Fexofenadine
95 sản phẩm
Dược sĩ Hương Trà Dược sĩ lâm sàng - Đại học Y Dược Thái Nguyên
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Bài viết biên soạn theo
Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba
Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022
Trang 742-743, tải PDF TẠI ĐÂY
FEXOFENADIN HYDROCLORID
Tên chung quốc tế: Fexofenadine hydrochloride.
Mã ATC: R06AX26.
Loại thuốc: thuốc kháng histamin H1, thế hệ thứ hai.
1 Dạng thuốc và hàm lượng
Viên nang: 60 mg.
Viên nén: 30 mg, 60 mg, 120 mg,180 mg.
Viên nén phân tán trong miệng: 30 mg.
Hỗn dịch uống: 6 mg/ml (118 ml, 120ml, 240ml).
2 Dược lực học
Fexofenadin là thuốc kháng histamin thế hệ hai, có tác dụng đối kháng đặc hiệu và chọn lọc trên thụ thể H1, ngoại vi. Thuốc là một chất chuyển hóa có hoạt tính của terfenadin, cũng cạnh tranh với histamin tại các thụ thể H1 ở Đường tiêu hóa, mạch máu và đường hô hấp, nhưng không còn độc tính đối với tim do không ức chế kênh Kali liên quan đến sự tái cực tế bào cơ tim. Fexofenadin không có tác dụng đáng kể đối kháng acetylcholin, đối kháng dopamin và không có tác dụng ức chế thụ thể alpha, hoặc beta-adrenergic. Ở liều điều trị, thuốc không gây buồn ngủ hay ảnh hưởng đến TKTW. Thuốc có tác dụng nhanh và kéo dài do thuốc gắn chậm vào thụ thể H1, tạo thành phức hợp bền vững và tách ra chậm.
Fexofenadin cũng được dùng kết hợp với pseudoephedrin hydroclorid để điều trị viêm mũi dị ứng theo mùa ở người lớn và trẻ em trên 12 tuổi.
3 Dược động học
3.1 Hấp thu
Thuốc hấp thu tốt sau khi uống và bắt đầu tác dụng sau 60 phút. Cmax đạt được sau 2 - 3 giờ. Thức ăn giàu chất béo làm giảm Cmax khoảng 17% và kéo dài thời gian đạt Cmax (đến khoảng 4 giờ). Tác dụng kháng histamin kéo dài hơn 12 giờ.
3.2 Phân bố
Tỉ lệ liên kết với protein huyết tương của thuốc là 60 - 70%, chủ yếu với Albumin và alpha-acid glycoprotein. Không rõ thuốc có qua nhau thai hoặc bài tiết vào sữa mẹ hay không, nhưng khi dùng terfenadin đã phát hiện được fexofenadin là chất chuyển hóa của terfenadin có trong sữa mẹ. Fexofenadin không qua hàng rào máu - não.
3.3 Chuyển hóa
Fexofenadin rất ít bị chuyển hóa (khoảng 5%, chủ yếu ở niêm mạc ruột; chỉ có khoảng 0,5 - 1,5% được chuyển hóa ở gan nhờ hệ enzym cytochrom P450 thành chất không có hoạt tính). Khoảng 3,5% liều fexofenadin chuyển hóa qua pha II (không liên quan đến hệ enzym cytochrom P450) thành dẫn chất methyl ester. Chất chuyển hóa này chỉ thấy ở trong phân nên có thể có sự tham gia của các vi khuẩn đường ruột vào chuyển hóa này.
3.4 Thải trừ
Nửa đời thải trừ của fexofenadin khoảng 14,4 giờ, kéo dài hơn (31 - 72%) ở người suy thận. Thuốc thải trừ chủ yếu qua phân (xấp xỉ 80%) và nước tiểu (11 - 12%) dưới dạng không đổi. Loại bỏ thuốc bằng thẩm phân máu không hiệu quả.
Dược động học ở người suy thận so với người khỏe mạnh:
- Clcr 41 - 80 ml/phút: Cmax cao hơn 87%, t1/2 kéo dài hơn 59%.
- Clcr 11 - 40 ml/phút: Cmax cao hơn 111%, t1/2 kéo dài hơn 72%.
- Clcr ≤10 ml/phút (ở người đang thực hiện thẩm phân): Cmax cao hơn 82% và t1/2 kéo dài hơn 31%.
4 Chỉ định
Điều trị triệu chứng trong viêm mũi dị ứng theo mùa, mày đay mạn tính vô căn.
5 Chống chỉ định
Quá mẫn với fexofenadin.
6 Thận trọng
Tuy fexofenadin ít gây buồn ngủ, nhưng vẫn cần thận trọng khi lái xe hoặc điều khiển máy móc.
Cần thận trọng và điều chỉnh liều thích hợp khi dùng thuốc cho người cao tuổi (trên 65 tuổi), người suy thận.
Độ an toàn và hiệu quả của thuốc ở trẻ em dưới 6 tuổi chưa được xác định.
Cần ngừng fexofenadin ít nhất 24 - 48 giờ trước khi tiến hành các thử nghiệm da.
Dùng fexofenadin làm bệnh vẩy nến nặng lên.
Mặc dù fexofenadin không gây độc cho tim như terfenadin, nhưng fexofenadin đã gây kéo dài khoảng QT, ngất và rối loạn nhịp thất ở ít nhất một bệnh nhân mắc bệnh tim mạch.
