Molnupiravir
3 sản phẩm
Dược sĩ Nguyễn Trang Dược sĩ lâm sàng - Đại học Dược Hà Nội
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Trong tình hình dịch bệnh SARS-CoV-2 hiện nay việc nghiên cứu và tìm kiếm một loại hoạt chất để kháng virus được các nhà khoa học đặt lên hàng đầu. Molnupiravir là một hoạt chất đã và đang được thử nghiệm lâm sàng để tham gia vào điều trị cho bệnh nhân SARS-CoV-2 trong đại dịch hiện nay.
1 Tác dụng
1.1 Cơ chế tác dụng của Molnupiravir
Molnupiravir là tiền chất của hoạt chất tương tự như ribonucleoside β-D-N4-hydroxycytidine, có khả năng điều trị các bệnh do virus gây ra.
Molnupiravir khi được vào cơ thể sẽ được kích hoạt và chuyển hóa thành EIDD-1931 rồi chuyển thành Triphosphat. Các khối này sẽ kết hợp với các RNA polymerase trong bộ gen RNA của virus và ức chế sự hoạt động của RNA polymerase. Kết quả làm cho RNA của virus bị lỗi, không thể sao chép tạo thêm virus được nữa. (n( Chuyên gia PubChem. EIDD-2801, PubChem. Truy cập ngày 5 tháng 11 năm 2021 )n)
Nhờ khả năng gây ra đột biến trong cấu trúc của virus Corona, Molnupiravir đang được nghiên cứu ở những giai đoạn cuối cùng và rất có triển vọng trong việc giảm gánh nặng của SARS-CoV-2 đối với toàn thế giới.
Molnupiravir có thể được xem là thuốc đặc trị đầu tiên cho những bệnh nhân bị nhiễm SARS-CoV-2, ức chế sự phát triển của virus và làm giảm các triệu chứng của những bệnh nhân đang mắc.
Ngoài ra Molnupiravir còn làm giảm thiểu các nguy cơ lây nhiễm và lan truyền SARS-CoV-2.
1.2 Nghiên cứu và hiệu quả điều trị của Molnupiravir
1.2.1 Khả năng kháng virus của Molnupiravir
Hãng dược phẩm Merck đã cho những bệnh nhân mắc SARS-CoV-2 là những bệnh nhân cao tuổi hoặc có các bệnh nền khác. Và kết quả thu được đáng mong đợi như sau:
- Nguy cơ nhập viện đã giảm đến 50% khi dùng thuốc: 14,1% bệnh nhân uống giả dược phải nhập viện và 7,3% bệnh nhân uống Molnupiravir phải nhập viện.
- Không có bệnh nhân nào dùng Molnupiravir bị tử vong trong khi đó 8 người dùng giả dược tử vong. (n( Chuyên viên của Merck (Ngày đăng 25 tháng 10 năm 2021). Merck and Ridgeback Announce Initiation of a Rolling Review by the European Medicines Agency for Molnupiravir, an Investigational Oral Antiviral Medicine, for the Treatment of COVID-19 in Adults, Merck. Truy cập ngày 5 tháng 11 năm 2021 )n)
Đến ngày 26/11/2021, hãng dược này đã công bố bản cập nhật về nghiên cứu hoạt chất này trên lâm sàng và điều chỉnh 1 số thông tin về hiệu quả lâm sàng, cụ thể:
- Molnupiravir làm giảm rủi ro tương đối là 30% thay vì 50% như đã công bố.
- Trong cuộc thử nghiệm mới nhất thuốc giảm nguy cơ nhập viện, tử vong từ 9,7% ở những người không được dùng thuốc xuống 6,8% ở nhóm người điều trị bằng molnupiravir. (n( Chuyên viên của Merck (Ngày đăng 26 tháng 11 năm 2021). Merck and Ridgeback Biotherapeutics Provide Update on Results from MOVe-OUT Study of Molnupiravir, an Investigational Oral Antiviral Medicine, in At Risk Adults With Mild-to-Moderate COVID-19, Merck. Truy cập ngày 30 tháng 11 năm 2021 )n)
1.2.2 Làm giảm khả năng lây nhiễm và lan truyền virus
Sau khi cho bệnh nhân uống Molnupiravir thì lượng virus trong dịch mũi họng của bệnh nhân ít hơn so với những người không uống, làm giảm nguy cơ lây lan bệnh cho người khác.
Sau 5 ngày sử dụng thuốc, không tìm thấy trong dịch mũi của bệnh nhân.
