Lansoprazol
31 sản phẩm
Dược sĩ Thu Hà Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 3 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Bài viết biên soạn dựa theo
Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba
Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022
LANSOPRAZOL
Tên chung quốc tế: Lansoprazole.
Mă ATC: A02BC03.
Loại thuốc: Thuốc ức chế tiết acid dịch vị, thuốc ức chế bơm proton.
1 Dạng thuốc và hàm lượng
Viên nang giải phóng chậm (chứa hạt bao tan trong ruột): 15 mg, 30 mg.
Viên nén giải phóng chậm (chứa các vi hạt bao tan trong ruột): 15 mg, 30 mg.
2 Dược lực học
Lansoprazol là dẫn chất benzimidazol có tác dụng ức chế bài tiết acid dạ dày. Lansoprazol có liên quan cấu trúc và dược lý với omeprazol. Lansoprazol gắn vào enzym H+/K+ATPase còn gọi là bơm proton ở trong tế bào thành của dạ dày, làm bất hoạt hệ thống enzym này nên các tế bào thành không tiết ra acid hydrocloric ở giai đoạn cuối cùng. Lansoprazol là một base yếu, ở dạng tiền chất không có hoạt tính. Từ máu, thuốc vào tế bào thành và do tính chất base yếu, thuốc tích tụ trong các ống nhỏ tiết acid của tế bảo thành và ở đó, thuốc được chuyển thành các chất chuyển hóa sulfenamid có hoạt tính; các chất chuyển hóa có hoạt tính phản ứng với nhóm sulfhydryl của H+/K+ATPase làm bơm proton mất hoạt tính. Do các chất chuyển hóa sulfenamid tạo thành một liên kết cộng không thuận nghịch với H+/K+ ATPase, nên tiết acid bị ức chế cho tới khi enzym mới được tổng hợp, điều này giải thích tại sao thời gian tác dụng của thuốc kéo dài tuy nửa đời huyết tương của thuốc ngắn. Lansoprazol ức chế dạ dày tiết acid cơ bản và khi bị kích thích do bất kỳ tác nhân nào vì thuốc ngăn cản tiết acid ở giai đoạn cuối.
Mức độ ức chế tiết acid dạ dày liên quan đến liều dùng và thời gian điều trị. Mức độ ức chế tiết acid dạ dày tương tự sau khi uống hoặc tiêm tĩnh mạch lansoprazol 30 mg/ngày trong 7 ngày ở người khỏe mạnh. Lansoprazol làm tăng nồng độ gastrin trong huyết tương; nồng độ gastrin huyết thanh đạt mức cao trong vòng 2 tháng sử dụng liệu pháp và trở về mức trước khi điều trị trong vòng 1 - 12 tuần sau khi ngừng thuốc. Lansoprazol cũng làm giảm tiết pepsin và làm tăng pepsinogen huyết thanh. Tuy nhiên, các tác dụng này không mạnh bằng ức chế tiết acid. Tác dụng làm tăng gastrin dạ dày và làm giảm acid hydrocloric dạ dày kéo dài chưa được đánh giá đầy đủ ở người, cần phải theo dõi lâu dài để loại trừ khả năng tăng nguy cơ gây u dạ dày ở người bệnh dùng lansoprazol lâu dài. Lansoprazol có tác dụng tiệt trừ Helicobacter pylori khi phối hợp với 1 hoặc nhiều thuốc chống nhiễm khuẩn (như amoxicilin, clarithromycin).
3 Dược động học
Lansoprazol hấp thu nhanh, nồng độ tối đa trung bình đạt được trong khoảng 1,5 - 2 giờ sau khi uống, với Sinh khả dụng tuyệt đối trên 80%. Nồng độ thuốc tối đa và Diện tích dưới đường cong (AUC) đều giảm khoảng 50% nếu dùng thuốc khoảng 30 phút sau khi ăn. Lansoprazol liên kết với protein huyết tương khoảng 97%, Thể tích phân bố khoảng 14 - 18 lít. Thuốc chuyển hóa nhiều ở gan, chủ yếu bởi enzym cytochrom P450 CYP2C19 tạo thành 5-hydroxyl-lansoprazol và bởi CYP3A4 thành sulfon lansoprazol, hai chất chuyển hóa chính để bài tiết ra ngoài. Các chất chuyển hóa này có rất ít hoặc không còn tác dụng chống tiết acid và không được tìm thấy trong máu. Các chất chuyển hóa thải trừ chủ yếu qua mật, chỉ 15 -30% liều dùng được thải trừ qua nước tiểu.
