Diphenhydramin

15 sản phẩm

Diphenhydramin

Ngày đăng:
Cập nhật:

Bài viết biên soạn dựa theo

Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba

Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022

DIPHENHYDRAMIN 

Tên chung quốc tế: Diphenhydramine

Mã ATC: D04AA32, R06AA02. 

Loại thuốc: Thuốc kháng histamin thế hệ 1; chất đối kháng thụ thể histamin H1. 

1 Dạng thuốc và hàm lượng 

Dùng dưới dạng muối hydroclorid: 

Viên nén, viên bao phim: 25 mg, 50 mg. 

Viên nhai: 12,5 mg. 

Viên nang: 25 mg, 50 mg. 

Dung dịch uống, sirô, cồn ngọt (elixir): 10 mg/5 ml; 12,5 mg/5 ml. 

Dung dịch tiêm: 50 mg/ml. 

Kem bôi: 2%. 

Ngoài ra còn có các dạng thuốc uống kết hợp diphenhydramin dạng muối hydroclorid hoặc citrat với các thuốc giảm đau, hạ sốt như Paracetamol, Aspirin, naproxen, thuốc chống sung huyết như phenylephrin, pseudoephedrin, guaifenesin; các dạng thuốc ngoài da kết hợp với Kẽm acetat. 

2 Dược lực học 

Cơ chế tác dụng: Diphenhydramin là một thuốc kháng histamin H thế hệ thứ nhất, thuộc nhóm dẫn xuất ethanolamin. Diphenhydramin cạnh tranh với histamin ở thụ thể histamin H1 và do đó ngăn cản tác dụng của histamin. Thuốc kháng histamin không ức chế giải phóng histamin. Diphenhydramin còn có tác dụng gây ngủ và kháng muscarinic. 

Diphenhydramin được dùng để làm giảm các triệu chứng dị ứng như mày đay, phù mạch, viêm mũi, viêm kết mạc, ngứa ngoài da và phối hợp điều trị sốc phản vệ. Thuốc có hiệu quả trong điều trị triệu chứng ho và cảm lạnh. Diphenhydramin được dùng để phòng và điều trị buồn nôn, nôn, chóng mặt do say tàu xe. Do tính chất kháng muscarinic, diphenhydramin được dùng để điều trị Parkinson. Thuốc còn được dùng để điều trị ngắn ngày chứng mất ngủ. Ngoài ra, thuốc còn được dùng để bôi ngoài da điều trị chứng ngứa và đau do tổn thương da. 

3 Dược động học 

3.1 Hấp thu

Diphenhydramin hydroclorid được hấp thu tốt qua đường uống, tuy nhiên bị chuyển hóa bước đầu ở gan, do đó chỉ có khoảng 40 - 60% diphenhydramin vào được hệ tuần hoàn và có tác dụng toàn thân. Thời gian đạt nồng độ đỉnh là 1 - 4 giờ sau khi uống một liều đơn. Sau khi uống liều đơn diphenhydramin 50 hoặc 100 mg ở người lớn khỏe mạnh, nồng độ đỉnh của thuốc lần lượt là 37 - 83 hoặc 81 - 159 ng/ml. Sau khi uống diphenhydramin liều 25 mg mỗi 4 giờ hoặc 50 mg mỗi 6 giờ, nồng độ đỉnh ở trạng thái ổn định của thuốc trong huyết tương lần lượt là 55 và 85 ng/ml. 

Tiêm tĩnh mạch diphenhydramin liều đơn 50 mg trên người lớn khỏe mạnh, nồng độ trong máu đạt được 99 - 196 ng/ml sau 1 giờ. Diphenhydramin có thể hấp thu qua da sau khi bôi và hiếm khi gây tác dụng toàn thân. 

