Dexlansoprazole
2 sản phẩm
Dược sĩ Thu Hà Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 3 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Dexlansoprazole là 1 đồng phân quang học R của lansoprazole, 1 thuốc ức chế proton được phê duyệt trước đó, được dùng trong bệnh trào ngược dạ dày - thực quản. Nó được phát triển dưới dạng công thức viên giải phòng chậm trễ nhằm kéo dài thời gian tập trung và cung cấp thời gian ức chế axit kéo dài. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết tác dụng, chỉ định cũng như những lưu ý khi dùng Dexlansoprazole.
1 Tổng quan
Dexlansoprazole là thuốc ức chế proton (PPI) mới nhất và cuối cùng được phê duyệt trong điều trị trào ngược dạ dày - thực quản.
Sự ra đời của Dexlansoprazole cũng tương tự như Esomeprazol, nó có nguồn gốc từ 1 thuốc đã được phê duyệt trước đó. Dexlansoprazole thực chất chỉ là 1 đồng phân quang học (đồng phân R) của lansoprazole, với khả năng ức chế tiết acid và thời gian hiệu quả vượt trội hơn so với hoạt chất gốc, do đó được phát triển thành thuốc riêng biệt.
Hoạt chất Dexlansoprazole với tên biệt dược gốc là Kapidex, đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt trở thành thuốc điều trị trong y khoa vào ngày 30/1/2009. Tới ngày 4/3/2010, thuốc thương mai đầu tiên có chứa hoạt chất này, có tên gọi Dexilant đã được chấp thuận và phân phối trên thị trường. Cùng trong năm đó, Dexlansoprazole cũng được phê duyệt Canada và được chấp thuận tại Mexico vào năm 2011.
Dexlansoprazole là thuốc PPI đầu tiên được phát triển ở dạng công thức viên giải phóng chậm kép được thiết kế để cung cấp đồng thời 2 loại thuốc riêng biệt, cho 2 đỉnh dược động và kéo dài thời gian ức chế acid đáng kể.
2 Đặc điểm dược lý
2.1 Dược lực học và cơ chế tác động
Dexlansoprazole là thuốc gì?
Dexlansoprazole là thuốc ức chế bơm proton (PPI) thế hệ mới được sử dụng để kiểm soát các triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày – thực quản (GERD) và viêm thực quản ăn mòn nhờ tác dụng ức chế tiết acid dạ dày. Dexlansoprazole là đồng phân đối quang R – lansoprazole.
Dexlansoprazole là dẫn chất benzimidazole, thuốc ức chế đặc hiệu (liên kết không thuận nghịch) bơm H+/K+ ATPase trên bề mặt tế bào thành dạ dày. Do đó, dexlansoprazole ức chế bước vận chuyển cuối cùng ion H+ vào dạ dày, dẫn đến ức chế tiết acid cả lúc bình thường hoặc khi có tác nhân kích thích.
Dexlansoprazole liều 60 mg và 90 mg đều cho thấy hiệu lực cao trong việc làm giảm các triệu chứng liên quan đến trào ngược dạ dày, tốt hơn đáng kể so với liều 30mg lansoprazole, giúp làm lành các tổn thương mài mòn, mà không gây tác dụng phụ hay độc tính trên cơ thể.
2.2 Dược động học
Hấp thu
Viên giải phóng chậm kép Dexlansoprazole có chứa 2 loại hạt với đặc điểm phân ra khác nhau tùy vào nồng độ pH môi trường, cho 2 điểm hấp thu phụ thuộc vào đường đi và thời gian dùng thuốc.
Sau khi uống, nồng độ thuốc đạt đỉnh trong huyết tương tăng tương ứng với liều dùng ban đầu. Dexlansoprazole giải phóng chậm kép cho 2 nồng độ đỉnh trong huyết tương: đỉnh đầu tiên đạt 1 – 2 giờ sau dùng thuốc, đỉnh thứ hai đo được sau 4 – 5 giờ sử dụng thuốc.