Nửa đời thải trừ trong huyết tương là 1 - 2 giờ tuy nhiên tác dụng của thuốc dài hơn rất nhiều (trên 1 ngày). Nửa đời thải trừ của lansoprazol bị kéo dài ở người cao tuổi (2 - 3 giờ) và người bị suy gan (3 - 7 giờ).
4 Chỉ định
Điều trị đợt cấp (dùng tới 8 tuần) và điều trị duy trì viêm thực quản bào mòn ở các bệnh nhân bị bệnh trào ngược dạ dày - thực quản.
Loét dạ dày cấp tính (có nhiễm hoặc không nhiễm H. pylori).
Điều trị đợt cấp và điều trị duy trì loét tá tràng.
Điều trị và dự phòng loét Đường tiêu hóa do thuốc chống viêm không steroid.
Các chứng tăng tiết acid bệnh lý, như hội chứng Zollinger-Ellison, u đa tuyến nội tiết, tăng dưỡng bào toàn thân.
Loét đường tiêu hóa trên liên quan đến bệnh Crohn’s.
Giảm triệu chứng khó tiêu liên quan đến acid.
Dự phòng loét do stress ở bệnh nhân nặng, phải điều trị tích cực, có các yếu tố nguy cơ như bệnh lý đông máu, thở máy trên 48 giờ, nhiễm khuẩn huyết nặng.
5 Chống chỉ định
Quá mẫn với lansoprazol.
6 Thận trọng
Việc giảm triệu chứng khi điều trị với lansoprazol không loại trừ khả năng có bệnh lý dạ dày ác tính.
Dữ liệu từ các nghiên cứu đã có cho thấy có mối liên quan giữa việc sử dụng các thuốc ức chế bơm proton và nguy cơ nhiễm khuẩn do C. difficile, bao gồm viêm ruột và tiêu chảy do C. difficile.
Cần dùng thuốc với liều thấp nhất và thời gian dùng ngắn nhất có thể.
Những bệnh nhân bị tiêu chảy kéo dài cần được đánh giá nguy cơ nhiễm khuẩn do C. difficile và áp dụng các biện pháp điều trị thích hợp.
Thuốc có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh nhiễm khuẩn bao gồm viêm phổi mắc phải tại cộng đồng.
Dùng liều cao và/hoặc dùng kéo dài, thuốc làm tăng nguy cơ gãy xương cột sống, xương chậu, xương cổ tay do loãng xương. Bệnh nhân có nguy cơ cao bị gãy xương do loãng xương cần bổ sung đủ vitamin D, calci và thường xuyên kiểm tra tình trạng xương
Giảm magnesi huyết hiếm được báo cáo ở bệnh nhân dùng thuốc ức chế bơm proton, bao gồm cả lansoprazol, đặc biệt khi dùng kéo dài trên 3 tháng. Cần kiểm tra nồng độ magnesi huyết trước khi bắt đầu dùng và định kỳ trong khi dùng thuốc ức chế bơm proton kéo đài, đặc biệt là ở các bệnh nhân có dùng đồng thời Digoxin hoặc các thuốc có khả năng làm giảm magnesi huyết như thuốc lợi tiểu.
Dùng lansoprazol kéo dài (từ 2 năm trở lên) có thể làm giảm hấp thu dẫn tới thiếu hụt Vitamin B12.
Ở người bệnh suy gan, cần cân nhắc giảm liều thuốc khoảng 50%.
7 Thời kỳ mang thai và cho con bú
7.1 Thời kỳ mang thai
Hầu hết các nghiên cứu hiện có đều không cho thấy tăng nguy cơ mắc dị tật bẩm sinh trên trẻ sơ sinh của các bà mẹ có sử dụng thuốc ức chế bơm proton trong thời kỳ mang thai.
