Diltiazem Hydrochlorid
6 sản phẩm
Dược sĩ Thu Hà Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 5 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Bài viết biên soạn dựa theo
Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba
Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022
Trang 599-602, tải PDF TẠI ĐÂY
DILTIAZEM HYDROCLORID
Tên chung quốc tế: Diltiazem hydrochloride.
Mã ATC: C08DB01.
Loại thuốc: Thuốc chẹn kênh calci, dẫn chất benzothiazepin.
1 Dạng thuốc và hàm lượng
Viên nên: 30 mg, 60 mg, 90 mg, 120 mg.
Viên nang giải phóng kéo dài: 60 mg, 90 mg, 120 mg, 180 mg, 240 mg, 300 mg, 360 mg.
Viên nén giải phóng kéo dài: 60 mg, 90 mg, 120 mg, 180 mg, 240 mg, 300 mg, 360 mg.
Thuốc tiêm: 5 mg/ml, 25 mg/5 ml, 50 mg/10 ml, 125 mg/15 ml.
Thuốc truyền tĩnh mạch: 100 mg.
2 Dược lực học
Diltiazem là một thuốc chẹn kênh calci thuộc dẫn chất benzothiazepin, không có cấu trúc dihydropyridin (nondihydropyridin). Tác dụng dược lý chủ yếu của diltiazem do ức chế dòng ion calci ở ngoài tế bào đi vào qua màng tế bào cơ tim và cơ trơn mạch máu mà không làm thay đổi nồng độ calci trong huyết thanh. Do “chẹn” kênh calci, diltiazem đã ức chế quá trình co bóp của cơ tim và cơ trơn mạch máu dẫn đến giãn mạch vành và mạch máu toàn thân, giảm co bóp cơ tim.
Trên những bệnh nhân đau thắt ngực thể Prinzmetal (đau thắt ngực do co thắt), tác dụng ức chế sự co thắt mạch vành của diltiazem làm tăng phân bố oxy đến cơ tim. Tác dụng giãn mạch của diltiazem làm giảm sức cản ngoại vi, giảm huyết áp và giảm hậu gánh cho tim. Khác với nifedipin, diltiazem ức chế hệ thống dẫn truyền tim, tác dụng chủ yếu vào nút nhĩ thất và một phần vào nút xoang. Do gắn vào kênh calci, diltiazem làm tăng thời kỳ trợ trên nút nhĩ thất, làm chậm dẫn truyền và kéo dài tái cực.
Trên bệnh nhân không bị rối loạn chức năng xoang nhĩ, diltiazem hiếm khi gây ra thay đổi có ý nghĩa lâm sàng đối với xoang nhĩ hoặc thời gian hồi phục nút xoang. Trên người bị bệnh xoang nhĩ (ví dụ, hội chứng nút xoang bệnh lý), thuốc có thể làm chậm nhịp tim, kéo dài chu kỳ nút xoang và có thể làm ngừng xoang hoặc blốc xoang nhĩ. Diltiazem ít tác động trên khoảng QT và không ảnh hưởng đến hệ thống dẫn truyền His-Purkinje. Diltiazem thuộc thuốc chống loạn nhịp nhóm IV.
3 Dược động học
Dược động học của diltiazem hydroclorid biến thiên rất nhiều giữa những người dùng thuốc.
3.1 Hấp thu
Sau khi uống viên nén quy ước, khoảng 80% liều uống được hấp thu nhanh qua Đường tiêu hóa. Do diltiazem bị chuyển hóa bước một qua gan rất mạnh nên chỉ khoảng 40% liều uống vào được vòng tuần hoàn chung dưới dạng thuốc không đổi.
Sinh khả dụng đường uống và nồng độ thuốc trung bình trong huyết tương ở trạng thái ổn định sau khi uống viên nang giải phóng kéo dài 120 mg ngày uống 2 lần tương đương với viên nén quy ước 60 mg ngày uống 4 lần. Tuy vậy, khi uống viên nang giải phóng kéo dài, nồng độ đỉnh trong huyết tương ở trạng thái ổn định thấp hơn và thời gian đạt được nồng độ đỉnh dài hơn. Thức ăn không ảnh hưởng đến mức độ hấp thu của viên nang giải phóng kéo dài nhưng tốc độ hấp thu có thể tăng nếu uống thuốc vào bữa ăn có nhiều chất béo.