7 Thời kỳ mang thai
Không có bằng chứng thuốc gây quái thai ở người. Tuy nhiên, không nên dùng thuốc kháng histamin ở phụ nữ mang thai, thuốc chỉ được dùng khi lợi ích cho mẹ vượt trội nguy cơ cho con.
8 Thời kỳ cho con bú
Phần lớn thuốc kháng histamin thấy trong sữa mẹ với lượng khác nhau, mặc dù chưa có bằng chứng thuốc gây hại cho trẻ bú mẹ, nhưng nên tránh dùng thuốc trong thời kỳ cho con bú.
9 Tác dụng không mong muốn (ADR)
Các ADR của thuốc không bị ảnh hưởng bởi liều dùng, tuổi, giới và chủng tộc của bệnh nhân.
9.1 Rất thường gặp
TKTW: đau đầu (5 - 11%).
Tiêu hóa: nôn.
9.2 Thường gặp
TKTW: buồn ngủ, mệt mỏi, mất ngủ, chóng mặt.
Tiêu hóa: buồn nôn, khó tiêu, ỉa chảy.
Khác: dễ bị nhiễm virus, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, đau bụng trong kỳ kinh nguyệt, ngứa họng, ho, sốt, viêm tai giữa, viêm xoang, đau lưng.
9.3 Ít gặp
Thần kinh: sợ hãi, rối loạn giấc ngủ, ác mộng.
Tiêu hóa: khô miệng, đau bụng.
9.4 Hiếm gặp
Da: ban, mày đay, ngứa.
Phản ứng quá mẫn: phù mạch, tức ngực, khó thở, đỏ bừng, phản vệ.
9.5 Hướng dẫn cách xử trí ADR
ADR của thuốc thường nhẹ, chỉ 2,2% người bệnh phải ngừng thuốc do ADR của thuốc.
10 Liều lượng và cách dùng
10.1 Cách dùng
Thuốc dùng đường uống. Thời điểm uống thuốc không phụ thuộc vào bữa ăn. Uống thuốc không cần chú ý đến bữa ăn, nhưng không được uống quá gần (trong 15 phút) với các thuốc kháng acid chứa magnesi và nhôm. Không uống với nước hoa quả vì có thể làm giảm sinh khả dụng của thuốc.
Sinh khả dụng của nang fexofenadin tương đương với viên nén.
10.2 Liều lượng
10.2.1 Điều trị triệu chứng trong viêm mũi dị ứng theo mùa
Người lớn và trẻ em ≥ 12 tuổi: 60 mg × 2 lần/ngày, hoặc 120 mg x 1 lần/ngày, hoặc 180 mg × 1 lần/ngày.
Trẻ em 6 - dưới 12 tuổi: 30mg x 2 lần/ngày.
10.2.2 Mày đay mạn tính vô căn
Người lớn và trẻ em ≥ 12 tuổi: 60 mg × 2 lần/ngày hoặc 180 mg × 1 lần/ngày.
Trẻ em từ 6 tuổi - dưới 12 tuổi: 30 mg × 2 lần/ngày.
10.2.3 Người suy thận và người già
Trẻ em ≥ 12 tuổi và người lớn bị suy thận, người già: Bắt đầu dùng từ liều 60mg uống 1 lần/ngày, điều chỉnh liều theo chức năng thận.
Trẻ em từ 6 - dưới 12 tuổi bị suy thận: 30mg x 1 lần/ngày.
11 Tương tác thuốc
Các thuốc nên tránh phối hợp với fexofenadin: aclidinium, Azelastin (mũi), cimetropium, eluxadolin, glucagon, glycopyrolat Ipratropium (hít qua miệng), levosulpirid, orphenadrin, paraldehyd, Kali clorid, thalidomid, Tiotropium, umeclidinium, thuốc kháng acid chứa nhôm, magnesi.
Erythromycin và ketoconazol: Làm tăng nồng độ fexofenadin trong huyết tương nhưng không làm thay đổi khoảng QT.
Verapamil, các chất ức chế p-glycoprotein: Nồng độ fexofenadin có thể bị tăng.
Cồn, thuốc an thần, chất kháng cholinergic: Fexofenadin có thể làm tăng nồng độ các chất này.
Chất ức chế acetylcholinesterase, betahistin: Fexofenadin có thể làm giảm nồng độ các chất này (ở TKTW).
Chất ức chế acetylcholinesterase, amphetamin, các chất kháng acid, nước ép bưởi, rifampin: Fexofenadin có thể bị giảm nồng độ bởi các chất này (ở TKTW).
12 Tương kỵ
Nước hoa quả (cam, Bưởi chùm, táo) có thể làm giảm sinh khả dụng của fexofenadin tới 36%. Tránh dùng fexofenadin với cồn ethylic (rượu) vì làm tăng nguy cơ an thần (ngủ).
13 Quá liều và xử trí
13.1 Triệu chứng
Thông tin về độc tính cấp của fexofenadin còn hạn chế. Tuy nhiên, buồn ngủ, chóng mặt, khô miệng đã được báo cáo.
13.2 Xử trí
Không có thuốc giải độc đặc hiệu. Sử dụng các biện pháp thông thường (như gây nôn, rửa dạ dày) để loại bỏ phần thuốc còn chưa được hấp thu ở ống tiêu hóa. Điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng. Thẩm phân máu không loại bỏ được fexofenadin.
Cập nhật lần cuối: 2019