa học là: Rhizoma Curcumae longae.

1.1 Đặc điểm cây Nghệ vàng

Cây thảo này có thân rễ phát triển thành củ hình khối, mọc nhiều rễ trụ màu vàng cam. Cây có chiều cao khoảng 1m và thường sống nhiều năm. Lá mọc đơn lẻ, hình dải rộng, có bẹ.

Đặc điểm hoa cây Nghệ vàng: Hoa màu vàng được xếp thành bông hình trụ ở ngọn thân, lá bắc màu lục hoặc màu trắng nhạt pha hồng ở chóp lá. Cây Nghệ vàng ra hoa có ý nghĩa gì? Cây Nghệ vàng ra hoa phản ánh quá trình sinh trưởng và phát triển của cây đang rất tốt, còn theo phong thủy, cây Nghệ vàng ra hoa biểu trưng cho sự may mắn, khởi đầu mới tốt đẹp.

Quả của cây có hình cầu và có 3 ô.

Thân rễ Nghệ vàng có hình trụ thẳng hay hơi cong, cũng có khi phân nhánh dạng chữ Y, dài 2 - 5 cm, đường kính 1 - 3 cm. Mặt ngoài máu xám nâu, nhăn nheo có các đường vòng ngang sít nhau, đôi khi còn vết của các nhánh và rễ. Mặt cắt ngang có thể thấy rõ 2 vùng vỏ và trụ giữa, trụ giữa chiến 2/3 đường kính. Chất của thân rễ chắc, nặng, mặt bẻ bóng, màu vàng cam, mùi hơi hắc, vị hơi đắng, hơi cay.

Dưới đây là hình ảnh cây Nghệ vàng:

Nghệ - Vị thuốc đa công dụng thường gặp ở mọi nhà
Hình ảnh cây Nghệ vàng

1.2 Thu hái và chế biến

Phần được sử dụng của cây Nghệ vàng là Thân rễ - Rhizoma Curcumae Longae. Thân rễ này được gắn liền với gốc lá và thường được gọi là Khương hoàng. Còn phần rễ củ mọc từ thân rễ của cây Nghệ vàng được gọi là Uất kim.

Thường thì thân rễ được thu hoạch vào tháng 8, tháng 9 và cắt bỏ hết các rễ khác để tách riêng phần thân rễ. Nếu muốn lưu giữ thân rễ trong thời gian dài, bạn cần hấp chúng trong nước từ 6 đến 12 giờ, sau đó rán và phơi nắng hoặc sấy khô.

Bào chế: Rửa sạch, ngâm 2-3 giờ sau đó ủ mềm, thái lát, phơi khô. Ngâm trong đồng tiện 3 ngày 3 đêm (mỗi ngày thay đồng tiện một lần), thái lát rồi phơi khô, sao vàng (hành huyết).

Trong Y học cổ truyền, Nghệ vàng thường được chế biến như sau:

Dạng thái phiến

Nghệ vàng sau khi thu hoạch đem thái thành từng phiến vát, đem phơi hay sấy khô. Nếu là củ Nghệ vàng khô thì cần ngâm cho mềm, rửa trước khi thái sau đó mới đem phơi khô

Dạng sao với giấm

10kg Nghệ vàng sao với 1,5 đến 2kg giấm

Nghệ vàng đem tẩm cùng với giấm, để khoảng 30 phút, sau đó cho lên bếp sao trên lửa nhỏ đến khi khô là được

Có thể luộc Nghệ vàng cùng với giấm sau đó thái phiến và phơi khô

Dạng phiến sao vàng

Nghệ vàng sau khi thái phiến đem sao vàng đến khi có màu vàng thẫm

Dạng chế với phèn chua

Nghệ vàng thái phiến đem tẩm với nước phèn chua theo tỷ lệ 10kg Nghệ vàng với 0,1kg phèn chua thêm nước vừa đủ, ủ trong khoảng 1 giờ và đem sao đến khi vàng

