Tỏi (Allium sativum L.)
104 sản phẩm
Dược sĩ Tăng Uyên Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Tỏi được biết đến khá phổ biến với công dụng hỗ trợ điều trị cảm sốt, chống ung thư. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Tỏi.
1 Giới thiệu về cây Tỏi
Tỏi còn có tên gọi khác là Đại toán, Tỏi ta, được trồng rộng rãi trên khắp thế giới, là loại thực phẩm không thể thiếu trong mỗi gia đình.
Tên khoa học của Tỏi là Allium sativum L., thuộc họ Thủy tiên (Amaryllidaceae).
1.1 Đặc điểm thực vật
Cây thân thảo sống hàng năm, cao khoảng 30-40cm. Thân hành ngắn, hình tháp gồm nhiều cành con gọi là nhánh tỏi, to nhỏ không đều nhau, xếp ép vào nhau quanh một trục lõi, vỏ ngoài của thân hành mỏng, màu trắng hoặc hơi hồng. Lá phẳng và hẹp, hình dải, mỏng, bẹ to và dài có rãnh dọc, đầu nhọn, gân lá song song, hai mặt nhẵn.
Cụm hoa mọc ở ngọn thành đầu tròn, bao bọc bởi những lá mo có mũi nhọn dài. Hoa màu trắng hoặc hồng có cuống dạng sợi dài; bao hoa gồm 6 phiến hình mũi mác, xếp thành 2 hàng, thuôn; nhị 6, chỉ nhị có cựa dài, đính vào các mảnh bao hoa; bầu hình cầu. Quả nang. Mùa hoa quả từ tháng 8 - 11.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Thân hành (giò), thường gọi là Đại toán.
Thân hành hay được gọi là củ tỏi, thu hoạch vào cuối mùa đông, có thể dùng tươi hoặc phơi khô dùng dần.
1.3 Đặc điểm phân bố
Cây có nguồn gốc Trung Á, hiện được trồng khắp nơi trên thế giới. Tại Việt Nam, cây được trồng nhiều ở Hà Bắc, Hải Hưng, Quảng Ngãi, Ninh Thuận… với đặc sản là Tỏi Lý Sơn (Quảng Ngãi).
2 Thành phần hóa học
Củ của A. sativum được báo cáo là có chứa hàng trăm hóa chất thực vật bao gồm các hợp chất chứa lưu huỳnh, chẳng hạn như ajoene, allicin, vinyldithiins, sulfide (diallyl disulfide (DADS), diallyl trisulfide (DATS)) và các loại khác chiếm 82% tổng hàm lượng Lưu Huỳnh trong tỏi. Alliin được chuyển thành allicin nhờ enzyme allinase sau khi cắt tỏi và phá vỡ nhu mô. S-propyl-cysteine-sulfoxide (PCSO), allicin và S-methyl cysteine-sulfoxide (MCSO) là những phân tử tạo mùi chính của các chất đồng nhất tỏi mới xay. PCSO có thể tạo ra hơn 50 chất chuyển hóa tùy thuộc vào hàm lượng nước và nhiệt độ cũng như enzyme allinase có thể tác động lên hỗn hợp MCSO, PCSO và alliin để tạo ra các phân tử khác, chẳng hạn như allyl methane thiosulfinate, methyl methanethiosulfonate và các thiosulfinate tương ứng khác.
S-alk(en)yl-l-cysteine sulfoxide là các chất chuyển hóa thứ cấp thu được từ cysteine tích lũy trong thực vật thuộc chi Allium. Công thức tỏi bao gồm một số hợp chất organosulfur, N-acetylcysteine, S-allyl-cysteine và S-ally-mercapto cysteine, có nguồn gốc từ alliin.
