Fucoidan
64 sản phẩm
Dược Sĩ Nguyễn Thư Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Thách thức phải tìm ra hoạt chất khắc phục nhược điểm của các phương pháp điều trị ung thư là vô cùng lớn. Fucoidan được xem là nhân tố vàng trong cuộc chiến chống lại căn bệnh thế kỷ, là hoạt chất tiềm năng trong các liệu pháp chống ung thư để mang lại tia sáng cho nhiều bệnh nhân trên toàn thế giới.
1 Cấu trúc của Fucoidan
Fucoidan là một Heteropolysaccharide có thể hòa tan được trong nước và dung môi thân nước. Cấu trúc Fucoidan của bao gồm nhóm L-fucose và sulphat.
Hoạt chất có monosaccharide chính trong mạch đó là L-fucose-4-sulfate kết hợp cùng 10% các monosaccarit khác bao gồm:
- Axit uronic, Galactose.
- Xylose, Mannose.
- Rhamnose, Glucose.
- Arabinose, Xylose.
Fucoidan bao gồm hai cấu trúc chuỗi, cụ thể là:
- Một chuỗi chính là α-L-fucopyranose được liên kết bởi (1 → 3) và (1 → 4).
- Chuỗi còn lại là (1 → 3) -α-L- fucopyranose.
Sự thay thế đơn và đôi trong nhóm sulphat ở vị trí C-2 hoặc C-4 hoặc C-2 và C-3 có thể xảy ra. Nguyên nhân là cấu trúc của Fucoidan phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loài rong biển, vị trí địa lý, mùa khai thác, quy trình khai thác... [1]
Hoạt động chống khối u của các fucoidan được đánh giá nhờ sự kết hợp của nhiều yếu tố như cấu trúc hóa học bao gồm số lượng nhóm sulfat trong phân tử, tỷ lệ dư lượng monosaccharide, loại tồn dư đường liên kết...
2 Fucoidan có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư không?
Fucoidan được chứng minh có nhiều đặc tính trong việc kháng viêm, kháng virus, kích thích hệ miễn dịch, chống oxy hoá…Chính vì những tác dụng này Fucoidan đang được coi là một hoạt chất tiềm năng trong điều trị các bệnh về ung thư. Đến nay cũng đã có nhiều nghiên cứu về Fucoidan và hiệu quả của chúng trong điều trị các tế bào ung thư, nhưng vẫn chưa có một nghiên cứu nào trên lâm sàng chứng minh được tác dụng này. Vì vậy Fucoidan vẫn chưa được chấp nhận coi là một trị liệu ung thư, và chỉ được cấp phép lưu hành dưới dạng thực phẩm chức năng.
Tại Nhật Bản, các sản phẩm chứa Fucoidan không ghi có tác dụng chữa bệnh hay điều trị bệnh nào cả. Fucoidan chỉ được sử dụng như một thuốc bổ, hỗ trợ nâng cao sức khoẻ, tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.
3 Các nghiên cứu và thử nghiệm về Fucoidan liên quan tới ung thư
Fucoidan là một loài tảo được nuôi trồng chủ yếu ở biển Nhật Bản, chúng được quảng cáo với vai trò hỗ trợ điều trị và phòng ngừa ung thư ở Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay chỉ có 2 nghiên cứu và 4 thử nghiệm lâm sàng liên quan đến Fucoidan và bệnh ung thư. Trong đó, 2 nghiên cứu có kết luận của nhóm tác giả, còn 4 thử nghiệm khác không có kết quả rõ ràng. Cụ thể:
- Một thử nghiệm được tiến hành trên 100 bệnh nhân ung thư trực tràng giai đoạn tiến triển cục bộ nghiên cứu fucoidan có giúp các bệnh nhân điều trị bằng phương pháp Hoá trị kết hợp xạ trị cải thiện chất lượng cuộc sống nhưng các chỉ số về khả năng teo nhỏ khối u, tăng tiên lượng sống không được nghiên cứu. Cách đánh giá nghiên cứu này dựa trên bảng hỏi FACT-C xem chất lượng cuộc sống của người bệnh trước và sau khi dùng Fucoidan.
- Một thử nghiệm khác ở bệnh nhân ung thư đầu cổ, dự kiến kết thúc vào tháng 5 năm 2023 được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu Đài Loan đánh giá độ an toàn và tính hiệu quả của Fucoidan với giả dược trên 119 bệnh nhân.
- Thử nghiệm ở bệnh nhân bị ung thư gan nguyên phát, giai đoạn tiến triển. Sử dụng dạng Oligo-fucoidan để đánh giá xem có giúp cải thiện và kiểm soát được căn bệnh hay không.Thử nghiệm trên 100 người ở pha 2 tại Trung Quốc dự kiến kết thúc năm 2021.
- Một thử nghiệm nữa ở bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn III-IV. Bệnh nhân tham gia được sử dụng Oligo-fucoidan dạng uống kết hợp phác đồ hoá trị để xem đánh giá chất lượng cuộc sống của người bệnh, nhưng nghiên cứu đã bị dừng không rõ lý do.
