Natalizumab
1 sản phẩm
Dược sĩ Thanh Nhàn Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 6 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Hoạt chất Natalizumab được FDA phê duyệt để sử dụng trong lâm sàng nhằm mục đích điều trị điều trị bệnh đa xơ cứng và bệnh Crohn. Trong bài viết bày, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin về hoạt chất Natalizumab.
1 Tổng quan
1.1 Lịch sử ra đời
Vào năm 2004, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt Natalizumab - một kháng thể đơn dòng - để điều trị bệnh đa xơ cứng. Sau một thời gian được đưa vào sử dụng, FDA nhận được báo cáo về các trường hợp tử vong do bệnh não chất trắng đa ổ tiến triển trong quá trình điều trị bằng Natalizumab, FDA đã loại bỏ thuốc này khỏi thị trường. Tuy nhiên, vào tháng 7 năm 2006, FDA đã đưa trở lại thị trường loại thuốc này vì lí do có nhiều cuộc phản đối của những người mắc bệnh đa xơ cứng ủng hộ việc sử dụng Natalizumab. Đồng thời, FDA cũng thành lập một ủy ban cố vấn giám sát những người sử dụng Natalizumab. Tổ chức này nêu ra các cơ chế tác dụng, chỉ định, chống chỉ định, phương pháp sử dụng, các tác dụng phụ quan trọng, theo dõi và độc tính của Natalizumab để các bác sĩ có thể hướng dẫn điều trị cho bệnh nhân nhằm mang lại kết quả tối ưu cho bệnh nhân đa xơ cứng.
Natalizumab tiếp tục được FDA chấp thuận để điều trị bệnh Crohn vào tháng 1 năm 2008.
Xem thêm về bệnh Crohn tại đây: Bệnh Crohn: nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Vào ngày 24 tháng 8 năm 2023, thuốc sinh học tương tự đầu tiên của Natalizumab là Natalizumab-sztn đã được FDA phê duyệt.
2 Công thức cấu tạo
Đặc điểm cấu tạo: Natalizumab có bản chất là protein - một kháng thể đơn dòng đối với integrin alpha-4 ở người.
3 Tác dụng dược lý
3.1 Dược lực học
Natalizumab là một kháng thể đơn dòng liên kết với thụ thể integrin alpha-4 trên các tế bào nội mô mạch máu.Các integrin này là một nhóm các phân tử bám dính chọn lọc được kết hợp từ nhiều tiểu đơn vị, và là một chất cần thiết để hỗ trợ quá trình di chuyển của bạch cầu đến các vị trí viêm khắp cơ thể. Natalizumab làm giảm tình trạng viêm bằng cách cạnh tranh vị trí bám với các integrins tại các thụ thể của nó trên các tế bào bạch cầu trong quá trình bùng phát viêm. Do đó, Natalizumab phát huy tác dụng ngăn chặn các tế bào bạch cầu vượt qua thành mạch để đến các cơ quan đang bị tổn thương, từ đó làm giảm tình trạng viêm.
Cơ chế tác dụng của Natalizumab ở những người mắc bệnh đa xơ cứng và bệnh Crohn chưa được biết chính xác, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng bằng cách ngăn chặn sự di chuyển của các tế bào bạch cầu, Natalizumab giúp ngăn ngừa tổn thương thần kinh và viêm nhiễm. Hay cụ thể, ở những bệnh nhân mắc bệnh đa xơ cứng, Natalizumab ngăn chặn thụ thể integrin alpha 4-beta 1 nằm dọc hàng rào máu não, ngăn chặn bạch cầu xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương (CNS) của bệnh nhân. Một số nghiên cứu đã cho thấy số lượng tổn thương giảm đáng kể ở bệnh nhân mắc bệnh đa xơ cứng dùng Natalizumab.
3.2 Dược động học
3.2.1 Hấp thu
Sinh khả dụng của Natalizumab sau khi tiêm dưới da là 84% theo ước tính bằng cách sử dụng phân tích dược động học dân số cập nhật.
