Natri Clorid
306 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Bài viết biên soạn dựa theo
Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba
Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022
Trang 1174-1176, tải file PDF TẠI ĐÂY
Tên chung quốc tế: Sodium chloride.
Mã ATC: A12CA01, B05CB01, B05XA03, S01XA03.
Loại thuốc: Cung cấp chất điện giải, tưới rửa.
1 Dạng thuốc và hàm lượng
Thuốc tiêm: 0,45% (5 ml, 500 ml, 1 000 ml); 0,9% (10 ml, 50 ml, 100 ml, 250 ml, 500 ml); 3% (500 ml, 1 000 ml); 5%.
Viên nén: 650 mg, 1 g; viên bao tan trong ruột: 1 g; viên nén giải phóng biến đổi: 600 mg.
Dung dịch: Để tưới rửa 0,9% (100 ml, 2 000 ml); dùng cho mũi: 0,4% (15 ml, 50 ml), 0,6% (15 ml, 30 ml), 0,9%.
Khí dung: Thuốc khí dung để hít: 0,9% (90 ml, 240 ml).
Thuốc nhỏ mắt: Dung dịch 2% (15 ml), 5% (15 ml, 30 ml), 0,9%; thuốc mỡ 5% (3,5 g).
Chế phẩm phối hợp dùng để bù nước và điện giải.
2 Dược lực học
Khi tiêm tĩnh mạch, dung dịch natri clorid là nguồn cung cấp bổ sung nước và chất điện giải. Dung dịch natri clorid 0,9% (đẳng trương) có áp suất thẩm thấu xấp xỉ với dịch trong cơ thể. Natri là cation chính của dịch ngoại bào và có chức năng chủ yếu trong điều hòa sự phân bố nước, cân bằng nước, điện giải và áp suất thẩm thấu của dịch cơ thể. Natri kết hợp với clorid và bicarbonat trong điều hòa cân bằng acid-base, được thể hiện bằng sự thay đổi nồng độ clorid trong huyết thanh. Clorid là anion chính của dịch ngoại bào. Dung dịch tiêm natri clorid có khả năng gây bài niệu phụ thuộc vào thể tích tiêm truyền và điều kiện lâm sàng của người bệnh. Dung dịch natri clorid 0,9% không gây tan hồng cầu.
Dung dịch nhỏ mắt natri clorid ưu trương có khả năng giảm phù giác mạc do thẩm thấu qua biểu mô giác mạc có tính bán thấm.
3 Dược động học
Natri clorid được hấp thu qua Đường tiêu hóa.Thuốc được phân bố rộng rãi trong cơ thể. Thải trừ chủ yếu qua nước tiểu và một lượng nhỏ được thải trừ qua phân và mồ hôi.
4 Chỉ định
Bổ sung natri clorid và nước trong trường hợp mất nước do tiêu chảy, sốt cao, sau phẫu thuật, mất máu. Phòng và điều trị thiếu hụt natri và clorid do bài niệu quá mức hoặc hạn chế muối quá mức; phòng co cơ (chuột rút) và mệt lả do ra mồ hôi quá nhiều vì nhiệt độ cao.
Dung dịch tiêm natri clorid nhược trương (0,45%) được dùng chủ yếu làm dung dịch bồi phụ nước, và có thể sử dụng để đánh giá chức năng thận, để điều trị đái tháo đường tăng áp lực thẩm thấu. Dung dịch natri clorid đẳng trương (0,9%) được dùng rộng rãi để thay thế dịch ngoại bào và trong xử lý nhiễm kiềm chuyển hóa có mất dịch và giảm natri nhẹ; và là dịch dùng trong thẩm tách máu, dùng khi bắt đầu và kết thúc truyền máu.
Natri clorid còn được dùng trong điều trị nhiễm toan ceton do đái tháo đường (nhằm hồi phục thể tích tuần hoàn nếu huyết áp tâm thu dưới 90 mmHg). Dung dịch natri ưu trương (3%, 5%) dùng cho trường hợp thiếu hụt natri clorid nghiêm trọng cần phục hồi điện giải nhanh; (thiếu hụt natri clorid nghiêm trọng có thể xảy ra khi có suy tim hoặc giảm chức năng thận, hoặc trong khi phẫu thuật hoặc sau phẫu thuật). Còn được dùng khi giảm natri và clor huyết do dùng dịch không có natri trong nước và điện giải trị liệu, và khi xử lý trường hợp dịch ngoại bào pha loãng quá mức sau khi dùng quá nhiều nước (thụt hoặc truyền dịch tưới rửa nhiều lần vào trong các xoang tĩnh mạch mở khi cắt bỏ tuyến tiền liệt qua niệu đạo).