Nồng độ đỉnh trong huyết thanh thường đạt được trong vòng 2 - 3 giờ sau khi uống viên nên quy ước và 4 - 11 giờ sau khi uống viên nang giải phóng kéo dài. Ở người lớn khỏe mạnh, sau khi tiêm tĩnh mạch liều đơn diltiazem hydroclorid 10 hoặc 15 mg trong 3 phút, giá trị trung bình nồng độ đỉnh của diltiazem trong huyết tương lần lượt tương ứng là 104 hoặc 492 nanogam/ml. Sau khi truyền tĩnh mạch liên tục 10 hoặc 15 mg/giờ, giá trị trung bình nồng độ đỉnh của thuốc trong huyết tương người lớn khỏe mạnh lần lượt tương ứng là 170 hoặc 270 nanogam/ml và số liệu này trên bệnh nhân cuồng động nhĩ/rung nhĩ là 242 hoặc 470 nanogam/ml.
Ở người lớn khỏe mạnh, sau khi truyền tĩnh mạch liên tục với tốc độ 10 mg/giờ, nồng độ thuốc ở trạng thái ổn định trong huyết tương trung bình khoảng 160 nanogam/ml. Trên người cao tuổi khỏe mạnh (65 - 77 tuổi) khi uống hoặc tiêm tĩnh mạch, AUC trung bình của diltiazem tăng khoảng 50% so với người trẻ trưởng thành, có thể do thuốc đào thải chậm hơn ở người cao tuổi.
3.2 Phân bố
Do diltiazem có tính thân lipid nên Thể tích phân bố khá lớn. Thuốc phân bố nhanh và rộng khắp vào các mô trong cơ thể. Ở người lớn khỏe mạnh truyền tĩnh mạch liều 4,8 - 13, 2 mg/giờ trong 24 giờ, thể tích phân bố trung bình của diltiazem ở trạng thái ổn định khoảng 360 - 390 lít. Diltiazem gắn với protein huyết tương khoảng 70 - 85% nhưng chỉ có khoảng 30 - 40% gắn với Albumin. Diltiazem xâm nhập được vào sữa mẹ, nồng độ thuốc trong sữa mẹ xấp xỉ nồng độ thuốc trong huyết thanh mẹ
3.3 Chuyển hóa và thải trừ
Trên người khỏe mạnh dùng thuốc theo đường uống, nửa đời của diltiazem khoảng 2 - 11 giờ, tuy nhiên nửa đời của các chất chuyển hóa có thể lên tới 20 giờ. Nửa đời có thể tăng nhẹ sau khi dùng đa liều.
Trên người lớn khỏe mạnh tiêm tĩnh mạch đơn liều diltiazem trong khoảng từ 10,5 - 21 mg, dược động học tỷ lệ thuận với liều dùng, nửa đời xấp xỉ 3,4 giờ và thanh thải toàn phần xấp xỉ 65 lít/giờ.
Trên bệnh nhân cuồng động nhĩ hoặc rung nhĩ tiêm tĩnh mạch diltiazem đơn liều 2,5 - 38,5 mg, Độ thanh thải toàn phần trung bình khoảng 36 lít/giờ. Trên người lớn khỏe mạnh truyền tĩnh mạch liên tục diltiazem 10 và 15 mg/ giờ, nửa đời tăng lên 4,1 - 5 giờ, thanh thải toàn phần giảm xuống tương ứng là 52 - 68 hoặc 48 lít/giờ, dược động học không tuyến tính khi truyền tĩnh mạch liên tục.
Trên bệnh nhân cuồng động nhĩ hoặc rung nhĩ truyền tĩnh mạch liên tục 10 hoặc 15 mg/giờ, nửa đời tăng lên tương ứng 6,8 hoặc 6,9 giờ và thanh thải toàn phần giảm xuống tương ứng 42 hoặc 31 lít/giờ.
Nửa đời của thuốc có thể tăng ở người cao tuổi nhưng không đổi hoặc chỉ tăng nhẹ trên bệnh nhân suy thận. Xơ gan làm giảm độ thanh thải biểu kiến của diltiazem và làm kéo dài nửa đời.