Giá trị đỉnh (Cmax) đạt được sau 1 liều 300mg Natalizumab tiêm dưới da là sau khoảng 1 tuần (tmax: 5,8 ngày, dao động từ 2 đến 7,9 ngày).
Cmax (nồng độ đỉnh) trung bình đối với bệnh nhân đa xơ cứng là 35,44 μg/mL xấp xỉ 33% giá trị Cmax sau khi tiêm tĩnh mạch.
Nhiều liều tiêm dưới da 300 mg dùng mỗi 4 tuần dẫn đến nồng độ C đáy tương đương với liều 300 mg tiêm tĩnh mạch mỗi 4 tuần.
3.2.2 Phân bố
Ở trạng thái ổn định, Thể tích phân bố trung bình là 5,58 L (5,27-5,92 L, với khoảng tin cậy 95%).
3.2.3 Chuyển hóa
Rất có thể được Natalizumab bị opsonin hóa bởi hệ thống lưới nội mô trong khi liên kết với bạch cầu.
3.2.4 Thải trừ
Thời gian bán hủy trung bình ước tính là 11 ± 4 ngày
4 Chỉ định - Chống chỉ định
4.1 Chỉ định của Natalizumab
4.1.1 Bệnh đa xơ cứng
Natalizumab được chỉ định là phương pháp đơn trị liệu để điều trị các dạng tái phát của bệnh đa xơ cứng, bao gồm:
- Hội chứng cô lập trên lâm sàng: lần đầu tiên xuất hiện các triệu chứng bệnh đa xơ cứng.
- Bệnh đa xơ cứng tái phát - thuyên giảm: một loại đa xơ cứng xảy ra khi bệnh nhân có các đợt triệu chứng thần kinh mới, sau đó là giai đoạn ổn định.
- Bệnh đa xơ cứng tiến triển thứ phát đang tiến triển: sau một quá trình tái phát - thuyên giảm, bệnh nhân bị tình trạng suy nhược dần dần trở nên trầm trọng hơn và tái phát liên tục.
Natalizumab tăng nguy cơ mắc bệnh não chất trắng đa ổ tiến triển. Khi bắt đầu và tiếp tục điều trị bằng Natalizumab, bác sĩ nên cân nhắc kỹ giữa nguy cơ và lợi ích.
4.1.2 Bệnh Crohn
Natalizumab được chỉ định để tạo ra và duy trì đáp ứng lâm sàng và làm thuyên giảm triệu chứng ở bệnh nhân trưởng thành mắc bệnh Crohn có mức độ từ trung bình đến nặng mà không có đáp ứng với các liệu pháp điều trị thông thường và các chất ức chế TNF-α. Natalizumab không nên được sử dụng kết hợp với thuốc ức chế miễn dịch (ví dụ, 6-mercaptopurine, Azathioprine, Cyclosporine hoặc ethotrexate) hoặc thuốc ức chế TNF-α.
4.2 Chống chỉ định của Natalizumab
Dị ứng với hoạt chất Natalizumab.
Bệnh nhân có nguy cơ bị nhiễm trùng cơ hội cao, trong đó có cả bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch (bao gồm cả những bệnh nhân vẫn đang điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch hoặc những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch do các liệu pháp trước đó)
Đang bị hoặc có tiền sử bị bệnh não chất trắng đa ổ tiến triển
Bệnh nhân có các khối u ác tính đang hoạt động, ngoại trừ bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào đáy ở da.
5 Liều dùng - Cách dùng
5.1 Liều dùng của Natalizumab
Liều khuyến cáo của Natalizumab là 300 mg truyền tĩnh mạch trong 1 giờ, mỗi bốn tuần một lần.
5.2 Cách dùng của Natalizumab
Truyền tĩnh mạch
Không nên tiêm Natalizumab dưới dạng tiêm tĩnh mạch hoặc bolus.
5.3 Một số đối tượng đặc biệt
5.3.1 Người cao tuổi
Sản phẩm thuốc này không được khuyến cáo sử dụng ở những bệnh nhân trên 65 tuổi do thiếu dữ liệu về đối tượng này.
