Melatonin
97 sản phẩm
Dược sĩ Thu Trang Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 4 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Melatonin được biết đến là hoạt chất có khả năng hỗ trợ và điều trị chứng mất ngủ hoặc rối loạn giấc ngủ. Melatonin giúp người bệnh dễ đi vào giấc ngủ hơn và ngủ ngon hơn. Tuy nhiên, Melatonin có an toàn với người sử dụng không? Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về hoạt chất Melatonin.
1 Melatonin là thuốc gì?
Melatonin là tên gọi của một loại hormone được sản xuất bởi tuyến tùng trong não. Tuyến tùng có vị trí ở giữa bán cầu não, sát đối thị và gắn liền với não thất thứ 3. Melatonin chịu trách nhiệm chính trong việc điều hòa nhịp sinh học liên quan đến chất lượng và chu kỳ giấc ngủ tự nhiên của cơ thể. Vì thế, có nhiều sản phẩm cung cấp Melatonin như một giải pháp hỗ trợ cho những người bị mất ngủ hoặc khó ngủ.
Khi trời tối, tuyến tùng bắt đầu giải phóng nhiều Melatonin nội sinh hơn, lượng Melatonin đạt đỉnh trong máu từ khoảng 11 giờ đêm - 3 giờ sáng với nồng độ 200pg (picogram)/ ml. Nồng độ này cao gấp 10 lần so với lượng Melatonin vào ban ngày. Vào ban ngày, khi cơ thể chúng ta cảm nhận được ánh sáng, tuyến tùng gần như không sản sinh Melatonin. Sự điều hòa tăng giảm Melatonin này báo hiệu thời gian thức và ngủ theo chu kỳ 16-8, được coi là nhịp sinh học của con người.
2 Đặc điểm dược lý
Tuyến tùng bắt đầu sản xuất Melatonin từ axit amin tryptophan, với serotonin là chất trung gian sau đó được giải phóng đến các thụ thể trong não, mắt và các khu vực khác để giúp kiểm soát chất lượng giấc ngủ và chu kỳ thức giấc.
Melatonin được chuyển hóa (phân hủy) bởi hệ thống enzyme CYP450 trong gan và sau đó được bài tiết qua nước tiểu hoặc phân. Thời gian bán hủy của Melatonin ngắn, khoảng 20 đến 50 phút.
Thời gian tuyến tùng sản xuất Melatonin bị rút ngắn vào mùa hè và kéo dài hơn vào mùa đông tương ứng với chu kì ngày đêm của từng mùa.
Tuy nhiên, vào ban đêm, khả năng sản xuất Melatonin có thể bị ảnh hưởng bởi các nguồn ánh sáng khác như đèn điện, ánh sáng từ điện thoại, máy tính hoặc tivi. Điều này có thể dẫn đến tình trạng rối loạn giấc ngủ. Tuổi tác cũng ức chế mức độ melatonin được giải phóng vào ban đêm, điều này có thể góp phần gây ra vấn đề mất ngủ và thức giấc sớm thường thấy ở người lớn tuổi.
3 Cơ chế hoạt động
Melatonin được tổng hợp từ axit amin tryptophan tại tuyến tùng và sau đó được giải phóng vào máu và dịch não tủy. Do có khả năng tan trong lipid cao nên Melatonin dễ dàng vượt qua hàng rào máu não, tới các vùng của não và các bộ phận khác trên cơ thể. Tại đó, Melatonin kết hợp với các thụ thể melatonin (MT1, MT2 và MT3) và kiểm soát chu kỳ ngủ thức của cơ thể.
Melatonin trong các sản phẩm bổ sung có tác dụng tương tự như hormone ngủ tự nhiên của cơ thể. Cơm buồn ngủ thường kéo đến trong vòng 30 phút sau khi uống liều đầu tiên.
