Gabapentin
40 sản phẩm
Dược sĩ Hương Trà Dược sĩ lâm sàng - Đại học Y Dược Thái Nguyên
Ước tính: 3 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Bài viết biên soạn dựa theo
Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba
Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022
GABAPENTIN
Tên chung quốc tế: Gabapentin.
Mã ATC: NO3AX12.
Loại thuốc: Thuốc chống động kinh, điều trị đau thần kinh.
1 Dạng thuốc và hàm lượng
Nang: 100 mg, 300 mg, 400 mg.
Viên nén, viên nén bao phim: 600 mg, 800 mg.
Viên giải phóng kéo dài: 300 mg.
Dung dịch uống: 250 mg/5 ml.
2 Dược lực học
Gabapentin là thuốc chống động kinh và giảm đau do thần kinh, cơ chế hiện chưa rõ. Trên động vật thực nghiệm, thuốc có tác dụng chống cơn duỗi cứng các chi sau khi làm sốc điện và cũng ức chế được cơn co giật do pentylenetetrazol. Hiệu quả thí nghiệm trên cũng tương tự như đối với acid valproic nhưng khác với Phenytoin và carbamazepin. Cấu trúc hóa học của gabapentin tương tự chất ức chế dẫn truyền thần kinh là acid gama-aminobutyric (GABA), nhưng gabapentin không tác động trực tiếp lên các thụ thể GABA, không làm thay đổi cấu trúc, giải phóng, chuyển hóa và hấp thu GABA. Các vị trí gắn gabapentin có ái lực cao khu trú ở khắp não, các vị trí này tương ứng với sự hiện diện của các kênh calci phụ thuộc điện thế đặc trưng có đơn vị phụ alpha-2-delta-1. Kênh này nằm ở tiền synap và có thể điều hòa giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh kích thích thúc đẩy gây co giật và đau.
3 Dược động học
Gabapentin hấp thu qua Đường tiêu hóa theo cơ chế bão hòa (khi liều tăng, sinh khả dụng lại giảm). Thuốc đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương sau khi uống 2 - 3 giờ và đạt nồng độ ổn định sau 1 - 2 ngày. Nồng độ trong huyết thanh có hiệu quả của thuốc chưa được xác định. Tuy vậy, trong một nghiên cứu, số lần co giật chỉ thấy giảm ở những người có nồng độ trong huyết thanh của gabapentin trên 2 mg/lít. Nồng độ trong huyết tương của gabapentin nói chung nằm trong phạm vi từ 2 mg/lít tới 20 mg/lít.
Sinh khả dụng khoảng 60% khi dùng với liều 900 mg/24 giờ và không tương ứng với liều dùng, thậm chí khi liều tăng thì sinh khả dụng lại giảm (sinh khả dụng khoảng 27% khi dùng với liều 4,8 g/24 giờ). Thức ăn ít ảnh hưởng đến tốc độ và mức độ hấp thu. Ở người bệnh cao tuổi và người suy thận, độ thanh thải gabapentin huyết tương bị giảm. Gabapentin có thể bị loại khỏi huyết tương bằng thẩm phân máu, vì vậy cần điều chỉnh liều đối với những người bệnh này.
Gabapentin phân bố khắp cơ thể, vào được sữa mẹ, liên kết với protein huyết tương rất thấp (< 3%). Vd là 58 ± 6 lít ở người lớn. Ở người bị động kinh, nồng độ gabapentin trong dịch não tủy tương ứng 20% nồng độ trong huyết tương ở trạng thái ổn định.
Gabapentin hầu như không chuyển hóa trong cơ thể và thải trừ chủ yếu qua thận dưới dạng không đổi. Nửa đời của gabapentin khoảng 5 - 7 giờ ở người có chức năng thận bình thường. Nếu vô niệu: 132 giờ, trong khi thẩm phân: 3,8 giờ.
Trẻ em <5 tuổi có độ thanh thải gabapentin cao hơn khi chuẩn hóa theo cân nặng so với trẻ em ≥ 5 tuổi. Độ thanh thải của thuốc ở trẻ em ≥ 5 tuổi phù hợp với độ thanh thải của người lớn sau khi dùng 1 liều duy nhất. Do đó, ở trẻ em 3 - 5 tuổi, phải dùng liều hàng ngày cao hơn mới đạt được nồng độ thuốc trung bình trong huyết tương tương tự như trẻ em ≥ 5 tuổi. Trẻ dưới 1 tuổi có độ thanh thải thuốc thay đổi nhiều.
4 Chỉ định, chống chỉ định
4.1 Chỉ định
Điều trị hỗ trợ hoặc đơn trị liệu trong động kinh cục bộ, có hoặc không có cơn co giật toàn thể tái phát.
