Fomepizol
0 sản phẩm
Dược sĩ Hương Trà Dược sĩ lâm sàng - Đại học Y Dược Thái Nguyên
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Bài viết biên soạn theo
Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba
Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022
FOMEPIZOL
Tên chung quốc tế: Fomepizole
Mã ATC: V03AB34.
Loại thuốc: Thuốc giải độc.
1 Dạng thuốc và hàm lượng
Dung dịch tiêm: 1 g/ml (1,5 ml).
2 Dược lực học
Fomepizol ức chế cạnh tranh alcohol dehydrogenase, một loại enzym xúc tác chuyển hóa ethanol, ethylen glycol và methanol thành các chất chuyển hóa gây độc. Ethylen glycol được chuyển hóa thành glycoaldehyd, sau đó bị oxy hóa thành glycolat, glyoxylat và oxalat. Glycolat và oxalat là nguyên nhân gây ra nhiễm toan chuyển hóa và tổn thương thận. Methanol được chuyển hóa thành formaldehyd, sau đó bị oxy hóa thành acid formic. Acid formic là nguyên nhân gây ra nhiễm toan chuyển hóa và rối loạn thị giác. Ethylen glycol và methanol không được chuyển hóa, do đó người bệnh tránh được tình trạng nhiễm độc thật sự do các chất chuyển hóa gây ra, đồng thời các chất mẹ có thể được loại bỏ ra khỏi cơ thể bằng biện pháp lọc máu hoặc đào thải qua thận.
3 Dược động học
Sau khi uống, fomepizol được hấp thu hoàn toàn qua Đường tiêu hóa nhưng thường được dùng dưới dạng tiêm tĩnh mạch. Thời gian đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương là 1,5 - 2 giờ. Sau đó phân bố nhanh vào dịch cơ thể, tỷ lệ gắn với protein huyết tương không đáng kể, Thể tích phân bố Vd là 0,6 - 1,2 lít/kg. Thuốc được chuyển hóa qua gan thành 4-carboxypyrazol (80 - 85%), 4-hydroxymethylpyrazol, liên hợp N-glucuronid, nếu dùng nhiều liều sẽ nhanh chóng xảy ra hiện tượng cảm ứng enzym qua hệ enzym CYP450 dẫn đến tăng tốc độ thải trừ sau 30 - 40 giờ. Thuốc đào thải qua nước tiểu dưới dạng đã chuyển hóa và 1 - 3,5% là chưa chuyển hóa. Nửa đời thải trừ thay đổi theo liều.
4 Chỉ định
Điều trị ngộ độc methanol hoặc ethylen glycol đơn độc hoặc kết hợp với chạy thận nhân tạo.
Lưu ý: Fomepizol là thuốc giải độc trong trường hợp xác định hoặc nghi ngờ ngộ độc ethylen glycol hoặc methanol. Nếu không có sẵn fomepizol hoặc bệnh nhân không dung nạp thì có thể thay thế bằng ethanol.
5 Chống chỉ định
Quá mẫn với fomepizol hoặc pyrazol khác.
6 Thận trọng
Fomepizol không nên dùng khi chưa pha loãng hoặc bằng cách tiêm bolus. Tiêm bolus fomepizol 25 mg/ml có thể gây kích ứng và xơ cứng tĩnh mạch. Bệnh nhân cần được theo dõi các phản ứng dị ứng dù nhẹ (phát ban nhẹ, tăng bạch cầu ái toan).
Ngoài việc giải độc bằng fomepizol, bệnh nhân ngộ độc ethylen glycol hoặc methanol cần được điều trị nhiễm toan chuyển hóa, suy thận (ethylen glycol), suy hô hấp, tổn thương thị giác (methanol), và hạ calci huyết. Người bệnh nên được đánh giá và bù dịch nếu cần và truyền Natri bicarbonat. Các biện pháp khác là bổ sung Kali, calci, đảm bảo hô hấp. Chạy thận nhân tạo khi nồng độ methanol hoặc ethylen glycol trong máu cao, bệnh nhân vô niệu, nhiễm toan chuyển hóa nặng hoặc tăng urê huyết. Theo dõi điều trị thường xuyên bằng xét nghiệm khí máu, pH, điện giải, BUN, creatinin, và phân tích nước tiểu. Bệnh nhân ngộ độc ethylen glycol nên được theo dõi nồng độ ethylen glycol trong máu và nước tiểu, sự xuất hiện của tinh thể oxalat niệu. Tương tự, bệnh nhân ngộ độc methanol nên được theo dõi nồng độ methanol huyết thanh. Một số thăm dò và xét nghiệm khác có thể thực hiện như điện tâm đồ, chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ sọ não, điện não đồ, enzym gan và bạch cầu, đặc biệt bạch cầu ái toan.
Người suy gan: Sử dụng thận trọng vì thuốc được chuyển hóa qua gan.
Người suy thận: Sử dụng thận trọng vì thuốc và các chất chuyển hóa được đào thải qua thận. Nên cân nhắc chạy thận nhân tạo trên bệnh nhân suy thận, đặc biệt có nhiễm toan chuyển hóa (pH<7,25 -7,3), hoặc nồng độ ethylen glycol hoặc methanol ≥ 50 mg/dl.
Trẻ em và người già: Chưa đủ bằng chứng về mức độ an toàn và hiệu quả của thuốc.
7 Thời kỳ mang thai
Fomepizol chưa có các nghiên cứu trên động vật sinh sản, vì vậy chưa rõ thuốc có gây hại cho thai nhi hay phụ nữ có thai hoặc ảnh hưởng đến khả năng sinh sản hay không. Vì vậy chỉ sử dụng fomepizol cho phụ nữ mang thai khi thật cần thiết.