- Nghiên cứu năm 2018 trên 20 người bệnh nhân bị ung thư có kết luận rằng, dùng fucoidan cải thiện các chỉ số viêm nhưng chất lượng cuộc sống thì không có sự cải thiện nhiều.
- Nghiên cứu năm 2017 trên 54 người bệnh mắc ung thư đại tràng giai đoạn di căn, nhận thấy sự cải thiện tỉ lệ co nhỏ khối u 46.2% lên 60.7%, kiểm soát bệnh từ 69.2% lên 92.9% khi sử dụng fucoidan kết hợp trị liệu. Nhưng thời gian sống và chất lượng cuộc sống không có sự tiến triển nhiều.
Dựa trên những nghiên cứu chưa đầy đủ và số lượng người tham gia ít, nên những đánh giá vẫn chưa thật sự chính xác nên Fucoidan không được các chuyên gia khuyên dùng với khả năng hỗ trợ điều trị ung thư.
4 Tác dụng khác
4.1 Fucoidan kích thích hệ thống miễn dịch
4.1.1 Fucoidan giúp tiêu diệt tế bào gây bệnh
Tế bào NK hay còn gọi là Natural killer cell là một bạch huyết bào quan trọng trong hệ thống miễn dịch của cơ thể. NK giúp nhận diện các tế bào nhiễm virus, tế bào bất thường, tế bào đột biến, tế bào dị biệt (kể cả tế bào có khả năng hình thành ung thư) và nhanh chóng tiêu diệt chúng. Fucoidan đã được nghiên cứu chứng minh kích thích sự sản sinh và tăng cường hoạt động tế bào NK.
Bên cạnh đó, hoạt chất còn được báo cáo làm gia tăng số lượng tế bào T ( Cytotoxic T cells ) - phối hợp với tế bào miễn dịch khác và tổ chức phản ứng miễn dịch có nhiệm vụ tìm và tấn công trực tiếp vào vi sinh vật gây hại cho cơ thể như vi khuẩn, virus và tế bào ung thư.
4.1.2 Fucoidan giúp điều hòa miễn dịch
Các nghiên cứu về hoạt động điều hòa miễn dịch của Fucoidan là một chủ đề nghiên cứu nóng và câu trả lời về việc Fucoidan kích hoạt các phản ứng miễn dịch của vật chủ. Các tác dụng dược lý có lợi khác nhau của Fucoidan, chẳng hạn như hoạt động kháng vi-rút, được cho là do khả năng điều chỉnh chức năng miễn dịch của tế bào.
Cơ chế của tăng cường miễn dịch có thể giải thích là:
- Fucoidan liên kết với các thụ thể khác nhau như thụ thể giống Toll (TLR) trên tế bào đuôi gai (DC), đại thực bào và các tế bào đơn nhân khác, sau đó kích hoạt chúng để giải phóng các yếu tố gây viêm, cytokine và chemokine.
- Các yếu tố này có thể giúp vật chủ để hình thành một phản ứng miễn dịch mạnh mẽ và đạt được sự điều chỉnh đa kênh và đa cấp độ của hệ thống miễn dịch.
4.2 Kháng virus, kháng viêm
Fucoidan có khả năng kháng virus, ngăn chặn sự xâm nhập của virus vào cơ thể bằng cách tạo ra hàng rào ngăn chặn virus bám vào bề mặt tế bào, từ đó giảm sự lây lan của chúng.
Bên cạnh đó, các nghiên cứu cũng cho thấy Fucoidan có tác dụng chống viêm, làm giảm các triệu chứng trong bệnh viêm khớp, viêm khớp dạng thấp,...
4.3 Fucoidan có khả năng hoạt động chống oxy hóa cực mạnh
Các loại phản ứng oxy hóa của cơ thể được diễn ra trong tế bào như Anion Superoxide, gốc hydroxyl, hydro peroxit, oxy đơn và oxit nitric (NO)... là những hoạt động cần thiết.
Ở mức độ hoạt động thấp, các phản ứng oxy hóa này điều chỉnh nhiều quá trình sinh hóa cần thiết cho sự phân chia tế bào.
Tuy nhiên khi các các phản ứng này bị kích thích đến quá cao sẽ phá vỡ cân bằng nội môi. Việc phản ứng oxy hóa khử làm hỏng lipid, protein và axit nucleic trong tế bào, dẫn đến các bệnh sinh lý khác nhau như ung thư, bệnh mạch vành, xơ vữa động mạch, tiểu đường, bệnh thoái hóa thần kinh, bệnh viêm và các bệnh liên quan đến lão hóa.
Có nhiều nghiên cứu chứng minh rằng Fucoidan có thể được sử dụng để điều trị các bệnh do tác hại của các gốc tự do do đặc tính chống oxy hóa của nó. Tuy các bằng chứng này chứng minh rằng cơ chế chống oxy hóa của Fucoidan vẫn chưa được làm sáng tỏ hoàn toàn, nhưng thành phần hoạt chất Fucoidan được sử dụng rộng rãi trong các loại mỹ phẩm chăm sóc da, thực phẩm chức năng chống lão hóa, thực phẩm tốt cho thần kinh.