Dạng chế với giấm, phèn chua

10kg Nghệ vàng, 1kg giấm, 0,1kg phèn chua, nước vừa đủ

Trộn Nghệ vàng với giấm, thêm một ít nước cháo nóng vào trộn cùng, thêm Dung dịch phèn chua vào trộn đều, ủ trong 24 giờ, cho lên bếp luộc đến khi cạn, phơi khô cho đến khi còn khoảng 30% nước thì đem ủ cho mềm trong 2 ngày rồi đem đi thái phiến dày 3-5mm, phơi khô

1.3 Đặc điểm phân bố

Cây thích nơi bóng râm và độ ẩm cao, thường được trồng để thu hoạch củ dùng làm thực phẩm và thuốc.

Loài này phân bố rộng rãi trên khắp các vùng ở nước ta và còn được tìm thấy ở nhiều quốc gia như Indônêxia, Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan.

2 Cách trồng

Nghệ vàng được trồng phổ biến ở nhiều nơi, cây vừa dùng để làm gia vị và vừa dùng để làm thuốc. Nghệ vàng là loài ưa ẩm, không kén đất, có khả năng chịu bóng nhưng lại không chịu được ngập úng. Cây sinh trưởng và phát triển tốt ở những nơi có khí hậu nóng hoặc vùng mát mẻ đều được.

Nghệ vàng thường được trồng bằng củ, khi thu hoạch thì chọn những củ to, khỏe, có nhiều nhánh, để ở nơi râm mát. Khi trồng thì tách lấy những nhánh mầm, trọng lượng trên dưới 10g để làm giống. Mỗi hecta trồng khoảng từ 1 đến 1,5 tấn giống.

Tại nước ta, Nghệ vàng thường được tròng vào cuối tháng 2 đến hết tháng 3. Đất trồng là đất thịt nhẹ, có pha cát, thoát nước tốt, khoảng cách trồng là 25x30 hoặc 30x30cm.

Trong quá trình trồng cần làm cỏ, bón phân, giữ đất luôn đủ ẩm để cây phát triển tốt.

Nghệ vàng được thu hoạch vào cuối mùa đông sau khi thân lá đã tàn lụi, không enen thu hoạch trong giai đoạn cây đang ra mầm.

3 Nghệ vàng có hoạt chất gì?

Củ Nghệ vàng có tinh dầu màu vàng nhạt, mang mùi thơm đặc trưng. Thành phần của tinh dầu này bao gồm 25% carbur terpenic, zingiberen và 65% ceton sesquiterpenic, cùng với các chất turmeron và arturmeron. Ngoài ra, trong củ Nghệ vàng còn chứa các chất curcuminoid bao gồm curcumin (0.3-1.5%) và desmethoxycurcumin. Curcumin có dạng tinh thể màu đỏ ánh tím, không tan trong nước nhưng lại tan được trong acid và kiềm.

Nghệ - Vị thuốc đa công dụng thường gặp ở mọi nhà
Dược liệu cây Nghệ vàng

4 Công dụng - Tác dụng của củ Nghệ vàng

4.1 Tác dụng dược lý của Nghệ vàng tươi

Các tính chất của cây Nghệ vàng là khả năng hạ cholesterol trong máu, tăng tiết mật, chống loét dạ dày, chống viêm cấp và mạn. Tinh dầu Nghệ vàng còn có khả năng diệt khuẩn ngoài da và chống nấm. Trong Nghệ vàng, Curcumin đã được chứng minh là có nhiều tác dụng, bao gồm khả năng nhanh lên da non, hỗ trợ làm lành vết thương, ngăn ngừa ung thư, kháng viêm, chống oxy hóa...

Curcumin là một polyphenol có khả năng tác động đến nhiều phân tử tín hiệu đồng thời và hoạt động ở cấp độ tế bào, giúp hỗ trợ nhiều lợi ích sức khỏe. Nó có tác dụng chống viêm, giảm đau, kiểm soát các tình trạng viêm và thoái hóa mắt, cũng như hỗ trợ cho các tình trạng chuyển hóa và thận. Mặc dù có nhiều lợi ích điều trị khi bổ sung curcumin, tuy nhiên hầu hết chúng đến từ tác dụng chống oxy hóa và chống viêm của nó.

