Domperidone
44 sản phẩm
Dược sĩ Thu Hà Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Bài viết biên soạn dựa theo
Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba
Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022
Trang 626-628, tải PDF tại đây
DOMPERIDON
Tên chung quốc tế: Domperidone.
Mã ATC: A03FA03.
Loại thuốc: Thuốc chống nôn/thuốc đối kháng dopamin.
1 Dạng thuốc và hàm lượng
Domperidon thường được sử dụng ở dạng muối maleat; dạng muối hydroclorid hoặc betacyclodextrin cũng đã được dùng.
Liều lượng thuốc được tính theo domperidon base.
Viên nén: 10 mg (dùng dạng domperidon maleat).
Hỗn dịch uống: 1 mg/1 ml, chai 200 ml (dùng dạng domperidol base).
2 Dược lực học
Domperidon là chất đối kháng thụ thể dopamin, tương tự như metoclopramid. Tác dụng của thuốc chủ yếu là do đối kháng thụ thể D2, ít ảnh hưởng trên các thụ thể khác. Do thuốc hầu như không có tác dụng lên các thụ thể dopamin ở não nên domperidon không có ảnh hưởng lên tâm thần và thần kinh. Domperidon thúc đẩy nhu động của dạ dày (prokinetic agent), làm tăng trương lực cơ thắt tâm vị và làm tăng biên độ mở rộng của cơ thắt môn vị sau bữa ăn, nhưng lại không ảnh hưởng lên sự bài tiết của dạ dày. Thuốc dùng để điều trị triệu chứng buồn nôn và nôn cấp, cả buồn nôn và nôn do dùng Levodopa hoặc Bromocriptin ở người bệnh Parkinson. Tuy nhiên, do không vào được TKTW, chỉ tác dụng ở ngoại biên (vùng kích hoạt thụ thể hóa học ở sàn não thất 4 và trên ống tiêu hóa) nên tác dụng chống nôn của domperidon không bằng metoclopramid nhưng ít gây hội chứng ngoại tháp hơn. Domperidon cũng có khả năng đối kháng lại tác dụng ức chế bài tiết prolactin gây ra bởi dopamin hoặc apomorphin, làm tăng rõ rệt nồng độ prolactin trong huyết tương.
3 Dược động học
Domperidon được hấp thu ở đường tiêu hóa, nhưng có sinh khả dụng đường uống thấp (uống lúc đói chỉ vào khoảng 15%) do chuyển hóa bước đầu của thuốc qua gan và chuyển hóa ở ruột. Thuốc cũng được hấp thu khi đặt trực tràng với sinh khả dụng tương đương với sinh khả dụng sau khi uống, nhưng nồng độ đỉnh trong huyết tương chỉ bằng 1/3 nồng độ đỉnh đạt được sau khi uống và hấp thu chậm hơn (đạt nồng độ đỉnh sau 1 giờ so với 30 phút sau khi uống hoặc tiêm bắp). Sinh khả dụng của thuốc sau khi uống tăng lên rõ rệt (từ 13% lên khoảng 23%) nếu uống thuốc 90 phút sau khi ăn, nhưng thời gian để đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương thì chậm lại.
Thuốc liên kết với protein huyết tương khoảng từ 91 - 93%. Thể tích phân bố của thuốc khoảng 5,71 lít/kg thể trọng. Có khoảng 0,2 - 0,8% lượng thuốc có khả năng qua hàng rào nhau thai. Domperidon được bài tiết vào sữa mẹ, đạt nồng độ từ 10 - 50% so với nồng độ trong huyết tương mẹ. Domperidon hầu như không qua hàng rào máu - não.
Thuốc chuyển hóa rất nhanh và nhiều ở gan nhờ quá trình hydroxyl hóa và khử N-alkyl oxy hóa. Nửa đời thải trừ ở người khỏe mạnh khoảng 7,5 giờ và kéo dài ở người có suy giảm chức năng thận (nửa đời thải trừ có thể tăng lên đến 21 giờ trên bệnh nhân có nồng độ creatinin huyết tương lớn hơn 530 mmol/lít).
Domperidon đào thải theo phân và nước tiểu, chủ yếu dưới dạng các chất chuyển hóa: 30% liều uống đào thải theo nước tiểu trong 24 giờ (1% ở dạng nguyên vẹn); 66% đào thải theo phân trong vòng 4 ngày (10% ở dạng nguyên vẹn).
4 Chỉ định, chống chỉ định
4.1 Chỉ định
Điều trị ngắn hạn triệu chứng buồn nôn và nôn do các nguyên nhân khác nhau như dùng các thuốc đồng vận dopamin để điều trị bệnh Parkinson (levodopa hoặc bromocriptin).
Thuốc không dùng để chống nôn kéo dài, không dùng để phòng ngừa nôn sau phẫu thuật.
Giảm đau dạ dày ruột trong chăm sóc giảm nhẹ.
4.2 Chống chỉ định
Quá mẫn với domperidon.
Rối loạn dẫn truyền tim hoặc bệnh tim.
Suy gan vừa và nặng.
Dùng phối hợp với thuốc kéo dài khoảng QT, hoặc phối hợp với các thuốc ức chế mạnh CYP3A4 (như cimetidin, ketoconazol, erythromycin) do có khả năng gia tăng nguy cơ làm kéo dài khoảng QT trên điện tâm đồ.
Chảy máu Đường tiêu hóa hoặc thủng đường tiêu hóa.
Tắc ruột cơ học.
U tuyến yên tiết prolactin.
Phụ nữ mang thai.