4 Tác dụng
Melatonin thường được gọi là hormone ngủ hay đồng hồ sinh học, vì chúng chính là tín hiệu mà não truyền đến các cơ quan khi cơ thể cần được nghỉ ngơi. Melatonin giúp bạn dễ đi vào giấc ngủ hơn, thời gian bắt đầu giấc ngủ sớm hơn và giấc ngủ về ban đêm. Khi người lớn dùng melatonin, họ sẽ giảm thời gian đi vào giấc ngủ từ 4 đến 8 phút.
Trên thực tế, ngoài việc quản lý giấc ngủ, Melatonin còn có nhiều công dụng khác như tham gia vào chức năng miễn dịch, điều hòa huyết áp và nồng độ hormone cortisol (hormone do tuyến thượng thận tiết ra).
Bên cạnh đó, Melatonin còn hoạt động như một chất chống oxy hóa bảo vệ cơ thể. Một số nghiên cứu cho thấy, hormone này có thể cải thiện sức khỏe của mắt, giảm các triệu chứng liên quan đến trầm cảm và giảm tình trạng trào ngược dạ dày thực quản.
5 Chỉ định
Melatonin thường được sử dụng để thiết lập lại chu kỳ ngủ thức hoặc cải thiện giấc ngủ trong các trường hợp sau:
- Rối loạn giấc ngủ sinh học ở người mù: Do không cảm nhận được ánh sáng, những người bị khiếm thị hoàn toàn thường bị lệch đồng hồ sinh học.
- Khó ngủ, mất ngủ: Melatonin có thể giảm thời gian cần thiết để đi vào giấc ngủ. Melatonin có khả năng cải thiện chất lượng giấc ngủ và kéo dài thời gian ngủ ở đối tượng là người cao tuổi.
- Rối loạn giấc ngủ do lệch múi giờ
- Rối loạn giấc ngủ do làm việc theo ca: Nhiều người phải làm việc ca đêm nên cần ngủ nhiều hơn vào ban ngày. Khi đó, Melatonin có thể giúp họ đi vào giấc ngủ nhanh hơn và kéo dài thời gian ngủ.
- Rối loạn giấc ngủ ở trẻ em: Trước khi sử dụng Melatonin cho trẻ, nên tạo cho bé thói quen đi ngủ đúng giờ và nên tham khảo ý kiến bác sĩ về tình trạng của trẻ.
Bên cạnh công dụng chính là hỗ trợ giấc ngủ thì Melatonin còn có khả năng làm giảm sự bối rối, bồn chồn vào buổi tối (hội chứng Sundowner) ở những người mắc bệnh Alzheimer, nhưng nó không cải thiện được khả năng nhận thức ở những bệnh nhân này.
6 Thận trọng
Trong quá trình điều trị bằng Melatonin, cần tránh những điều sau:
- Tránh lái xe hoặc vận hành máy móc ít nhất 4 giờ sau khi dùng melatonin, hoặc cho đến khi không còn tác dụng buồn ngủ.
- Tránh sử dụng thuốc này với các loại thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn hoặc thực phẩm chức năng bổ sung mà không tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.
- Tránh uống rượu trong khi dùng thuốc này.
Với những đối tượng đặc biệt, nếu muốn sử dụng Melatonin, cần lưu ý những điều sau:
- Liều cao Melatonin có thể ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng, khiến phụ nữ khó mang thai.
- Đối với phụ nữ mang thai: Các nhà khoa học chưa biết chính xác liệu Melatonin có gây hại cho thai nhi không. nên hãy hỏi ý kiếm bác sĩ trước khi sử dụng.
- Đối với phụ nữ đang cho con bú: Các nhà khoa học chưa biết chính xác Melatonin có đi vào sữa mẹ hay có gây hại cho trẻ trẻ bú mẹ hay không. Vì thế, hãy hỏi ý kiếm bác sĩ nếu bạn muốn sử dụng Melatonin.