Nghệ vàng thể hiện tác dụng chống loét dạ dày và loạn tiêu hóa. Cao nước hoặc cao methanol khi cho thỏ uống thì thấy tác dụng giảm tiết dịch vị, tăng số lượng chất nhầy ở dạ dày.

Nghệ vàng có tác dụng ức chế phản ứng viêm cấp tính và mạn tính khi nghiên cứu trên mô hình gây phù bàn chân và gây u hạt trên động vật thí nghiệm. Tác dụng này có hiệu quả tương tự như Indomethacin hoặc hydrocortison acetat. Curcumin và dẫn chất là thành phần có tác dụng chống viêm có thể do cơ chế thu dọn gốc tự do.

Khi nghiên cứu thử nghiệm cho bệnh nhân uống 500g bột Nghệ vàng, ngày 4 lần liên tục trong 7 ngày thì thấy tác dụng tốt đối với loạn tiêu hóa, loạn tiêu hóa mất trương lực, loạn tiêu hóa đầy hơi.

Cucurmin cũng thể hiện tác dụng kháng khuẩn.

Viên Kim truật được bào chế từ Nghệ vàng và Bạch Truật thể hiện tác dụng giảm đau khá nhanh, giảm triệu chứng rối loạn tiêu hóa nhưng hình ảnh X quang của vết loét không thấy có nhiều thay đổi.

Cao lỏng toàn phần của Nghệ vàng cho thấy tác dụng giảm cholesterol và nồng độ lipid toàn phần trong máu thỏ sau khi gây tăng cholesterol máu thực nghiệm.

Cao dán nhọt làm từ Nghệ vàng và các dược liệu khác cũng cho thấy tác dụng điều trị đáng kể, thời gian điều trị thường kéo dài từ 3-9 ngày, không cần trích, rạch.

Kem Nghệ vàng khi điều trị cho thỏ đã gây bỏng thực nghiệm cho thấy kết quả tốt, kem có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm, giúp loại bỏ các tổ chức bỏng đã hoại tử, tái tạo và làm liền sẹo.

Nghệ vàng khi phối hợp với một số dược liệu khác cho thấy tác dụng kích thích tăng cường tái tạo tổ chức ở vết loét cổ tử cung.

Tinh dầu Nghệ vàng thể hiện tác dụng sát trùng yếu.

Cao chiết với dầu hỏa khi cho chuột cống trắng cái uống hàng ngày ở liều 100-200mg/kg từ ngày 1 đến ngày 7 cho thấy tác dụng ngừa thai.

Curcumin khi sử dụng ở liều 100mg/kg trong 6 ngày liên tục đã gây tình trạng loét dạ dày ở chuột cống trắng.

4.2 Vị thuốc, bột Nghệ vàng - Công dụng theo y học cổ truyền

4.2.1 Tính vị, tác dụng

Nghệ vàng có vị đắng cay và hương thơm đặc trưng, quy kinh can, tỳ, tính ấm và có tác dụng làm thông kinh chỉ thống và hành khí phá ứ. Ngoài ra, lá của cây Nghệ vàng cũng có tác dụng tiêu mủ, tăng sự bài tiết mật của tế bào gan, phá vỡ cholesterol trong máu và nhanh lên da non. Tinh dầu từ Nghệ vàng có tác dụng diệt khuẩn ngoài da và giống như curcumin, nó cũng có tác dụng kháng khuẩn.