Diltiazem chuyển hóa nhanh và gần như hoàn toàn qua gan thông qua quá trình deacetyl hóa, N-demethyl hoá và O-demethyl hóa thành một vài chất có hoạt tính và ít nhất 5 chất không còn hoạt tính bởi hệ thống cytocrom P450 (CYP), trong đó chủ yếu bởi isoenzym CYP3A4. Thuốc và các chất chuyển hóa cũng trải qua quá trình liên hợp glucuronid và/hoặc liên hợp sulfat.
Sau khi tiêm tĩnh mạch các liều đơn diltiazem, nồng độ các chất chuyển hóa chính deacetyldiltiazem và N-monodesmethyldiltiazem rất thấp hoặc không phát hiện được.
Các chất chuyển hóa có hoạt tính chỉ được phát hiện khi truyền tĩnh mạch liên tục sau 30 phút và đạt nồng độ đỉnh sau khoảng từ 0,25 - 5 giờ. Khoảng 10 - 35% diltiazem được chuyển hóa thành deacetyldiltiazem, chất có tác dụng giãn mạch vành bằng 25 - 50% so với diltiazem.
Khoảng 2 - 4% liều dùng được thải trừ qua nước tiểu dưới dạng không đổi. Phần lớn thuốc thải trừ dưới dạng đã chuyển hóa qua nước tiểu và qua mật.
4 Chỉ định
Điều trị và dự phòng đau thắt ngực (dùng đường uống).
Điều trị tăng huyết áp nhẹ và vừa (dùng đơn độc hoặc phối hợp với các thuốc chống tăng huyết áp khác và chỉ dùng đường uống dạng thuốc giải phóng kéo dài).
Nhịp nhanh trên thất (dùng đường tiêm tĩnh mạch) bao gồm chuyển nhanh sang nhịp xoang trong cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất (PSVT) và kiểm soát tạm thời nhịp nhanh thất trong cuồng động nhĩ hoặc rung nhĩ khi không có chống chỉ định.
5 Chống chỉ định
Mẫn cảm với diltiazem.
Hội chứng suy nút xoang (trừ khi đã đặt máy tạo nhịp thất).
(Blốc) nhĩ thất độ 2 và độ 3 (trừ khi đã đặt máy tạo nhịp thất).
Hạ huyết áp nặng (huyết áp tâm thu < 90 mmHg).
Sốc tim.
Suy thất trái nặng kèm theo sung huyết phổi.
Porphyrin cấp.
Không nên dùng cho bệnh nhân nhịp nhanh thất, bệnh nhân cuồng động nhĩ hoặc rung nhĩ có đường dẫn truyền phụ (ví dụ kèm hội chứng Wolff-Parkinson-White hoặc hội chứng Lown-Ganong-Levine).
Chống chỉ định dùng đường uống đối với người bị nhồi máu cơ tim cấp có sung huyết phổi trên hình ảnh X-quang.
Chống chỉ định tiêm tĩnh mạch diltiazem đồng thời hoặc trong vòng vài giờ sau khi tiêm tĩnh mạch thuốc chẹn beta.
6 Thận trọng
Khởi đầu dùng diltiazem đường tiêm tĩnh mạch phải giám sát điện tâm đồ, huyết động và có đầy đủ phương tiện hồi sức sẵn sàng vì diltiazem làm giảm sức cản thành mạch ngoại biên nên có thể gây giảm huyết áp. Tất cả bệnh nhân dùng diltiazem đường tiêm tĩnh mạch phải được theo dõi điện tâm đồ.
Phải thận trọng khi dùng diltiazem cho người bị suy tim sung huyết, nhất là khi dùng đồng thời với thuốc chẹn beta hoặc Digoxin vì diltiazem có thể thúc đẩy hoặc làm nặng suy tim. Diltiazem tiêm tĩnh mạch đã được dùng điều trị trên bệnh nhân cuồng động nhĩ hoặc rung nhĩ và đồng thời có suy tim sung huyết mức độ vừa đến nặng, tuy nhiên kinh nghiệm lâm sàng khi dùng thuốc đường tiêm tĩnh mạch cho bệnh nhân suy chức năng thất vẫn còn hạn chế, vì vậy nhà sản xuất cảnh báo cần sử dụng thận trọng trên những đối tượng này. Phải kiểm tra xem có phù ngoại biên trong quá trình điều trị vì có thể là dấu hiệu của suy chức năng thất trái do thuốc. Nếu thấy xuất hiện blốc nhĩ thất độ cao ở người có nhịp xoang, phải ngừng ngay diltiazem tiêm tĩnh mạch và sử dụng biện pháp điều trị hỗ trợ thích hợp.