5.3.2 Suy thận và suy gan
Các nghiên cứu chưa được thực hiện để kiểm tra ảnh hưởng của thuốc đến bệnh nhân suy thận hoặc gan.
Cơ chế thải trừ và kết quả từ dược động học dân số cho thấy rằng không cần thiết phải điều chỉnh liều ở bệnh nhân suy thận hoặc suy gan.
5.3.3 Trẻ em
Tính an toàn và hiệu quả của thuốc này ở trẻ em và thanh thiếu niên dưới 18 tuổi chưa được thiết lập.
6 Tác dụng không mong muốn
Các phản ứng bất ghi nhận được các nghiên cứu lâm sàng, nghiên cứu về độ an toàn sau khi cấp phép và các báo cáo tự phát được trình bày trong Bảng dưới đây.
Mức độ phổ biến của các tác dụng không mong muốn muốn được phân loại như sau:
- Rất phổ biến (≥1/10)
- Thường gặp ( ≥1/100 đến <1/10)
- Không phổ biến ( ≥1/1.000 đến <1/100)
- Hiếm ( ≥1/10.000 đến <1/1.000)
- Rất hiếm (<1/10.000)
- Không rõ (không thể ước tính từ dữ liệu có sẵn).
Trong mỗi nhóm, các phản ứng bất lợi được trình bày theo thứ tự mức độ nghiêm trọng giảm dần.
Cơ quan/Hệ cơ quan | Tần suất xuất hiện | ||||
---|---|---|---|---|---|
Rất phổ biến | Thường gặp | Không phổ biến | Hiếm | Không rõ | |
Nhiễm trùng và nhiễm độc | Viêm mũi họng Nhiễm trùng đường tiết niệu | Nhiễm herpes | Bệnh não chất trắng đa ổ tiến triển | Herpes nhãn khoa | Viêm màng não Herpetic Bệnh thần kinh tế bào hạt virus JC Bệnh võng mạc Herpetic hoại tử |
Rối loạn hệ thống miễn dịch | Quá mẫn | Phản ứng phản vệ Hội chứng viêm phục hồi miễn dịch | |||
Rối loạn hệ thống máu và bạch huyết | Thiếu máu | Giảm tiểu cầu, Ban xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch (ITP), Tăng bạch cầu ái toan | Thiếu máu tán huyết Hồng cầu có nhân | ||
Rối loạn gan mật | Tăng bilirubin máu | Tổn thương gan | |||
Quan | Men gan tăng cao Có kháng thể đặc hiệu với thuốc | ||||
Chấn thương, ngộ độc và các biến chứng của thủ thuật | hản ứng liên quan đến truyền dịch | ||||
Rối loạn hô hấp, ngực và trung thất | Khó thở | ||||
Rối loạn tiêu hóa | Buồn nôn | Nôn mửa | |||
Rối loạn chung và tình trạng tại chỗ dùng thuốc | Mệt mỏi | Sốt ớn lạnh Phản ứng tại chỗ tiêm truyền Phản ứng tại chỗ tiêm | Phù mặt | ||
Rối loạn da và mô dưới da | Ngứa Phát ban mày đay | Phù mạch | |||
Rối loạn mạch máu |
| Vỡ mạch | |||
Rối loạn hệ thần kinh | Chóng mặt Đau đầu | ||||
Rối loạn cơ xương và mô liên kết | Đau khớp |
7 Tương tác thuốc
Do khả năng tăng nguy cơ mắc bệnh não chất trắng đa ổ tiến triển và các bệnh nhiễm trùng khác, bệnh nhân mắc bệnh Crohn đang dùng Natalizumab không nên điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch đồng thời (ví dụ: 6-mercaptopurin, Azathioprin, Cyclosporin hoặc Methotrexate) hoặc thuốc ức chế TNF-α.
==>> Mời quý bạn đọc xem thêm: Methotrexate - điều trị ung thư nguyên bào - Dược thư Quốc gia 2022
Liều corticosteroid nên được giảm dần ở những bệnh nhân mắc bệnh Crohn đang sử dụng corticosteroid mãn tính khi họ bắt đầu điều trị bằng Natalizumab
Thông thường, những bệnh nhân đa xơ cứng đang dùng liệu pháp ức chế miễn dịch hoặc điều hòa miễn dịch mãn tính không nên điều trị bằng Natalizumab.
