Glycopyrronium
1 sản phẩm
Dược sĩ Hoàng Mai Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Tên chung quốc tế: Glycopyrronium
Biệt dược thường gặp: Bevespi, Breztri, Cuvposa
Phân loại: Thuốc kháng cholinergic, chống tiết mồ hôi
Mã ATC: R03AL09
1 Dạng thuốc và hàm lượng
Dạng viên nén chứa hàm lượng 1,7mg, 0,85mg Glycopyrronium.
Dạng Dung dịch khí dung chứa hàm lượng 7,2 mcg Glycopyrronium.
Dạng tiêm chứa hàm lượng 0,2 mg/1mL Glycopyrronium.
2 Dược lực học
Glycopyrronium là một hợp chất amoni bậc bốn được tạo ra tổng hợp với pyridine và một phần cyclopentane trong cấu trúc của hợp chất. Cơ chế hoạt động chính của Glycopyrrolate là ngăn chặn tác dụng của acetylcholine tại các vị trí phó giao cảm ở nhiều mô khác nhau. Sự ngăn chặn này chủ yếu xảy ra ở hệ thần kinh trung ương, cơ trơn, các tuyến bài tiết như tuyền nước bọt, tuyến mồ hôi…
Glycopyrronium có ái lực cao nhất với thụ thể muscarinic M1, tiếp theo là M3, M2/M4 và M5. Trong cơ thể, các thụ thể muscarinic phân bố ở khắp các cơ quan, M1 đến M4 được tìm thấy trong phổi,M1 đến M5 đều có mặt trong hệ tim mạch. M3 là thụ thể trung gian chính liên quan đến sự tiết nước bọt, tiết mồ hôi, axit dạ dày.
3 Dược động học
3.1 Hấp thu
Sự hấp thu của Glycopyrronium có sự khác nhau giữa các dạng dùng thuốc:
- Với liều dùng tại chỗ, giá trị nồng độ cao nhất và thời gian đạt giá trị nồng độ cao nhất trong huyết tương, AUC lần lượt là 0,08 ± 0,04 ng/mL, 1 giờ và 0,88 ± 0,57 h*ng/mL.
- Với dạng hít các giá trị Cmax, Tmax, AUC lần lượt là 34,5 pg/mL, T max <20 phút ,255 h*pg/mL.
- Liều tiêm bắp 8 µg/kg, các giá trị Cmax, Tmax, AUC lần lượt là 3,47 ± 1,48 µg/L, 27,48 ± 6,12 ,6,64 ± 2,33 h*g/L.
- Glycopyrronium đường uống, các giá trị Cmax, Tmax, AUC lần lượt là 0,318 ng/mL, 3,1 giờ và AUC 0-24 là 1,74 h*ng/mL.
3.2 Phân bố
Glycopyrronium phân phối rộng rãi trong cơ thể và có thể liên kết với protein huyết tương với tỷ lệ 38-44%. Thể tích phân phối của Glycopyrronium là khoảng 1,3-1,8 L/kg ở bệnh nhân từ 1-14 tuổi, còn ở người lớn từ 60-75 tuổi là 0,42 ± 0,22 L/kg.
3.3 Chuyển hoá
Glycopyrronium chủ yếu được chuyển hóa qua gan, chủ yếu bởi CYP2D6, với sự đóng góp nhỏ từ CYP1A2, CYP2B6, CYP2C9, CYP2C18, CYP2C19 và CYP3A4.
3.4 Thải trừ
Glycopyrronium được thải trừ chủ yếu qua thận dưới dạng các chất chuyển hóa với 85% liều tiêm tĩnh mạch được tìm thấy trong nước tiểu. Thời gian bán hủy của Glycopyrronium trong huyết tương là khoảng 33-53 giờ với đường hít, 0,83 ± 0,27 giờ với đường truyền tĩnh mạch 6 µg/kg, còn đường uống là 3,0 giờ.
4 Chỉ định
Glycopyrrolate là một trong những loại thuốc kháng cholinergic được sử dụng phổ biến nhất, các chỉ định của thuốc gồm có:
- Điều trị chứng tăng tiết mồ hôi nách nguyên phát ở những bệnh nhân từ 9 tuổi trở lên.
- Điều trị duy trì lâu dài tình trạng tắc nghẽn luồng khí ở những bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).
- Đảo ngược phản xạ phế vị và nhịp tim chậm trong khi phẫu thuật ở dạng tiêm tĩnh mạch
- Liệu pháp bổ trợ trong điều trị loét dạ dày tá tràng ở người lớn.
- Điều trị tình trạng chảy nước dãi nghiêm trọng hoặc mãn tính ở bệnh nhi mắc các bệnh lý thần kinh từ 3-16 tuổi.
- Sử dụng trong phẫu thuật như một chất đối kháng thụ thể muscarinic.
5 Chống chỉ định
Người mẫn cảm với thành phần của Glycopyrronium.
Người đang mắc các bệnh gồm tăng nhãn áp góc đóng, nhược cơ, tắc ruột, liệt ruột, viêm loét đại tràng, hẹp môn vị, bí tiểu, phì đại tuyến tiền liệt suy thận nặng.
Phụ nữ có thai và đang cho con bú.
6 Liều dùng - Cách dùng
6.1 Liều dùng
6.1.1 Hít vào/Hô hấp
Liệu pháp duy trì trong bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Người lớn: 50 mcg một lần mỗi ngày qua thiết bị xịt.
6.1.2 Tiêm tĩnh mạch
Đảo ngược sự phong tỏa thần kinh cơ
- Người lớn: Dùng đồng thời với neostigmine: 200 mcg dùng một lần. Hoặc dùng 10-15 mcg/kg.