Nghệ - Vị thuốc đa công dụng thường gặp ở mọi nhà
Hoa Nghệ vàng

4.2.2 Công dụng của cây Nghệ vàng

Nghệ vàng thường được sử dụng để điều trị các triệu chứng như khó thở, đau liên sườn dưới, đau nhức vùng ngực và bụng, ứ máu, bế kinh, kinh nguyệt không đều, không thể loại bỏ máu xấu sau khi sinh và chấn thương ứ huyết sau khi bị đòn ngã. Ngoài ra, nó còn được sử dụng để điều trị viêm loét dạ dày, ung nhọt, ghẻ lở, phong thấp và đau nhức tay chân. Liều dùng khuyến cáo từ 4 đến 12g dưới dạng thuốc sắc (Liều dùng theo Dược điển Việt Nam 5 tập 2 là từ 6 - 12g dạng bột hay thuốc sắc). Nếu dùng ngoài, có thể lấy nước ép từ Nghệ vàng tươi để bôi trị ung nhọt, viêm tấy và lở loét ngoài da. Đối với dạng bột, nên sử dụng từ 2 đến 4g, chia làm hai lần sử dụng.

Các lợi ích sức khỏe tiềm năng của Curcumin đã được công nhận và sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới dưới nhiều hình thức khác nhau. Ví dụ, ở Ấn Độ, người ta sử dụng Nghệ vàng - có chứa curcumin - trong món cà ri; tại Nhật Bản, curcumin được sử dụng trong trà; ở Thái Lan, nó được sử dụng trong mỹ phẩm; tại Trung Quốc, nó được dùng làm chất tạo màu; ở Hàn Quốc, nó được sử dụng trong đồ uống; ở Malaixia, nó được dùng làm thuốc sát trùng; và tại Hoa Kỳ, curcumin được sử dụng trong nước sốt mù tạt, phô mai, bơ và khoai tây chiên, và cũng được sử dụng như một chất bảo quản và tạo màu thực phẩm, bên cạnh các dạng viên nang và bột khác.

Curcumin được cung cấp dưới nhiều dạng, bao gồm viên nang, viên nén, thuốc mỡ, nước tăng lực, xà phòng và mỹ phẩm. Các Curcuminoids đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt đạt "Chứng nhận an toàn" (GRAS), và khả năng dung nạp tốt cũng như tính an toàn đã được chứng minh qua các thử nghiệm lâm sàng, ngay cả ở liều lên đến 12.000 mg/ngày với nồng độ 95% của ba curcuminoids: curcumin, bisdemethoxycurcumin và demethoxycurcumin.

Nghệ - Vị thuốc đa công dụng thường gặp ở mọi nhà
Tác dụng của củ Nghệ vàng tươi

5 Cách sử dụng Nghệ vàng tươi: Uống Nghệ vàng tươi bao nhiêu 1 ngày?

Các nghiên cứu tại Hoa Kỳ đã chứng minh rằng một liều lượng curcumin lên đến 2.000mg là an toàn cho sự tiêu hóa và chuyển hóa thành các chất có ích cho sức khỏe. Curcumin là một thành phần quan trọng trong Nghệ vàng và được coi là một trong những chất bảo vệ sức khỏe tự nhiên hiệu quả nhất.

Dùng Nghệ vàng trong thực phẩm là thuận tiện và đơn giản, tuy nhiên khó để biết chính xác lượng Nghệ vàng cơ thể đang hấp thụ. Bổ sung Nghệ vàng vào đồ uống như trà, sinh tố, latte có thể giúp dễ dàng tiêu thụ hơn. Bạn có thể ép Nghệ vàng cùng với trái cây, gừng hoặc kết hợp với khoai lang, táo xanh và chanh để tận dụng lợi ích của Nghệ vàng hàng ngày.

6 Tác hại của Nghệ vàng

Những vấn đề liên quan đến việc sử dụng Nghệ vàng bao gồm: 

  • Vấn đề tiêu hóa như chướng bụng, trào ngược axit, đầy hơi và tiêu chảy nếu dùng liều hàng ngày vượt quá 1.000mg; 
  • Đau đầu và buồn nôn ở một số người ở liều 450mg hoặc cao hơn; 
  • Phát ban trên da nếu dùng liều 8.000mg curcumin hoặc hơn (rất hiếm);
  • Nguy cơ hình thành sỏi thận do Nghệ vàng chứa khoảng 2% oxalat ở liều cao;
  • Phản ứng dị ứng như phát ban và khó thở; 
  • Nguy cơ thiếu sắt, do Nghệ vàng có thể làm giảm khả năng hấp thụ Sắt của cơ thể.