8 Thận trọng
8.1 Bệnh não chất trắng đa ổ tiến triển
Việc sử dụng Natalizumab có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh não chất trắng đa ổ tiến triển, một bệnh nhiễm trùng cơ hội do vi rút JC gây ra, có thể dẫn đến tàn tật nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong. Do nguy cơ phát triển bệnh não chất trắng đa ổ tiến triển tăng lên, trước khi chỉ định Natalizumab, bác sĩ cần cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi ích và nguy cơ và cần theo dõi bệnh nhân đều đặn trong suốt quá trình sử dụng. Bên cạnh đó, cũng cần được giải thích với người nhà của họ về các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu của bệnh não chất trắng đa ổ tiến triển. Những cảnh báo về virus JC có thể gây ra bệnh thần kinh tế bào hạt JCV (GCN) đã được ghi nhận ở những bệnh nhân được điều trị bằng thuốc có hoạt chất này. Các triệu chứng của bệnh thần kinh tế bào hạt JCV tương tự như các triệu chứng của bệnh não chất trắng đa ổ tiến triển (tức là hội chứng tiểu não).
Các yếu tố rủi ro sau đây có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh não chất trắng đa ổ tiến triển:
- Sự hiện diện của kháng thể kháng JCV.
- Thời gian sử dụng thuốc kéo dài, đặc biệt trên 2 năm. Sau 2 năm, tất cả bệnh nhân phải được thông báo lại về nguy cơ mắc bệnh não chất trắng đa ổ tiến triển khi dùng thuốc.
- Sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trước khi dùng thuốc.
8.2 Xét nghiệm kháng thể kháng JCV
Xét nghiệm này cung cấp thông tin hữu ích, hỗ trợ cho việc xác định mức độ nguy cơ khi sử dụng Natalizumab để điều trị. Trước khi bắt đầu điều trị bằng Natalizumab bệnh nhân nên làm xét nghiệm kháng thể kháng JCV trong huyết thanh và xét nghiệm này cũng nên được thực hiện ở những bệnh nhân đã dùng thuốc có hoạt chất Natalizumab nhưng không rõ cơ thể có kháng thể hay chưa.
Mỗi 6 tháng, các bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính nên thực hiện xét nghiệm lại. Và những bệnh nhân có chỉ số thấp không có tiền sử sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trước đó cũng nên kiểm tra lại 6 tháng một lần sau khi họ đạt đến điểm điều trị 2 năm.
8.3 Sàng lọc MRI cho bệnh não chất trắng đa ổ tiến triển
Trước khi bắt đầu điều trị bằng thuốc này, phải có kết quả chụp MRI gần đây (thường trong vòng 3 tháng) làm tài liệu tham khảo và được lặp lại ít nhất mỗi năm một lần. ).
8.4 Tạm dừng dùng thuốc nếu nghi ngờ có bệnh não chất trắng đa ổ tiến triển hoặc bệnh thần kinh tế bào hạt JCV
Bác sĩ cần đặc biệt cảnh giác với các triệu chứng gợi ý bệnh não chất trắng đa ổ tiến triển hoặc bệnh thần kinh tế bào hạt JCV mà bệnh nhân có thể không nhận thấy (ví dụ: các triệu chứng về nhận thức, tâm thần hoặc hội chứng tiểu não). Bệnh nhân cũng nên được khuyên nên thông báo cho người nhà về việc điều trị vì họ có thể nhận thấy các triệu chứng mà bệnh nhân không biết.
Bệnh não chất trắng đa ổ tiến triển đã được báo cáo sau khi ngừng sử dụng thuốc này ở những bệnh nhân không có dấu hiệu gợi ý về bệnh tại thời điểm ngừng sử dụng. Vì vậy, bệnh nhân và bác sĩ nên tiếp tục tuân theo cùng một quy trình theo dõi và cảnh giác với bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng mới nào có thể gợi ý đến bệnh não chất trắng đa ổ tiến triển trong khoảng 6 tháng sau khi ngừng Natalizumab.
