Fluorometholone
8 sản phẩm
Dược sĩ Hương Trà Dược sĩ lâm sàng - Đại học Y Dược Thái Nguyên
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Bài viết biên soạn theo
Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba
Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022
Trang 768-769, tải PDF TẠI ĐÂY
FLUOROMETHOLON
Tên chung quốc tế: Fluorometholone.
Mã ATC: S01BA07 (thuốc dùng cho mắt).
Loại thuốc: Corticosteroid, dùng cho mắt.
1 Dạng thuốc và hàm lượng
Fluorometholon, dùng cho mắt: Hỗn dịch 0,1%; 0,25%, thuốc mỡ 0,1%.
Fluorometholon acetat, dùng cho mắt: Hỗn dịch 0,1%.
Fluorometholon kết hợp muối natri sulfacetamid, dùng cho mắt: Hỗn dịch 0,1% fluorometholon, 10% natri sulfacetamid.
Fluorometholon acetat kết hợp tobramycin, dùng cho mắt: Hỗn dịch 0,1% fluorometholon, 0,3% tobramycin.
2 Dược lực học
Fluorometholon là một corticosteroid tổng hợp có gắn fluor cũng có cấu trúc liên quan đến progesteron. Fluorometholon được dùng với hoạt tính chống viêm của glucocorticoid. Tác dụng chống viêm tại mắt của fluorometholon là do thuốc kích thích tổng hợp các protein lipocortin. Các lipocortin ức chế phospholipase A2, do đó ức chế giải phóng acid arachidonic là tiền chất để tổng hợp các eicosanoid gây viêm như prostaglandin và leukotrien. Fluorometholon có tác dụng chống viêm do cơ học, hóa học và miễn dịch. Thuốc làm giảm phù nề, giảm lắng đọng fibrin và Collagen, ức chế tụ tập bạch cầu và giảm hình thành sẹo.
3 Dược động học
Fluorometholon hấp thu vào thủy dịch mắt. Thuốc được hấp thu rất ít (nếu có) vào máu vì chỉ dùng liều thấp.
4 Chỉ định
Viêm ở mắt (điều trị ngắn ngày): Viêm bờ mi, viêm kết mạc, viêm giác mạc, viêm củng mạc, viêm thượng củng mạc, viêm mống mắt - thể mi, viêm màng bồ đào, viêm sau mổ, chấn thương giác mạc do dị vật, bỏng.
Nhiễm khuẩn ở mắt: Kết hợp với kháng sinh.
5 Chống chỉ định
Mẫn cảm với thuốc.
Viêm giác mạc và kết mạc gây ra bởi hầu hết các virus như Herpes simplex, Vaccinia và Varicella.
Nhiễm khuẩn mắt do trực khuẩn kháng cồn kháng acid (Mycobacteria).
Nhiễm nấm mắt.
6 Thận trọng
Nhỏ mắt fluorometholon liều cao hoặc kéo dài làm tăng nguy cơ biến chứng mắt và có thể gây ra các ADR toàn thân. Nếu phản ứng viêm không giảm trong một thời gian hợp lý, nên ngừng và thay đổi điều trị.
Dùng fluorometholon tại chỗ có thể làm giảm bài tiết cortisol trong nước tiểu cũng như làm giảm nồng độ trong huyết tương. Corticoid làm trẻ em chậm lớn, đặc biệt khi dùng liều cao và kéo dài. Dùng fluorometholon nhỏ mắt kéo dài có thể gây tăng nhãn áp và hoặc glôcôm dẫn đến tổn thương dây thần kinh thị giác, giảm thị lực, đục thể thủy tinh dưới bao sau. Khi dùng trên 10 ngày, phải kiểm tra thường xuyên nhãn áp.
Các thuốc corticoid có thể che mất các dấu hiệu nhiễm khuẩn hoặc làm nặng thêm nhiễm khuẩn đã có. Cần tham vấn nguy cơ nhiễm khuẩn khi đang dùng thuốc và có chấn thương mắt. Sau khi điều trị kéo dài với corticoid ở mắt, phải kiểm tra kĩ nhiễm nấm giác mạc. Ngừng điều trị đột ngột khi đang dùng thuốc liều cao và kéo dài có thể gây ra một đợt viêm mới.
Trong khi điều trị, không nên đeo kính sát tròng (cứng hay mềm).
