Kali Iodid/ Potassium Iodid
60 sản phẩm
Dược sĩ Thu Hà Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Bài viết biên soạn dựa theo
Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba
Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022
KALI IODID
Tên chung quốc tế: Potassium iodide.
Mã ATC: V03AB21, SO1XA04, R05CA02.
Loại thuốc: Thuốc kháng giáp.
1 Dạng thuốc và hàm lượng
Dung dịch uống: 65 mg/ml, 1 g/ml.
Viên nén: 65 mg (tương đương 50 mg iod); 130 mg.
2 Dược lực học
Kali iodid ngăn cản sự hấp thu Iod phóng xạ của tuyến giáp, do đó làm giảm nguy cơ ung thư tuyến giáp do bức xạ.
Nếu uống trước và sau khi dùng các đồng vị iod phóng xạ, kali iodid bảo vệ được tuyến giáp bằng cách ngăn cản thu nạp đồng vị phóng xạ. Nếu dùng kali iodid đồng thời với tiếp xúc phóng xạ, tác dụng bảo vệ xấp xỉ 97%. Nếu dùng kali iodid 12 và 24 giờ trước khi tiếp xúc phóng xạ thì tác dụng bảo vệ tương ứng là 90% và 70%. Tuy nhiên, nếu dùng kali iodid 1 và 3 giờ sau khi tiếp xúc phóng xạ thì tác dụng bảo vệ tương ứng là 85% và 50%. Nếu uống sau 6 giờ thì tác dụng bảo vệ không đáng kể.
3 Dược động học
3.1 Hấp thu
Cơ thể người chứa từ 20 - 50 mg iod. Lượng iod có thể hấp thu hàng ngày từ 150 - 200 microgam. Các iodid được hấp thu dễ dàng qua Đường tiêu hóa. Iod được hấp thụ vào tuyến giáp cao gấp 80 lần so với các cơ quan khác.
3.2 Phân bố
Nồng độ các iodid trong mẫu đặc biệt thấp (0,2 đến 0,4 microgam/dl). Kali iodid qua được nhau thai và bài tiết vào sữa.
3.3 Chuyển hóa, thải trừ
Kali iodid được hấp thu tốt khi uống và được bài tiết qua thận.
4 Chỉ định
Được dùng làm chất bảo vệ tuyến giáp chống nhiễm xạ, trước và sau khi uống hoặc hít các chất đồng vị phóng xạ iod, hoặc trong trường hợp cấp cứu phóng xạ.
5 Chống chỉ định
Có tiền sử mẫn cảm với kali iodid.
Người đang bị viêm phế quản cấp, phù phổi.
Người có bướu giáp nhận nhưng lại có bệnh về tim.
Viêm da dạng herpes, viêm mao mạch giảm bổ thể.
6 Thận trọng
Phải thận trọng khi dùng kali iodid lần đầu vì có thể gặp mẫn cảm với iod.
Cần thận trọng ở người tăng kali huyết, tăng trương lực cơ bẩm sinh (kali làm chứng bệnh trầm trọng thêm), suy giảm chức năng thận, bệnh lao (do thuốc kích thích và tăng tiết dịch), khi dùng kéo dài ở người cường giáp (gây tăng sản, u tuyến giáp, thiểu năng giáp, bướu cổ đơn thuần).
Thận trọng với những người có bệnh tim, bệnh Addison, bệnh xơ nang.
Bệnh tuyến giáp tự miễn.
Nên thận trọng khi dùng muối kali cho bệnh nhân suy thận hoặc thượng thận, mất nước cấp tính hoặc chuột rút do nóng.
Cần thận trọng khi dùng iod hoặc muối iod cho trẻ em.
Người bệnh trên 45 tuổi có hoặc không có bướu cổ có nhân đặc biệt dễ bị tăng năng giúp (basedow hóa do iod) khi bổ sung iod. Do đó phải giảm liều và không được dùng iod dầu.
Thận trọng khi dùng kết hợp với các thuốc khác, đặc biệt thuốc có tương tác với kali iodid như thuốc kháng giáp, captopril, Enalapril, lisinopril, thuốc lợi tiểu giữ kali, lithi, Natri iodid.
7 Thời kỳ mang thai
Kali iodid qua được nhau thai, vì vậy việc sử dụng thuốc trong khi mang thai có thể gây giảm năng giáp và hoặc bướu giáp bẩm sinh. Không nên dùng thuốc trong thời kỳ mang thai. Trong trường hợp cấp cứu phóng xạ, thận trọng khi sử dụng (xem mục Liều lượng và cách dùng).
8 Thời kỳ cho con bú
Kali iodid vào sữa và có thể gây ban da, ức chế tuyến giáp ở trẻ sơ sinh. Vì vậy, không được cho con bú nếu người mẹ đang được điều trị bằng kali iodid. Trong trường hợp cấp cứu phóng xạ, thận trọng khi sử dụng (xem mục Liều lượng và cách dùng).
9 Tác dụng không mong muốn (ADR)
Sử dụng kali iodid thời gian ngắn với liều thấp, thưởng ít gây ADR, nhưng khi điều trị liều cao hoặc dài ngày, độc tính của kali iodid có thể xảy ra. Dùng kali iodid kéo dài hoặc quá liều có thể dẫn đến tăng sản tuyến giáp, u tuyến giáp, bướu cổ và suy giáp nặng.
9.1 Thường gặp
Tiêu hóa: in chảy, buồn nôn, nôn, đau dạ dày, xuất huyết đường tiêu hóa.