Không dùng Nghệ vàng cho người cơ thể suy nhược, không có ứ trệ.

Nghệ - Vị thuốc đa công dụng thường gặp ở mọi nhà
Bột Nghệ vàng mật ong

7 Bài thuốc từ Nghệ vàng

7.1 Chữa thổ huyết, chảy máu cam

Nghệ vàng đem tán nhỏ, ngày dùng 4-6g chiêu với nước.

7.2 Chữa trĩ

Mài Nghệ vàng rồi bôi vào.

7.3 Phòng và chữa bệnh sau khi đẻ

Dùng 1 củ Nghệ vàng đem nướng rồi nhau ăn, uống với rượu hay đồng tiện.

7.4 Viên trị vàng da từ Nghệ vàng

Có thể dùng những loại nguyên liệu như Nghệ vàng, Củ gấu, Nghệ vàng đen và quả Quất non để tán bột và trộn với Mật Ong để làm viên trị vàng da. Còn với Cao dán nhọt, ta cần chuẩn bị Nghệ vàng 60g, Nhựa thông 40g, Sáp ong 40g, Dầu Vừng 80g, củ Ráy 80g. Tiến hành gọt sạch củ Ráy, giã nhuyễn và nấu chung với nhựa, dầu và sáp. Sau đó, lấy Nghệ vàng đập dập và phết đều lên giấy mỏng để dán mụn nhọt.

7.5 Thuốc rửa âm đạo từ Nghệ vàng

Để tạo nên thuốc rửa âm đạo, ta cần pha trộn Bột Nghệ vàng (Nghệ vàng xà cừ) 30g, Hàn the 20g, Phèn chua phi 20g cùng với 500ml nước. Sau đó, hãy nấu chung hỗn hợp này trong 15 phút và lọc sạch. Tiếp tục đun sôi một lần nữa trước khi để nguội. Nước này có thể được sử dụng để bơm rửa trong âm đạo.

7.6 Bài thuốc chữa đau dạ dày từ Nghệ vàng

Để chữa đau dạ dày, bạn có thể dùng Nghệ vàng và mật ong. Hãy trộn 12g Nghệ vàng với 6g mật ong để tạo thành viên uống. Kết quả sẽ rất tốt nếu bạn uống thường xuyên, bởi nó cũng giúp bổ dưỡng và lành vết loét dạ dày.

8 Các bài thuốc trị bệnh từ Nghệ vàng của Hải Thượng Lãn Ông

8.1 Chữa trúng phong, bại liệt một bên

12g Nghệ vàng.

12g Dây Bìm Bìm.

12g Rau Sam.

12g lá cây Đậu gió.

12g Huyết Giác.

12g Xương bồ.

20g Quế chi.

12g Hồi hương.

12g Đinh Hương.

Các vị đem tán nhỏ, trộn cùng rượu, thêm 1 chén nước tiểu rồi xoa bóp.

8.2 Chữa chứng trong bụng tích thành cục, đờm tích hay huyết tụ gây đau

Sử dụng một lượng bằng nhau củ Nghệ vàng, củ gấu, thêm một ít Cam Thảo rồi đem tán thành bột, làm viên. Thêm 3 lá gừng, 3 lá tử tô, 2g muối. Đem sắc nước để uống, có thể uống với liều lúc đói sẽ càng tốt hơn.

8.3 Chữa đái ra máu

40g Nghệ vàng tán nhỏ.

1 nắm hành trắng.

Sắc lấy nước uống, chia làm 3 lần trong ngày.4

8.4 Chữa ra nhiều mồ hôi

Dùng một lượng bằng nhau các vị Nghệ vàng, Ngũ bội tử, Củ sữa bò, trộn với nước, tịt vào rốn.

8.5 Chữa phụ nữ bị uất mà sinh điên cuồng

280g Nghệ vàng.

120g Phèn chua.

Các vị đem tán nhỏ tạo viên với hồ.

Mỗi lần uống 12g với nước sôi.

