Glucosamine
348 sản phẩm
Dược sĩ Lệ Mỹ Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Trungtamthuoc.com - Glucosamine thường được sử dụng như một phương pháp hỗ trợ điều trị các vấn đề liên quan đến sụn khớp, như việc giảm đau và cải thiện tính linh hoạt. Vậy Glucosamine là gì và có tác dụng trong điều trị viêm khớp không? Hãy cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy tìm hiểu qua bài viết sau đây.
1 Glucosamine là gì?
Glucosamine là một hợp chất tự nhiên được tìm thấy trong sụn – mô cứng. Nó đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra Glycosaminoglycan và Glycoprotein, là những khối xây dựng thiết yếu của nhiều bộ phận trong khớp của bạn, bao gồm dây chằng, gân, sụn và dịch khớp. Có một số dạng glucosamine được sử dụng hiện nay, bao gồm Glucosamine sulfate, Glucosamine hydrochloride và N-Acetyl Glucosamine. Trong số 3 dạng đó thì dạng Glucosamine sulfate được cho là có hiệu quả nhất.
2 Glucosamine có tác dụng trong điều trị viêm khớp không?
Tính đến thời điểm hiện tại, quan điểm về việc sử dụng glucosamine trong điều trị viêm thoái hóa khớp không được các cơ quan quản lý dược phẩm, các cơ quan chuyên môn về cơ xương khớp trên toàn thế giới chưa thống nhất. Ở Hoa Kỳ, Glucosamine vẫn chỉ được coi là thực phẩm chức năng. Ở Việt Nam, Glucosamine được chỉ định để giảm triệu chứng của thoái hóa khớp gối nhẹ và trung bình. Sử dụng glucosamine trong điều trị viêm thoái hóa khớp không được khuyến cáo cho các vị trí khác ngoài khớp gối.
Một phân tích tổng hợp khác công bố vào năm 2010, nghiên cứu về tác dụng của glucosamine, Chondroitin hoặc giả dược ở bệnh nhân bị thoái hóa khớp hông hoặc đầu gối. Các nghiên cứu được lựa chọn là các thử nghiệm có đối chứng ngẫu nhiên quy mô lớn trên hơn 200 bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối hoặc hông, tổng cộng gồm 10 thử nghiệm trên 3803 bệnh nhân đã được đưa vào. Kết quả nghiên cứu cho thấy so với giả dược, glucosamine, chondroitin và sự kết hợp của chúng không làm giảm đau khớp hoặc có tác động đến tình trạng hẹp khoảng khớp.
Hướng dẫn năm 2019 của Hội Viêm khớp/Thấp khớp Hoa Kỳ về Quản lý Viêm xương khớp ở bàn tay, hông, đầu gối cho thấy không khuyến nghị mạnh mẽ glucosamine cho bệnh thoái hóa khớp gối hoặc hông, vì bằng chứng hạn chế về hiệu quả của nó.
Cũng theo một nghiên cứu được thực hiện trên 1583 bệnh nhân với độ tuổi trung bình 59, trong đó có 64% là phụ nữ. Đây được cho là một nghiên cứu có thiết kế tốt. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng: Glucosamine và Chondroitin sulfat dùng đơn độc hay kết hợp không mang lại hiệu quả giảm đau đối với bệnh viêm khớp gối tốt hơn đáng kể so với giả dược.
Do tính hiệu quả của Glucosamine trong điều trị các bệnh viêm xương khớp chưa có đầy đủ bằng chứng thuyết phục nên các chế phẩm glucosamin lưu hành tại Mỹ và Australia chỉ với tư cách là “thực phẩm chức năng” (dietary supplementation).
Như vậy có thể khẳng định rằng, không thể sử dụng Glucosamine thay thế các thuốc điều trị bệnh viêm xương khớp. Hơn nữa, việc sử dụng glucosamin không phải lúc nào cũng đem lại kết quả khả quan và tác dụng điều trị của glucosamine trong bệnh lý viêm xương khớp vẫn còn đang là một vấn đề được tiếp tục tranh cãi.
3 Chỉ định
Giảm các triệu chứng thoái hóa khớp nhẹ và trung bình.
4 Chống chỉ định
Do chưa có số liệu về độ an toàn và hiệu quả điều trị nên Glucosamine chống chỉ định đối với các đối tượng:
- Quá mẫn với Glucosamine và các thành phần khác của thuốc
- Phụ nữ có thai
- Phụ nữ cho con bú
- Trẻ em dưới 18 tuổi
5 Tác dụng không mong muốn
Sử dụng glucosamine sulfate qua đường uống có thể gây ra:
- Buồn nôn
- Ợ nóng
- Bệnh tiêu chảy
- Táo bón
Các tác dụng phụ khác có thể bao gồm:
- Buồn ngủ
- Phản ứng da
- Đau đầu
6 Liều lượng và cách dùng
Liều lượng Glucosamine thường được sử dụng cho người lớn là 1500mg mỗi ngày hoặc 500 mg ba lần mỗi ngày, sau bữa ăn. Các nghiên cứu chỉ ra rằng Glucosamine sulfate thường mang lại lợi ích nhiều nhất trong các dạng glucosamine. Ngoài ra, việc kết hợp Glucosamine với các thành phần khác như Chondroitin, MSM, và sụn cá mập có thể tăng cường hiệu quả.
