Loratadine

78 sản phẩm

Loratadine

Ngày đăng:
Cập nhật:

Bài viết biên soạn dựa theo

Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba

Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022.

LORATADIN

Tên chung quốc tế: Loratadine.

Mã ATC: R06AX13.

Loại thuốc: Thuốc kháng histamin H₁ thế hệ thứ hai.

Cấu trúc 2D và 3D của Loratadine.

1 Dạng thuốc và hàm lượng

Viên nén: 10 mg.

Viên nén để nhai: 5 mg.

Viên nén phân tán trong miệng: 5 mg, 10 mg.

Viên nang: 10 mg

Dung dịch uống: 5 mg/5 ml (100 ml, 120 ml).

Sirô: 5 mg/5 ml (236 ml).

2 Dược lực học

Loratadin là thuốc kháng histamin có tác dụng kéo dài. Thuốc thuộc nhóm đối kháng chọn lọc thụ thể H, ngoại vi, thế hệ thứ hai, không có tác dụng an thần, không có hoạt tính muscarinic đáng kể. Loratadin làm giảm nhẹ triệu chứng của viêm mũi và viêm kết mạc dị ứng do giải phóng histamin. Thuốc còn có tác dụng chống ngứa và nổi mày đay liên quan đến histamin. Tuy nhiên, loratadin không có tác dụng bảo vệ hoặc trợ giúp lâm sàng đối với trường hợp giải phóng histamin nặng như phản vệ. Trong trường hợp đó, điều trị chủ yếu là dùng adrenalin.

Cơ chế tác dụng của Loratadine

Thuốc kháng histamin không có vai trò trong điều trị hen.

Tác dụng kéo dài của loratadin là do thuốc phân ly chậm sau khi gắn với thụ thể H, hoặc do tạo thành chất chuyển hóa có hoạt tính là desloratadin (descarboethoxyloratadin).

Những thuốc kháng histamin không có tác dụng chữa nguyên nhân mà chỉ trợ giúp làm nhẹ bớt triệu chứng. Bệnh viêm mũi dị ứng có thể là bệnh mạn tính và tái diễn; để điều trị thành công thường phải dùng các thuốc kháng histamin lâu dài và ngắt quãng, đồng thời sử dụng thêm những thuốc khác như glucocorticoid dùng theo đường hít và dùng kéo dài.

Có thể kết hợp loratadin với pseudoephedrin hydroclorid để làm nhẹ bớt triệu chứng ngạt mũi trong điều trị viêm mũi dị ứng có kèm ngạt mũi.

3 Dược động học

Hấp thu: Loratadin hấp thu nhanh sau khi uống, tác dụng của thuốc xuất hiện trong vòng 1 - 3 giờ, đạt tối đa sau 8 - 12 giờ và kéo dài hơn 24 giờ. C của loratadin và chất chuyển hóa có hoạt tính của nó (desloratadin) tương ứng là 1,5 và 3,7 giờ. Thức ăn làm tăng Sinh khả dụng và t của thuốc.

Phân bố: Loratadin liên kết với protein huyết tương khoảng 98%. Thể tích phân bố của thuốc là 80-120 lít/kg. Loratadin và desloratadin vào sữa mẹ và đạt nồng độ đỉnh tương đương với nồng độ thuốc trong huyết tương. Thuốc không qua hàng rào máu - não ở liều thông thường.

Chuyển hóa: Loratadin chuyển hóa nhiều qua gan bởi enzym CYP3A4, ít hơn qua CYP2D6, chủ yếu thành desloratadin, là chất chuyển hóa có hoạt tính.

Thải trừ: Nửa đời thải trừ của loratadin trung bình là 8,4 giờ (trong khoảng 3 - 20 giờ) và của desloratadin là 28 giờ. Nửa đời thải trừ của thuốc thay đổi nhiều giữa các cá thể, không bị ảnh hưởng bởi urê huyết, tăng lên ở người cao tuổi và người xơ gan.

Độ thanh thải của thuốc là 57 - 142 ml/phút/kg và không bị ảnh hưởng bởi urê huyết nhưng giảm ở người bệnh xơ gan. Khoảng 40% liều thải trừ qua phân và 40% liều thải trừ qua nước tiểu dưới dạng chất chuyển hóa, trong vòng 10 ngày. Thẩm phân máu không loại bỏ được thuốc.

4 Chỉ định

Giảm triệu chứng dị ứng trong bệnh viêm mũi dị ứng theo mùa, mày đay mạn tính vô căn.

5 Chống chỉ định

Quá mẫn với loratadin hoặc desloratadin.

6 Thận trọng

Người suy gan hoặc suy thận.

Khi dùng loratadin, có nguy cơ khô miệng, đặc biệt ở người cao tuổi, và tăng nguy cơ sâu răng. Do đó, cần phải vệ sinh răng miệng sạch sẽ khi dùng loratadin.

7 Thời kỳ mang thai

Phần lớn các nhà sản xuất khuyên nên tránh dùng kháng histamin trong thời kỳ mang thai, tuy nhiên chưa có bằng chứng cho thấy thuốc gây quái thai.

8 Thời kỳ cho con bú

Loratadin và chất chuyển hóa desloratadin được bài tiết vào sữa mẹ. Mặc dù chưa biết thuốc có gây hại cho trẻ không, nhưng phần lớn nhà sản xuất khuyên tránh dùng thuốc cho người mẹ đang cho con bú.

9 Tác dụng không mong muốn (ADR)

Thường gặp

Thần kinh: đau đầu, buồn ngủ, tình trạng kích động, chóng mặt, khó chịu.

Da: ban da.

Tiêu hóa: khô miệng, viêm miệng, đau bụng.