- Bệnh nhân suy thận: Chưa có bằng chứng rõ ràng về tác động của Melatonin lên bệnh nhân bị suy thận. Tuy nhiên, vì melatonin chủ yếu được thải trừ qua chuyển hóa ở gan và chất chuyển hóa ở dạng không còn hoạt tính nên suy thận được cho là không ảnh hưởng nhiều đến Độ thanh thải của Melatonin.
- Bệnh nhân suy gan: Gan là nơi chuyển hóa melatonin chính và do đó, suy gan dẫn đến nồng độ Melatonin trong máu cao hơn.
7 Chống chỉ định
Không sử dụng Melatonin nếu bạn mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc. Bên cạnh đó, chống chỉ định sử dụng Melatonin nếu có bất kỳ tình trạng bệnh lý nào sau đây:
- Bệnh đái tháo đường
- Bệnh trầm cảm
- Rối loạn đông máu hoặc chảy máu
- Đang dùng thuốc chống đông máu (chẳng hạn như warfarin, Aspirin,..)
- Huyết áp cao hoặc thấp
- Động kinh hoặc mắc chứng rối loạn co giật khác
- Đang sử dụng thuốc ức chế thải ghép nội tạng
- Mắc các bệnh tự miễn
- Đang sử dụng thuốc an thần hoặc thuốc ngủ khác.
Tốt hơn, bệnh nhân nên trao đổi kỹ với bác sĩ của mình về tình trạng bệnh lý và các thuốc đang sử dụng nếu muốn sử dụng thêm Melatonin.
8 Liều lượng và cách dùng
Tùy từng mục đích sử dụng mà liều lượng của Melatonin có thể khác nhau
8.1 Liều dùng
- Dùng Melatonin để chữa mất ngủ do lệch múi giờ
Liều khởi đầu: 0,3 đến 0,5 mg.
Sử dụng liều cao có thể gặp phải nhiều tác dụng phụ, tác dụng phụ trở nên tồi tệ hơn và gây rối loạn quá trình tiết Melatonin sinh lý.
Nên bắt đầu với liều thấp nhất có tác dụng. Liều trên 5mg dường như không mang lại hiệu quả tốt hơn so với mức liều thấp hơn.
Nếu không có liều nhỏ hơn, bạn có thể bẻ đôi viên 1mg để có liều Melatonin 0,5mg.
Sử dụng thuốc trước khi ngủ 30 phút trong khoảng 3-5 đêm liên tiếp để có hiệu quả tốt. Nếu bạn cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày trong quá trình dùng thuốc, hãy thử dùng liều thấp hơn.
- Dùng Melatonin để chữa rối loạn giấc ngủ nguyên phát (Mất ngủ)
Liều dùng: Uống 0,1 mg đến 0,5 mg khoảng 30 phút trước khi đi ngủ.
- Dùng Melatonin để chữa rối loạn giấc ngủ do làm việc theo ca
Liều dùng: Uống 1 đến 3 mg khoảng 30 phút trước khi bắt đầu giấc ngủ vào ban ngày. Lưu ý rằng, Melatonin có thể không giúp cải thiện sự tỉnh táo trong ca làm việc vào ban đêm.
- Dùng Melatonin để chữa rối loạn giấc ngủ ở người trẻ
Liều lượng: Khuyên dùng 3-5mg vào buổi tối (ít nhất 1,5 giờ trước giờ đi ngủ mong muốn)
Rối loạn giấc ngủ ở người trẻ thường liên quan đến việc giảm sản xuất và thiếu hụt Melatonin ở độ tuổi này. Do vậy, ở độ tuổi thanh thiếu niên, thời gian bắt đầu giấc ngủ thường muộn hơn khoảng 3-6 tiếng so với thời gian đi ngủ thông thường (10 đến 11 giờ đêm).
Rối loạn giấc ngủ ở người trẻ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả học tập ở trường, các hoạt động hàng ngày và dẫn đến tình trạng buồn ngủ vào buổi sáng và điều này có thể gây nguy hiểm khi họ điều khiển phương tiện giao thông.