8.5 Nhiễm trùng bao gồm các bệnh nhiễm trùng cơ hội khác
Phương pháp điều trị sử dụng Natalizumab làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh do virus herpes simplex và varicella zoster gây ra như bệnh viêm não và viêm màng não. Các trường hợp nghiêm trọng, đe dọa tính mạng và thậm chí gây tử vong đã được báo cáo ở những bệnh nhân mắc bệnh đa xơ cứng đang điều trị. Nếu xảy ra viêm não hoặc viêm màng não do herpes, nên ngừng dùng thuốc và áp dụng biện pháp điều trị thích hợp đối với bệnh viêm não do herpes hoặc viêm màng não.
Hoại tử võng mạc cấp tính (ARN) là một bệnh nhiễm virus hiếm gặp ở võng mạc do họ virus herpes gây ra (ví dụ như varicella zoster). ARN đã được quan sát thấy ở những bệnh nhân dùng thuốc này và có thể gây mù mắt. Những bệnh nhân có các triệu chứng về mắt như giảm thị lực, đỏ mắt và đau mắt nên được giới thiệu sàng lọc võng mạc để tìm ARN. Sau khi chẩn đoán lâm sàng về ARN, nên cân nhắc việc ngừng sử dụng thuốc này ở những bệnh nhân này.
Nếu bệnh nhân dùng thuốc này bị nhiễm trùng cơ hội thì phải ngừng dùng thuốc vĩnh viễn.
8.6 Quá mẫn
Những phản ứng quá mẫn thường xảy ra trong vòng một giờ sau khi dùng thuốc. Nguy cơ gặp các phản ứng quá mẫn là rất cao khi truyền sớm ở những bệnh nhân tái sử dụng điều trị sau lần tiếp xúc ngắn ban đầu (một đến hai lần truyền) và thời gian sử dụng thuốc kéo dài (tư ba tháng trở lên) mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nguy cơ phản ứng quá mẫn cần được xem xét ở mỗi lần dùng.
Bệnh nhân phải được theo dõi trong quá trình tiêm dưới da và 1 giờ sau đó để phát hiện các dấu hiệu và triệu chứng của phản ứng tiêm bao gồm quá mẫn.
Nên ngừng sử dụng sản phẩm thuốc này và bắt đầu điều trị thích hợp khi có triệu chứng hoặc dấu hiệu quá mẫn đầu tiên.
8.7 Điều trị đồng thời với thuốc ức chế miễn dịch
Sự an toàn và hiệu quả của Natalizumab khi kết hợp với các liệu pháp ức chế miễn dịch và chống ung thư khác chưa được nghiên cứu đầy đủ và việc sử dụng đồng thời chúng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, bao gồm cả nhiễm trùng cơ hội.
8.8 Ảnh hưởng đến chức năng gan
Các tổn tổn thương gan sau khi dùng Natalizumab đã được báo cáo. Những tổn thương này có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong quá trình điều trị, ngay cả sau liều đầu tiên. Trong một số trường hợp, phản ứng lại tái diễn khi bắt đầu điều trị lại.
Bệnh nhân cần được theo dõi chức năng gan và liên hệ với bác sĩ nếu xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng gợi ý tổn thương gan, ví dụ như vàng da và nôn mửa. Nếu bệnh nhân có tổn thương gan nghiêm trọng, nên ngừng sử dụng thuốc này.
8.9 Giảm tiểu cầu
Giảm tiểu cầu, bao gồm ban xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch (ITP), đã được báo cáo khi sử dụng Natalizumab. Sự chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị giảm tiểu cầu có thể dẫn đến những di chứng nghiêm trọng và đe dọa tính mạng. Bệnh nhân nên được hướng dẫn báo cáo bác sĩ ngay lập tức nếu họ gặp bất kỳ dấu hiệu chảy máu bất thường hoặc kéo dài, xuất huyết hoặc bầm tím tự phát. Nếu xác định được tình trạng giảm tiểu cầu, nên cân nhắc việc ngừng sử dụng natalizumab.
