Mephenesin
5 sản phẩm
Dược sĩ Phương Thanh Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Mephenesin làm giãn cơ có tác dụng trên hệ thần kinh trung ương, được dùng để điều trị triệu chứng đau cơ do co thắt cho các bệnh về cơ xương. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy xin gửi tới quý bạn đọc những thông tin cần thiết nhất về hoạt chất Mephenesin.
1 Mephenesin thuộc nhóm nào?
Mephenesin là thuốc làm giãn cơ, chủ yếu được dùng bôi tại chỗ khi chấn thương.
1.1 Dược lực học
Mephenesin giúp giãn cơ có tác dụng trên hệ thần kinh trung ương, được dùng để điều trị triệu chứng đau cơ do co thắt cho các bệnh về cơ xương. Thuốc có tác dụng toàn thân và cũng có tác dụng tại chỗ khi dùng đường bôi ngoài da.
Mephenesin làm giảm tính hưng phấn của tế bào thần kinh dẫn đến giảm điện thế hoạt động đối với các sợi cơ, cuối cùng tạo ra giảm co cứng. Mephenesin làm thư giãn cơ theo cơ chế phong bế thần kinh cơ có tác dụng toàn thân và cũng có tác dụng tại nơi thuốc tiếp xúc.
Lợi ích lâm sàng của thuốc bị hạn chế do thời gian tác dụng ngắn.
Cơ chế hoạy động chính xác của mephenesin chưa được biết. Theo nghiên cứu quan sát được thì mephenesin ngăn cản dòng Na+ và Ca+ vào trong tế bào.
1.2 Dược động học
- Hấp thu, phân bố
Mephenesin được hấp thu nhanh qua Đường tiêu hóa và phân bố ở hầu hết ở các mô trong cơ thể, đạt nồng độ cao trong máu chưa đến 1 giờ.
- Chuyển hóa
Mephenesin được chuyển hóa chủ yếu ở gan.
- Thải trừ
Mephenesin được bài tiết ra nước tiểu chủ yếu ở dạng đã chuyển hóa và một phần ở dạng thuốc chưa biến đổi.
2 Mephenesin điều trị bệnh gì?
Mephenesin có tác dụng điều trị hỗ trợ tình trạng đau cơ do co cứng cơ trong các bệnh thoái hóa đốt sống và các rối loạn tư thế cột sống, vẹo cổ, đau lưng, đau thắt lưng.
Điều trị tại chỗ, thường dùng dưới dạng kem bôi da.
3 Chống chỉ định
- Dạng viên
Rối loạn chuyển hóa porphyrin.
Mẫn cảm với mephenesin và/hoặc với bất cứ thành phần nào của thuốc.
Trẻ em dưới 18 tuổi.
- Dạng kem bôi
Không được bôi lên vết thương nhiễm khuẩn, lên mắt, niêm mạc.
Không được băng kín.
Trẻ em có tiền sử co giật do sốt cao (do có dẫn chất terpen trong tá dược có thể gây hạ thấp ngưỡng gây co giật).
4 Liều dùng và cách dùng
4.1 Liều dùng Mephenesin
Dạng viên: Người lớn và trẻ em trên 15 tuổi: Uống từ 1,5 g đến 3 g mỗi ngày, chia làm 3 lần.
Dạng kem: Bôi ngày 2 - 3 lần, bôi lên vùng đau kèm xoa nhẹ nhàng. Dùng tại chỗ thường gây sung huyết da. Thời gian điều trị tối đa là 5 ngày trừ khi có chỉ định của thầy thuốc.
4.2 Cách dùng Mephenesin
- Dạng viên
Nuốt nguyên viên với một cốc nước.
Có thể uống cùng hoặc không cùng với thức ăn.
- Dạng kem
Thoa trực tiếp lên vùng đau.
5 Tác dụng không mong muốn
Mephenesin dạng uống có thể có những tác dụng không mong muốn như co giật, run rẩy, co cứng bụng, buồn nôn, toát mồ hôi. Triệu chứng này thường xảy ra ở những người bệnh phải dùng thuốc kéo dài.
Thường gặp, ADR > 1/100
Mệt mỏi, buồn ngủ, uể oải, khó thở, yếu cơ, mất điều hòa vận động.
Ít gặp, 1/1 000 < ADR < 1/100
Đau khớp, đau người, buồn nôn, bực tức, ỉa chảy, táo bón, nổi mẩn.