- Dùng Melatonin để chữa rối loạn giấc ngủ ở người bị mù
Liều lượng: 0,5 mg/ngày, uống vào một thời điểm cố định trước khi đi ngủ hoặc một giờ trước khi đi ngủ.
Hơn 70% những người mù hoàn toàn bị rối loạn giấc ngủ, do không có tín hiệu ánh sáng nào giúp họ thiết lập chu kỳ ngủ thức như bình thường. Thông thường, thời gian ngủ và thời gian thức dậy của họ sẽ ngày càng muộn hơn và có thể thay đổi hoàn toàn đồng hồ sinh học.
8.2 Cách dùng
Đối với viên nén tan trong miệng, hãy ngậm thuốc đến khi nó tan hoàn toàn. Đừng nuốt cả viên thuốc. Bạn có thể uống thêm nước để nuốt phần thuốc sau khi đã tan hoàn toàn trong miệng.
8.3 Uống Melatonin vào lúc nào?
Melatonin có thể mất khoảng 1-2 giờ để phát huy tác dụng, nên hãy uống chúng trước khi đi ngủ ít nhất 30 phút.
Nên dùng Melatonin tối đa trong 13 tuần, nếu muốn dùng lâu hơn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
9 Tác dụng phụ
Nếu sử dụng trong thời gian ngắn (dưới 3 tháng) thì Melatonin tương đối an toàn và các tác dụng phụ là không phổ biến, ngay cả với liều cao hơn như Melatonin 5mg mỗi ngày một lần. Tuy nhiên, sự an toàn khi sử dụng Melatonin trong thời gian dài chưa được xác định.
Trong quá trình sử dụng Melatonin tác dụng phụ có thể gặp phải là:
- Buồn ngủ hoặc ngủ gật vào ban ngày, chóng mặt, mệt mỏi hoặc nhầm lẫn
- Gặp ác mộng
- Cảm thấy chán nản, lo lắng hoặc cáu kỉnh
- Đau đầu
- Chán ăn, buồn nôn, tiêu chảy, đau dạ dày
- Rối loạn huyết áp
- Đau lưng hoặc đau khớp
- Tăng nguy cơ co giật
Với liều dùng cao hơn (1 mg đến 10 mg) có thể làm trầm trọng thêm các tác dụng phụ như buồn ngủ ban ngày, suy giảm khả năng thể chất hoặc tinh thần, nhiệt độ cơ thể thấp và nồng độ prolactin tăng cao.
10 Tương tác thuốc
Bổ sung Melatonin có thể gây tương tác với rượu và một số loại thuốc khác, chẳng hạn như:
- Thuốc chống đông máu: Dùng chung thuốc chống đông máu với Melatonin có thể làm tăng nguy cơ chảy máu
- Thuốc chống co giật: Melatonin có thể ức chế tác dụng của thuốc chống co giật và làm tăng tần suất co giật, đặc biệt ở trẻ em bị khuyết tật thần kinh.
- Thuốc tránh thai: Sử dụng thuốc tránh thai với Melatonin có thể gây ra tác dụng an thần phụ gia và làm tăng tác dụng phụ có thể có của Melatonin.
- Thuốc cao huyết áp: Melatonin có thể làm trầm trọng tình trạng cao huyết áp ở những người dùng thuốc huyết áp.
- Thuốc tiểu đường: Melatonin có thể ảnh hưởng đến nồng độ đường máu
- Thuốc ức chế miễn dịch: Melatonin có thể kích thích chức năng miễn dịch và can thiệp vào liệu pháp ức chế miễn dịch.
- Thuốc chuyển hóa qua gan: Melatonin ảnh hưởng đến các thuốc chuyển hóa qua CYP1A2 và CPY2C19, chẳng hạn như Diazepam.
- Thuốc ngủ: Sử dụng đồng thời Melatonin với các loại thuốc ngủ dẫn đến suy giảm trí nhớ, khả năng chú ý và khả năng phối hợp động tác.