Cần thận trọng khi dùng lansoprazol cho phụ nữ mang thai và nên tránh dùng. Tuy nhiên, trong trường hợp cần điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản, có thể sử dụng các thuốc ức chế bơm proton.
7.2 Thời kỳ cho con bú
Không rõ lansoprazol có bài tiết qua sữa mẹ hay không. Cần cân nhắc tầm quan trọng của việc điều trị bằng thuốc để quyết định không dùng thuốc hay tạm ngừng cho con bú.
8 Tác dụng không mong muốn (ADR)
8.1 Thường gặp
TKTW: đau đầu, chóng mặt.
Tiêu hóa: tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, táo bón.
8.2 Ít gặp
Toàn thân: mệt mỏi, chán ăn, đau cơ, khớp, đau ngực.
Cận lâm sàng: tăng mức gastrin huyết thanh, enzym gan, hematocrit, hemoglobin, acid uric và protein niệu.
8.3 Hiếm gặp
Viêm đại tràng, tăng cholesterol, tăng triglycerid huyết thanh.
8.4 Hướng dẫn cách xử trí ADR
Nếu bệnh nhân bị tiêu chảy nặng hoặc kéo dài, cần ngừng thuốc. Bệnh nhân được điều trị hỗ trợ thích hợp (bù nước và điện giải), dùng kháng sinh tác dụng trên C. difficile nếu cần thiết.
9 Liều lượng và cách dùng
9.1 Cách dùng
Thuốc được dùng đường uống. Nên uống thuốc trước bữa ăn 30 phút và không nhai hoặc nghiền viên thuốc trước khi uống do lansoprazol không bền trong môi trường acid (dịch dạ dày). Thuốc thường được uống 1 lần/ngày vào buổi sáng. Bệnh nhân dùng liều cao hơn 120 mg hàng ngày hoặc dùng phối hợp với các kháng sinh trong phác đồ tiệt trừ H. pylori nên chia thành 2 lần/ngày.
9.2 Liều dùng
9.2.1 Người lớn
9.2.1.1 Trào ngược dạ dày - thực quản
Điều trị ngắn ngày trào ngược dạ dày - thực quản có triệu chứng: 15 mg/lần, 1 lần/ngày, tới 8 tuần. Có thể dùng thêm 8 tuần nữa nếu cần.
Điều trị ngắn ngày viêm thực quản ăn mòn các mức độ: 30 mg/lần, 1 lần/ngày cho tới khi khỏi, thường là 8 tuần, có thể kéo dài thêm 8 tuần nữa nếu cần.
Điều trị duy trì sau đã khỏi viêm thực quản ăn mòn để giảm tái phát: 15 mg/ngày. Chưa xác định được mức độ an toàn và hiệu quả khi điều trị duy trì kéo dài quá 1 năm.
9.2.1.2 Loét dạ dày
30 mg/lần, 1 lần/ngày, dùng tới 8 tuần.
9.2.1.3 Loét tá tràng
15 mg/lần, 1 lần/ngày, dùng tới 4 tuần hoặc cho tới khi lành vết loét.
9.2.1.4 Điều trị duy trì sau khi loét tá tràng đã khỏi
15 mg/lần, 1 lần/ngày. Chưa xác định được mức độ an toàn và hiệu quả khi điều trị duy trì kéo dài quá 1 năm.
9.2.1.5 Dùng phối hợp với kháng sinh để tiệt trừ H. pylori
Lansoprazol được dùng phối hợp với 2 hoặc 3 thuốc, liều dùng là 30 mg/lần, 2 lần mỗi ngày. Có thể phối hợp như sau: 30 mg lansoprazol + 1 g amoxicilin và 500 mg clarithromycin, dùng 2 lần/ngày hoặc 30 mg lansoprazol + 250 mg Clarithromycin và 400 mg metronidazol, dùng 2 lần/ngày hoặc có thể phối hợp lansoprazol, amoxicilin và metronidazol. Đợt điều trị kéo dài 10 đến 14 ngày.
