Ích Trí (Alpinia oxyphylla M.)
30 sản phẩm
Dược sĩ Nguyễn Trang Dược sĩ lâm sàng - Đại học Dược Hà Nội
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Ích trí được sử dụng rộng rãi bởi công dụng trị đái dầm, di mộng tinh, bổ dạ dày. Vậy, vị thuốc này có tác dụng gì? Và sử dụng Ích trí thế nào mang lại hiệu quả tối ưu nhất? Mời quý bạn đọc tìm hiểu trong bài viết sau đây.
1 Giới thiệu về cây Ích trí
Ích trí còn có tên gọi khác là Riềng lá nhon, Riềng thuốc, mọc ở dưới tán rừng ẩm, là cây ưa bóng.
Tên khoa học của Ích trí là Alpinia oxyphylla M., thuộc họ Gừng (Zingiberaceae).
1.1 Đặc điểm thực vật
Ích trí là một loài thảo mộc lâu năm có thể đạt chiều cao 1,5-2m. Lá hình mác, dài 17-33cm, rộng 3-8cm.
Cụm hoa hình chùm mọc ở đầu ngọn cành. Hoa màu trắng, có đốm tím. Quả nang tươi hình cầu, khi chín có màu vàng xanh, còn quả nang khô hình thoi (dài khoảng 1,2-2 cm và đường kính 1-1,3 cm). Quả khô hình bầu dục hơi nhọn ở hai đầu bề mặt có màu nâu hoặc nâu xám. Vỏ quả mỏng và dai, dính chặt vào khối hạt. Hạt hình thuôn không đều có màu nâu xám hoặc vàng xám. Khối hạt được chia thành 3 van bởi vách ngăn, mỗi van chứa 6-11 hạt.
1.2 Thu hái và chế biến
Ích Trí Nhân là gì? Đây là quả của cây Ích trí.
Cách chế biến Ích trí nhân như sau: Quả được thu hoạch khi chúng gần chín và được làm khô trong điều kiện thông gió và có bóng râm hoặc phơi khô dưới ánh nắng mặt trời.
1.3 Đặc điểm phân bố
Cây Ích trí có nguồn gốc Trung Quốc, hiện có ở miền Nam Việt Nam.
2 Thành phần hóa học
2.1 Tinh dầu
Tinh dầu từ Ích trí nhân chủ yếu bao gồm nhiều sesquiterpenoid khác nhau, trong đó có hai eremophilan - valencen và nootkaton thường có mặt với số lượng đáng kể. Ngoài ra còn chứa p-cymen. Valencen có nhiều nhất trong tinh dầu, chiếm 33,68% tổng diện tích pic, trong khi nootkaton là 7,64%.
2.2 Terpen
Sesquiterpen thường được coi là hợp chất có hoạt tính sinh học chính trong Ích trí. Monoterpen là thành phần chính của tinh dầu từ quả Ích trí. Hiện nay, chỉ có hai diterpenoid được phân lập từ Ích trí.
2.3 Diaryheptanoid
Đã có báo cáo rằng Yakuchinone A và Oxyphyllacinol là những thành phần chính và hàm lượng của chúng lần lượt chiếm 0,39% và 0,35%. Yakuchinone B ít hơn đáng kể với hàm lượng 0,006%. Một số hợp chất đã được phân lập từ dịch chiết axeton của quả Ích trí, bao gồm một hợp chất mới có cấu trúc diphenylheptan có tên là neonootkatol.
2.4 Flavon
Tectochrysin là Flavonoid phong phú thứ hai tập trung trong vỏ quả. Izalpinin, kaempferide và kaempferol-7, 4'-dimethyl ether được phân lập từ quả và thể hiện các hoạt động chống oxy hóa mạnh trong xét nghiệm DPPH. Ngoài ra, Chrysin, rhamnocitrin và pinocembrin cũng đã được phát hiện.