7 Phản ứng có hại
7.1 Dị ứng
Các chế phẩm Glucosamine có nguồn gốc từ động vật có vỏ có thể gây ra phản ứng dị ứng cho người sử dụng. Nguyên nhân là do phản ứng giữa các kháng thể IgE với kháng nguyên ở thịt (chứ không phải ở phần vỏ) của động vật có vỏ.
Glucosamine có thể làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn.
7.2 Độc tính trên gan
Có báo cáo về độc tính trên gan có thể liên quan đến việc sử dụng Glucosamine, đặc biệt là khi kết hợp với Chondroitin. Tăng enzym gan đã được ghi nhận ở nhiều trường hợp, và trong một số trường hợp, bệnh nhân không có triệu chứng và nồng độ enzym gan trở về bình thường sau khi ngừng sử dụng Glucosamine. Một số tình trạng nặng hơn bao gồm tử vong do suy gan tối cấp và viêm gan mạn tính. Có khả năng cơ chế chính xác gây tổn thương gan chưa được hiểu rõ, nhưng có thể liên quan đến phản ứng quá mẫn hoặc sản sinh chất chuyển hóa có độc tính khi glucosamin được chuyển hóa ở gan. Trong những trường hợp phát hiện thay đổi enzym gan, ngừng sử dụng Glucosamine đã được đề xuất để giảm nguy cơ tổn thương gan nặng.
7.3 Ảnh hưởng đến lượng đường trong máu
Một số nghiên cứu trên động vật và in vitro đã chỉ ra rằng Glucosamine liều cao có thể gây ra tình trạng kháng Insulin và làm tăng mức Glucose trong huyết tương. Tuy nhiên, các nghiên cứu khác trên người sau khi nghiên cứu tác dụng truyền Glucosamine tiêm tĩnh mạch trong thời gian ngắn đã không báo cáo bất kỳ tác động bất lợi nào như vậy đối với độ nhạy insulin hoặc mức Glucose.
7.4 Viêm thận kẽ cấp tính
Đã có báo cáo về việc sau khi dùng glucosamine (không rõ liều) 2-3 tháng, một bệnh nhân nam 75 tuổi được chẩn đoán viêm ống thận kẽ sau khi nhập viện với các biểu hiện tiểu rắt, mắc tiểu và tiểu đêm, cùng với một số báo cáo khác về suy thận không đặc hiệu khác. Do đó, Glucosamine nên được sử dụng thận trọng ở các bệnh nhân suy giảm chức năng thận hoặc đang sử dụng các thuốc gây độc thận.
7.5 Tăng áp lực nội nhãn
Có một số lo ngại rằng glucosamine có thể làm tăng áp lực trong mắt. Nếu bạn bị bệnh tăng nhãn áp, hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi bổ sung Glucosamine.
8 Tương tác thuốc
Glucosamine khi sử dụng chung với thuốc điều trị đái tháo đường sẽ làm giảm hiệu quả của thuốc điều trị đái tháo đường.
Dùng Glucosamine sulfate và Acetaminophen cùng nhau có thể làm giảm hiệu quả của cả 2 thuốc.
Dùng Glucosamine đơn thuần hoặc kết hợp với chất bổ sung Chondroitin có thể làm tăng tác dụng của thuốc chống đông máu Warfarin. Điều này có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.
Thuốc điều trị ung thư (Chất ức chế Topoisomerase II) tương tác với Glucosamine: Một số loại thuốc điều trị ung thư hoạt động bằng cách giảm tốc độ tự sao chép của tế bào ung thư. Dùng glucosamine cùng với một số loại thuốc điều trị ung thư có thể làm giảm hiệu quả của các loại thuốc này.
9 Tài liệu tham khảo
1. Chuyên gia của Mayo Clinic (Ngày đăng 10 tháng 8 năm 2023), Glucosamine, Mayo Clinic. Truy cập ngày 08 tháng 12 năm 2023
2. Caroline Williams và cộng sự (Ngày đăng 22 tháng 07 năm 2023), Glucosamine Sulfate - StatPearls, NCBI. Truy cập ngày 08 tháng 12 năm 2023
3. Tác giả Simon Wandel và cộng sự (ngày 16 tháng 9 năm 2010) Effects of glucosamine, chondroitin, or placebo in patients with osteoarthritis of hip or knee: network meta-analysis. Pubmed. Truy cập ngày 22 tháng 11 năm 2024.