== >> Mời bạn đọc tham khảo vị thuốc cùng công dụng: Cây Bán chi liên - Vị thuốc hỗ trợ điều trị ung thư hữu hiệu
3 Tác dụng - Công dụng của Tỏi
3.1 Tác dụng dược lý
3.1.1 Kháng khuẩn, kháng nấm, kháng virus
Hoạt tính kháng khuẩn của tỏi là do chứa allicin đã được báo cáo đối với nhiều loại vi sinh vật bao gồm cả vi khuẩn Gram dương và Gram âm kháng kháng sinh như Shigella, Escherichia coli, Staphylococcus aureus, Pseudomonas aeruginosa, Streptococcus mutans, S.faecalis, S.pyogenes, Salmonella enterica, Klebsiella aerogenes, Vibrio, Mycobacteria, Proteus vulgaris và Enterococcus faecalis.
Chiết xuất tỏi cho thấy tác dụng diệt nấm phổ rộng đối với nhiều loại nấm bao gồm các loài Candida, Torulopsis, Trichophyton, Cryptococcus, Aspergillus, Trichosporon và Rhodotorula. Gần đây, chiết xuất tỏi đã được tìm thấy để ức chế sự nảy mầm và tăng trưởng của Meyerozyma guilliermondii và Rhodotorula mucilaginosa.
Hoạt tính kháng virus của chiết xuất tỏi đã được đánh giá chống lại bệnh cúm B, virus Rhinovirus ở người loại 2, virus cytomegalovirus ở người (HCMV), virus Parainfluenza loại 3, herpes simplex loại 1 và 2, virus vaccinia và virus viêm miệng mụn nước.
3.1.2 Chống viêm
Hoạt động chống viêm của tỏi là do ức chế sự di cư của bạch cầu hạt trung tính vào biểu mô. Tỏi Đen già (ABG) thể hiện các hoạt động chống oxy hóa mạnh và các hoạt động này có thể chịu trách nhiệm cho hoạt động chống viêm của nó. Chiết xuất chloroform của ABG hoạt động bằng cách giảm kích hoạt NF-κB trong các tế bào nội mô tĩnh mạch rốn của con người do yếu tố hoại tử khối u-α (TNF-α) gây ra. Hơn nữa, chiết xuất metanol của ABG đã được báo cáo là ngăn chặn quá trình sản xuất cyclooxygenase-2 (COX-2) và prostaglandin E2 (PGE-2) bằng cách khử hoạt tính NF-κB.
3.1.3 Chống oxy hóa
Việc ăn tỏi thường xuyên sẽ thúc đẩy các hoạt động chống oxy hóa bên trong và giảm tác dụng phụ của quá trình oxy hóa bằng cách tăng tổng hợp chất chống oxy hóa nội sinh hoặc giảm sản xuất các chất oxy hóa như các gốc tự do oxy (ORS).Người ta đã chứng minh rằng tỏi bảo vệ chống lại nhiễm độc gan do gentamycin- cũng như Acetaminophen gây ra bằng cách cải thiện tình trạng chống oxy hóa và điều chỉnh stress oxy hóa. Hơn nữa, chiết xuất tỏi được phát hiện là làm tăng hoạt động của một số enzym chống oxy hóa (ví dụ: superoxide dismutase) và giảm Glutathione Peroxidase trong mô gan của chuột.
3.1.4 Chống ung thư
Các cơ chế chống ung thư của chất chiết xuất từ tỏi là do ức chế sự phát triển và tăng sinh tế bào, điều hòa quá trình chuyển hóa chất gây ung thư, kích thích quá trình chết theo chương trình, ngăn ngừa sự hình thành mạch, xâm lấn và di cư và do đó làm giảm tác dụng tiêu cực của tác nhân chống ung thư. Việc ăn tỏi liên tục có thể làm giảm các loại ung thư lan truyền khác nhau như phổi, ruột kết, dạ dày, vú và tuyến tiền liệt.