Lưu ý khả năng ban da do diltiazem có thể tiến triển thành phản ứng da nặng. Hiện chưa có báo cáo về các phản ứng này đối với diltiazem tiêm tĩnh mạch nhưng vẫn phải đề phòng nguy cơ. Phải ngừng dùng thuốc nếu thấy xuất hiện các tác dụng trên da.
7 Thời kỳ mang thai
Trong các nghiên cứu về độc tính sinh sản trên động vật thí nghiệm, diltiazem có thể bất thường phôi, thai, bất thường cơ xương và giảm cân nặng, giảm tỷ lệ sống ở liều gấp 5 - 10 lần và làm tăng tỷ lệ chết sau sinh ở liều gấp 20 lần so với liều dùng trên người. Hiện chưa có số liệu nghiên cứu trên người mang thai. Do đó, cần tránh dùng thuốc trong thời kỳ mang thai, trừ khi đã cân nhắc lợi ích cho mẹ cao hơn nguy cơ trên thai nhi.
8 Thời kỳ cho con bú
Diltiazem xâm nhập được vào sữa mẹ, không nên cho con bú trong thời gian dùng thuốc.
9 Tác dụng không mong muốn (ADR)
Diltiazem dung nạp tốt ở liều điều trị. Ít gặp trường hợp phải ngừng thuốc hoặc điều chỉnh liều do gặp các tai biến nghiêm trọng. Khoảng 1% người bệnh phải ngừng thuốc vì các rối loạn tiêu hóa, phát ban ở da và chậm nhịp tim.
9.1 Thường gặp
Da: ngứa, rát bỏng tại nơi tiêm.
Thần kinh: đau đầu, chóng mặt, ngủ gà.
Tiêu hóa: buồn nôn, nôn, chán ăn.
Tim mạch: hạ huyết áp và hạ huyết áp không triệu chứng thường gặp đối với diltiazem tiêm tĩnh mạch.
9.2 Ít gặp
Da: mẩn ngứa, mày đay, nhạy cảm với ánh sáng, viêm da tiếp xúc.
Thần kinh: trầm cảm, rối loạn trí nhớ, dáng đi bất thường, bệnh lý thần kinh, đổ mồ hôi, thay đổi tính khí, run cơ, chóng mặt, cũng thẳng, rối loạn suy nghĩ.
Tiêu hóa: tiêu chảy, đau bụng, táo bón, khô miệng, loét tiêu hóa, đầy hơi, khó tiêu.
Tim mạch: hạ huyết áp, đau thắt ngực, loạn nhịp, chậm nhịp tim, rung nhĩ hoặc cuồng động nhĩ, đau ngực, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh, ngoại tâm thu, ngừng xoang, suy nút xoang, suy tim, blốc nhĩ thất độ 1, 2 hoặc 3, nghẽn nhánh vào lại, bất thường điện tâm đồ, nhịp nhanh thất, rung thất, giãn mạch.
9.3 Hiếm gặp
Da: hồng ban đa dạng, phù Quincke, hội chứng Stevens-Johnson, hoại tử thượng bì nhiễm độc, phù mạch, rụng lông tóc.
Thần kinh: phản ứng ngoại tháp.
Tim mạch: nhồi máu cơ tim.
Khác: thay đổi các thông số chức năng gan (AST, ALT, LDH, creatin kinase, creatin phosphokinase, phosphatase kiềm, bilirubin), tổn thương tế bào gan.
9.4 Hướng dẫn cách xử trí ADR
Nếu xảy ra tụt huyết áp, cần có biện pháp xử trí phù hợp (đặt bệnh nhân ở tư thế Trendelenburg, tăng thể tích huyết tương).
10 Liều lượng và cách dùng
10.1 Cách dùng
Diltiazem có thể dùng theo đường uống, tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm truyền tĩnh mạch.
10.1.1 Đường uống
Viên nén quy ước được uống trước khi ăn và lúc đi ngủ. Các dạng thuốc giải phóng kéo dài được dùng theo hướng dẫn của từng nhà sản xuất, có thể vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày (nhưng cũng có nhà sản xuất khuyến cáo nên uống vào lúc dạ dày rỗng), phải nuốt nguyên viên, không được mở nang, nhai hay bẻ viên.