9.2 Ít gặp
Máu: tăng bạch cầu ưa eosin.
Da: mày đay.
Hệ bạch huyết: sưng hạch bạch huyết.
Cơ quan khác: sưng cánh tay, mặt, chân, môi, lưỡi, và/hoặc sưng họng; sưng tấy tuyến nước bọt, đau khớp.
9.3 Hiếm gặp (khi dùng liều cao hoặc kéo dài)
Toàn thân: đau đầu nặng.
Tiêu hóa: tăng tiết nước bọt, nóng bỏng miệng, vị kim loại, đau răng lợi.
Da: Lở loét da.
Tuần hoàn: nhịp tim không đều.
Cơ quan khác: lú lẫn, tê, đau nhói dây thần kinh, đau hoặc yếu tay, chân, sưng đau các khớp, mệt mỏi bất thường, cảm giác nặng ở hai cẳng chân, sổ mũi, hắt hơi, sưng mí mắt do bị kích ứng, phù phổi, bướu cổ, u tuyến giáp, nhiễm độc iod, phản ứng quá mẫn (phù mạch, xuất huyết da).
9.4 Hướng dẫn cách xử trí ADR
Khi ADR xảy ra, cần ngừng điều trị.
10 Liều lượng và cách dùng
10.1 Cách dùng
Uống thuốc sau bữa ăn hoặc lúc đi ngủ, uống cùng với thức ăn hay sữa để giảm kích ứng dạ dày. Dung dịch kali iodid uống có thể pha loãng trong một cốc đầy nước, nước hoa quả hay sữa để uống.
10.2 Liều lượng
10.2.1 Bảo vệ tuyến giáp chống nhiễm xạ
Người lớn: Uống 130 mg, 24 giờ trước khi dùng hoặc tiếp xúc với iod phóng xạ, sau đó, uống mỗi ngày 1 lần đến khi nồng độ iod phóng xạ giảm đến mức phù hợp.
10.2.2 Trường hợp cấp cứu phóng xạ
Trẻ sơ sinh < 1 tháng tuổi: Uống 16,25 mg, 1 lần/ngày.
Trẻ 1 tháng - 3 tuổi: Uống 32,5 mg, 1 lần/ ngày.
Trẻ 3 - 12 tuổi: Uống 65 mg, 1 lần/ngày.
Trẻ trên 12 tuổi, nặng dưới 68 kg: Uống 65 mg, 1 lần/ngày.
Trẻ trên 12 tuổi, nặng trên 68 kg và người lớn: Uống 130 mg, 1 lần/ngày.
Do sự nhạy cảm của tuyến giáp trẻ sơ sinh và thai nhi với liều lượng lớn iod, nên tránh dùng lặp lại iod cho trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai và phụ nữ cho con bú. Trẻ sơ sinh chỉ sử dụng một liều. Phụ nữ mang thai và đang cho con bú nên dùng tối đa hai liều. Đối với trẻ em, thuốc có thể được nghiền nát và trộn với sữa, nước hoặc nước trái cây trước khi dùng.
11 Tương tác thuốc
Dùng đồng thời kali iodid với thuốc kháng giáp có thể gây thiểu năng tuyến giáp và tăng tác dụng gây bướu giáp của thuốc kháng giáp hoặc kali iodid. Cần định kỳ xác định tình trạng tuyến giáp để phát hiện những thay đổi trong đáp ứng tuyến giáp - tuyến yên. Sử dụng kali iodid cùng với captopril, enalapril, Lisinopril có thể làm tăng kali huyết, do đó cần phải theo dõi thường xuyên nồng độ kali huyết.
Dùng các thuốc lợi tiểu giữ kali cùng với kali iodid có thể làm tăng kali huyết và loạn nhịp tim, hoặc ngừng tim.
Tác dụng của quinidin trên tim gia tăng khi nồng độ kali trong huyết tương tăng.
Sử dụng kali iodid cùng với lithi có thể gây giảm năng tuyến giáp và gây bướu giáp.
12 Quá liều và xử trí
12.1 Triệu chứng
Có vị kim loại, nóng bỏng ở miệng, đau răng, loét lợi, viêm tuyến nước bọt, tổn thương da do iod. Tiết nhiều nước bọt, sổ mũi, đau đầu vùng trán và họ có đờm, tất cả giống như khi bị viêm xoang hoặc cảm lạnh. Khi nặng, tiết nhiều dịch phế quản có thể gây phù phổi. Các biểu hiện quá mẫn khác gồm ban xuất huyết, huyết khối, giảm tiểu cầu và viêm quanh động mạch có nốt, nguy hiểm chết người.
12.2 Xử trí
Các triệu chứng ngộ độc iod mất nhanh sau khi ngừng dùng iod. Vì vậy, khi nhiễm độc, cần ngừng điều trị. Iodid cạnh tranh với clorid trong tái hấp thu ở ống lượn gần, nên sự bài niệu muối làm tăng đào thải iod qua thận và thích hợp với những ca nhiễm độc iod nặng. Khi bị viêm tuyến nước bọt và bị tổn thương da do iod, có thể điều trị bằng corticosteroid.
Không nên rửa dạ dày do có khả năng gây tổn thương. Than hoạt có thể được xem xét sử dụng nếu bệnh nhân ngộ độc iod trong vòng 1 giờ sau khi uống. Cho uống sữa hoặc thức ăn có tinh bột.
Cập nhật lần cuối: 2021