8 Thời kỳ cho con bú
Chưa có bằng chứng cho thấy fomepizol bài xuất qua sữa mẹ. Tuy nhiên cần thận trọng khi dùng fomepizol cho phụ nữ đang cho con bú. .
9 Tác dụng không mong muốn (ADR)
9.1 Rất thường gặp
TKTW: đau đầu (14%).
Tiêu hóa: buồn nôn (11%).
9.2 Thường gặp
Tim mạch: nhịp tim chậm, bốc hỏa, hạ huyết áp, viêm tĩnh mạch, sốc, nhịp tim nhanh.
TKTW: chóng mặt (6%), buồn ngủ (6%), vị kim loại trong miệng (6%), lo âu, thay đổi mùi vị, kích động, co giật, rối loạn ngôn ngữ, chóng mặt.
Da: phát ban.
Tiêu hóa: mùi vị khó chịu (< 6%), đau bụng, giảm ngon miệng, ỉa chảy, ợ nóng, nấc, nôn.
Tiết niệu: vô niệu.
Huyết học: thiếu máu, đông máu rải rác nội mạch (DIC), tăng bạch cầu ái toan, viêm hạch bạch huyết.
Tại chỗ: phản ứng tại chỗ tiêm, viêm đau tại chỗ tiêm.
Thần kinh cơ xương: đau lưng.
Mắt: rung giật nhãn cầu, nhìn mờ, rối loạn thị giác.
Hô hấp: viêm họng hạt.
Khác: sốt, suy đa tạng.
9.3 Ít gặp
Phản ứng quá mẫn (dị ứng nhẹ, tăng bạch cầu ái toan).
9.4 Hướng dẫn cách xử trí ADR
Với các phản ứng bất lợi nhẹ, chỉ cần ngừng sử dụng thuốc. Nếu quá mẫn nặng hoặc dị ứng nặng, cần tiến hành điều trị hỗ trợ (hỗ trợ hô hấp, dùng vận mạch, kháng histamin, corticoid...).
Các xét nghiệm có thể tiến hành để theo dõi đáp ứng của người bệnh với fomepizol bao gồm: nồng độ ethylen glycol hoặc methanol huyết thanh/nước tiểu, áp lực thẩm thấu máu/nước tiểu, chức năng gan/thận, điện giải đồ, khí máu động mạch, khoảng trống anion.
10 Liều lượng và cách dùng
10.1 Cách dùng
Fomepizol phải được dùng ngay lập tức cho bệnh nhân nếu nghi ngờ ngộ độc ethylen glycol hoặc methanol.
Đường dùng: Truyền tĩnh mạch chậm trên 30 phút dung dịch fomepizol sau khi pha loãng với ít nhất 100 ml dung dịch vô khuẩn Natri clorid 0,9% hoặc dung dịch tiêm dextrose 5%.
10.2 Liều lượng
Người lớn: Liều nạp là 15 mg/kg, tiếp theo là liều duy trì 10 mg/ kg cứ 12 giờ một lần, dùng 4 liều, sau đó 15 mg/kg mỗi 12 giờ cho đến khi nồng độ ethylen glycol hoặc methanol giảm xuống dưới 20 mg/dl và bệnh nhân không có triệu chứng với pH máu động mạch bình thường.
Lưu ý: Đối với trường hợp nhiễm độc nặng cần kết hợp lọc máu thẩm tách cấp cứu.
Trẻ em và người già: Chưa có dữ liệu liều dùng fomepizol trên các đối tượng này.
Trên bệnh nhân chạy thận nhân tạo: Tần suất dùng thuốc nên tăng lên mỗi 4 giờ trong khi lọc máu.
Lúc bắt đầu lọc máu: Nếu thời gian bắt đầu lọc dưới 6 giờ sau khi dùng fomepizol liều cuối thì không cần thêm liều. Nếu từ 6 giờ trở lên thì thêm liều tiếp theo.
Trong quá trình lọc máu: Dùng liều duy trì mỗi 4 giờ.
Lúc kết thúc lọc máu: Nếu liều cuối fomepizol và lúc kết thúc lọc mẫu dưới 1 giờ thì không cần thêm liều. Nếu từ 1 - 3 giờ thì thêm 1/2 liều kế tiếp. Nếu trên 3 giờ thì thêm 1 liều kế tiếp fomepizol.
Liều duy trì sau khi lọc máu: Liều fomepizol tiếp theo sau liều cuối cùng 12 giờ.
11 Tương tác thuốc
Liều uống fomepizol (10 - 20 mg/kg), thông qua ức chế alcohol dehydrogenase, làm giảm đáng kể tốc độ thải trừ ethanol (khoảng 40%). Ethanol làm giảm tốc độ thải trừ fomepizol (khoảng 50%) theo cơ chế tương tự.
Tương tác có thể xảy ra khi sử dụng đồng thời fomepizol và các thuốc cảm ứng hoặc ức chế cytochrom P450 (ví dụ: Phenytoin, carbamazepin, cimetidin, ketoconazol), tuy nhiên chưa có bằng chứng cụ thể.
12 Quá liều và xử trí
12.1 Triệu chứng
Buồn nôn, chóng mặt và mất thăng bằng được ghi nhận ở những người tình nguyện khỏe mạnh dùng fomepizol liều 50 và 100 mg/kg, tức gấp 3 - 6 lần liều khuyến cáo (nồng độ thuốc trong huyết tương từ 290 - 520 micromol/lít, tức 23,8 - 42,6 mg/lít. Tác động này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn ở hầu hết các đối tượng và chỉ có 1 người kéo dài đến 30 giờ.
12.2 Xử trí
Có thể điều trị quá liều fomepizol bằng lọc máu thẩm tách.
Cập nhật lần cuối: 2020.