10.1.2 Tiêm, truyền tĩnh mạch
Tiêm chậm, phải theo dõi liên tục điện tâm đồ và huyết áp trong quá trình tiêm, truyền. Khi tiêm tĩnh mạch trực tiếp, dùng dạng thuốc hàm lượng 5 mg/ml, không cần pha loãng. Khi dùng theo đường truyền tĩnh mạch, pha 25 - 50 - 50 ml diltiazem hydroclorid hàm lượng 5 mg/ml vào 100 - 250 - 500 ml Dung dịch tương hợp (natri clorid 0,9%, dextrose 5% hoặc dextrose 5% và Natri clorid 0,45%) để được nồng độ diltiazem hydroclorid cuối cùng tương ứng là 1 - 0,83 - 0,45 mg/ml. Có thể dùng lọ thuốc 100 mg pha thành dung dịch có nồng độ cuối cùng là 1 mg/ml để truyền tĩnh mạch.
10.2 Liều lượng
Cần hiệu chỉnh liều dùng theo khả năng dung nạp và đáp ứng của từng cá thể. Đối với người cao tuổi, cần thận trọng trong lựa chọn liều dùng vì trên những đối tượng này có thể gặp tình trạng suy giảm chức năng gan, thận và/hoặc có bệnh lý tim mạch, bệnh mắc kèm và các thuốc dùng đồng thời.
10.2.1 Điều trị đau thắt ngực
Để điều trị đau thắt ngực Prinzmetal hoặc đau thắt ngực ổn định mạn tính, liều khởi đầu thông thường đối với viên nén quy ước là 30 mg/lần, ngày uống 4 lần. Nhìn chung, liều được tăng từ từ trong từng khoảng 1 đến 2 ngày để đạt được liều cho hiệu quả tối ưu.
Khoảng liều trung bình tối ưu của viên nén diltiazem hydroclorid thường trong khoảng 180 - 360 mg/ngày, chia thành 3 đến 4 liều nhỏ. Người cao tuổi có thể đáp ứng với mức liều thấp hơn.
Sau khi đã kiểm soát được cơn đau thắt ngực, giảm dần liều xuống mức thấp nhất có tác dụng.
Dạng thuốc giải phóng kéo dài thường khởi đầu với liều 120 mg hoặc 180 mg, dùng 1 lần/ ngày. Liều dùng nên cá thể hoá theo đáp ứng. Nếu cần phải tăng liều, nên hiệu chỉnh dần trong vòng 7 - 14 ngày. Một số bệnh nhân có thể đáp ứng với mức liều cao lên tới 360 mg, ngày dùng một lần.
Điều trị tăng huyết áp
Khi dùng diltiazem đơn độc để điều trị tăng huyết áp, liều khởi đầu của dạng thuốc giải phóng kéo dài là 60 - 120 mg/ lần, ngày dùng 2 lần hoặc 180 - 240 mg, ngày dùng một lần. Điều chỉnh liều dùng theo đáp ứng huyết áp của bệnh nhân. Một số bệnh nhân có thể đáp ứng với mức liều khởi đầu thấp hơn.
Đáp ứng hạ áp tối đa đối với liều dùng thường thể hiện trong vòng 14 ngày dùng thuốc. Liều duy trì thường trong khoảng 240 - 360 mg.
Nếu không kiểm soát được huyết áp bằng diltiazem đơn độc hoặc khi tăng liều xuất hiện tác dụng không mong muốn, có thể phối hợp thêm một thuốc hạ huyết áp khác, tuy nhiên cần hết sức thận trọng khi thiết lập mức liều của từng thuốc.
10.2.2 Loạn nhịp trên thất
Nhịp nhanh kịch phát trên thất: Khi không đáp ứng với thủ thuật cường phế vị hoặc adenosin, dùng diltiazem hydroclorid tiêm tĩnh mạch với liều khởi đầu thông thường là 15 - 20 mg (0,25 mg/kg) trong 2 phút.
Nếu không thấy đáp ứng mong muốn (ví dụ không chuyển về được nhịp xoang) và không thấy hạ áp, 15 phút sau có thể dùng thêm liều thứ hai 20 - 25 mg (0,35 mg/kg).