Thuốc được giải phóng theo 2 pha (phụ thuộc nồng độ pH dạ dày), dẫn đến quá trình hấp thu theo 2 giai đoạn: 25% thuốc hấp thu ở đoạn gần tá tràng, 75% liều còn lại được hấp thu ở đoạn ruột non xa hơn. Ở liều 30 mg, thời gian đạt nồng độ đỉnh của thuốc khoảng 4 giờ (dao động từ 1 – 6 giờ) với nồng độ đỉnh đạt được là 688 ng/ml.
Phân bố
Dexlansoprazole liên kết mạnh với protein huyết tương, tỷ lệ liên kết khoảng 96 – 99%. Thể tích phân bố biểu kiến của thuốc sau nhiều liều ở bệnh nhân đo được là khoảng 40L.
Chuyển hóa
Tương tự như hầu hết các PPI, Dexlansoprazole bị chuyển hóa hầu hết khi gan, chủ yếu xảy ra quá trình oxy hóa - khử, sản phẩm hình thành bao gồm các liên hợp sulfate, glucuronide và Glutathione, là các chất chuyển hóa không hoạt động.
Quá trình biến đổi thuốc chủ yếu nhờ hoạt động của hệ thống enzyme cytochrome P450 (CYP) bao gồm hydroxyl hóa bởi CYP 2C19 và oxy hóa thành sulfone bởi CYP 3A4.
Dexlansoprazole là thành phần chính trong huyết tương dù ở dạng chuyển hóa nào. Chất chuyển hóa chính qua hệ CYP2C19 là 5 - hydroxy dexlansoprazole liên hợp với glucuronide. Trong khi đó với chất kém chuyển hóa chính qua CYP 2C19 là dexlansoprazole sulfone.
Thải trừ
Sau khi được dùng theo đường uống, dexlansoprazole đào thải ra khỏi cơ thể bằng cách nhờ bài tiết qua phân (50,7%) hoặc nước tiểu (47,6%), không phát hiện thấy thuốc dạng không đổi trong nước tiểu.
Thời gian bán rã củadexlansoprazole từ 1 – 2 giờ. Độ thanh lọc ở người bình thường sau 5 ngày dùng thuốc là 11,4 lit/giờ ở liều 30 mg/ngày và 11,6 lit/giờ ở liều 60 mg/ngày.
3 Chỉ định
Dexlansoprazole được chấp thuận để điều trị trong các trường hợp sau:
Viêm thực quản bào mòn: dùng tối đa 8 tuần.
Ngăn ngừa tái phát ở bệnh nhân viêm thực quản bào mòn đã được chữa khỏi: Tối đa 6 tháng.
Trào ngược dạ dày - thực quản không bào mòn có triệu chứng: Tối đa 4 tuần.
Điều trị ợ nóng có liên quan đến bệnh này.
==>> Xem thêm về hoạt chất: Lansoprazole có nhiều tiềm năng khác ngoài điều trị tăng acid dạ dày
4 Liều dùng và cách dùng
4.1 Liều dùng
4.1.1 Người trưởng thành
Viêm thực quản bào mòn
Liều điều trị: Uống 60 mg/ngày trong tối đa 8 tuần.
Liều duy trì: Uống 30 mg/ngày trong tối đa 6 tháng.
GERD không bào mòn có triệu chứng
Liều chỉ định: Uống 30 mg/ngày trong vòng liên tục 4 tuần.
Chỉnh liều với bệnh nhân suy giảm chức năng gan:
Suy gan nhẹ (Child-Pugh A): Không cần chỉnh liều.
Suy gan trung bình (Child-Pugh B): Liều chỉ định không quá 30 mg/ngày.
Suy gan nặng (Child-Pugh C): Không khuyến cáo.
4.1.2 Trẻ em
Viêm thực quản bào mòn : dùng cho trẻ trên 12 tuổi
Liều điều trị: Uống 60 mg/ngày trong tối đa 8 tuần.
Liều duy trì: Uống 30 mg/ngày trong tối đa 6 tháng.
GERD không bào mòn có triệu chứng
< 12 tuổi: An toàn và hiệu lực chưa được thiết lập.
≥ 12 tuổi: Uống 30 mg/ngày trong 4 tuần.
4.2 Dexlansoprazole uống trước hay sau ăn? Cách dùng đúng cách
Uống thuốc khoảng 30 phút trước bữa ăn với 2 mục đích:
Tránh ảnh hưởng của thức ăn làm giảm sinh khả dụng của thuốc.