3.2 Phân bố

Phân bố của diphenhydramin vào các mô và dịch của cơ thể chưa được mô tả đầy đủ. Sau khi tiêm tĩnh mạch trên chuột, thuốc đạt nồng độ cao ở phổi, lách, não và đạt nồng độ thấp hơn ở tim, cơ và gan. Diphenhydramin qua được nhau thai và vào được sữa mẹ, song mức độ phân bố vào sữa chưa được xác định. Sau khi tiêm tĩnh mạch ở người khỏe mạnh, thể tích phân bố của diphenhydramin khoảng 188 - 336 lít, thể tích phân bố của thuốc ở người châu Á cao hơn ở người da trắng. Tỷ lệ liên kết với protein huyết tương cao, khoảng 80 - 85% in vitro. Tỉ lệ gắn với protein ít hơn ở người xơ gan và người châu Á (so với người da trắng).

3.3 Chuyển hóa

Diphenhydramin được chuyển hóa nhanh và gần như hoàn toàn. Diphenhydramin được chuyển hóa qua gan khoảng 50%. Sau khi uống, diphenhydramin được chuyển qua gan lần đầu trước khi vào vòng tuần hoàn. Chất chuyển hóa chính là acid diphenylmethoxyacetic, các chất chuyển hóa đều không có hoạt tính. 

3.4 Thải trừ

Diphenhydramin được thải trừ chủ yếu qua nước tiểu dưới dạng các chất chuyển hóa, một lượng rất ít (khoảng 1%) đào thải dưới dạng không chuyển hóa. Ở người khỏe mạnh, nửa đời thải trừ khoảng 2,4 - 9,3 giờ. Tốc độ thải trừ diphenhydramin giảm theo tuổi và trên bệnh nhân xơ gan. 

4 Chỉ định 

Diphenhydramin được chỉ định để điều trị ở người lớn và trẻ em các bệnh hoặc tình trạng sau: 

Các tình trạng dị ứng, bao gồm viêm kết mạc dị ứng, bệnh da dị ứng không có biến chứng, phù mạch, phản ứng dị ứng ở máu hoặc huyết tương. 

Phối hợp trong điều trị sốc phản vệ sau khi các triệu chứng cấp đã được kiểm soát. 

Viêm mũi dị ứng. 

Ho và cảm lạnh. 

Hỗ trợ giấc ngủ. 

Ngứa ngoài da. 

Phòng và điều trị say tàu xe. 

Parkinson. 

5 Chống chỉ định 

Mẫn cảm với diphenhydramin và những thuốc kháng histamin tương tự khác. 

Trẻ sơ sinh và trẻ sinh non. 

Phụ nữ đang cho con bú. 

Dùng gây tê tại chỗ (tiêm). 

6 Thận trọng 

Người cao tuổi: Sử dụng các thuốc kháng histamin có thể gây chóng mặt, an thần và hạ huyết áp ở người cao tuổi. Tránh sử dụng diphenhydramin ở người cao tuổi (trừ những trường hợp đặc biệt như tình trạng dị ứng nặng) do tác dụng kháng cholinergic mạnh của diphenhydramin và do độ thanh thải giảm theo tuổi, do đó sẽ làm tăng nguy cơ xuất hiện tác dụng kháng cholinergic và độc tính của thuốc. 

Đặc biệt nên tránh sử dụng diphenhydramin ở bệnh nhân cao tuổi có nguy cơ bị mê sảng, vì tác dụng phụ trên thần kinh trung ương của thuốc có thể làm nặng thêm tình trạng mê sảng, sa sút trí tuệ và giảm nhận thức. Tránh sử dụng diphenhydramin ở bệnh nhân nam giới cao tuổi có bệnh đường tiết niệu dưới hoặc phì đại tuyến tiền liệt lành tính, do nguy cơ làm giảm lưu lượng nước tiểu và bí tiểu. 

Dạng kem bôi: Tránh dùng dạng kem bôi trên bệnh nhân bị thủy đậu, sởi, mụn nước hoặc những vùng da lớn. Đã có báo cáo về một số trường hợp ngộ độc ở trẻ em (giãn đồng tử, đỏ bừng mặt, ảo giác, bí tiểu, thay đổi dáng đi) khi dùng bôi ở da trên diện rộng (thường có tổn thương da) hoặc khi dùng đồng thời dạng bôi với dạng uống. Vì vậy không dùng đồng thời dạng bôi da với các dạng dùng khác của diphenhydramin. 