Truyền tĩnh mạch liều duy trì thông thường là 5 - 15 mg/giờ, điều chỉnh liều theo nhịp tim.
10.2.3 Rung nhĩ và cuồng động nhĩ
Tiêm tĩnh mạch diltiazem hydroclorid liều nạp 15 - 20 mg (0,25 mg/kg) trong 2 phút. Nếu không thấy đáp ủng thỏa đáng sau liều khởi đầu (không giảm được nhịp thất như mong muốn, 15 phút sau có thể dùng thêm liều thứ hai 20 - 25 mg (0,35 mg/kg).
Để tiếp tục giảm nhịp thất trên những bệnh nhân cuồng động nhĩ hoặc rung nhĩ có đáp ứng với liều khởi đầu, tốc độ và thời gian truyền tĩnh mạch liều duy trì nên được điều chỉnh thận trọng theo khả năng dung nạp (ví dụ giảm huyết áp) và đáp ứng (ví dụ giảm nhịp tim), truyền duy trì có thể lên tới 24 giờ.
Khuyến cáo truyền tĩnh mạch liều duy trì nên khởi đầu với tốc độ 10 mg/giờ (với khoảng dao động 5 - 15 mg/giờ). Tính an toàn và hiệu lực của tốc độ truyền duy trì cao hơn 15 mg/giờ, khoảng thời gian truyền dài hơn 24 giờ chưa được thiết lập.
10.2.4 Người suy gan, suy thận
Diltiazem được chuyển hóa chủ yếu qua gan, thải trừ qua nước tiểu và mật. Mặc dù không có khuyến cáo cụ thể hiệu chỉnh liều trên bệnh nhân suy thận, vẫn nên chuẩn liều thận trọng trên đối tượng này, nên khởi đầu với mức liều thấp hơn.
Nên sử dụng thận trọng diltiazem cho bệnh nhân suy gan vì đã có báo cáo tổn thương gan cấp do thuốc. Hơn nữa, thanh thải toàn phần và nửa đời của diltiazem dùng theo đường uống tăng trên người xơ gan. Không có khuyến cáo hiệu chỉnh liều cụ thể trên người suy gan nhưng vẫn nên giảm liều.
11 Tương tác thuốc
11.1 Tránh phối hợp
Tránh dùng đồng thời diltiazem với các thuốc: Acid fusidic (toàn thân), aprepitant, bosutinib, certinib, cobimetinib, conivaptan, dantrolen, Domperidon, flibanserin, ibrutinib, idelalisib, ivabradin, lomitapid, naloxegol, olaparib, pimozid, rifampin, simeprevir, tolvaptan, trabectedin, uripristal.
11.2 Tăng tác dụng/độc tính
Diltiazem có thể làm tăng nồng độ/tác dụng của: Amifostin, amiodaron, apixapan, aripiprazol, atovastatin, atosiban, avanafil, Bosentan, brexpiprazol, Bromocriptin, budesonid (toàn thân, tại chỗ), buspiron, cannabis, carbamazepin, chẹn beta, chẹn kênh calci (dihydropyridin), Cilostazol, Colchicin, cơ chất của CYP3A4, cyclosporin (toàn thân), dapoxetin, dofetilid, Doxorubicin (dạng bào chế quy ước), dronabinon, dronedaron, duloxetin, eletriptan, eliglustat, eplerenol, Everolimus, Fentanyl, fingolimod, fosaprepitant, fosphenytoin, glycosid tim, halofantrin, hydrocodon, imatinib, ivacaftor, lacosamid, Levodopa, lithi, lovastatin, lurasidon, midodrin, muối magnesi, nimodipin, nitroprusiat, oxycodon, Phenytoin, pimecrolimus, propafenon, quinidin, ranolazin, salicylat, salmeterol, Saxagliptin, Simvastatin, sonidegib, suvorexant, Tacrolimus (toàn thân, tại chỗ), tetrahydrocannabinol, thuốc chống loạn thần (không điển hình), thuốc giãn cơ loại chống khử cực, thuốc làm chậm nhịp tim, thuốc gây hạ huyết áp, vilazodon, vindesin, zopiclon, zuclopethixol.
