Natri Picosulfate
2 sản phẩm
Dược sĩ Khánh Huyền Dược sĩ chuyên môn
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Bài viết biên soạn dựa theo
Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba
Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022
NATRI PICOSULFAT
Tên chung quốc tế: Sodium picosulfate.
Mã ATC: A06AB08.
Loại thuốc: Thuốc nhuận tràng.
1 Dạng thuốc và hàm lượng
Elixir (cồn ngọt): 5 mg/5 ml, lọ 100 ml.
Viên nang: 2,5 mg.
Viên nén: 5 mg.
Dung dịch làm sạch ruột: Bột uống natri picosulfat 10 mg/gói cùng với magnesi citrat (không dùng để điều trị táo bón).
2 Dược lực học
Natri picosulfat là thuốc nhuận tràng kích thích (còn gọi là thuốc nhuận tràng tiếp xúc) giống như bisacodyl, dùng để điều trị táo bón và để làm sạch đại tràng trước khi nội soi ống mềm, chụp chiếu hay phẫu thuật đại tràng. Sau khi uống, thuốc được vi khuẩn đường ruột chuyển hóa thành dạng hoạt tính. Dạng thuốc này kích thích trực tiếp lên các dây thần kinh tận cùng trên niêm mạc đại tràng, gây ức chế hấp thu nước từ lòng ruột do đó làm thể tích phân tăng và kích thích nhu động ruột. Tác dụng thường xuất hiện sau 6 đến 12 giờ. Nếu dùng cùng với magnesi citrat để làm sạch đại tràng thì tác dụng có thể xuất hiện chỉ sau 3 giờ. Natri picosulfat cùng với magnesi citrat được coi là thuốc làm sạch ruột an toàn và có hiệu quả ở người lớn và trẻ em bị bệnh viêm đại tràng, trừ trường hợp nghỉ là bị giãn đại tràng nhiễm độc.
3 Dược động học
Natri picosulfat được chuyển hóa bởi các vi khuẩn đường ruột thành một chất còn hoạt tính là bis (p-hydroxyphenyl)piridyl-2- methan và được đào thải qua phân. Chỉ một lượng nhỏ thuốc được hấp thu sau khi uống và nó được thải trừ qua nước tiểu.
4 Chỉ định
Điều trị táo bón; chuẩn bị cho chụp hay phẫu thuật đại tràng, nội soi ống mềm đại tràng.
5 Chống chỉ định
Tắc ruột hoặc bán tắc ruột. Mất nước nặng.
Các tình trạng cấp tính của đau bụng nặng và/hoặc sốt (ví dụ viêm ruột thừa) có thể liên quan đến buồn nôn và nôn.
Bệnh viêm ruột cấp tính.
6 Thận trọng
Thận trọng dùng cho người bị viêm ruột thể hoạt động (tránh dùng khi viêm tối cấp).
Điều trị táo bón bằng thuốc chỉ là một điều trị bổ trợ cho chế độ vệ sinh ăn uống (ăn giàu chất xơ, uống nhiều nước, hoạt động thể lực, phục hồi chức năng đại tiện).
Tránh dùng kéo dài (không quá 8 - 10 ngày). Kéo dài điều trị có thể gây 2 loại rối loạn
“Bệnh do thuốc nhuận tràng" với triệu chứng của bệnh đại tràng chức năng nặng, nhiễm melanin trực - đại tràng, rối loạn nước và điện giải kèm giảm Kali huyết, bệnh hiếm xảy ra.
“Phụ thuộc vào thuốc" phải dùng thuốc nhuận tràng thường xuyên mới đi đại tiện được, cần thiết phải tăng liều và táo bón nặng khi không dùng thuốc.
Cần thận trọng đối với người cao tuổi, suy nhược, trẻ nhỏ để tránh nguy cơ bị mất nước.
7 Thời kỳ mang thai
Chưa có nghiên cứu đầy đủ về sử dụng natri picosulfat cho người mang thai. Không nên dùng cho người mang thai.
