Lactobacillus Acidophilus
112 sản phẩm
Dược sĩ Nguyễn Trang Dược sĩ lâm sàng - Đại học Dược Hà Nội
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Bài viết biên soạn dựa theo
Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba
Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022
Lactobacillus ACIDOPHILUS
Tên chung quốc tế: Lactobacillus acidophilus.
Mã ATC: A07FA01.
Loại thuốc: Vi khuẩn sinh acid lactic.
1 Dạng thuốc và hàm lượng
Gói thuốc dạng bột hoặc cốm có 100 triệu hoặc 1 tỷ vi khuẩn đông khô.
Viên nén có 300 - 600 triệu vi khuẩn đông khô (viên thường hoặc viên tan trong ruột).
Nang có 1 - 6 tỷ vi khuẩn đông khô (nang thường hoặc nang tan trong ruột).
Ống hỗn dịch có 350 - 500 triệu vi khuẩn (7 ml).
2 Dược lực học
L. acidophilus là một trực khuẩn vẫn thường cư trú ở Đường tiêu hóa, có khả năng sinh ra Acid Lactic, do đó tạo ra một môi trường không thuận lợi cho sự phát triển của các vi khuẩn và nấm gây bệnh kể cả các vi khuẩn gây thối rữa. L. acidophilus đã được dùng trong nhiều năm để điều trị ỉa chảy chưa có biến chứng, đặc biệt do vi khuẩn chỉ ở ruột bị biến đổi do dùng kháng sinh.
Chế phẩm L. acidophilus được điều chế từ môi trường nuôi cấy đậm đặc, làm khô và có khả năng sống và phát triển khi uống. Các hoạt chất là những sản phẩm chuyển hóa của Lactobacillus acidophilus bất hoạt do nhiệt độ.
In vitro và nghiên cứu ở động vật cho thấy có 4 loại cơ chế tác dụng là: Tác dụng kìm khuẩn trực tiếp do các chất hóa học do Lactobacillus tạo ra (acid lactic, một số chất kháng sinh còn chưa rõ công thức); kích thích miễn dịch không đặc hiệu ở niêm mạc (tăng tổng hợp IgA); kích thích tăng trưởng vi khuẩn chỉ sinh acid để bảo vệ, chủ yếu là do có nhiều vitamin nhóm B; bám dính của Lactobacillus bất hoạt vào các tế bào ruột người trong môi trường nuôi cấy tế bào. Nhưng cho đến nay chưa có đủ dữ liệu mang tính chất khoa học để chứng minh tính hiệu quả của L. acidophilus trong điều trị ỉa chảy. Sữa chua (yoghurt) là 1 nguồn phổ biến cung cấp vi sinh tạo acid lactic. Nhiều nước đã coi các chế phẩm này một thực phẩm, hoặc thực phẩm bổ sung và không còn nói đến ích lợi trong điều trị ỉa chảy. Các chế phẩm có L. acidophilus không có trong phác đồ điều trị ỉa chảy cấp ở trẻ em của Tổ chức Y tế thể giới và của Bộ Y tế.
Nghiên cứu có giới hạn cho thấy Lactobacillus acidophilus có thể kết hợp làm giảm bệnh viêm ruột, mụn nước có sốt, viêm loét miệng, trứng cá tuổi thiếu niên, nhưng kết quả chưa rõ ràng. Lợi khuẩn (probiotic) đã được dùng cho trẻ đẻ non nhẹ cân (dưới 34 tuần thai và cân nặng < 1,5 kg) trong 6 tuần, đã làm giảm tần suất và mức độ nặng viêm ruột hoại tử, nhưng cần nghiên cứu thêm trước khi dùng thường quy.
3 Dược động học
Thuốc không hấp thu qua đường uống, tác dụng tại chỗ, chủ yếu ở đại tràng, thuốc thải trừ qua phân.
4 Chỉ định
Điều trị hỗ trợ trong ỉa chảy không biến chứng, đặc biệt ỉa chảy do dùng kháng sinh, cùng với biện pháp tiếp nước và điện giải. Thiết lập cân bằng vi khuẩn chí đường ruột.
Thay thế vi khuẩn chí bị mất do dùng kháng sinh.
5 Chống chỉ định
Không dùng cho người sốt cao trừ khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Nếu chế phẩm của L. acidophilus có Lactose, không được dùng cho người có galactose huyết bẩm sinh hoặc thiếu lactase.
Dị ứng với sữa hoặc lactose.
6 Thận trọng
L. acidophilus có thể làm tăng sinh hơi đường ruột khi mới bắt đầu điều trị. Với bệnh nhân tự điều trị, không dùng thuốc quá 2 ngày hoặc có sốt cao trừ khi có sự hướng dẫn của thầy thuốc. Cần giám sát theo dõi khi dùng chế phẩm chứa L. acidophilus cho trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 3 tuổi.
7 Thời kỳ mang thai
Cho đến nay, chưa thấy thuốc gây dị ứng hoặc độc cho thai. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu đầy đủ và có kiểm soát trên người mang thai. Tốt nhất là không dùng khi mang thai.
8 Thời kỳ cho con bú
Không có chống chỉ định với phụ nữ cho con bú.
9 Tác dụng không mong muốn (ADR)
Khi bắt đầu dùng thuốc có hiện tượng sinh hơi trong ruột, nhưng hiện tượng này giảm dần trong quá trình điều trị. Nhiễm chuyển hóa đã xảy ra khi dùng viên nén; đôi khi táo bón.
10 Hướng dẫn cách xử trí ADR
Chưa có ADR đặc biệt cần phải xử trí.
11 Liều lượng và cách dùng
11.1 Cách dùng
Thuốc thường được uống với sữa, nước quả hoặc nước đun sôi để nguội. Các nang, viên nén và cốm có thể nhai hoặc nuốt nguyên viên hoặc nang. Viên nén phải nghiền trước khi cho trẻ em uống, viên tan trong ruột phải nuốt nguyên nang.
11.2 Liều lượng
Chế phẩm có L. acidophilus và natri carboxymethylcelulose: 2 nang/lần, ngày uống 2 - 4 lần.
Chế phẩm có L. acidophilus và L. bulgaricus: 2 nang/lần hoặc 4 viên nén/lần hoặc 1 gói cốm/lần, ngày uống 3 - 4 lần.
Viên nang tan trong ruột chứa L. acidophilus và L. casei: 1 nang mỗi ngày trong 2 tuần đầu điều trị; sau đó có thể tăng liều tới tối đa 3 nang/ngày nếu cần.
Chú ý: L. acidophilus chỉ là một thuốc hỗ trợ trong điều trị ỉa chảy chưa có biến chứng mất nước và điện giải. Trước khi dùng bất cứ dạng thuốc nào, cần phải đánh giá đúng tình trạng mất nước và điện giải của người bệnh.
12 Quá liều và xử trí
Chưa thấy có dấu hiệu quá liều.
13 Sản phẩm có chứa Lactobacillus acidophilus
Cập nhật lần cuối: 2018.