8.10 Ngừng điều trị
Nếu quyết định ngừng điều trị bằng Natalizumab, bác sĩ cần biết rằng Natalizumab vẫn còn trong máu và có tác dụng dược lực học (ví dụ: tăng số lượng tế bào lympho) trong khoảng 12 tuần sau liều cuối cùng. Bắt đầu các liệu pháp khác trong khoảng thời gian này sẽ dẫn đến phơi tương tác với Natalizumab.
9 Các câu hỏi thường gặp về hoạt chất Natalizumab
9.1 Có nên sử dụng Natalizumab cho trẻ em không?
Các nghiên cứu lâm sàng về Natalizumab không bao gồm bệnh nhân dưới 18 tuổi để xác định xem chúng có an toàn và hiệu quả trong điều trị bệnh đa xơ cứng hoặc bệnh Crohn hay không. Do đó nó không được chỉ định sử dụng ở những bệnh nhân này.
9.2 Phụ nữ có thai và cho con bú có dùng được Natalizumab không?
9.2.1 Phụ nữ có thai
Không có đủ dữ liệu về nguy cơ dị tật bẩm sinh nghiêm trọng, sẩy thai hoặc các kết quả bất lợi khác liên quan đến việc sử dụng natalizumab ở phụ nữ mang thai. Tuy nhiên trong quá trình giám sát sau khi đưa thuốc ra thị trường, đã có báo cáo về kết quả bất lợi răng Natalizumab có thể làm giảm lượng tiểu cầu và trong một số trường hợp cũng gây ra giảm hồng cầu gây thiếu máu ở trẻ sơ sinh nếu người mẹ dùng Natalizumab trong thời kì có thai.
9.2.2 Phụ nữ cho con bú
Natalizumab được bài tiết qua sữa mẹ. Tuy nhiên, không có dữ liệu về tác động bất lợi của việc tiếp xúc này đối với việc sản xuất sữa mẹ và ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh bú sữa mẹ. Do đó, nên xem xét các lợi ích về sức khỏe và sự phát triển bé, cùng với đáp ứng lâm sàng của người mẹ đối với Natalizumab và các tác dụng phụ tiềm ẩn.
9.3 Natalizumab có gây ung thư không?
Ung thư chưa được báo cáo là tác dụng phụ của Natalizumab trong các nghiên cứu lâm sàng. Nhưng bạn nên nói với bác sĩ nếu hiện tại bạn bị ung thư hoặc có tiền sử ung thư trước đây trước khi bắt đầu điều trị bằng Natalizumab.
9.4 Có thể dùng Natalizumab trong bao lâu?
Thời gian điều trị bằng Natalizumab tùy thuộc vào khả năng dung nạp thuốc của cơ thể, sự xuất hiện của tác dụng phụ. Đối với những người bị bệnh đa xơ cứng, một số phản ứng được ghi nhận sau 12 tuần, nhưng có thể mất đến 2 năm mới thấy được hiệu quả đầy đủ. Những người mắc bệnh Crohn nên ngừng Natalizumab nếu không có lợi ích sau 12 tuần.
9.5 Cần tránh những gì khi sử dụng Natalizumab?
Tránh ở gần những người bị bệnh hoặc bị nhiễm trùng. Hãy liên hệ với bác sĩ ngay khi có dấu hiệu nhiễm trùng.
10 Các chế phẩm phổ biến của Natalizumab
Natalizumab được bào chế dưới dạng Dung dịch tiêm với hàm lượng 300 mg/15 mL (20 mg/mL).
Biệt dược gốc của Natalizumab là Tysabri được sản xuất dưới tên Tysabri bởi Công ty Biogen Inc.
Ngoài biệt dược gốc này, gần đây FDA đã phê duyệt thuốc tương đương sinh học đầu tiên có tên Tyruko thuộc sở hữu của công ty Công ty Sandoz Inc.