9.2.1.6 Loét đường tiêu hóa do thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
9.2.1.7 Điều trị loét dạ dày do NSAID ở bệnh nhân cần tiếp tục dùng NSAID
30 mg/lần, 1 lần/ngày trong 8 tuần.
9.2.1.8 Dự phòng loét ở bệnh nhân có tiền sử loét dạ dày cần dùng NSAID
15 mg/lần, 1 lần/ngày, tới tối đa 12 tuần. Chưa xác định được mức độ an toàn và hiệu quả khi điều trị kéo dài hơn 12 tuần.
9.2.1.9 Tăng tiết acid bệnh lý (ví dụ hội chứng Zollinger-Elliso
Liều thường dùng bắt đầu là 60 mg/lần, 1 lần/ngày. Sau đó, điều chỉnh liều thuốc tùy thuộc mức độ dung nạp và cần thiết để đủ ức chế tiết acid dịch vị và tiếp tục điều trị cho đến khi đạt kết quả lâm sàng. Liều uống dao động từ 15 mg uống cách nhật đến 180 mg uống hàng ngày, cần để duy trì tiết acid dịch vị cơ bản dưới 10 mEq/giờ (5 mEq/giờ ở người bệnh trước đó có phẫu thuật dạ dày). Liều cao hơn 120 mg/ngày nên chia làm 2 lần uống. Lansoprazol đã từng được dùng kéo dài hơn 4 năm liên tục ở một số bệnh nhân mắc hội chứng Zollinger-Ellison.
9.2.1.10 Giảm triệu chứng khó tiêu liên quan đến acid
15 - 30 mg/ngày, trong 2 - 4 tuần.
9.2.1.11 Dự phòng loét ở bệnh nhân nặng (điều trị tích cực)
30 mg/lần, 1 lần/ngày, ngừng thuốc ngay khi hết các yếu tố nguy cơ.
9.2.2 Trẻ em
Sử dụng trong trường hợp trào ngược dạ dày - thực quản (GERD)
Trẻ 1 - 11 tuổi, cân nặng ≤ 30 kg: 15 mg/lần, 1 lần/ngày, dùng tới 12 tuần; cân nặng >30 kg: 30 mg/lần, 1 lần/ngày, trong 12 tuần; có thể tăng liều thành 30 mg, 2 lần mỗi ngày nếu vẫn còn triệu chứng sau 2 tuần điều trị.
Trẻ 12 - 17 tuổi, GERD không ăn mòn: 15 mg/ngày, cho tới 8 tuần; với viêm thực quản ăn mòn, liều dùng là 30 mg/ngày, cho tới 8 tuần. Cần điều chỉnh liều cho người có bệnh gan nặng. Phải giảm liều, thường không được vượt quá 30 mg/ngày.
Không cần điều chỉnh liều ở người cao tuổi hoặc người suy thận.
10 Tương tác thuốc
Lansoprazol được chuyển hóa nhờ hệ enzym cytochrom P450, isoenzym CYP2C19 và 3A4. Tuy nhiên không có tương tác đáng kể giữa lansoprazol và các thuốc cũng chuyển hóa bởi isoenzym CYP bao gồm 1A2, 2C9, 2C19, 2D6, 3A như clarithromycin, Diazepam, Phenytoin, theophylin, prednisolon, Ibuprofen, Indomethacin, Propranolol và warfarin.
Lansoprazol làm tăng nguy cơ tụt magnesi huyết khi dùng cùng thuốc lợi tiểu hoặc những thuốc khác làm giảm magnesi huyết. Cần theo dõi nồng độ magnesi trước khi dùng lansoprazol và định kỳ sau đó.
Giảm magnesi huyết làm tăng độc tính của digoxin với cơ tim, do vậy ở bệnh nhân đang dùng digoxin, cần theo dõi nồng độ magnesi trước khi dùng lansoprazol và định kỳ sau đó.
Lansoprazol làm giảm tác dụng của các thuốc có sự hấp thu phụ thuộc pH môi trường như ketoconazol, digoxin, muối Sắt.
Lansoprazol làm giảm nồng độ thuốc kháng virus atazanavir, rilpinavir, có thể làm mất hiệu quả lâm sàng của thuốc. Do vậy tránh dùng đồng thời lansoprazol với các thuốc kháng virus này.