- Rượu: Không nên uống rượu cùng với melatonin, vì nó làm giảm hiệu quả của melatonin đối với giấc ngủ.
11 Giải đáp thắc mắc khi sử dụng
11.1 Có nên sử dụng Melatonin cho trẻ em không?
Trẻ nhỏ thường ít khi bị mất ngủ hoặc rối loạn giấc ngủ. Vì thế nếu nghi ngờ con bị mất ngủ, trước tiên cha mẹ cần đưa trẻ đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và tìm hiểu chính xác nguyên nhân.
Cha mẹ có thể cân nhắc sử dụng Melatonin khi con mình bị khó ngủ, nhưng cần có sự chỉ định hoặc chăm sóc của bác sĩ. Ngoài ra, không nên sử dụng Melatonin để thay đổi thói quen đi ngủ nhất quá ở trẻ em.
Sử dụng Melatonin ở trẻ em có thể gây ra một số tác dụng phụ như: buồn ngủ vào buổi sáng, đái dầm, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, tiêu chảy hoặc tăng nguy cơ co giật ở trẻ bị rối loạn thần kinh nghiêm trọng.
11.2 Melatonin có được FDA chấp thuận không?
Thuốc Melatonin không được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận cho bất kỳ mục đích sử dụng nào. Thay vào đó, nó được coi như một chất bổ sung vào chế độ ăn uống, giống như các vitamin hoặc khoáng chất. Vì thế, Melatonin không được FDA đảm bảo về độ an toàn và hiệu quả khi sử dụng để chữa mất ngủ.
11.3 Bổ sung melatonin tự nhiên như thế nào?
Trong thực phẩm cũng có chứa một lượng Melatonin nhất định. Các chuyên gia khuyên răng, chế độ ăn nhiều rau xanh, trái cây và các sản phẩm từ ngũ cốc sẽ đem đến một lượng Melatonin đáng kể. Cụ thể, các thực phẩm giàu Melatonin bao gồm: cà chua, hạt óc chó, lúa mạch, dâu tây, quả anh đào, dầu ô liu, rượu vang, sữa bò,...
Quá trình tổng hợp Melatonin của cơ thể phụ thuộc vào nguồn tryptophan của cơ thể. Vì thế, ăn nhiều thực phẩm giàu axit amin tryptophan cũng là cách để giảm rối loạn giấc ngủ.
11.4 Có thể dùng Melatonin để điều trị GERD không?
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là một tình trạng được gây ra bởi sự trào ngược axit dạ dày lên thực quản, dẫn đến các triệu chứng như ợ nóng, buồn nôn và ợ hơi.
Trong nhiều nghiên cứu, Melatonin đã được chứng minh là có khả năng ngăn chặn sự tiết axit dạ dày. Nó cũng làm giảm sản xuất oxit nitric, một hợp chất làm giãn cơ thắt thực quản dưới, cho phép axit dạ dày đi lên thực quản.
Vì thế, các nhà nghiên cứu cho rằng, Melatonin có thể được sử dụng để điều trị chứng ợ nóng và GERD.
Một nghiên cứu ở 36 người người cho thấy, dùng riêng Melatonin hoặc kết hợp với Omeprazole đều cho thấy hiệu quả làm giảm triệu chứng khó chịu và ợ nóng.
Một nghiên cứu khác đã so sánh tác dụng của Omeprazole và một sản phẩm bổ sung có chứa Melatonin cùng với một số axit amin, vitamin ở 351 người bị GERD. Sau 40 ngày điều trị, kết quả cho thấy, 100% người dùng thực phẩm chức năng chứa Melatonin cho biết đã giảm các triệu chứng của GERD, so với chỉ 65,7% số người ở nhóm dùng Omeprazole.