Một vài trường hợp đặc biệt khác bị mất cảm giác ngon miệng, nôn mửa, ảo giác kích động và có thể có sốc phản vệ.
Hiếm gặp, ADR < 1/1 000
Phản ứng dị ứng. Sốc phản vệ rất hãn hữu xảy ra.
Ngủ gà, phát ban.
6 Tương tác thuốc
Dùng cùng lúc với các thuốc ức chế thần kinh trung ương khác có thể làm tăng tác dụng không mong muốn của thuốc.
Rượu cũng làm tăng tác dụng phụ của thuốc.
7 Thận trọng
Dạng viên:
Những người bệnh có tiền sử dị ứng, hen phế quản, phản ứng dị ứng với thuốc, đặc biệt dị ứng với Aspirin.
Người có bệnh ở đường hô hấp, yếu cơ, có tiền sử nghiện thuốc, suy chức năng gan thận.
Sử dụng đồng thời với rượu và các thuốc ức chế TKTW có thể làm các ADR có liên quan đến thuốc tăng thêm.
Do thuốc có thể gây buồn ngủ và làm giảm khả năng phối hợp các động tác cho nên người bệnh sử dụng mephenesin không được lái xe và điều khiển máy móc.
Dạng kem bôi
Người có tiền sử động kinh, vì có dẫn chất terpen trong tá dược có thể gây co giật.
7.1 Sử dụng cho phụ nữ có thai và bà mẹ đang cho con bú
- Thời kỳ mang thai
Dạng viên: Chưa có đủ dữ liệu đáng tin cậy để đánh giá về khả năng gây dị tật cho thai nhi khi dùng mephenesin trong thời kỳ mang thai, vì vậy không nên dùng thuốc này cho phụ nữ đang mang thai.
- Thời kỳ cho con bú
Dạng viên: Không dùng mephenesin trong thời kỳ cho con bú.
8 Quá liều và xử trí
Triệu chứng: Giảm trương lực cơ, hạ huyết áp, rối loạn thị giác, ngủ gà, mất phối hợp động tác, ảo giác, liệt hô hấp và hôn mê.
Quá liều gây co giật ở trẻ em và có thể gây xúc động mạnh hoặc lú lẫn ở người già.
Điều trị: Trong tất cả các trường hợp quá liều, người bệnh cần được theo dõi cẩn thận về hô hấp, mạch và huyết áp.
Nếu người bệnh còn tỉnh táo cần xử lý ngay bằng cách gây nôn, rửa dạ dày và điều trị các triệu chứng hoặc chuyển người bệnh đến cơ sở điều trị có đủ điều kiện về hồi sức cấp cứu.
Tiến hành rửa dạ dày ngay cùng với những chỉ định điều trị hỗ trợ chung, đảm bảo thông khí, truyền dịch. Cũng có thể điều trị ức chế hệ thần kinh trung ương bằng cách lựa chọn các thuốc điều trị thích hợp.
Trường hợp người bệnh đã mất ý thức, làm hô hấp nhân tạo và chuyển người bệnh đến cơ sở chuyên khoa.
9 Cách bảo quản
Dạng viên nén bao được bảo quản trong bao bì kín, ở nơi khô ráo, nhiệt độ dưới 25 độ C, tránh ánh sáng.
Dạng kem bôi da được thiết kế theo mẫu mã có hình dáng đặc thù, tránh nhầm lẫn với các loại kem thuốc khác
10 Thuốc Mephenesin giá bao nhiêu?
Hiện nay, trên thị trường có nhiều dạng bào chế cũng như hàm lượng mephenesin với giá thành khác nhau, quý bạn đọc có thể tham khảo và tìm mua các sản phẩm phù hợp.
11 Một số sản phẩm có chứa thành phần Mephenesin
Các sản phẩm trên thị trường hiện nay có chứa thành phần Mephenesin chủ yếu được bào chế dưới dạng viên nén bao phim bao gồm các hàm lượng khác nhau dưới tên thương mại như Decontractyl 500mg, Mephenesin 500mg, Mephenesin 250, Mephenesin Boston....
12 Tài liệu tham khảo
- Dược thư quốc gia Việt Nam 2018, Bộ Y tế (2018), NXB Y học. Ngày truy cập: Ngày 14 tháng 04 năm 2023.
- Chuyên gia tại PubChem. Mephenesin, PubChem. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2023.
- Chuyên gia tại ChEBI. 1-(2-methylphenyl)glycerol, ChEBI. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2023.