8 Thời kỳ cho con bú
Natri picosulfat không biết có vào sữa mẹ không. Người mẹ nên ngừng cho con bú trong thời gian dùng thuốc.
9 Tác dụng không mong muốn (ADR)
9.1 Thường gặp
Đau bụng (đau thắt đại tràng), nôn, buồn nôn, tiêu chảy, hạ kali huyết.
9.2 Hiếm gặp
Ngoại ban.
10 Hướng dẫn cách xử trí ADR
Bồi phụ nước và điện giải bằng cách truyền dịch đường tĩnh mạch, tùy theo kết quả điện giải đồ.
11 Liều lượng và cách dùng
11.1 Điều trị táo bón
Người lớn: Uống 5 - 10 mg trước khi đi ngủ.
Trẻ em 1 tháng - 4 tuổi: Uống 250 microgam/kg (tối đa 5mg) trước khi đi ngủ.
Trẻ em > 4 - 10 tuổi: Uống 2,5 - 5 mg trước khi đi ngủ. Trẻ em > 10 tuổi: Uống 5 - 10 mg trước khi đi ngủ.
11.2 Làm sạch ruột
Pha gói bột có chứa 10 mg natri picosulfat cùng với magnesi citrat vào nước để uống vào hôm trước ngày làm thủ thuật. Đầu tiên nên pha bột vào 30ml nước. Chờ khoảng 5 phút, khi phản ứng sinh nhiệt hết, lúc đó cho thêm 150ml nước. Liều như sau:
Người lớn và trẻ em >9 tuổi: Uống 1 gói vào buổi sáng và 1 gói vào buổi chiều.
Trẻ em từ 1 - 2 tuổi: Uống 1/4 gói vào buổi sáng và 1/4 gói vào buổi chiều.
Trẻ từ > 2 - 4 tuổi: Uống 1/2 gói vào buổi sáng và 1/2 gói vào buổi chiều.
Trẻ từ > 4 - 9 tuổi: Uống 1 gói vào buổi sáng và 1/2 gói vào buổi chiều. Thuốc tác dụng trong vòng 3 giờ kể từ liều đầu tiên.
Ghi chú: 2 ngày trước khi làm thủ thuật, nên ăn chế độ ít bã và uống nhiều nước trong thời gian điều trị.
12 Tương tác thuốc
Tránh phối hợp với các thuốc chống loạn nhịp có thể gây nhịp xoắn đỉnh: bepridil, sotalol, amiodaron (giảm kali huyết là một yếu tố thuận lợi cũng như nhịp tim chậm và QT kéo dài trước khi dùng thuốc).
Vincamin: có khả năng gây nhịp xoắn đỉnh (giảm kali huyết là một yếu tố thuận lợi cũng như nhịp tim chậm và QT kéo dài có trước khi điều trị).
Thận trọng khi dùng các thuốc sau đây cùng với natri picosulfat: digitalis (hạ kali huyết có thể gây tăng độc tính của digitalis); corticoid; thuốc lợi tiểu thải kali (tăng nguy cơ hạ kali huyết do tác dụng hiệp đồng); amphotericin B (tiêm tĩnh mạch). Những trường hợp này nên dùng thuốc nhuận tràng khác.
13 Quá liều và xử trí
Triệu chứng: ỉa chảy, co cứng bụng, mất dịch, kali và các chất điện giải. Thiếu máu cục bộ tại niêm mạc đại tràng có thể xảy ra khi dùng liều rất cao gây táo bón. Quá liều lâu dài có thể gây ỉa chảy mãn tính, đau bụng, hạ kali huyết, tăng aldosteron thứ phát, sỏi thận, bệnh ống thận, yếu cơ.
Xử trí: trong thời gian ngắn nuốt phải, gây nôn hoặc rửa dạ dày. Truyền dịch và bổ sung chất điện giải nếu cần, đặc biệt đối với người già và trẻ em. Dùng thuốc chống co thắt khi cần.
Cập nhật lần cuối: 2016