3.1.5 Ngăn ngừa Alzheimer
Việc hấp thụ tỏi kéo dài có liên quan đến việc thúc đẩy chức năng bộ nhớ bằng cách ảnh hưởng đến mức độ của chất dẫn truyền thần kinh, serotonin. Sử dụng chiết xuất A. sativum giúp cải thiện trí nhớ bằng cách loại bỏ các gốc tự do gây ra tổn thương oxy hóa và ức chế enzyme AChE. Dầu từ củ tỏi đã ức chế hoạt động AChE của synaposome vỏ não và thể hiện các đặc tính chống oxy hóa, do đó, ức chế hoạt động của AChE trong ống nghiệm.
3.1.6 Tác dụng trên chuyển hóa
Giảm mỡ máu: Tỏi được phát hiện là có tác dụng quan trọng đối với chứng rối loạn lipid máu bằng cách giảm đáng kể nồng độ cholesterol toàn phần, triglyceride và LDL trong huyết thanh và cholesterol HDL tăng vừa phải.
Trị tiểu đường: Chất chiết xuất Ethanol từ tỏi thể hiện tác dụng trị đái tháo đường đối với chuột và thỏ mắc bệnh tiểu đường do streptozotocin và alloxan gây ra bằng cách kích hoạt sự tiết Insulin từ các tế bào thành của tuyến tụy.
Chống béo phì: Chiết xuất tỏi đã được báo cáo về hoạt động của chúng trong việc giảm trọng lượng cơ thể, khối lượng mô mỡ và cải thiện cấu hình lipid huyết tương ở chuột mắc bệnh béo phì do chế độ ăn nhiều chất béo.
Hạ huyết áp: Cơ chế tác dụng hạ huyết áp của dịch chiết tỏi là tỏi chứa nhiều phân tử lưu huỳnh hoạt tính đã được chứng minh là có tác dụng kích thích các yếu tố làm co và giãn nội mô dẫn đến hạ huyết áp. Tỏi cũng đã được chứng minh là kích thích sản xuất cả oxit nitric và hydro sunfua, cuối cùng dẫn đến giãn mạch.
== >> Mời bạn xem thêm dược liệu: Cây Hương Thảo - Loại cỏ thơm, cũng là một vị thuốc quý
3.2 Công dụng theo y học cổ truyền
Tỏi có tính ấm, vị cay, mùi hôi, quy vào kinh tỳ, vị, phế, thận, có tác dụng giải cảm, giải độc, tiêu đờm, lợi tiểu, hạ khí, trừ giun, thông quan.
Trong đông y, Tỏi được dùng trong chữa ho đờm, cảm cúm, lỵ amip hay lỵ trực khuẩn, ung nhọt, áp xe, vết thương có mủ, giun kim, viêm phế quản mạn, ho gà, tăng huyết áp.
4 Các bài thuốc từ cây Tỏi
4.1 Chữa vết thương phần mềm, bỏng nước
Nguyên liệu: Tỏi, Hành, Trầu Không (đều tươi), mỗi vị 300g, lá Ớt tươi 200g, mật lợn 1L.
Cách làm: Hành, Tỏi bỏ vỏ, cùng với Trầu không, lá Ớt giã nhỏ, thêm 0,5L nước nấu kỹ, lọc lấy nước, cô còn khoảng 300ml, thêm 1kg đường, đun thành cao lỏng. Thêm mật lợn vào nấu kỹ, bỏ vào lọ đậy kín. Mỗi ngày rửa sạch vết thương, thoa vao vào, thực hiện 1 lần.
4.2 Chữa tả, lỵ, trị giun
Chữa tả: Dùng Tỏi 100g sắc với 300ml nước tới khi còn 100ml, uống.
Chữa lỵ: Dùng Tỏi 10g giã nhỏ, ngâm với 100ml nước nguội trong 2 giờ, lọc lấy nước thụt hậu môn giữ trong 15 phút, thực hiện 1 lần mỗi ngày. Kết hợp với ăn 2g Tỏi sống mỗi lần, ngày ăn 3 lần, thực hiện trong 5-7 ngày.
Trị giun kim, giun móc: Thường xuyên ăn Tỏi sống và dùng nước tỏi 5% thụt hậu môn.