4.4 Fucoidan chống đông máu và chống huyết khối
Fucoidan có tác dụng chống đông máu đáng kể, được nghiên cứu nhiều nhất nhưng chúng rất phức tạp và phụ thuộc vào cấu trúc.
Fucoidan đã được chứng minh kéo dài thời gian thromboplastin và thời gian thrombin, do đó có tác dụng chống đông máu trong lòng mạch, chống huyết khối tích tụ.
5 Tác dụng phụ
Trước khi sử dụng Fucoidan, cần chú ý đến các tác dụng phụ của thuốc để tránh gặp các biến chứng nguy hiểm.
5.1 Chống đông máu
Tác dụng chống đông máu ở Fucoidan sẽ gây ra các hiện tượng dễ chảy máu hơn, tăng nguy cơ xuất huyết não, ruột. Những bệnh nhân đang sử dụng thuốc chống đông máu, phải hết sức cẩn trọng khi sử dụng hoạt chất này vì chúng sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu hơn, thậm chí trong một vài trường hợp gây xuất huyết não, xuất huyết ruột vô cùng nguy hiểm.
5.2 Gây nguy hiểm cho bệnh nhân có bệnh lý tuyến giáp
Fucoidan có chiết xuất từ tảo nên chứa hàm lượng lớn muối iod, nên vì vậy bệnh nhân có bệnh lý về tuyến giáp nếu sử dụng nhiều có thể làm bệnh nặng hơn, gây các biến chứng nguy hiểm về tim mạch, huyết áp.
5.3 Gây rối loạn tiêu hoá, tiêu chảy
Tác dụng phụ này là do đặc tính cấu tạo của Fucoidan là một chất xơ, màng nhầy nên làm phân mềm hơn, lạm dụng và dùng liên tục sẽ gây ra tiêu chảy.
6 Fucoidan có ở đâu?
6.1 Fucoidan trong tự nhiên
Fucoidan có mặt chủ yếu trong thành tế bào của nhiều loài rong nâu ở các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Các loài tảo có chứa hàm lượng cao Fucoidan là F. serratus, F. vesiculosus và Ascophyllum. [3]
Ngoài ra, các động vật không xương sống ở biển như nhím biển, và hải sâm… cũng có chứa lượng lớn Fucoidan.
6.2 Các sản phẩm có chứa Fucoidan
Có rất nhiều sản phẩm trên thị trường có chứa Fucoidan như Okinawa Fucoidan, Umi No Shizuku Fucoidan, Nano Fucoidan Extract Granule…
Tuy nhiên kết quả chống ung thư từ Fucoidan vẫn chưa được làm sáng tỏ hoàn toàn, các nghiên cứu vẫn còn hứa hẹn nhiều điều và vẫn đang tiếp tục để chứng minh Fucoidan khắc phục những nhược điểm phức tạp nhất của ung thư. Đồng thời, tính năng chống ung thư còn liên quan rất nhiều về cấu trúc, trọng lượng phân tử, lượng sulphat… mà quá trình này có thể ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như khai thác, cách sơ chế, vị trí địa lý.
Trên thị trường có rất nhiều lời đồn thổi, thần thánh hóa công dụng của Fucoidan. Việc sử dụng các loại Fucoidan có hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào mô hình ung thư khác nhau, do đó nên lựa chọn các sản phẩm phù hợp.
7 Tài liệu tham khảo
1. Chuyên gia của NCBI (Ngày đăng: 28 tháng 04 năm 2020). Brown Seaweed Fucoidan in Cancer: Implications in Metastasis and Drug Resistance, National Center for Biotechnology Information. Truy cập ngày 21 tháng 07 năm 2021
2. Keith B. Glaser (Ngày đăng: 14 tháng 04 năm 2015). Fucoidan and Cancer: A Multifunctional Molecule with Anti-Tumor Potential, National Center for Biotechnology Information. Truy cập ngày 21 tháng 07 năm 2021
3. Chuyên gia của NCBI (Ngày đăng: 20 tháng 03 năm 2019). Biological Activities of Fucoidan and the Factors Mediating Its Therapeutic Effects: A Review of Recent Studies, National Center for Biotechnology Information. Truy cập ngày 21 tháng 07 năm 2021
4. Chuyên gia Clinicaltrials.gov, Search Results for Fucoidan. NIH. Truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2024.
5. Tác giả Hidenori Takahashi, MD, Mitsuhiko Kawaguchi và cộng sự.(Ngày tháng 6 năm 2018) An Exploratory Study on the Anti-inflammatory Effects of Fucoidan in Relation to Quality of Life in Advanced Cancer Patients. Pubmed. Truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2024.
6.Tác giả Hsiang-Lin Tsai, Chi-Jung Tai (Ngày tháng 4 năm 2017) Efficacy of Low-Molecular-Weight Fucoidan as a Supplemental Therapy in Metastatic Colorectal Cancer Patients: A Double-Blind Randomized Controlled Trial . Pubmed. Truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2024.