2.5 Steroid
9 hợp chất đã biết, pinocembrin, tectochrysin, izalpinin, nookatone, Yakuchinon A, sitosterol, daucosterol và sitosterol palmitat được phân lập. Một số hợp chất đã được phân lập và xác định từ phần etyl axetat của chiết xuất etanol 80% của hạt hoặc từ phần ete, chẳng hạn như sitosterol palmitat, stigmasterol và β-daucosterol.
2.6 Các hợp chất khác
Một số hợp chất khác cũng đã được phân lập, bao gồm: isovanillin, axit protocatechuic, asaron, axit palmitic, hydroxymethylfurfural cùng các acid béo và glycoside khác.
Hàm lượng lớn nhất của Mg, K, Ca, Al, Fe và Na được tìm thấy trong quả khô.
==>> Xem thêm về dược liệu cùng công dụng tại đây: Cam thảo - Trị cảm, ho, viêm họng, sâu răng và đau dạ dày hiệu quả
3 Tác dụng - Công dụng của Ích trí
3.1 Tác dụng dược lý
3.1.1 Hoạt động chống ung thư
Ích trí đã được sử dụng trong lịch sử để điều trị các rối loạn liên quan đến não, chẳng hạn như ung thư não. Các nghiên cứu dược lý hiện đại chủ yếu tập trung vào tác dụng chống tăng sinh và tạo mạch đối với các tế bào ung thư khác nhau, bao gồm A549, HepG2, SW480, HeLa, MCF- 7 và MNK-45. Các phân đoạn Hex (n-hexane) và EtOAc của Ích trí có thể ức chế sự tăng sinh của các tế bào HepG2 có thể thông qua quá trình chống hình thành mạch, gây ra quá trình chết theo chương trình qua trung gian bằng cách gây ra sự kích hoạt qua trung gian ROS của con đường chết theo chương trình của ty thể.
3.1.2 Chống oxy hóa, chống viêm, chống dị ứng
Ích trí rất giàu sesquiterpen, flavonoid và diarylheptanoid, có khả năng nhặt gốc tự do DPPH, giảm năng lượng và đặc tính chelat hóa kim loại với liều lượng từ 50 - 1000 µg /mL. Hơn nữa, axit protocatechuic có thể bảo vệ chống lại sự chết tế bào pheochromocytoma oxy hóa do hydro peroxide gây ra.
Dịch chiết axeton 80% cho thấy tác dụng ức chế sản xuất NO trong các đại thực bào được kích hoạt bằng LPS và giải phóng β-hexosaminidase trong các tế bào RBL-2H3. Sesquiterpen eudesman có thể ức chế sản xuất NO trong các đại thực bào ở chuột do LPS và IFN-γ gây ra. Oxyphyllenon A, nootkaton và oxyphyllendiol A có tác dụng chống viêm đáng kể đối với các tế bào RBL-2H3 của đại thực bào phúc mạc chuột.
Ích trí ức chế các phản ứng qua trung gian kháng thể immunoglobulin E, sốc phản vệ thụ động ở da tương đồng trong 48 giờ ở chuột, cho thấy rằng AOE có thể có lợi trong điều trị các phản ứng phản vệ không đặc hiệu.
3.1.3 Kháng khuẩn
Tinh dầu bay hơi từ Ích trí có hoạt tính kháng khuẩn tốt đối với Staphylococcus aureus (S.aureus), Escherichia coli (E.coli) và Pseudomonas aeruginosa, với các giá trị MIC lần lượt là 0,295 mg/mL, 1,18 mg/mL và 1,18 mg/mL. Hoạt tính kháng khuẩn của dầu, phenolic và chiết xuất thô đã được thử nghiệm chống lại hai vi khuẩn Gram dương (S.aureus, Bacillus subtilis) và một vi khuẩn Gram âm (E.coli).