8.6 Chữa lở ngứa, ghẻ

Dùng Nghệ vàng, hạt củ đậu, hạt máu chó với lượng bằng nhau, thêm một ít Diêm Sinh rồi tán nhỏ, hòa cùng mỡ lợn hoặc dầu vừng rồi bôi.

8.7 Chữa sai khớp, bong gân

Củ nghê.

Đinh hương.

Quế.

Vỏ sồi.

Hồi hương.

Gừng sống.

Vỏ Núc Nác.

Lá canh châu.

Mủ xương rồng bà.

Lá náng.

Thầu Dầu tía.

Lá kim cang.

Lá đau xương.

Huyết giác.

Lá mua.

Hạt chấp.

Hạt máu chó.

Bưởi bung.

Lá tầm gửi cây khế.

Nếu sưng thì bỏ lá đau xương, thêm giấm.

Các vị giã nát, sao nóng rồi chườm.

9 Phân biệt Khương hoàng và Uất kim

Rất nhiều người lầm tưởng rằng Khương Hoàng và Uất kim chỉ là tên gọi khác nhau của một loại dược liệu được chế biến từ thân rễ của cây Nghệ vàng có tên khoa học là Curcuma longa L.. Trên thị trường dược liệu hiện nay, nhiều thương lái mặc định rằng Khương hoàng là 'củ cái', còn Uất kim là 'củ nhánh con' của cây Nghệ vàng.

Theo Y học cổ truyền Trung Quốc và nhiều tài liệu khác, đây là 2 vị thuốc hoàn toàn khác nhau, cụ thể: 

  • Khương hoàng là vị thuốc chế biến từ thân rễ (Rhizoma) của cây Nghệ vàng (Curcuma longa), có tên khoa học là Rhizoma Curcumae longae
  • Uất kim là vị thuốc chế biến từ rễ (Radix) của một số loài thuộc chi Nghệ vàng (Curcuma longa; Curcuma wenyujin; Curcuma kwangsiensis; Curcuma phaeocaulis), có tên khoa học là Radix Curumae longae

Do đó, tính vị và công năng của Khương hoàng và Uất kim cũng không hoàn toàn giống nhau.

Điểm giống nhau của 2 vị thuốc này là đều có vị cay đắng, tuy nhiên, Khương hoàng có tính ấm quy vào kinh can, tỳ còn Uất Kim có tính hàn quy vào kinh can tâm. Do đó, tác dụng của 2 loại dược liệu này cũng sẽ khác nhau, Khương hoàng có tác dụng hoạt huyết, thống kinh còn Uất Kim có tác dụng hóa ứ, thanh tâm giải uất.

Do đó, ứng dụng trong điều trị của Khương Hoàng và Uất Kim cũng không giống nhau:

  • Khương Hoàng thường được dùng trong các trường hợp đau bụng, đau hạ sườn, đau do chấn thương.
  • Uất Kim thường được dùng trong trường hợp tiểu ra máu, chảy máu cam, rối loạn tâm thần.

10 Nghệ vàng, nghệ đen hay nghệ trắng chữa đau dạ dày tốt hơn?

Nghệ vàng, nghệ đen hay nghệ trắng chữa đau dạ dày tốt hơn?
Nghệ vàng, nghệ đen hay nghệ trắng chữa đau dạ dày tốt hơn?

Nghệ đen, Nghệ vàng, Nghệ trắng đều thuộc chi Curumae, đây đều là những vị thuốc được sử dụng phổ biến trong Y học cổ truyền nhờ có nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe. Vậy, sử dụng nghệ nào để chữa đau dạ dày tốt hơn?

 

Nghệ vàng

Nghệ đen

Nghệ trắng

Tên khoa học

Curcuma longa L.

Curcuma zedoarin (Berg.) Roscoe

Curcuma aromatica Salisb.