- Trẻ em: 10 mcg/kg dùng một liều duy nhất.
Đảo ngược nhịp tim chậm, Đảo ngược phản xạ phế vị
- Người lớn: 100 mcg liều duy nhất trong khi phẫu thuật. Có thể lặp lại liều khi cần thiết, mỗi liều cách nhau 2-3 phút.
- Trẻ em: 4 mcg/kg cách nhau 2-3 phút.
6.1.3 Miệng
Thuốc bổ trợ trong loét dạ dày tá tràng
- Người lớn: 1-2 mg x 3 lần/ngày. Tối đa: 8 mg/ngày. Liều có thể được điều chỉnh khi cần thiết tùy theo đáp ứng và khả năng dung nạp.
Tiết nước bọt quá nhiều
- Trẻ em: ≥3 tuổi Ban đầu, 20 mcg/kg. Chuẩn độ liều tăng dần 20 mcg/kg sau mỗi 5-7 ngày theo đáp ứng. Tối đa: 100 mcg/kg không quá 1.500-3.000 mcg/liều.
6.1.4 Tiêm
Giảm bài tiết
- Người lớn: 200-400 mcg hoặc 4-5 mcg/kg, tối đa 400 mcg qua đường tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch trước khi gây mê.
- Trẻ em: 4-8 mcg/kg, tối đa 200 mcg tiêm bắp hoặc tĩnh mạch trước khi gây mê.
6.1.5 Thuốc bôi ngoài da
Tăng tiết mồ hôi
- Người lớn: Dung dịch 0,05% trong nước cất: Thoa lên vùng bị ảnh hưởng trước khi điều trị bằng phương pháp iontophoretic. Điều trị 1 vị trí tại một thời điểm và chỉ 2 vị trí trong bất kỳ 24 giờ nào. Không nên lặp lại điều trị trong vòng 7 ngày.
6.2 Cách dùng
Thuốc có thể sử dụng đường uống, đường tiêm, đường dùng tại chỗ, đường hít và cách sử dụng glycopyrronium cần được chỉ định cụ thể bởi bác sĩ, tùy thuộc vào từng tình trạng bệnh lý.
7 Tác dụng không mong muốn
Các tác dụng không mong muốn có thể gặp khi dùng thuốc như: khô miệng, táo bón, mở mắt, đau đầu, buồn nôn, nôn, tăng nhịp tim, khó tiểu, bí tiểu, khô da, đỏ bừng, sợ ánh sáng…
Thuốc gây buồn ngủ nên không uống thuốc nếu đang lái xe hoặc vận hành máy móc.
8 Tương tác thuốc
8.1 Các thuốc kháng muscarinic khác
Khi sử dụng đồng thời các thuốc trên với Glycopyrronium làm tăng các tác dụng phụ ức chế hệ thần kinh đối giao cảm, như khô miệng, táo bón, bí tiểu, hoặc nhịp tim nhanh, đặc biệt ở người cao tuổi hoặc suy nhược sẽ trầm trọng hơn.
8.2 Thuốc kháng histamine, chống trầm cảm ba vòng (TCA)
Các thuốc trong nhóm thuốc trên có tác dụng kháng muscarinic và có thể làm tăng tác dụng phụ của Glycopyrronium.
8.3 Thuốc ức chế cholinesterase
Glycopyrronium có thể giảm hiệu quả của thuốc ức chế cholinesterase trong điều trị bệnh Alzheimer do giảm hoạt động của acetylcholine.
8.4 Thuốc chống nấm
Các thuốc chống nấm, như Ketoconazole, có thể làm tăng nồng độ Glycopyrronium trong cơ thể, làm tăng nguy cơ gặp các tác dụng phụ của thuốc.
9 Thận trọng
Thuốc gây ra nhiều tác dụng phụ trên cả hệ thần kinh, hệ tiêu hoá, hệ tiết niệu nên cần thận trọng khi dùng cho những đối tượng nguy cơ, cao tuổi.
Thuốc làm giảm lượng mồ hôi tiết ra, khó hạ thân nhiệt hơn nên cơ thể cảm thấy nóng, nếu thực hiện các biện pháp uống nước mát, ngồi điều hoà, quạt mà không giảm thì nên thông báo với bác sĩ.
Thuốc tác động lên thần kinh trung ương gây mờ mắt, buồn ngủ nên không điều khiến xe hoặc máy móc khi dùng thuốc.
10 Thời kỳ mang thai và cho con bú
Không có dữ liệu an toàn về thuốc khi dùng cho phụ nữ có thai nên không sử dụng trong thai kỳ.
Các nghiên cứu về độ an toàn của thuốc với trẻ nhỏ chưa rõ ràng, nên không dùng thuốc cho bà mẹ đang cho con bú.
11 Bảo quản
Bảo quản tránh ánh sáng chiếu trực tiếp, ẩm ướt.
Không để thuốc ở nơi trẻ nhỏ có thể tiếp xúc.
12 Quá liều
Hội chứng kháng cholinergic xảy ra khi dùng quá liều glycopyrronium.
Cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất cấp cứu.
13 Tài liệu tham khảo
Chuyên gia Drugbank. Glycopyrronium. Drugbank. Truy cập ngày 31 tháng 12 năm 2024.
Chuyên gia Pubchem. Glycopyrronium. Pubchem. Truy cập ngày 31 tháng 12 năm 2024.
Tác giả Ariel Gallanosa; Joshua B. Stevens; Judy Quick. (ngày đăng 8 tháng 6 năm 2023) Glycopyrrolate. NIH. Truy cập ngày 31 tháng 12 năm 2024.