Thần kinh cơ - xương: tăng vận động.

Mắt: viêm kết mạc.

Hô hấp: tiếng thở khò khè, chảy máu cam, viêm họng, chứng khó nuốt, viêm nhiễm đường hô hấp trên.

Khác: hội chứng giả cúm, nhiễm virus.

Ít gặp

Hô hấp: khô mũi và hắt hơi.

Hiếm gặp

Thần kinh: trầm cảm, co giật.

Tim mạch: tim đập nhanh, loạn nhịp nhanh trên thất, đánh trống ngực.

Tiêu hóa: buồn nôn, viêm dạ dày, nôn.

Chuyển hóa: chức năng gan bất thường, kinh nguyệt không đều.

Khác: ngoại ban, nổi mày đay, choáng phản vệ, rụng tóc, phù mạch,

10 Hướng dẫn cách xử trí ADR

Sử dụng loratadin với liều thấp nhất có hiệu quả.

11 Liều lượng và cách dùng

11.1 Cách dùng

Thuốc được dùng theo đường uống. Thức ăn không ảnh hưởng đến hấp thu của thuốc.

11.2 Liều lượng

Người lớn và trẻ em ≥ 12 tuổi:

Uống 10 mg/lần, 1 lần/ngày hoặc uống 5 mg/lần, 2 lần/ngày.

Trẻ em 2 - dưới 12 tuổi:

Cân nặng ≥ 30 kg: Uống 10 mg/lần, 1 lần/ngày.

Cân nặng < 30 kg: Uống 5 mg/lần, 1 lần/ngày.

Độ an toàn và hiệu quả khi dùng loratadin cho trẻ em dưới 2 tuổi chưa được xác định.

Người suy gan: Giảm liều với người suy gan nặng, dùng thuốc 2 ngày một lần.

Người suy thận:

Nhà sản xuất khuyến cáo không cần điều chỉnh liều khi suy thận. Tuy nhiên cũng có khuyến cáo điều chỉnh liều như sau:

Người lớn và trẻ em trên 6 tuổi có Cl, < 30 ml/phút: Uống 10 mg/lần, 2 ngày một lần.

Trẻ em 2 - 5 tuổi có suy thận: Uống 5 mg/lần, 2 ngày một lần. Người cao tuổi: Không cần điều chỉnh liều.

12 Tương tác thuốc

Những thuốc ức chế/chuyển hóa bởi enzym CYP3A4 và CYP2D6 (như cimetidin, Erythromycin, ketoconazol, quinidin, fluconazol và fluoxetin): Có thể làm thay đổi nồng độ trong huyết tương và ADR của loratadin.

Tránh phối hợp loratadin với: Aclidinium, amodiaquin, Azelastin (dùng đường mũi), cimetropium, eluxadolin, glucagon, glycopyrolat, Ipratropium (hit đường miệng), levosulpirid, orphenadrin, paraldehyd, Kali clorid, thalidomid, Tiotropium, umeclidinium.

Cimetidin: Làm tăng nồng độ loratadin trong huyết tương 60%, do cimetidin ức chế chuyển hóa của loratadin, nhưng không có biểu hiện lâm sàng.

Ketoconazol: Làm tăng nồng độ loratadin trong huyết tương gấp 3 lần, do ức chế CYP3A4, nhưng không có biểu hiện lâm sàng vì loratadin có chỉ số điều trị rộng.

Erythromycin: Làm tăng nồng độ loratadin trong huyết tương. AUC của loratadin, tăng trung bình 40% và AUC của desloratadin tăng trung bình 46% so với điều trị loratadin đơn độc. Trên điện tâm đồ không có thay đổi về khoảng QTc. Về mặt lâm sàng, không có biểu hiện sự thay đổi tính an toàn của loratadin và không có thông báo về tác dụng an thần hoặc hiện tượng ngất khi điều trị đồng thời 2 thuốc này.

13 Quá liều và xử trí

Triệu chứng: Ở người lớn, khi uống quá liều viên nén loratadin (40 180 mg), có những biểu hiện: buồn ngủ, nhịp tim nhanh, nhức đầu. Ở trẻ em, có biểu hiện ngoại tháp và đánh trống ngực khi uống sirô quá liều (trên 10 mg).

Xử trí: Điều trị triệu chứng và hỗ trợ chức năng sống. Có thể dùng than hoạt (dạng hỗn dịch). Rửa dạ dày cũng có thể xem xét. Loratadin không bị loại trừ bằng thẩm phân phúc mạc hoặc thẩm tách máu. Người bệnh cần được nghỉ ngơi và theo dõi y tế chặt chẽ.

Cập nhật lần cuối: 2019.

Xem thêm chi tiết

Các sản phẩm có chứa hoạt chất Loratadine

Arclenxyl
Arclenxyl
87.000₫
Loranic Chai 500 viên
Loranic Chai 500 viên
Liên hệ
Siro Caditadin
Siro Caditadin
Liên hệ
Rataf Cold
Rataf Cold
Liên hệ
Glotadol Cold
Glotadol Cold
125.000₫
Medifluday
Medifluday
Liên hệ
Flu-GF
Flu-GF
80.000₫
Hightflu (Hộp 10 vỉ x 10 viên)
Hightflu (Hộp 10 vỉ x 10 viên)
Liên hệ
Tanadotuxsin-F
Tanadotuxsin-F
100.000₫
Skdol cảm cúm Phương Đông
Skdol cảm cúm Phương Đông
Liên hệ
SaVi Day
SaVi Day
80.000₫
Vaco Loratadine 10mg
Vaco Loratadine 10mg
Liên hệ

SO SÁNH SẢN PHẨM CÙNG HOẠT CHẤT

vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

hotline
0868 552 633
0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633