3.1.4 Bảo vệ tim mạch, gan thận
Ích trí đã được sử dụng rộng rãi để điều trị chứng đau dạ dày, tiêu chảy, loét, chống khối u và rối loạn mạch máu não. Ngoài ra, do Ích trí có tác dụng bảo vệ nội tạng đáng kể trên nhiều loại cơ quan nội tạng nên nó có thể bồi bổ cơ thể và có thể là một lựa chọn hoàn hảo cho việc kết hợp hóa trị liệu để nâng cao hiệu quả và giảm tác dụng phụ.
3.2 Ích trí nhân có tác dụng gì?
Ích trí có tính ấm, vị cay, có tác dụng ôn tỳ, noãn thận, cố khí, sáp tinh, chỉ tả, ích khí an thần.
Trong đông y, Ích trí được dùng trong trị đái dầm, di mộng tinh, bổ dạ dày, đau bụng, tiểu nhiều lần.
==>> Mời bạn đọc xem thêm: Gừng - Cải thiện tiêu hóa, chống nôn và chống say tàu xe hiệu quả
4 Các bài thuốc từ cây Ích trí
4.1 Trị tiểu đêm nhiều lần
Nguyên liệu: Ích trí nhân 20 hạt.
Cách làm: Sắc với 200ml nước, thêm chút muối, uống trước khi ngủ.
4.2 Trị đái dầm, tiểu nhiều lần (Phụ nhân lương phương)
Nguyên liệu: Ô Dược, Ích trí nhân, Hoài Sơn (chưng rượu) đồng lượng.
Cách làm: Tán bột, luyện thành viên hoàn, uống 8-12g mỗi ngày, 2-3 lần mỗi ngày.
4.3 Trị di tinh, bạch đới (Ích trí hoàn)
Nguyên liệu: Ích trí nhân, Phục linh, Phục Thần đồng lượng.
Cách làm: Tán thành bột, uống với nước sôi còn ấm, mỗi lần 8g, ngày uống 2 lần.
4.4 Trị mồm chảy nước rãi nhiều (Ích trí ẩm)
Nguyên liệu: Ích trí nhân, Đảng Sâm, Bán Hạ, Quất bì, Xa tiền tử, mỗi vị 12g, Phục Linh 16g.
Cách làm: Sắc lấy nước uống.
4.5 Trị tiêu chảy do Tỳ hư
Nguyên liệu: Ích trí nhân, Hoài sơn, Kha tử nhục, mỗi vị 12g, Mộc Hương, Tiểu hồi, Can khương, Trần Bì, Ô mai mỗi vị 6g.
Cách làm: Tán thành bột mịn luyện viên hoàn, uống mỗi lần 4 - 8g, ngày 2 lần.
4.6 Trị đầy bụng, tiểu đục
Nguyên liệu: Ích trí nhân, Gừng sống, Hậu phác, Táo lát.
Cách làm: Ích trí nhân trộn nước muối rồi sao lên. Hậu phác chế gừng sao tiếp. 2 vị bằng nhau, thêm 1 trái táo, 3 lát gừng và sắc lấy nước uống khi còn nóng.
4.7 Trị tiểu máu
Nguyên liệu: Cam thảo, Viễn Chí mỗi loại 320g, Phục thần, Ích trí nhân mỗi loại 80g.
Cách làm: Tán thành bột và trộn cùng rượu, luyện thành viên bằng hạt bắp to; lấy 50 viên uống cùng nước gừng sắc khi đói.
5 Tài liệu tham khảo
1. Tác giả Qiao Zhang và cộng sự (Ngày đăng 5 tháng 10 năm 2018). Ethnopharmacological uses, phytochemistry, biological activities, and therapeutic applications of Alpinia oxyphylla Miquel: A review, PubMed. Truy cập ngày 9 tháng 3 năm 2023.
2. Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1 (Xuất bản năm 2021). Ích trí trang 1184, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1. Truy cập ngày 9 tháng 3 năm 2023.