Thuốc tiêm natri clorid 0,9% cũng được dùng làm dung môi pha tiêm truyền một số thuốc tương hợp.
Thuốc nhỏ mắt: giảm phù giác mạc.
Thuốc hít: phục hồi độ ẩm, giảm sung huyết mũi do lạnh và dị ứng, là dung môi pha các thuốc giãn phế quản trước khi hít.
Thuốc nhỏ mũi: phục hồi độ ẩm, giảm sung huyết mũi.
Dung dịch rửa: rửa vết thương, rửa bàng quang, súc miệng,... Pha các thuốc dùng để nhỏ giọt vào bàng quang.
5 Chống chỉ định
Mẫn cảm với natri clorid.
Tăng natri huyết, ứ dịch.
Dung dịch ưu trương (3%, 5%): Chống chỉ định khi nồng độ điện giải huyết thanh tăng, bình thường hoặc chỉ giảm nhẹ.
Không dùng dung dịch natri clorid để gây nôn vì rất nguy hiểm, có thể tử vong.
6 Thận trọng
Người bệnh suy tim sung huyết hoặc các tình trạng giữ natri hoặc phù khác.
Người bệnh suy thận nặng, xơ gan, đang dùng các thuốc corticosteroid hoặc corticotropin.
Người bệnh cao tuổi và sau phẫu thuật.
Nhiễm độc thai nghén.
Không được dùng các dung dịch natri clorid có chất bảo quản alcol benzylic để pha thuốc cho trẻ sơ sinh vì đã có nhiều trường hợp tử vong ở trẻ sơ sinh dưới 2,5 kg thể trọng khi dùng các dung dịch natri clorid có chứa 0,9% alcol benzylic để pha thuốc.
Không dùng dung dịch dùng ngoài để tiêm truyền. Dung dịch natri clorid đậm đặc (> 1%) gây rộp da, cần dùng đúng kim tiêm và vị trí thông tiểu trước và trong quá trình truyền, tránh thoát mạch.
7 Thời kỳ mang thai
Nhu cầu natri không thay đổi trong suốt thời kỳ mang thai. Nước muối rửa mũi có thể dùng được cho phụ nữ mang thai để điều trị viêm mũi.
8 Thời kỳ cho con bú
Natri bài tiết vào sữa. Nhu cầu natri không thay đổi trong suốt thời kỳ cho con bú.
9 Tác dụng không mong muốn (ADR)
Tại chỗ: Hầu hết các ADR có thể xảy ra sau khi tiêm do dung dịch nhiễm khuẩn hoặc do kỹ thuật tiêm. Khi dùng các chế phẩm không tinh khiết có thể gây sốt, nhiễm khuẩn ở chỗ tiêm, tắc mạch, viêm tĩnh mạch và thoát mạch.
Tim mạch: Suy tim sung huyết, hạ huyết áp thoáng qua (đặc biệt khi dùng dung dịch natri clorid 23,4% ở người lớn).
Hô hấp: Co thắt phế quản (trong trường hợp hít dung dịch ưu trương), phù phổi.
TKTW: Phân hủy myelin trung ương.
Chuyển hóa: Tăng thể tích máu hoặc triệu chứng do quá thừa hoặc thiếu hụt một hoặc nhiều ion trong dung dịch.
Dùng quá nhiều natri clorid có thể làm tăng natri huyết và lượng clorid nhiều có thể gây mất bicarbonat kèm theo tác dụng acid hóa. Tiêu hóa: buồn nôn, nôn.
10 Hướng dẫn cách xử trí ADR
Nếu có một ADR nào xảy ra, phải ngừng truyền thuốc ngay. Kiểm tra tình trạng người bệnh và điều trị thích hợp nếu cần.