5 Thận trọng
Chỉ nên dùng domperidon cho người bệnh Parkinson khi các biện pháp chống nôn khác an toàn hơn không có tác dụng. Do đã có những báo cáo về tác dụng ngoại tháp liên quan đến sử dụng domperidon, cần thận trọng với nguy cơ thuốc gây tác dụng có hại ở TKTW.
Thận trọng khi dùng cho người bệnh có rối loạn điện giải rõ rệt (hạ Kali huyết, hạ magnesi huyết). Ở bệnh nhân trên 60 tuổi, có tăng nguy cơ loạn nhịp thất khi sử dụng domperidon. Cần đánh giá điện tâm đồ trước và trong quá trình điều trị với domperidon ở trẻ em nếu có lo ngại về bệnh tim.
Giảm 30 - 50% liều ở người bệnh suy thận và cho uống thuốc làm nhiều lần trong ngày.
6 Thời kỳ mang thai và cho con bú
6.1 Thời kỳ mang thai
Chưa có dữ liệu về độ an toàn của domperidon trên người mang thai, tuy nhiên trên động vật đã thấy có khả năng gây dị tật thai, do vậy không dùng thuốc cho người mang thai.
6.2 Thời kỳ cho con bú
Một lượng nhỏ thuốc được bài tiết vào sữa mẹ, tuy nhiên chưa ghi nhận tác dụng bất lợi nào cho trẻ bú mẹ. Domperidon với liều thấp có thể được sử dụng để kích thích tiết sữa, nhưng do khả năng gây độc tính cao trên mẹ, nên tránh dùng thuốc này cho phụ nữ đang cho con bú.
7 Tác dụng không mong muốn (ADR)
7.1 Ít gặp
Tiêu hóa: nôn, buồn nôn, tiêu chảy, khô miệng.
TKTW: đau đầu, mất ngủ.
7.2 Hiếm gặp
Domperidon khó qua được hàng rào máu - não và ít có khả năng hơn metoclopramid gây ra các tác dụng ở TKTW như phản ứng ngoại tháp (bao gồm rối loạn trương lực cơ cấp và hội chứng an thần kinh ác tính), co giật.
Rối loạn ngoại tháp và buồn ngủ xảy ra với tỷ lệ rất thấp và thường do rối loạn tính thấm của hàng rào máu - não (trẻ đẻ non, tổn thương màng não) hoặc do quá liều.
Chảy sữa, rối loạn kinh nguyệt, mất kinh, vú to hoặc đau tức vú, giảm khoái cảm do tăng prolactin huyết thanh có thể gặp ở người bệnh dùng thuốc liều cao dài ngày.
Nguy cơ loạn nhịp thất nặng hoặc tử vong đột ngột do tim mạch cao hơn ở người bệnh dùng liều hàng ngày trên 30 mg và người bệnh trên 60 tuổi.
Phản ứng dị ứng bao gồm sốc phản vệ, mày đay, phù Quinck hiếm gặp khi dùng domperidon.
7.3 Hướng dẫn cách xử trí ADR
Ngừng dùng thuốc và điều trị triệu chứng nếu cần.
8 Liều lượng và cách dùng
8.1 Cách dùng
Thuốc dùng chủ yếu theo đường uống. Nên uống thuốc 15 - 30 phút trước bữa ăn.
Nên dùng domperidon với liều thấp nhất có hiệu quả, trong thời gian ngắn nhất.
Đợt điều trị thông thường không nên kéo dài quá 1 tuần.
8.2 Liều lượng
8.2.1 Điều trị nôn và buồn nôn
Người lớn (cân nặng ≥ 35 kg): 10 mg/lần, nhiều nhất 3 lần/ngày tới liều tối đa 30 mg/ngày.
Trẻ em (cân nặng < 35 kg): 250 microgam/kg/lần, nhiều nhất 3 lần/ ngày tới liều tối đa 750 microgam/kg/ngày.
Trẻ em 12 - 17 tuổi (cân nặng ≥ 35 kg): 10 mg/lần, nhiều nhất 3 lần/ ngày, tối đa 30 mg/ngày.
8.2.2 Giảm đau dạ dày ruột trong chăm sóc giảm nhẹ
Người lớn: 10 mg/lần, 3 lần mỗi ngày.
9 Tương tác thuốc
Thuốc giảm đau opioid và các thuốc kháng cholinergic có thể đối kháng tác dụng của domperidon trên nhu động đường tiêu hóa.
Các thuốc ức chế enzym chuyển hóa thuốc CYP3A4 ở gan (như ketoconazol và các azol chống nấm khác, Erythromycin, Clarithromycin, amiodaron, amprenavir, atazanavir, fosamprenavir, indinavir, nelfinavir, ritonavir, saquinavir, Diltiazem, Verapamil) có thể làm giảm chuyển hóa của domperidon, làm gia tăng nguy cơ gây kéo dài đoạn QT trên điện tâm đồ và nguy cơ gây loạn nhịp tim. Vì vậy nên tránh dùng cùng các thuốc này với domperidon.
Domperidon có thể đối kháng tác dụng làm giảm prolactin huyết tương của bromocriptin. Domperidon có thể làm tăng tốc độ hấp thu qua đường tiêu hóa của Paracetamol do làm thay đổi nhu động đường tiêu hóa.
10 Tương kỵ
Hầu như không có tương kỵ với các thuốc khác.
11 Quá liều và xử trí
11.1 Triệu chứng
Buồn ngủ, mất khả năng xác định phương hướng, hội chứng ngoại tháp, đặc biệt hay gặp ở trẻ em.
11.2 Xử trí
Rửa dạ dày, dùng than hoạt, điều trị triệu chứng. Các thuốc kháng cholinergic hoặc các thuốc điều trị Parkinson có khả năng giúp kiểm soát hội chứng ngoại tháp trong trường hợp quá liều.
Cập nhật lần cuối: 2016