Điều trị đau thần kinh như viêm các dây thần kinh ngoại biên sau bệnh Zona, đau dây thần kinh trong bệnh đái tháo đường...
Điều trị hội chứng chân không yên (RLS).
4.2 Chống chỉ định
Mẫn cảm với gabapentin.
5 Thận trọng
Không khuyến cáo sử dụng thuốc cho trẻ em dưới 6 tuổi. Cần thận trọng đối với tất cả người bệnh đang điều trị hoặc bắt đầu điều trị bằng bất cứ thuốc chống co giật nào cho bất cứ chỉ định nào, người bệnh phải được theo dõi chặt chẽ vì có thể xuất hiện trầm cảm hoặc làm trầm cảm nặng lên, ý nghĩ tự sát hoặc bất cứ thay đổi bất thường tính khí nào, không được tự ý thay đổi phác đồ điều trị mà không hỏi ý kiến thầy thuốc.
Các thuốc chống co giật, trong đó có gabapentin, không được ngừng đột ngột vì có khả năng làm tăng cơn co giật (trạng thái động kinh). Ngừng gabapentin và/hoặc thêm 1 thuốc chống co giật khác vào liệu pháp điều trị hiện tại, phải thực hiện từ từ trong ít nhất 1 tuần.
Sử dụng thận trọng đối với người có tiền sử rối loạn tâm thần, người suy giảm chức năng thận và thẩm phân máu, người vận hành tàu xe hoặc máy móc.
Thuốc có thể gây dương tính giả khi xét nghiệm protein niệu. Thận trọng dùng liều cao dung dịch uống cho thanh thiếu niên và người lớn nhẹ cân.
Cần theo dõi dấu hiệu ức chế TKTW như an thần, suy hô hấp ở bệnh nhân dùng đồng thời với opioid.
Gabapentin gây suy hô hấp nặng nên cần thận trọng ở bệnh nhân bệnh về hô hấp, thần kinh, suy giảm chức năng thận, dùng thời với các thuốc ức chế TKTW và người già do có nguy cơ gặp ADR nghiêm trọng.
6 Thời kỳ mang thai và cho con bú
6.1 Thời kỳ mang thai
Gabapentin gây quái thai trên động vật gặm nhấm. Trên người mang thai, chưa thấy có tác động tương tự. Tuy nhiên, chỉ dùng thuốc cho người mang thai khi thực sự cần thiết và có cân nhắc kỹ lợi ích cao hơn so với nguy cơ cho thai nhi.
6.2 Thời kỳ cho con bú
Khi dùng đường uống, gabapentin vào được sữa mẹ, chỉ dùng gabapentin cho phụ nữ thời kỳ cho con bú khi thật cần thiết và đã cân nhắc kỹ lợi ích cao hơn nguy cơ rủi ro.
7 Tác dụng không mong muốn (ADR)
Gabapentin dung nạp tốt. Các ADR thường nhẹ hoặc trung bình và có khuynh hướng giảm dần trong vòng 2 tuần khi tiếp tục điều trị. Các ADR hay gặp nhất đối với thần kinh và thường là nguyên nhân gây ngừng thuốc.
7.1 Thường gặp
Thần kinh: mất phối hợp vận động, rung giật nhãn cầu, mệt mỏi, chóng mặt, phù, buồn ngủ, giảm trí nhớ. Trẻ em từ 3 - 12 tuổi: Gặp các vấn đề về thần kinh như lo âu, thay đổi hành vi ứng xử (quấy khóc, cảm giác sảng khoái hoặc trầm cảm, quá kích động, thái độ chống đối...).
Tiêu hóa: khó tiêu, khô miệng, táo bón, đau bụng, tiêu chảy.
Tim mạch: phù mạch ngoại vi.
Hô hấp: viêm mũi, viêm họng - hầu, ho, viêm phổi.
Mắt: nhìn một thành hai, giảm thị lực.
Cơ xương: đau cơ, đau khớp,
Da: mẩn ngứa, ban da.
Máu: giảm bạch cầu.
Khác: liệt dương, nhiễm virus.
7.2 Ít gặp
Thần kinh: mất trí nhớ, mất ngôn ngữ, trầm cảm, cáu gắt hoặc thay đổi tâm trí, tính khí, liệt nhẹ, giảm hoặc mất dục cảm, nhức đầu.
Tiêu hóa: rối loạn tiêu hóa, chảy máu lợi, viêm miệng, mất hoặc rối loạn vị giác.
Tim mạch: hạ huyết áp, đau thắt ngực, rối loạn mạch ngoại vi, hồi hộp.