2 Tác dụng phụ
Molnupiravir đang trong giai đoạn nghiên cứu, thử nghiệm và chưa phát hiện sự gia tăng các bất lợi nào khi dùng thuốc. Tác dụng phụ xảy ra giữa đối tượng sự dụng Molnupiravir và giả dược là tương đương nhau. Tuy nhiên, cũng như nhiều thuốc kháng virus khác, sự xuất hiện các tác dụng không mong muốn khi dùng thuốc là không tránh khỏi. Đồng thời các nhà nghiên cứu cũng đang cố gắng phát hiện những tác dụng phụ khi sử dụng thuốc trên những nghiên cứu lâm sàng có quy mô lớn hơn. (n( Drugs.com (Ngày đăng Tháng 10 năm 2021). Merck and Ridgeback’s Investigational Oral Antiviral Molnupiravir Reduced the Risk of Hospitalization or Death by Approximately 50 Percent Compared to Placebo for Patients with Mild or Moderate COVID-19 in Positive Interim Analysis of Phase 3 Study, Drugs.com. Truy cập ngày 5 tháng 11 năm 2021 )n)
Bên cạnh tiềm năng khi điều trị, rất nhiều chuyên gia trên thế giới lo ngại về khả năng gây độc tính tế bào khi dùng thuốc này. Tiến sĩ Simon Clarke - phó giáo sư vi sinh vật học tế bào tại Đại học Reading bày tỏ sự lo lắng rằng thuốc có thể gây ung thư hoặc bất thường khi sinh do thuốc có thể gây đột biến trên cơ thể người khi dùng. Bằng chứng là khi dùng Molnupiravir, đã có ghi nhận đột biến khi dùng trên động vật thí nghiệm. (n( Tiến sĩ Alexandra Sanfins, (Ngày đăng 14 tháng 10 năm 2021). Molnupiravir vs. COVID-19: Will the drug live up to the hype?, Medical News Today. Truy cập ngày 5 tháng 11 năm 2021)n)
Đồng thuận với ý kiến trên, William A. Haseltine trên báo Forbes cũng chia sẻ lo lắng khả năng gây đột biến của NHC - chất chuyển hóa có hoạt tính của Molnupiravir. Hoạt chất có thể tác động enzym trong cơ thể, axit nucleic trong DNA bình thường của người điều trị và gây ra rủi ro không đáng có. (n( William A. Haseltine (Ngày đăng 2 tháng 11 năm 2021). Harming Those Who Receive It: The Dangers Of Molnupiravir (Part 2), Forbes. Truy cập ngày 5 tháng 11 năm 2021)
Tác dụng phụ phổ biến nhất được báo cáo là:
Tiêu chảy, buồn nôn.
Chóng mặt và nhức đầu.
Tất cả đều ở mức độ nhẹ hoặc trung bình. (n( European Medicines Agency (Ngày đăng 19 tháng 11 năm 2021). EMA issues advice on use of Lagevrio (molnupiravir) for the treatment of COVID-19 Share, European Medicines Agency. Truy cập ngày 20 tháng 11 năm 2021 )n)
3 Chỉ định
3.1 Anh là nước đầu tiên chấp nhận viên uống Molnupiravir là thuốc kháng COVID-19
Một đáng mừng là ngày 4 tháng 11 năm 2021, Anh chính thức công nhận Molnupiravir đường uống ( có tên khác là MK4482) là thuốc điều trị COVID-19 đầu tiên. Anh khuyến cáo dùng thuốc cho các đối tượng: (n( Chuyên viên của Merck (Ngày đăng 4 tháng 11 năm 2021). Merck and Ridgeback’s Molnupiravir, an Oral COVID-19 Antiviral Medicine, Receives First Authorization in the World, Merck. Truy cập ngày 5 tháng 11 năm 2021 )n)
Người lớn nhiễm SARS-CoV-2 có triệu chứng nhẹ đến trung bình. Bên cạnh đó, những người này kèm theo yếu tố nguy cơ phát triển bệnh nặng, như:
- Béo phì.
- Lớn tuổi (> 60 tuổi).
- Đái tháo đường.
- Bệnh tim.
3.2 Việt Nam chấp thuận sử dụng Molnupiravir trong điều trị có kiểm soát bệnh nhân COVID-19
Molnupiravir được dùng cho bệnh nhân COVID-19 người lớn từ 18 tuổi trở lên mức độ nhẹ đến trung bình và có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng.
Thuốc sử dụng trong vòng 5 ngày kể từ khi khởi phát các triệu chứng hoặc có kết quả xét nghiệm dương tính. Bệnh nhân cần nhập viện đã được khởi trị molnupiravir trước đó có thể tiếp tục sử dụng thuốc để hoàn thành phác đồ điều trị 5 ngày tùy theo quyết định của bác sĩ điều trị.
4 Liều dùng khuyến cáo
Hiện nay theo chương trình điều trị thí điểm bằng Molnupiravir của Việt Nam cho bệnh nhân mắc SARS-CoV-2, liều sử dụng của Molnupiravir là: liệu trình 5 ngày gồm 20 viên Molnupiravir 400mg. (n( Thu Nguyên (Ngày đăng 8 tháng 10 năm 2021). Lưu ý đặc biệt khi Bộ Y tế đưa thuốc Molnupiravir vào phác đồ điều trị COVID-19, Bộ Y Tế. Truy cập ngày 5 tháng 11 năm 2021 )n)
Khi đã sử dụng thuốc được 3-4 ngày mà hết triệu chứng, bệnh nhân không tự ý sử dụng mà cần tiếp tục sử dụng cho đủ liệu trình.