Trẻ em dưới 2 tuổi: Hiệu quả và tính an toàn chưa được xác định.
7 Thời kỳ mang thai
Độ an toàn của thuốc này trong thời kỳ mang thai chưa được xác định. Tránh dùng fluorometholon kéo dài hoặc thường xuyên cho phụ nữ mang thai hoặc có khả năng mang thai.
8 Thời kỳ cho con bú
Dùng thận trọng đối với người đang cho con bú, nhất là dùng kéo dài.
9 Tác dụng không mong muốn (ADR)
Ít gặp
Mắt: kích ứng, sung huyết, rối loạn thị giác nhất thời sau khi nhỏ thuốc.
Hiếm gặp
Nhiễm khuẩn: mắt (nặng lên hoặc thứ phát).
Miễn dịch: dị ứng.
Thần kinh: thay đổi thị trường (liên quan đến glôcôm).
Mắt: đục thể thủy tinh dưới bao, glôcôm, giảm thị lực, ngứa mắt.
Toàn thân: chậm lớn.
Rất hiếm gặp
Mắt: Thủng giác mạc.
Chưa xác định được tần suất
Tăng nhãn áp.
Hướng dẫn cách xử trí ADR
Các ADR phần lớn đều nhẹ. Phải theo dõi sát nhiễm khuẩn ở mắt, nhãn áp và tránh dùng thuốc kéo dài.
10 Liều lượng và cách dùng
10.1 Cách dùng
Nhỏ hoặc bôi thuốc vào túi kết mạc của mắt bị bệnh. Dạng hỗn dịch: Lắc mạnh trước khi dùng. Không nên dừng thuốc đột ngột mà phải giảm dần liều lượng.
10.2 Liều dùng
Người lớn và trẻ em ≥ 2 tuổi:
Điều trị viêm mắt:
Hỗn dịch fluorometholon 0,1%: 2 - 4 lần/ngày, mỗi lần I - 2 giọt. Trong 24 - 48 giờ đầu điều trị có thể tăng liều tới mỗi lần 1 giọt, cách 4 giờ nhỏ một lần.
Hỗn dịch fluorometholon 0,25%: 2 - 4 lần/ngày, mỗi lần 1 giọt. Trong 24 - 48 giờ đầu điều trị có thể tăng liều tới mỗi lần 1 giọt, cách 4 giờ nhỏ một lần.
Thuốc mỡ fluorometholon 0,1%: 1 - 3 lần/ngày, mỗi lần 1 khoảng 1,3 cm. Trong 24 - 48 giờ đầu điều trị có thể tăng liều tới mỗi lần 1,3 cm, cách 4 giờ bôi một lần.
Hỗn dịch fluorometholon acetat 0,1%: 1 - 2 giọt/lần, 4 lần/ngày. Trong 24 - 48 giờ đầu điều trị, có thể tăng liều tới mỗi lần 2 giọt, cách 2 giờ nhỏ một lần.
Điều trị nhiễm khuẩn mắt:
Dạng hỗn dịch fluorometholon kết hợp natri sulfacetamid: 4 lần/ ngày, mỗi lần 1 giọt.
Dạng hỗn dịch fluorometholon acetat kết hợp tobramycin: 1 - 2 giọt/lần, cách 4 - 6 giờ nhỏ một lần. Trong 24 - 48 giờ đầu điều trị có thể tăng liều tới mỗi lần 1 - 2 giọt, cách 2 giờ nhỏ một lần. Chú ý: Thời gian điều trị phụ thuộc vào loại bệnh và mức độ nghiêm trọng của bệnh, có thể xê dịch từ vài ngày đến vài tuần. Cần đánh giá bệnh nhân có cải thiện tình trạng bệnh trong vòng 2 - 14 ngày hay không. Nếu tình trạng bệnh không được cải thiện thì ngừng thuốc và bắt đầu áp dụng liệu pháp khác. Ở bệnh nhân mạn tính, cần giảm dần số lần dùng thuốc trước khi ngừng thuốc.
11 Tương tác thuốc
Trong trường hợp dùng thêm các chế phẩm nhỏ mắt khác, giãn cách 10 phút giữa các lần nhỏ các thuốc. Chưa có nghiên cứu tương tác thuốc nào được thực hiện.
Hỗn dịch fluorometholon và natri Sulfacetamid không tương thích với Dung dịch nhỏ mắt có ion bạc.
Cập nhật lần cuối: 2020.