Gepirone
1 sản phẩm
Dược sĩ Thanh Huế Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây

Tên chung quốc tế: Gepirone
Biệt dược thường gặp: Exxua
Loại thuốc: Thuốc chống trầm cảm
Mã ATC: N06AX19
1 Dạng thuốc và hàm lượng
Viên nén giải phóng kéo dài chứa hàm lượng 18,2mg; 36,3mg; 54,5mg và 72,6mg Gepirone.

2 Dược lực học
Cơ chế tác dụng chống trầm cảm của gepirone chưa được hiểu đầy đủ, nhưng được cho là liên quan đến sự điều hòa hoạt động serotonin trong hệ thần kinh trung ương thông qua hoạt động chủ vận chọn lọc tại thụ thể 5- HT1A của nó.
3 Dược động học
3.1 Hấp thu
Nồng độ huyết tương ở trạng thái ổn định thường được đạt được trong vòng 2 đến 4 ngày sau khi dùng liều hàng ngày. Sinh khả dụng tuyệt đối của gepirone là từ 14% đến 17%. Nồng độ tối đa của gepirone trong huyết tương (Cmax) đạt được trong vòng 6 giờ sau khi dùng thuốc (Tmax).
Sau bữa ăn nhiều chất béo, Tmax đạt được sau 3 giờ.
3.2 Phân bố
Thể tích phân bố biểu kiến của gepirone là khoảng 94,5 lít.
Liên kết protein huyết tương của gepirone là 72% và không phụ thuộc vào nồng độ. Liên kết protein huyết tương của chất chuyển hóa 3'-OH-gepirone là 59% và của 1-PP là 42%.
3.3 Chuyển hóa
Gepirone được chuyển hóa rộng rãi nhờ enzyme CYP3A4 và cả 2 chất chuyển hóa chính 1-PP và 3'-OH-gepirone có mặt trong huyết tương ở nồng độ cao hơn chất gốc.
3.4 Thải trừ
60% gepirone được đào thải qua nước tiểu trong vòng 24 giờ đầu tiên. Suy gan hoặc suy thận ảnh hưởng đến Độ thanh thải của gepirone.
Thời gian bán thải trung bình của gepirone là khoảng 5 giờ.
Sau khi dùng liều 80mg gepirone, độ thanh thải biểu kiến của gepirone và 2 chất chuyển hóa của nó 1-PP và 3'-OH-gepirone, lần lượt là 692 ± 804 L/h, 417 ± 249 L/h và 146 ± 61,7 L/h.
4 Chỉ định
Gepirone được chỉ định để điều trị chứng rối loạn trầm cảm nặng (MDD) ở người lớn.