Thuốc ức chế bơm proton làm tăng nồng độ tối đa trong huyết tượng và AUC của saquinavir, do vậy cần thận trọng khi dùng đồng thời và phải theo dõi độc tính của saquinavir.
Lansoprazol làm giảm chuyển hóa Clopidogrel qua CYP2C19 thành chất chuyển hóa có hoạt tính nhưng không có ảnh hưởng ghi nhận trên lâm sàng.
Lansoprazol làm tăng nồng độ methotrexat, nguy cơ tăng độc tính khi dùng đồng thời (nguy cơ cao hơn khi dùng liều cao methotrexat). Cân nhắc không dùng lansoprazol trước, trong khi dùng và sau vài ngày dùng methotrexat, có thể chuyển sang dùng thuốc kháng H1 (ranitidin, famotidin) trong trường hợp cần dùng thuốc ức chế tiết acid. Sucralfat làm chậm và giảm hấp thu lansoprazol (khoảng 17%) do đó nên uống lansoprazol ít nhất 30 phút trước khi uống sucralfat.
Lansoprazol có thể làm tăng nồng độ Tacrolimus trong máu, đặc biệt ở người có chuyển hóa qua CYP 2C19 kém hoặc trung bình. Độ thanh thải của theophylin có thể tăng nhẹ (10%) khi dùng đồng thời với lansoprazol. Có thể phải hiệu chỉnh liều theophylin khi bắt đầu hoặc chấm dứt điều trị với lansoprazol.
Bệnh nhân dùng đồng thời warfarin với lansoprazol có thể bị tăng INR và thời gian prothrombin, cần theo dõi chặt chẽ.
11 Quả liều và xử trí
11.1 Triệu chứng
Hạ thân nhiệt, an thần, co giật, giảm tần số hô hấp.
11.2 Xử trí
Điều trị hỗ trợ. Phương pháp thẩm tách không loại được thuốc.
Cập nhật lần cuối: 2016
Phần nghiên cứu sau đây không nằm trong Dược thư quốc gia Việt Nam 2022 lần xuất bản thứ 3
12 Các nghiên cứu mở rộng vai trò khác của Lansoprazol
Trong thử nghiệm công bố tháng 12 năm 2019, Ameena Benchamana và các cộng sự của mình đã đưa ra số liệu chứng minh rằng Lansoprazole có tác dụng kép: ức chế sự tích lũy mỡ trong mô đồng thời tăng cường quá trình biệt hóa tế bào mỡ thông qua việc tạo ra PPARγ và C/EBPα, hai yếu tố phiên mã tế bào mỡ chính, cũng như hoạt hóa các protein sinh mỡ, ACC1 và FASN, do đó tăng sự hấp thu Glucose ở cả trạng thái cơ bản và khi có kích thích bằng Insulin. Ngoài ra, điều trị bằng LPZ ở mức 200 mg/kg làm giảm đáng kể mức tăng trọng lượng cơ thể và tổng khối lượng chất béo.
Thử nghiệm của Jan Rybniker và cộng sự vào năm 2015 đã cho thấy ngoài tác dụng ức chế bơm proton tại dạ dày, Lansoprazole còn có hoạt tính nội bào chống lại M. tuberculosi, chủng vi khuẩn gây bệnh Lao ở người bằng cách nhắm mục tiêu phức hợp cytochrom bc1 của vi khuẩn thông qua quá trình khử sulfoxide nội bào thành lansoprazole sulfide.
13 Tài liệu tham khảo
1. Ameena Benchamana và các cộng sự (Ngày đăng: ngày 15 tháng 12 năm 2019). Regulation of adipocyte differentiation and metabolism by lansoprazole, Pubmed. Truy cập ngày 17 tháng 4 năm 2023.
2. Jan Rybniker và cộng sự (Ngày đăng: ngày 09 tháng 07 năm 2015). Lansoprazole is an antituberculous prodrug targeting cytochrome bc1, Thư viện quốc gia Hoa Kỳ. Truy cập ngày 17 tháng 4 năm 2023.