Các chất có thể làm tăng nồng độ/tác dụng của diltiazem: Alfuzosin, Atorvastatin, bretylium, Brimonidin (tại chỗ), các barbiturat, các chất ức chế CY3A4 (trung bình và mạnh), các chất ức chế P-glycoprotein/ABCB1, các chất ức chế phosphodiesterase 5, chất ức chế protease, các opioid nhóm anilidopiperidin, chẹn kênh calci (dihydropyridin), chẹn thụ thể alpha 1, chống nấm (dẫn chất azol hấp thu toàn thân), cimetidin, Clonidin, cyclosporin (toàn thân), Dasatinib, diazoxid, dronedaron, fluconazol, fosaprepitant, kháng sinh macrolid, lovastatin, luliconazol, mifepriston, molsidomin, muối magnesi, netupitant, Nicorandil, nước ép Bưởi chùm, obinutuzumab, Osimertinib, palbociclib, pentoxifylin, regorafenib, ruxolitinib, simvastatin, stiripentol, tofacitinib.
11.3 Giảm tác dụng
Diltiazem có thể làm giảm nồng độ/tác dụng của: Clopidogrel, ifosfamid.
Các chất có thể làm giảm nồng độ/tác dụng của diltiazem: Amphetamin, bosentan, các barbiturat, carbamazepin, colestipol, các muối calci, các chất cảm ứng CYP3A4 (trung bình và mạnh), các chất cảm ứng P-glycoprotein/ABCB1, dabrafenib, dẫn chất của Rifamycin, Deferasirox, efavirenz, enzalutamid, methylphenidat, mitotan, nafcilin, osimertinib, phenytoin, rifampin, siltuximab, cỏ St. John, Tocilizumab, yohimbin.
11.4 Tương kỵ
Diltiazem có tiềm năng tương kỵ với nhiều thuốc bao gồm: Acetazolamid, Aciclovir, aminophylin, ampicilin, ampicilin natri phối hợp với Sulbactam natri, cefamandol, cefoperazon, Diazepam, furosemid, Heparin, hydrocortison natri succinat, Insulin thường, methylprednisolon natri succinat, mezlocilin, nafcilin, phenytoin, rifampin và natri bicarbonat.
12 Quá liều và xử trí
12.1 Triệu chứng
Chậm nhịp tim, hạ huyết áp, blốc tim và suy tim. Có thể xuất hiện giảm dẫn truyền, thay đổi điện tâm đồ (ví dụ, khoảng QT kéo dài, QRS giãn rộng, phong bế bó nhánh phải), loạn nhịp (ví dụ nhịp nhanh trên thất, nhịp nhanh thất, xoắn đinh).
12.2 Xử trí
Rửa dạ dày và uống than hoạt để giảm khả năng hấp thu diltiazem kết hợp với hỗ trợ chức năng và điều trị triệu chứng.
Nếu có biểu hiện chậm nhịp hoặc blốc nhĩ thất độ 2 – 3, nên dùng atropin tiêm tĩnh mạch (0,6 - 1 mg). Nếu chậm nhịp hoặc blốc nhĩ thất không đáp ứng với hủy phó giao cảm, có thể dùng isoproterenol nhưng cần thận trọng. Nên kiểm soát blốc nhĩ thất độ 2 - 3 bằng máy tạo nhịp.
Dùng các thuốc cường giao cảm (ví dụ isoproterenol, dopamin, dobutamin) và lợi tiểu để điều trị biểu hiện suy tim.
Có thể điều trị hạ huyết áp bằng cách truyền dịch và dùng thuốc co mạch (như dopamin, levarterenol bitartrat, norepinephrin). Muối calci cũng có thể hữu ích trong điều trị giảm huyết áp và các rối loạn tim mạch khác, tuy nhiên dùng muối calci để điều trị quá liều diltiazem cho kết quả mâu thuẫn. Khi dùng muối calci tiêm tĩnh mạch, người bệnh phải được theo dõi dấu hiệu tăng calci huyết và giám sát nồng độ ion calci.
Tiêm tĩnh mạch glucagon, Natri bicarbonat và/hoặc truyền insulin và Glucose cũng được dùng trong điều trị quá liều các thuốc chẹn kênh calci. Diltiazem không bị loại bỏ bằng thẩm phân máu hoặc thẩm phân màng bụng.
Cập nhật lần cuối: 2017