5 Chống chỉ định
Có tiền sử quá mẫn với gepirone.
Khoảng QTc kéo dài > 450 mili.
Hội chứng QT dài bẩm sinh.
Sử dụng đồng thời các chất ức chế CYP3A4 mạnh.
Suy gan nặng.
Sử dụng với thuốc MAOI hoặc trong vòng 14 ngày sau khi ngừng điều trị bằng gepirone.
6 Liều dùng- Cách dùng
6.1 Liều dùng
6.1.1 Người lớn
Liều khởi đầu được khuyến cáo là 18,2mg/lần mỗi ngày vào cùng thời điểm mỗi ngày.
Tùy thuộc vào đáp ứng lâm sàng và khả năng dung nạp, liều có thể tăng lên 36,3mg/lần mỗi ngày vào ngày thứ 4.
Liều có thể được tăng thêm đến 54,5mg/lần mỗi ngày sau ngày thứ 7 và đến 72,6mg/lần mỗi ngày sau một tuần tiếp theo.
Liều tối đa hàng ngày được khuyến cáo là 72,6mg/lần mỗi ngày.
6.1.2 Bệnh nhân lớn tuổi
Liều khởi đầu khuyến cáo là 18,2mg/lần mỗi ngày. Liều có thể tăng lên đến liều khuyến cáo tối đa là 36,3mg/lần mỗi ngày sau 7 ngày.
6.1.3 Suy thận (độ thanh thải creatinin < 50mL/phút)
Liều khởi đầu khuyến cáo là 18,2mg/lần mỗi ngày. Liều có thể tăng lên đến liều khuyến cáo tối đa là 36,3mg/lần mỗi ngày sau 7 ngày.
6.1.4 Suy gan trung bình
Liều khởi đầu khuyến cáo là 18,2mg/lần mỗi ngày. Liều có thể tăng lên đến liều khuyến cáo tối đa là 36,3mg/lần mỗi ngày sau 7 ngày.
6.1.5 Sử dụng đồng thời với thuốc ức chế CYP3A4
Giảm liều gepirone 50% khi sử dụng đồng thời với thuốc ức chế CYP3A4 mức độ vừa.
6.2 Cách dùng
Dùng gepirone theo đường uống, cùng với thức ăn vào cùng một thời điểm mỗi ngày.
Nuốt trọn viên thuốc giải phóng kéo dài. Không bẻ đôi, nghiền nát hoặc nhai.
7 Tác dụng không mong muốn
Thường gặp: Đau nhức cơ thể, ớn lạnh, ho, tắc nghẽn tai, sốt, đau đầu, mất giọng, hắt hơi, đau họng, nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi, khó thở, mệt mỏi hoặc yếu ớt bất thường.
Ít gặp: Đầy hơi hoặc sưng ở mặt, tay, chân, lú lẫn, ảo tưởng, chứng mất trí, tăng cân nhanh chóng, ngứa ran ở tay hoặc chân, tăng hoặc giảm cân bất thường.
Hiếm gặp: Lo lắng, khô miệng, nhịp tim hoặc mạch đập nhanh, không đều, mạnh hoặc nhanh, tăng thông khí, sự cáu kỉnh, sự lo lắng, sự bồn chồn, rung lắc, khó ngủ, buồn ngủ bất thường, uể oải, mệt mỏi, yếu ớt hoặc cảm giác chậm chạp.
Chưa rõ tần suất: Tiêu chảy, khó nuốt, ngất xỉu, nhịp tim không đều, sự lo lắng, phản xạ quá mức, phối hợp kém, run rẩy, ngứa da, phát ban hoặc đỏ da, đổ mồ hôi, sưng mặt, cổ họng hoặc lưỡi, suy nghĩ hoặc cố gắng tự tử, run rẩy, co giật.
8 Tương tác
Thuốc ức chế CYP3A4 mạnh như kháng sinh macrolid (erythromycin, Clarithromycin), kháng nấm azol (itraconazol, ketoconazol), ức chế protease (ritonavir): Có thể làm tăng đáng kể nồng độ trong máu và tác dụng của gepirone . Điều này có thể làm tăng nguy cơ và/hoặc mức độ nghiêm trọng của các tác dụng phụ.
Thuốc ức chế monoamine oxidase như phenelzine, isocarboxazid: Có thể làm tăng đáng kể nguy cơ mắc hội chứng serotonin.
Thuốc chống loạn nhịp như Amiodarone, sotalol: Có thể làm tăng nguy cơ nhịp tim không đều nghiêm trọng và có khả năng đe dọa tính mạng.
9 Thận trọng
Thông báo cho bác sĩ nếu gặp: rối loạn lưỡng cực hoặc nguy cơ, các vấn đề về điện giải (thiếu Magie hoặc Kali), đau tim gần đây, bệnh tim, suy tim, vấn đề về nhịp tim, huyết áp cao không kiểm soát, suy giáp không kiểm soát, hưng cảm hoặc tiền sử hưng cảm nhẹ, bệnh thận, bệnh gan nhẹ đến trung bình (cần thận trọng vì thuốc có thể đào thải chậm hơn), vấn đề kéo dài QT, hoặc bệnh gan nặng (không nên sử dụng).
Cần kiểm tra tiến triển bệnh thường xuyên để điều chỉnh liều dùng và giảm tác dụng phụ. Có thể cần làm xét nghiệm máu để kiểm tra tác dụng không mong muốn.
Gepirone có thể gây ra kích động, cáu kỉnh hoặc hành vi bất thường ở thanh thiếu niên và người trẻ. Nó cũng có thể gây ý nghĩ và xu hướng tự tử hoặc tăng trầm cảm ở một số người.
Không sử dụng gepirone nếu đang dùng hoặc đã dùng thuốc ức chế MAO (MAOI) trong vòng 14 ngày qua. Gepirone có thể gây kéo dài khoảng QT, dẫn tới nhịp tim bất thường, đau ngực, chóng mặt, ngất xỉu hoặc khó thở. Báo ngay với bác sĩ nếu có triệu chứng này.
Gepirone có thể gây hội chứng serotonin khi dùng cùng với một số thuốc khác. Thông báo ngay với bác sĩ nếu gặp triệu chứng lo lắng, bồn chồn, nhịp tim nhanh, sốt, đổ mồ hôi, co thắt hoặc giật cơ, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, ảo giác.
Không đột ngột ngừng thuốc mà không hỏi ý kiến bác sĩ. Giảm dần lượng thuốc trước khi ngừng hẳn. Chỉ dùng các loại thuốc khác khi đã thảo luận với bác sĩ, bao gồm thuốc kê đơn, không kê đơn và các chất bổ sung thảo dược hoặc vitamin.
10 Thời kỳ mang thai và cho con bú
Thời kỳ mang thai: Sử dụng gepirone trong 3 tháng cuối thai kỳ có thể gây hại cho thai nhi. Báo ngay cho bác sĩ nếu đang mang thai hoặc có khả năng mang thai.
Thời kỳ cho con bú: Không có thông tin về việc sử dụng gepirone trong thời kỳ cho con bú. Gepirone có sinh khả dụng đường uống kém, do đó trẻ sơ sinh khó có thể hấp thụ một lượng lớn. Theo dõi trẻ sơ sinh bú sữa mẹ để phát hiện các phản ứng bất lợi, chẳng hạn như cáu kỉnh, bồn chồn, buồn ngủ quá mức, giảm bú và sụt cân.
11 Bảo quản
Giữ gepirone trong hộp kín ở nhiệt độ phòng.
Tránh xa nhiệt độ cao, độ ẩm và ánh sáng trực tiếp.
Tránh đông lạnh.
Để xa tầm tay trẻ em.
12 Quên liều
Nếu quên một liều thuốc, hãy uống càng sớm càng tốt.
Nếu gần đến giờ uống liều tiếp theo, bỏ qua liều đã quên và tiếp tục lịch uống thuốc thông thường. Không uống gấp đôi liều để bù cho liều đã quên.
13 Tài liệu tham khảo
Chuyên gia Drugbank. Gepirone. Drugbank. Truy cập ngày 20 tháng 1 năm 2025.
Chuyên gia Drugs.com. Gepirone. Drugs.com. Truy cập ngày 20 tháng 1 năm 2025.