Tiền sử bệnh: Diphenhydramin có tác dụng giống atropin, do đó cần sử dụng diphenhydramin thận trọng trên bệnh nhân có tiền sử hen phế quản, tăng nhãn áp, cường giáp, bệnh tim mạch hoặc tăng huyết áp, tắc môn vị, tắc nghẽn cổ bàng quang, hô hấp. 

Tương tác thuốc: Tránh sử dụng diphenhydramin cùng với rượu và các thuốc khác gây ức chế thần kinh trung ương (hướng thần, an thần, gây ngủ), các thuốc khác có thể gây chóng mặt (như kháng histamin, thuốc cảm cúm dùng ban đêm). 

Đường tiêm: Không dùng diphenhydramin đường tiêm dưới da, trong da do có thể gây hoại tử cục bộ. 

Trẻ em: Sử dụng quá liều thuốc kháng histamin ở trẻ nhỏ có thể gây ảo giác, co giật và tử vong. Giống như ở người lớn, sử dụng thuốc kháng histamin cho trẻ có thể làm giảm tỉnh táo, tăng kích thích. Phải hết sức thận trọng khi dùng các loại thuốc ho, chống cảm cúm, ngạt mũi, không được kê đơn cho trẻ nhỏ thuốc có chứa diphenhydramin, vì đã xảy ra ngộ độc ở nhiều trẻ nhỏ dưới 2 tuổi (có cả tử vong). 

Cảnh báo bệnh nhân: Cần báo trước cho bệnh nhân thuốc này có thể gây chóng mặt, đặc biệt khi uống rượu. Bệnh nhân phải thận trọng khi lái xe hoặc vận hành máy móc vì diphenhydramin có tác dụng làm buồn ngủ nên làm giảm sự tỉnh táo. 

7 Thời kỳ mang thai và cho con bú

7.1 Thời kỳ mang thai

Các nghiên cứu trên động vật cho thấy diphenhydramin không gây hại cho thai. Tuy nhiên, diphenhydramin có thể qua nhau thai. Sử dụng diphenhydramin trong 3 tháng đầu thai kỳ có liên quan đến tăng nguy cơ hở vòm miệng và/hoặc một số bất thường khác của thai. Chưa có các nghiên cứu đầy đủ, được kiểm chứng trên phụ nữ mang thai, vì vậy chỉ dùng cho phụ nữ mang thai khi thật cần thiết. Có thể lựa chọn diphenhydramin đường tiêm trong trường hợp cần sử dụng thuốc kháng histamin đường tiêm cho phụ nữ mang thai. 

7.2 Thời kỳ cho con bú 

Diphenhydramin qua được sữa mẹ và có thể gây ra các phản ứng không mong muốn nghiêm trọng ở trẻ còn bú, cần phải lựa chọn giữa dùng thuốc này và cho con bú. 

8 Tác dụng không mong muốn (ADR) 

Các tác dụng không mong muốn của diphenhydramin thường là hiếm gặp và được phân chia theo các cơ quan tổ chức của cơ bị tác dụng: 

Da: mày đay, phát ban, viêm da, sung huyết tại chỗ tiêm. 

Miễn dịch: sốc phản vệ. 

Tim mạch: hạ huyết áp, đau đầu, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh, ngoại tâm thu

Máu: thiếu máu tan huyết, giảm tiểu cầu, mất bạch cầu hạt. 

TKTW: an thần, buồn ngủ, chóng mặt, rối loạn vận động, rối loạn trương lực cơ, dị cảm, nhìn mờ, ù tai, viêm mê đạo cấp, viêm dây thần kinh, co giật. 

Tâm thần: mệt mỏi, lú lẫn, bồn chồn, kích thích, lo lắng, run, mất ngủ, hưng phấn. 

Tiêu hóa: đau thượng vị, chán ăn, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, táo bón.

Tiết niệu - sinh dục: tiểu nhiều lần, khó tiểu, bí tiểu, kinh nguyệt sớm.