11 Tyruko - thuốc tương đương sinh học chứa Natalizumab điều trị bệnh đa xơ cứng đầu tiên được FDA phê duyệt
Ngày 24 tháng 8 vừa qua, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt Tyruko (Natalizumab-sztn) để điều trị cho người lớn mắc cách dạng bệnh đa xơ cứng tái phát. Đây là loại thuốc tiêm tương đương sinh học đầu tiên với thuốc Tysabri (Natalizumab) được FDA phê duyệt.
Thuốc Tyruko, giống như thuốc Tysabri, cũng được chỉ định để tạo ra đáp ứng và duy trì đáp ứng lâm sàng và thuyên giảm triệu chứng ở những bệnh nhân trưởng thành mắc bệnh Crohn (CD) có mức độ từ trung bình đến nặng kèm theo tình trạng viêm không đáp ứng hoặc không thể dung nạp các liệu pháp điều trị Crohn thông thường và bằng các chất ức chế TNF-α (yếu tố hoại tử khối u, một chất gây viêm có trong cơ thể).
Paul R. Lee, MD, Ph.D., Giám đốc Khoa Thần kinh 2 tại Trung tâm FDA, cho biết: “Các loại thuốc tương đương sinh học cung cấp bổ sung các lựa chọn điều trị hiệu quả giúp làm tăng khả năng tiếp cận điều trị cho những người mắc bệnh đa xơ cứng tái phát. Sự chấp thuận ngày hôm nay có thể có tác động có ý nghĩa đối với bệnh nhân đang kiểm soát bệnh của họ.”
Thuốc Tyruko được chấp thuận để điều trị các dạng dạng bệnh đa xơ cứng tái phát sau đây:
- Hội chứng cô lập trên lâm sàng: lần đầu tiên xuất hiện các triệu chứng bệnh đa xơ cứng.
- Bệnh đa xơ cứng tái phát - thuyên giảm: một loại đa xơ cứng xảy ra khi bệnh nhân có các đợt triệu chứng thần kinh mới, sau đó là giai đoạn ổn định.
- Bệnh đa xơ cứng tiến triển thứ phát đang tiến triển: sau một quá trình tái phát - thuyên giảm, bệnh nhân bị tình trạng suy nhược dần dần trở nên trầm trọng hơn và tái phát liên tục.
Các chế phẩm sinh học bao gồm các loại thuốc điều trị nhiều bệnh nghiêm trọng và bệnh mãn tính, trong đó có bệnh đa xơ cứng. Thuốc tương đương sinh học là những chế phẩm sinh học rất giống và không có sự khác biệt có ý nghĩa lâm sàng về hiệu quả và an toàn so với một chế phẩm sinh học đã được FDA phê duyệt trước đó (còn được gọi là sinh phẩm tham chiếu). Điều này có nghĩa là bệnh nhân có thể yên tâm về tính an toàn và hiệu quả từ các thuốc tương đương sinh học như các sinh phẩm tham chiếu của nó. Tất cả các chế phẩm sinh học chỉ được phê duyệt sau khi đáp ứng các tiêu chuẩn phê duyệt nghiêm ngặt của FDA.
Sự chấp thuận của thuốc Tyruko (sinh phẩm tham chiếu của nó là thuốc Tysabri (natalizumab)) có được là dựa trên bằng chứng cho thấy không có sự khác biệt có ý nghĩa lâm sàng giữa hai sản phẩm về độ an toàn, độ tinh khiết và hiệu lực (tức là tính an toàn và hiệu quả).
Đa xơ cứng là một bệnh tự miễn, viêm mãn tính của hệ thần kinh trung ương, làm gián đoạn tín hiệu giữa não và các bộ phận khác của cơ thể. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng tàn tật về thần kinh mắc phải ở người trẻ tuổi và xảy ra thường xuyên hơn ở nữ giới so với nam giới. Đối với hầu hết những người bị đa xơ cứng, các giai đoạn ban đầu dần xấu đi và xuất hiện các triệu chứng mới, được gọi là tái phát, theo sau đó là giai đoạn phục hồi (thuyên giảm). Theo thời gian, quá trình phục hồi có thể không hoàn toàn, dẫn đến suy giảm chức năng dần dần và gia tăng tình trạng khuyết tật.