Khác: tăng cân, gan to.
7.3 Hiếm gặp
Thần kinh: liệt dây thần kinh, rối loạn nhân cách, tăng dục cảm, giảm chức năng vận động, rối loạn tâm thần.
Tiêu hóa: loét dạ dày - tá tràng, viêm thực quản, viêm đại tràng, viêm trực tràng.
Hô hấp: ho, khản tiếng, viêm niêm mạc đường hô hấp, giảm thông khí phổi, phù phổi.
Mắt: ngứa mắt, chảy nước mắt, bệnh võng mạc, viêm mống mắt.
Cơ xương: viêm sụn, loãng xương, đau lưng.
Máu: giảm bạch cầu (thường không có triệu chứng), thời gian máu chảy kéo dài.
Khác: sốt hoặc rét run, Hội chứng Stevens-Johnson.
7.4 Hướng dẫn cách xử trí ADR
Mất phối hợp vận động thường liên quan đến liều dùng. Nếu giảm liều mà không đỡ, phải ngừng thuốc.
Nếu nghi ngờ có hội chứng Stevens-Johnson, phải ngừng thuốc. Không nên ngừng thuốc đột ngột vì có thể làm tăng tần suất các cơn động kinh. Trước khi ngừng thuốc hoặc chuyển sang sử dụng thuốc chống động kinh khác cần phải giảm liều từ từ trong vòng ít nhất là 7 ngày.
8 Liều lượng và cách dùng
8.1 Cách dùng
Gabapentin được dùng theo đường uống, thời điểm uống thuốc không phụ thuộc vào bữa ăn.
Gabapentin thường được coi là không hiệu quả trong động kinh vắng ý thức.
Với viên nén giải phóng kéo dài không được nhai, bẻ, nghiền khi uống.
8.2 Liều dùng
8.2.1 Chống động kinh
Người lớn:
Điều trị hỗ trợ hoặc đơn trị liệu động kinh cục bộ có hoặc không có cơn co giật toàn thể.
Ngày đầu: 300 mg x 1 lần/ngày.
Ngày thứ 2: 300 mg/lần × 2 lần/ngày. Ngày thứ 3: 300 mg/lần x 3 lần/ngày.
Hoặc
Ngày đầu: 300 mg/lần x 3 lần. Sau đó liều có thể tăng thêm từng bước 300 mg (chia 3 lần) cách 2 - 3 ngày tăng 1 lần, dựa trên đáp ứng của người bệnh, cho đến khi đạt liều điều trị hiệu quả, thông thường là 900 – 3 600 mg/ngày, chia 3 lần; liều tối đa 4 800 mg/ngày.
Nên chia đều tổng liều hàng ngày cho 3 lần dùng thuốc và khoảng cách tối đa dùng thuốc không nên quá 12 giờ.
Đối với người bệnh suy giảm chức năng thận và đang thẩm phân máu phải giảm liều; liều thích hợp cần hiệu chỉnh theo Clcr được khuyến cáo như sau:
Độ thanh thải creatinin (ml/phút) | Liều dùng |
---|---|
50-79 | 600 - 1 800 mg/ngày, chia 3 lần |
30-49 | 300 – 900 mg/ngày, chia 3 lần |
15-29 | 300 - 600 mg/ngày, chia 3 lần, uống cách nhật |
< 15 | 300 mg/ngày, chia 3 lần, uống cách nhật |
Thẩm phân máu | 200-300 mg* |
* Liều nạp là 300 - 400 mg cho người bệnh lần đầu dùng gabapentin, sau đó 200 - 300 mg sau mỗi 4 giờ thẩm phân máu. Trong những ngày không thẩm phân, không dùng gabapentin.
Trẻ em
Điều trị hỗ trợ động kinh cục bộ kèm hoặc không kèm cơn co giật toàn thể.
Trẻ em 6 - 11 tuổi:
Ngày đầu tiên: 10 mg/kg (tối đa 300 mg) × 1 lần/ngày.
Ngày thứ hai: 10 mg/kg (tối đa 300 mg) × 2 lần/ngày.
Ngày thứ ba: 10 mg/kg (tối đa 300 mg) × 3 lần/ngày.
Liều thông thường: 25 - 35 mg/kg/ngày, chia 3 lần.
Liều tối đa: 70 mg/kg/ngày, chia 3 lần.
Trẻ em 12 - 17 tuổi:
Ngày đầu tiên: 300 mg × 1 lần/ngày.
Ngày thứ hai: 300 mg × 2 lần/ngày.
Ngày thứ ba: 300 mg × 3 lần/ngày.