11 Liều lượng và cách dùng
11.1 Cách dùng
Natri clorid có thể uống, dùng ngoài hoặc tiêm truyền tĩnh mạch. Khi có chỉ định dùng dung dịch natri clorid 3% hoặc 5%, các dung dịch này phải được tiêm vào một tĩnh mạch lớn, không được để thuốc thoát mạch. Natri clorid còn được dùng bằng đường khí dung qua miệng.
Dung dịch dùng ngoài: Không làm nóng quá 66 °C, không dùng để tiêm truyền. Dung dịch rửa vết thương: Loại bỏ 1 ít dung dịch trước khi dùng để vệ sinh vòi phun.
11.2 Liều dùng
Liều dùng natri clorid tùy thuộc vào tuổi, cân nặng, tình trạng mất nước, cân bằng acid-base và điện giải của người bệnh.
Nhu cầu natri và clorid ở người lớn thường có thể được bù đủ bằng tiêm truyền tĩnh mạch 1 lít dung dịch tiêm natri clorid 0,9% hàng ngày hoặc 1 - 2 lít dung dịch tiêm natri clorid 0,45%.
Liều thông thường ban đầu tiêm truyền tĩnh mạch dung dịch natri clorid 3% hoặc 5% là 100 ml tiêm truyền trong 1 giờ. Trước khi tiêm thêm, cần phải định lượng nồng độ điện giải trong huyết thanh, bao gồm cả clorid và bicarbonat. Tiêm truyền tĩnh mạch dung dịch 3% hoặc 5% natri clorid không được vượt quá 100 ml/giờ. Liều uống natri clorid thông thường là 1 - 2 g/lần, 3 lần/ngày. Nhiễm toan ceton do đái tháo đường: Truyền tĩnh mạch 500 ml dung dịch natri clorid 0,9% trong 10 - 15 phút, lặp lại nếu huyết áp dưới 90 mmHg, hỏi ý kiến của các chuyên gia y tế.
Nếu huyết áp trên 90 mmHg, truyền dung dịch natri clorid 0,9% với tốc độ đủ bù lượng thiếu hụt. Chế độ duy trì còn bao gồm dùng Kali clorid, Insulin hòa tan, các hợp chất tương tự insulin kéo dài và dung dịch Glucose 10%.
Thuốc nhỏ mắt:
- Phù giác mạc: Thuốc mỡ 5%: Tra vào phía trong của mi mắt dưới mỗi 3 - 4 giờ/lần; dung dịch 2%: Nhỏ 1 - 2 giọt vào mắt bị thương 3 - 4 giờ/lần.
- Rửa mắt: Dùng thuốc nhỏ mắt 0,9%.
Thuốc nhỏ mũi: Nhỏ vào mỗi bên mũi 2 - 4 giọt mỗi 2 giờ, hoặc theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.
12 Tương tác thuốc
Natri clorid có thể làm tăng nồng độ của tolvaptan. Tránh sử dụng đồng thời 2 thuốc trên.
Thừa natri làm tăng bài tiết lithi; thiếu natri có thể thúc đẩy lithi bị giữ lại và tăng nguy cơ gây độc; người bệnh dùng lithi không được ăn nhạt.
Dung dịch natri clorid ưu trương dùng đồng thời với oxytocin có thể gây tăng trương lực tử cung, có thể gây vỡ tử cung hoặc rách cổ tử cung. Cần theo dõi khi dùng đồng thời.
13 Quá liều và xử trí
13.1 Triệu chứng
Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, co cứng bụng, khát, giảm nước mắt và nước bọt, hạ kali huyết, tăng natri huyết, vã mồ hôi, sốt cao, tim nhanh, tăng huyết áp, suy thận, phù ngoại biên và phù phổi, ngừng thở, nhức đầu, hoa mắt, co giật, hôn mê và tử vong.
13.2 Xử trí
Trong trường hợp mới dùng natri clorid, gây nôn hoặc rửa dạ dày kèm theo điều trị triệu chứng và hỗ trợ.
Khi có tăng natri huyết, nồng độ natri phải được điều chỉnh từ từ với tốc độ không vượt quá 10 - 12 mmol/lit hàng ngày: Tiêm truyền tĩnh mạch các dung dịch natri clorid nhược trương và đẳng trương (nhược trương đối với người bệnh ưu trương); khi thận bị thương tổn nặng, nếu cần thiết, có thể thẩm phân.
Cập nhật lần cuối: 2018