Thông tin trong tờ HDSD cho các sản phẩm Natalizumab (bao gồm Tyruko và Tysabri) có kèm khung cảnh báo nhằm thông báo cho các cán bộ nhân viên y tế và bệnh nhân về nguy cơ gia tăng mắc bệnh não chất trắng đa ổ tiến triển (PML), một bệnh nhiễm trùng não do virus gây ra và thường dẫn đến tử vong hoặc tàn tật nặng. Các yếu tố nguy cơ phát triển bệnh não chất trắng đa ổ tiến triển bao gồm sự hiện diện của kháng thể kháng JCV (kháng thể chống vi rút JC, một loại vi rút thường vô hại ở hầu hết con người), thời gian điều trị kéo dài và sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trước đó. Những yếu tố này cần được xem xét trong mối quan hệ giữa nguy cơ và lợi ích khi bắt đầu và tiếp tục điều trị bằng các sản phẩm natalizumab, đồng thời cán bộ nhân viên y tế nên theo dõi bệnh nhân và ngừng điều trị ngay khi có dấu hiệu hoặc triệu chứng đầu tiên gợi ý đến bệnh não chất trắng đa ổ tiến triển.
Do những rủi ro của bệnh não chất trắng đa ổ tiến triển, các sản phẩm natalizumab chỉ được cung cấp thông qua chương trình phân phối thuốc hạn chế, theo chiến lược đánh giá và giảm thiểu rủi ro (REMS). Chiến lược này yêu cầu các bác sĩ mà kê đơn các sản phẩm có hoạt chất natalizumab và các hiệu thuốc phân phối chúng phải được chứng nhận đặc biệt về REMS và bệnh nhân phải đăng ký tham gia REMS. Là một phần của yêu cầu REMS, người kê đơn phải đánh giá bệnh nhân sau 3 và 6 tháng kể từ lần truyền thuốc đầu tiên, sau đó 6 tháng một lần, đánh giá lại sau khi ngừng điều trị và sáu tháng sau đó.
Các cảnh báo bổ sung trong tờ HDSD bao gồm các nguy cơ liên quan đến nhiễm herpes, giảm tiểu cầu (số lượng tiểu cầu trong máu thấp), ức chế miễn dịch (tăng nguy cơ mắc một số bệnh nhiễm trùng), phản ứng quá mẫn nghiêm trọng như sốc phản vệ và nhiễm độc gan (tổn thương gan nghiêm trọng). Tác dụng phụ thường gặp nhất liên quan đến sản phẩm natalizumab là đau đầu và mệt mỏi. Các tác dụng phụ thường gặp khác là đau khớp, nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng đường hô hấp dưới, viêm dạ dày ruột (cúm dạ dày), viêm âm đạo (nhiễm trùng hoặc viêm âm đạo), trầm cảm, đau tứ chi, khó chịu ở bụng, tiêu chảy và phát ban. .
FDA đã cấp phép Tyruko, thuốc tương đương sinh học đầu tiên của Tysabri (Natalizumab), cho Sandoz Inc.
12 Tài liệu tham khảo
Arezou Babaesfahani; Niloufar R. Khanna; Brianne Kuns (Ngày cập nhật: 22 tháng 4 năm 2022). Natalizumab, NCBI. Ngày truy cập: 7 tháng 9 năm 2023.
Chuyên gia của FDA (Đăng ngày 24 tháng 8 năm 2023). FDA Approves First Biosimilar to Treat Multiple Sclerosis, FDA. Truy cập ngày 7 tháng 9 năm 2023.
Philip Thornton, Dipharm (Ngày cập nhật: 4 tháng 4 năm 2023). Natalizumab, Drugs.com. Truy cập ngày 7 tháng 9 năm 2023.
Tờ HDSD lưu hành tại Anh (Ngày cập nhật: 15 tháng 6 năm 2022). Tysabri 150 mg solution for injection in pre-filled syringe, EMC. Truy cập ngày 7 tháng 9 năm 2023.
Tờ HDSD của Natalizumab trên Drugbank.com. Tại đây.