Hoặc
Ngày đầu tiên: 300 mg × 3 lần/ngày. Các ngày tiếp theo tăng 300 mg, chia thành 3 lần, mỗi 2 - 3 ngày, chỉnh liều theo đáp ứng.
Liều thông thường là 0,9 - 3,6 g mỗi ngày, chia thành 3 lần (tối đa 1,6 g × 3 lần/ngày). Ở một số trẻ không dung nạp liều hàng ngày có thể giãn cách thời gian tăng liều (đến 1 tuần/lần)
Trẻ em: Điều trị đơn độc động kinh cục bộ kèm hoặc không kèm cơn co giật toàn thể
Trẻ 12 - 17 tuổi:
Ngày đầu tiên: 300 mg × 1 lần/ngày.
Ngày thứ hai: 300 mg × 2 lần/ngày.
Ngày thứ ba: 300 mg × 3 lần/ngày.
Hoặc
Ngày đầu tiên: 300 mg × 3 lần/ngày. Các ngày tiếp theo tăng 300 mg, chia thành 3 lần, mỗi 2 - 3 ngày, chỉnh liều theo đáp ứng.
Liều thông thường là 0,9 - 3,6 g mỗi ngày, chia thành 3 lần (tối đa 1,6 g × 3 lần/ngày).
Ở một số trẻ không dung nạp liều hàng ngày có thể giãn cách thời gian tăng liều (đến 1 tuần/lần).
Ghi chú:
Không khuyến cáo sử dụng thuốc cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Không khuyến cáo sử dụng mức liều > 50 mg/kg/ngày cho trẻ em <12 tuổi.
Một số trẻ không dung nạp được phần tăng thêm hàng ngày, kéo dài khoảng thời gian tăng thêm (tới hàng tuần) có thể thích hợp hơn. Chưa có đánh giá về việc sử dụng gabapentin cho trẻ em dưới 12 tuổi bị suy thận.
8.2.2 Điều trị đau thần kinh
Người lớn:
Ngày thứ nhất: 300 mg × 1 lần/ngày.
Ngày thứ hai: 300 mg/lần × 2 lần/ngày.
Ngày thứ ba: 300 mg/lần × 3 lần/ngày.
Hoặc
Ngày đầu: 300 mg/lần x 3 lần.
Sau đó liều có thể tăng thêm từng bước 300 mg (chia 3 lần) cách 2 - 3 ngày tăng 1 lần, dựa trên đáp ứng của người bệnh, cho đến khi đạt liều điều trị hiệu quả, liều tối đa 3,6 g/ngày.
8.2.3 Điều trị hội chứng chân không yên (RLS)
Người lớn:
Sử dụng viên giải phóng kéo dài gabapentin enacarbil: 600 mg, 1 lần/ngày, uống cùng thức ăn vào lúc 5 giờ chiều. Nếu quên uống một liều vào đúng giờ, liều tiếp theo phải uống đúng giờ.
Điều chỉnh liều cho bệnh nhân suy thận dùng viên giải phóng kéo dài gabapentin enacarbil
Độ thanh thải creatinin (ml/phút) | Liều dùng |
---|---|
30-59 | Khởi đầu 300 mg, 1 lần/ngày, sau tăng lên đến 600 mg, 1 lần/ngày nếu cần |
15-29 | 300 mg, 1 lần/ngày |
< 15 và không lọc máu | 300 mg, dùng cách ngày |
< 15 có lọc máu | Không khuyến cáo sử dụng |
9 Tương tác
Khi dùng đồng thời, gabapentin không làm thay đổi dược động học của các thuốc chống động kinh thường dùng như carbamazepin, phenytoin, acid valproic, Phenobarbital, Diazepam.
Thuốc kháng acid chứa nhôm và magnesi làm giảm sinh khả dụng của gabapentin khoảng 20% do ảnh hưởng đến hấp thu thuốc. Phải dùng gabapentin sau thuốc kháng acid ít nhất 2 giờ.
Morphin có thể làm giảm độ thanh thải của gabapentin vì vậy khi cho người bệnh sử dụng cả 2 loại thuốc trên cần kiểm soát các triệu chứng ức chế TKTW và điều chỉnh liều.
Cimetidin có thể làm giảm độ thanh thải ở thận của gabapentin.
10 Quá liều và xử trí
Quá liều gabapentin có thể gây nhìn một thành hai, nói líu ríu, u ám, hôn mê và tiêu chảy. Hầu hết các trường hợp quá liều đều hồi phục sau khi sử dụng các biện pháp điều trị hỗ trợ. Có thể loại thuốc ra khỏi cơ thể bằng thẩm phân máu.
Cập nhật lần cuối: 2020