Đặc điểm thực vật

Cây thảo, chiều cao khoảng 0,6 đến 1 mét

Thân rễ to, phân nhánh thành nhiều củ, màu vàng sẫm đến vàng đỏ, rất thơm

Lá mọc thẳng từ thân rễ

Cụm hoa hình trụ hoặc hình trứng

Quả nang

Cây thảo, chiều cao mỗi cây khoảng 1 đến 1,5 mét

Thân rễ hình non, củ hình trụ màu vàng nhạt, những củ già có vòng xám

Lá hình mũi mác

Cụm hoa hình trụ dài 20cm

Quả ít gặp

Cây thảo, chiều cao mỗi cây khoảng 1 mét

Thân rễ to, nhiều rễ mang củ hình trứng, màu trắng vàng nhạt, rất thơm

Lá mọc so le

Cụm hoa hình trụ dài 15-20cm

Quả ít gặp

Hàm lượng curcumin

Hàm lượng curcumin tinh khiết là 1,5-2%Chưa xác địnhChưa xác định

Công dụng

Chữa bế kinh, kinh nguyệt không đều, viêm loét dạ dày, ghẻ lở, ung nhọt, vàng da

Dùng ngoài chữa trĩ, ung nhọt

Chữa đau bụng, ăn không tiêu, chữa bế kinh, hành kinh máu đông thành cục, tích huyết

Y học hiện đại dùng làm thuốc bổ

Chữa kinh nguyệt không đều, viêm gan, Đau Bụng Kinh, ho gà, tê thấp, dùng ngoài chữa sai khớp

Nghệ trắng còn được dùng như một vị thuốc bổ

Y học cổ truyền và Y học hiện đại thường dùng Nghệ vàng trong các bài thuốc chữa viêm loét dạ dày vì cho hiệu quả cao, an toàn, ít nguy cơ xảy ra tác dụng không mong muốn.

11 Tài liệu tham khảo

  1. Nhận thức cây thuốc và dược liệu, chủ biên Trần Hùng (Xuất bản năm 2021). Nghệ vàng trang 74 - 75, Nhận thức cây thuốc và dược liệu. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2023.
  2. Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1, tác giả Võ Văn Chi, Nhà xuất bản y học (Xuất bản năm 2021). Nghệ vàng trang 90 - 91, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2023.
  3. Tác giả Susan J. Hewlings, Douglas S. Kalman (Đăng ngày 22 tháng 10 năm 2017). Curcumin: A Review of Its’ Effects on Human Health, PubMed. Truy cập ngày 13 tháng 04 năm 2023.
  4. Dược Điển Việt Nam 5 tập 2 (Xuất bản năm 2017). Nghệ vàng (Thân rễ), trang 1264 - 1265, Dược điển Việt Nam 5 tập 2. Truy cập ngày 22 tháng 09 năm 2023.
  5. Tác giả Đỗ Tất Lợi. Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam. Nghệ vàng trang 227-230. Truy cập ngày 19 tháng 12 năm 2024.
  6. Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Nghệ vàng, trang 383-391. Truy cập ngày 19 tháng 12 năm 2024.

Các sản phẩm có chứa dược liệu Nghệ Vàng (Khương Hoàng, Uất Kim - Curcuma longa L.)

PQA - Hoàng Kim
PQA - Hoàng Kim
Liên hệ
Nutrip Gold
Nutrip Gold
Liên hệ
Arthro-7 Nutrivita
Arthro-7 Nutrivita
Liên hệ
 Viên Trĩ Trixbye
Viên Trĩ Trixbye
Liên hệ
Dr.Spi Hepatopathy
Dr.Spi Hepatopathy
Liên hệ
Effemed Liver Well
Effemed Liver Well
Liên hệ
Viên thảo dược Giảm Cân Tan Mỡ Nấm X2
Viên thảo dược Giảm Cân Tan Mỡ Nấm X2
Liên hệ
Gan GSV
Gan GSV
250.000₫
Cholester Extra Akopha
Cholester Extra Akopha
Liên hệ
Kem bôi trĩ Doctorlog 20g
Kem bôi trĩ Doctorlog 20g
65.000₫
Siro Mát Gan Giải Độc - HT
Siro Mát Gan Giải Độc - HT
Liên hệ
S-Day HT
S-Day HT
Liên hệ
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900.888.633