11.5 Uống Melatonin có hại không?
Melatonin là một chất bổ sung tương đối an toàn nếu sử dụng với liều lượng hợp lý và trong thời gian ngắn. Các tác dụng phụ trong quá trình sử dụng Melatonin thường không phổ biến hoặc không nghiêm trọng. Ngay cả ở mức liều cao hơn (3-5mg) thì vẫn được coi là an toàn và không gây độc với người sử dụng.
Tuy nhiên, mức độ an toàn của Melatonin khi sử dụng dài ngày vẫn chưa được xác định. Vì thế, người bệnh cần thận trọng nếu muốn sử dụng Melatonin hằng ngày.
11.6 Uống Melatonin quá liều có chết không?
Melatonin được cho là an toàn với người dùng nếu sử dụng trong thời gian ngắn với nguy cơ xảy ra các triệu chứng nghiêm trọng khi dùng quá liều thấp.
Thông thường, nếu xảy ra quá liều Melatonin, cơn buồn ngủ có thể kéo dài hơn hoặc các tác dụng phụ của thuốc sẽ xuất hiện nhiều hơn. Tuy nhiên, chưa ghi nhận trường hợp nào uống quá liều Melatonin gây tử vong.
Trường hợp uống quá liều Melatonin, thường không cần điều trị gì đặc biệt, bởi sau khoảng 12 giờ thì thuốc sẽ bị đào thải ra ngoài. Tuy nhiên, nếu gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc phản ứng dị ứng thì bệnh nhân cần được đưa tới bệnh viện để được điều trị phù hợp.
12 Các sản phẩm chứa Melatonin trên thị trường
Hiện nay, Melatonin được bào chế chủ yếu ở dạng viên nang mềm với đa dạng nhiều hàm lượng.
Với các sản phẩm là thuốc, hiện nay tại nước ta có thuốc Keikai, với hàm lượng Melatonin là 3mg. Keikai được sử dụng để điều trị ngắn hạn cho chứng mất ngủ nguyên phát (khó ngủ hoặc duy trì giấc ngủ, chất lượng giấc ngủ kém) ở bệnh nhân từ 55 tuổi trở lên. Liều dùng là 1 viên/ ngày, trong tối đa 13 tuần. Uống thuốc sau khi ăn tối hoặc 1-2 giờ trước khi đi ngủ. Chú ý uống nguyên viên thuốc với nước lọc.
Ngoài ra, trên thị trường hiện nay có rất nhiều các loại thực phẩm bổ sung Melatonin với vai trò hỗ trợ giấc ngủ. Bạn có thể dễ dàng tìm mua được ở các hiệu thuốc hoặc các sàn thương mại điện tử.
Tóm lại, Melatonin là một hormone điều hòa chu kỳ ngủ thức của cơ thể và được ứng dụng để sản xuất thuốc hoặc các thực phẩm bổ sung để hỗ trợ và điều trị chứng mất ngủ hoặc rối loạn giấc ngủ. Melatonin nhìn chung khá an toàn với người sử dụng nhưng không nên dùng thường xuyên hoặc lạm dụng.
13 Tài liệu tham khảo
1. Leigh Ann Anderson, (Ngày đăng: Ngày 08 tháng 10 năm 2021). Melatonin, Drugs.com. Ngày truy cập: Ngày 23 tháng 04 năm 2023.
2. EMC (Ngày đăng: Ngày 29 tháng 04 năm 2021). Slenyto 1 mg prolonged-release tablets, EMC. Ngày truy cập: Ngày 23 tháng 04 năm 2023.
3. Mayo Clinic Staff (Ngày đăng: Ngày 03 tháng 03 năm 2021). Melatonin, Mayo Clinic. Ngày truy cập: Ngày 23 tháng 04 năm 2023.
4. Rachael Ajmera (Ngày đăng: Ngày 14 tháng 10 năm 2018). Melatonin: Benefits, Uses, Side Effects and Dosage, Healthline. . Ngày truy cập: Ngày 23 tháng 04 năm 2023.