5 Chống chỉ định
Không dùng thuốc cho phụ nữ có thai, đang cho con bú, trẻ em dưới 18 tuổi do nguy cơ độc tính trên thai nhi, ảnh hưởng sự phát triển xương và sụn.
Không dùng thuốc để dự phòng trước hoặc sau phơi nhiễm với COVID-19.
Không dùng thuốc quá 5 ngày liên tiếp.
Không tự ý mua, sử dụng thuốc Molnupiravir trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
6 Lưu ý khi sử dụng Molnupiravir để điều trị COVID-19
6.1 Thận trọng
Thận trọng khi dùng Molnupiravir cho các đối tượng sau:
Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản: Có dự định mang thai nên sử dụng biện pháp tránh thai trong vòng 4 ngày sau liều Molnupiravir cuối cùng.
Nam giới trong độ tuổi sinh sản: Sử dụng biện pháp tránh thai trong quá trình điều trị và ít nhất 3 tháng sau liều Molnupiravir cuối cùng.
Phụ nữ cho con bú: Không khuyến cáo cho con bú trong thời gian điều trị và trong vòng 4 ngày sau liều Molnupiravir cuối cùng.
Sử dụng Molnupiravir cần phải có sự thăm khám, kê đơn và hướng dẫn của bác sĩ, nhân viên y tế.
Bệnh nhân có tiền sử suy thận, suy gan cũng không nên lạm dụng thuốc điều trị molnupiravir, bởi vì thuốc điều trị COVID có thể làm tăng tác dụng phụ không mong muốn, trong đó có thể dẫn tới tình trạng buồn nôn, tăng men gan hoặc tiêu chảy,...
6.2 Tương tác, tương kỵ
Hiện chưa có tương tác thuốc được xác định dựa trên dữ liệu hạn chế hiện có. Các nghiên cứu tương tác thuốc với molnupiravir trên lâm sàng chưa được thực hiện
Do không có các nghiên cứu về tinh tương kỵ của thuốc, không trộn lẫn thuốc này với các thuốc khác
6.3 Hiệu quả đạt được
Ngày 6 tháng 11 năm 2021, Bộ Y Tế Việt Nam thông báo hiệu quả đạt được sau khi dùng Molnupiravir tại 22 tỉnh thành phố như sau:
Thuốc có tính an toàn cao.
Thuốc dùng đường uống có thể dung nạp tốt.
Thuốc giảm tải lượng virus, đồng thời giảm mức độ nặng của bệnh.
Giảm lây lan, giảm thời gian điều trị bệnh nặng, tỷ lệ chuyển nặng rất thấp từ 0,02%-0,06%.
Tỷ lệ bệnh nhân âm tính với SARS-CoV-2 sau 5 ngày từ 72,1% đến 99,1%.
Tỷ lệ bệnh nhân âm tính với SARS-CoV-2 sau 14 ngày gần 100%.
Không có ca nào dẫn đến tử vong. (n( Thái Bình (Ngày đăng 6 tháng 11 năm 2021). Bộ Y tế thông tin hiệu quả của thuốc Molnupiravir trong điều trị có kiểm soát bệnh nhân COVID-19 thể nhẹ, Bộ Y Tế. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2021 )n)
6.4 Lưu ý khi dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú
6.4.1 Phụ nữ có thai
Không có dữ liệu về việc sử dụng molnupiravir ở phụ nữ mang thai. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy độc tính trên hệ sinh sản
Không được sử dụng cho phụ nữ mang thai. Phụ nữ có khả năng mang thai cần sử dụng biện pháp tránh thai hiệu quả trong thời gian điều trị và trong 4 ngày sau khi dùng liều molnupiravir cuối cùng.
6.4.2 Phụ nữ cho con bú
Chưa xác định được liệu molnupiravir có ảnh hưởng đến trẻ bú mẹ hay có ảnh hưởng đến khả năng tạo sữa của mẹ hay không.
Trên cơ sở khả năng gặp các phân ứng có hại ở trẻ nhỏ khi sử dụng molnupiravir, không khuyến cáo cho con bú trong khi điều trị với molnupiravir và trong vòng 4 ngày sau khi sử dụng liều thuốc cuối cùng.
Phụ nữ đang cho con bú có thể xem xét việc ngừng cho con bú và có thể cân nhắc việc hút và vắt bỏ sữa mẹ trong quá trình sử dụng thuốc và trong vòng 4 ngày sau khi sử dụng liều thuốc molnupiravir cuối cùng
6.5 Ảnh hưởng của thuốc lên khả năng lái xe và vận hành máy móc
Chưa có đủ thông tin về ảnh hưởng của thuốc lên khả năng lái xe và vận hành máy móc
6.6 Quá liều và xử trí
Chưa có trường hợp được ghi nhận sử dụng quá liễu molnupiravir trên người.
Nếu sử dụng thuốc quá liều cần xử trí bằng các biện pháp hỗ trợ chung, bao gồm theo dõi tình trạng lâm sàng của bệnh nhân. Thẩm phân máu không mang lại hiệu quả trong việc đào thải NHC (N-hydroxycytidin).