Hô hấp: dịch tiết phế quản đặc hơn, co thắt phế quản, khò khè, nghẹt mũi. 

Khác: nhạy cảm với ánh sáng, đổ mồi hôi, ớn lạnh, khô miệng - mũi - họng. 

Hướng dẫn cách xử trí ADR 

Cần giám sát các dấu hiệu trên bệnh nhân và điều trị giảm triệu chứng nếu cần. 

9 Liều lượng và cách dùng 

9.1 Cách dùng

Diphenhydramin có thể dùng đường uống (dạng viên nén, viên nang, viên nhai, dung dịch, sirô, cồn thuốc), tiêm (thuốc tiêm) và ngoài da (kem bôi). Dùng diphenhydramin qua đường tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch khi không thể uống được. Không dùng đường tiêm dưới da, trong da do tác dụng gây kích ứng. Khi tiêm bắp cần tiêm sâu. Khi tiêm tĩnh mạch cho trẻ em, có thể dùng dung dịch thuốc nồng độ 50 mg/ml hoặc pha loãng bằng dung dịch tiêm truyền Glucose 5%. Tiêm tĩnh mạch chậm, tốc độ không quá 25 mg/phút. 

9.2 Liều dùng 

9.2.1 Các tình trạng dị ứng, bao gồm

Viêm kết mạc dị ứng, phản ứng dị ứng ở máu và huyết tương, bệnh da dị ứng, phù mạch, phối hợp trong điều trị sốc phản vệ sau khi các triệu chứng cấp đã được kiểm soát 

Người lớn: Uống 25 - 50 mg/lần, 3 - 4 lần/ngày. Nếu không dùng được đường uống, chuyển sang tiêm bắp hoặc tĩnh mạch liều 10 - 50 mg/lần mỗi 4 - 6 giờ nếu cần, có thể tới 100 mg/lần, liều tối đa 400 mg/ngày. 

Trẻ em: Uống 12,5 - 25 mg/lần, 3 - 4 lần/ngày. Liều dùng có thể tính theo cân nặng 5 mg/kg/ngày, hoặc diện tích da cơ thể 150 mg/ m2/ngày, liều tối đa 300 mg/ngày. Nếu không dùng được đường uống, chuyển sang tiêm bắp hoặc tĩnh mạch liều 5 mg/kg/ngày hoặc 150 mg/m3/ngày chia 4 lần, liều tối đa 300 mg/ngày. 

9.2.2 Viêm mũi dị ứng, ho và cảm lạnh

Người lớn: Uống 25 - 50 mg/lần, cứ 4 - 6 giờ một lần, không quá 6 lần/ngày. 

Trẻ em ≥ 12 tuổi: Uống 25 - 50 mg/lần, cứ 4 - 6 giờ một lần, liều tối đa 300 mg/ngày. 

Trẻ em 6 - 12 tuổi: Uống 12,5 - 25 mg/lần, cứ 4 - 6 giờ một lần, liều tối đa 150 mg/ngày. 

9.2.3 Hỗ trợ giấc ngủ

Người lớn và trẻ > 12 tuổi: Uống 25 - 50 mg trước khi đi ngủ 30 phút.

9.2.4 Ngứa ngoài da

Người lớn và trẻ em ≥ 2 tuổi: Bôi lên vùng da bị ngứa, không quá 3 - 4 lần/ngày. 

9.2.5 Say tàu xe

Người lớn: Uống 25 - 50 mg/lần, 3 - 4 lần/ngày. Nếu không dùng được đường uống, chuyển sang tiêm bắp hoặc tĩnh mạch liều 10 - 50 mg/lần mỗi 6 giờ nếu cần, có thể tới 100 mg/lần, liều tối đa 400 mg/ngày. 

Trẻ em: Uống 12,5 - 25 mg/lần, 3 - 4 lần/ngày. Liều dùng có thể tính theo cân nặng 5 mg/kg/24 giờ, hoặc diện tích da cơ thể 150 mg/m/24 giờ, liều tối đa 300 mg/ngày. Nếu không dùng được đường uống, chuyển sang tiêm bắp hoặc tĩnh mạch liều 5 mg/kg/ ngày hoặc 150 mg/m’/ngày chia 4 lần, liều tối đa 300 mg/ngày. 