4.3 Trị cảm sốt
Chữa sốt truyền nhiễm, cảm cúm: Lấy Tỏi giã nát, ép lấy nước cốt 10ml, uống. Kết hợp dùng Tỏi bọc bông nút mũi để chống lây.
Chữa sốt rét: Dùng 6-7 củ Tỏi, 1 nửa để sống, 1 nửa nướng chín, ăn hết, tới khi nôn hoặc thông tiện là khỏi.
4.4 Chữa trúng phong cấm khẩu, bại liệt nửa người, trẻ em kinh giản
Nguyên liệu: Tỏi, Nhũ hương, Phòng Phong, Thương truật, Xuyên Khung, Khổ tử, Bồ Kết (bỏ hạt), đồng lượng; thạch xương bồ lượng bằng ½.
Cách làm: Tán thành bột, luyện với hồ thành viên, dùng hùng hoàng làm áo, mỗi lần uống 1 viên bằng hạt ngô, trẻ em uống ½ viên.
4.5 Chữa sai khớp, bong gân
Nguyên liệu: Tỏi 1 củ, lá, hoa Vòi voi 30g, Muối ăn 10g.
Cách làm: Giã nát, đắp vào chỗ sưng đau và băng lại.
4.6 Chữa đơn sưng, mụn lở
Dùng Tỏi, giã nát, trộn với một ít Dầu Vừng, bôi lên vùng da bệnh.
Hoặc dùng Tỏi, Bí Đao, giã nát rồi đắp lên da.
4.7 Các bài thuốc khác
Chữa đầy bụng, bí đại tiểu tiện: Dùng Tỏi giã nát, đặt lên Lá Lốt hoặc lá trầu không hơi héo, rịt vào rốn. Đồng thời lấy tỏi giã giập bọc bông rồi nhét vào hậu môn.
Chữa bệnh do Trichomonas, âm đạo lở ngứa: Dùng Tỏi 120g, giã nhỏ, ngâm trong 2L nước, lấy nước đó rửa và thụt âm đạo.
Chữa viêm họng: Dùng lá Tỏi, lá Mướp, giã chắt lấy nước uống.
Ăn Tỏi sống có tác dụng gì cho nam giới? Tỏi giúp tăng sản sinh enzym nitric oxyde synthase, cần cho chức năng cương dương, vì vậy giúp cường dương bổ thận. Ngoài ăn tỏi sống, còn có bài thuốc như sau: Tỏi, Hẹ nấu với thịt dê trắng (400g), ăn 3 ngày 1 lần.
Chữa tiểu rắt, tiểu buốt: Tỏi 1 củ, Dành dành 7 quả, giã nát đắp vào rốn.
5 Những ai không nên ăn Tỏi và cách ăn Tỏi sống
Tỏi sống nếu ăn quá nhiều sẽ gây ra một số vấn đề. Tác hại của ăn Tỏi sống bao gồm: gây rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy, loét, nhất là khi ăn nhiều lúc đói do có vị cay), ảnh hưởng tới mắt (viêm kết mạc, viêm mắt…), hôi miệng, ợ hơi…
Vì vậy, những người có bệnh về mắt, hoặc có các vấn đề về tiêu hóa không nên ăn nhiều tỏi, nhất là tỏi sống.
Vậy, ăn tỏi sống bao nhiêu là đủ? Chuyên gia cho rằng, nên ăn ½-1 củ tỏi sống mỗi ngày, tương đương với 3-6mg allicin.
6 Tài liệu tham khảo
1. Tác giả Gaber El-Saber Batiha và cộng sự (Ngày đăng 24 tháng 3 năm 2020). Chemical Constituents and Pharmacological Activities of Garlic (Allium sativum L.): A Review, NCBI. Truy cập ngày 4 tháng 4 năm 2023.
2. Nhận thức cây thuốc và dược liệu (Xuất bản năm 2021). Tỏi trang 296-297, Nhận thức cây thuốc và dược liệu. Truy cập ngày 4 tháng 4 năm 2023.