Trường hợp dự phòng say tàu xe: Uống liều đầu 30 phút trước khi đi xe, các liều tiếp theo sau bữa ăn và sau khi đi tàu xe. 

9.2.6 Parkinson

Người lớn: uống 25 - 50 mg/lần, 3 - 4 lần/ngày. Nếu không dùng được đường uống, chuyển sang tiêm bắp hoặc tĩnh mạch liều 10 - 50 mg, có thể tới 100 mg khi cần, liều tối đa 400 mg/ngày. 

10 Tương tác thuốc 

Thuốc ức chế hệ TKTW: Tác dụng ức chế hệ TKTW có thể tăng khi dùng đồng thời thuốc kháng histamin với các thuốc ức chế hệ TKTW như: rượu, thuốc an thần, gây ngủ và các thuốc kháng histamin khác. 

Thuốc ức chế MAO kéo dài và làm tăng tác dụng kháng cholinergic của thuốc kháng histamin. 

11 Quá liều và xử trí 

11.1 Triệu chứng

Quá liều thuốc kháng histamin có thể gây ức chế hoặc kích thích TKTW. Các triệu chứng thường gặp nhất là suy giảm nhận thức, rối loạn tâm thần, co giật, các phản ứng kháng muscarinic như giãn đồng tử, nhịp tim nhanh, loạn nhịp nhanh và suy hô hấp. Có thể xuất hiện khô miệng, đỏ bừng mặt và các triệu chứng trên tiêu hóa kèm theo. Quá liều ở trẻ em có thể dẫn đến ảo giác, co giật, thậm chí tử vong. 

11.2 Xử trí

Trường hợp quá liều do nuốt phải diphenhydramin trong vòng 1 giờ, có thể rửa dùng than hoạt để hấp phụ thuốc. Phương pháp này có thể hiệu quả vì chính tác dụng kháng cholinergic của diphenydramin làm chậm nhu động đường tiêu hóa nên sẽ làm chậm quá trình hấp thu thuốc. 

Không có thuốc giải độc đặc hiệu cho ngộ độc diphenhydramin, do đó xử trí bằng các phương pháp điều trị hỗ trợ. Trong trường hợp co giật, điều trị bằng benzodiazepin, PhenobarbitalPropofol nếu cần; tránh dùng Phenytoin hoặc fosphenytoin. Khi có triệu chứng kháng cholinergic nặng ở TKTW, kích thích, ảo giác, có thể dùng physostigmin tiêm tĩnh mạch. Dùng natri carbonat nếu có rối loạn nhịp thất, magnesi sulfat tĩnh mạch nếu có kéo dài khoảng QT trong điện tim đồ. Có thể sử dụng các thuốc vận mạch trong trường hợp bệnh nhân có hạ huyết áp. 

Cập nhật lần cuối: 2021

Xem thêm chi tiết

Các sản phẩm có chứa hoạt chất Diphenhydramin

Tusstadt (Chai 60ml)
Tusstadt (Chai 60ml)
Liên hệ
Naofaramin 50mg
Naofaramin 50mg
16.000₫
Noaztine 50mg
Noaztine 50mg
Liên hệ
Tabifobed-New
Tabifobed-New
Liên hệ
Mypara Flu Nighttime
Mypara Flu Nighttime
120.000₫
Diphenhydramine 10mg/1ml
Diphenhydramine 10mg/1ml
88.000₫
Nidal (viên)
Nidal (viên)
63.000₫
Crotax (dạng xịt)
Crotax (dạng xịt)
160.000₫
Remos Anti-Itch
Remos Anti-Itch
55.000₫
Sossleep
Sossleep
250.000₫
Nautamine
Nautamine
320.000₫
Dimedrol VinPhaco
Dimedrol VinPhaco
105.000₫
12 1/2

SO SÁNH SẢN PHẨM CÙNG HOẠT CHẤT

vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

hotline
0868 552 633
0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633