Nhằm đạt được Cmax vào lúc có nhiều bơm proton hoạt động nhất (lúc ăn) (Các PPIs không ức chế bơm proton ở trạng thái nghỉ mà chỉ ức chế bơm ở trạng thái hoạt động).
5 Chống chỉ định
Không chỉ định Dexlansoprazole cho các đối tượng:
Quá mẫn cảm với Dexlansoprazole, các PPIs khác hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
Phối hợp với thuốc có chứa Rilpivirine, Erlotinib và Nelfinavir.
==>> Bạn đọc có thể tham khảo thêm thông tin về hoạt chất: Pantoprazole: Từ chuyển hóa thuốc tới ý nghĩa lâm sàng
6 Tác dụng không mong muốn
Thường gặp:
Tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, nôn; nhiễm trùng đường hô hấp trên; đầy hơi; đau đầu; đau họng.
Ít gặp:
Thiếu máu; đau thắt ngực, loạn nhịp tim; bướu giáp; viêm tá tràng, viêm thực quản, polyp dạ dày, viêm dạ dày, rối loạn tiêu hóa; quá mẫn; loãng xương, gãy xương, đau cơ; tăng huyết áp…
Hiếm gặp:
Tiêu chảy không ngừng do Clostridium difficile, có máu và chất nhầy trong phân; yếu bất thường, đau lưỡi, tê tay chân; phát ban, ngứa, chóng mặt, khó thở
7 Tương tác thuốc
Tác nhân | Tương tác với Dexlansoprazole |
Erlotinib, Rilpivirine và Nelfinavir | Chống chỉ định do sinh khả dụng của cả 3 thuốc đều giảm khi pH dạ dày tăng. Ngoài ra, Nelfinavir còn bị ức chế chuyển hóa qua CYP2C19 thành chất chuyển hóa hoạt động M8 |
Acalabrutinib, Dasatinib, Neratinib, Nilotinib, Pazopanib, Pexidartinib, Ponatinib, Delavirdine, Atazanavir, Indinavir, Itraconazole, Ketoconazole, Dapsone, Mesalamine (dạng giải phóng duy trì) | Sinh khả dụng thuốc giảm do độ tan thuốc giảm khi pH dạ dày tăng. Tránh hoặc sử dụng thuốc thay thế. |
Dacomitinib | Nồng độ huyết tương của Dacomitinib giảm và do đó hiệu lực có thể giảm. Trong trường hợp bệnh nhân đang được chỉ định với Dacomitinib, nên thay thế Dexlansoprazole bằng thuốc kháng histamine H2. Sử dụng Dacomitinib ít nhất 6 giờ trước hoặc 10 giờ sau khi dùng thuốc kháng histamine H2. |
Digoxin, Nisoldipine | Tránh kết hợp hoặc sử dụng thuốc khác thay thế. |
Apalutamide, Phenytoin và Idelalisib | Apalutamide và Phenytoin là thuốc cảm ứng CYP2C19 và CYP3A4 mạnh, còn Idelalisib cảm ứng CYP3A mạnh, sẽ làm giảm nồng độ trong huyết tương và theo đó là tác dụng của Dexlansoprazole |
Fedratinib | Dexlansoprazole làm tăng nồng độ trong huyết tương và có thể tăng tác dụng của Fedratinib |
Lasmiditan | Nồng độ Dexlansoprazole trong huyết tương tăng do ức chế bơm tống thuốc P-gp (MDR1). Tránh phối hợp này hoặc sử dụng thuốc thay thế. |
Do Dexlansoprazole ức chế CYP2C19, các thuốc khác chuyển hóa qua CYP2C19 có thể bị ức chế, hoặc Dexlansoprazole có thể chịu ảnh hưởng của các thuốc cảm ứng hoặc ức chế CYP2C19 và CYP3A4.
8 Lưu ý khi dùng và bảo quản
8.1 Lưu ý và thận trọng
Sử dụng thuốc Dexlansoprazole có thể tăng khả năng nhiễm khuẩn Clostridium difficile (CDAD) dẫn đến tiêu chảy kéo dài không đỡ.
Thận trọng với bệnh nhân suy giảm chức năng gan và giảm liều đối với bệnh nhân suy gan nặng.
Các phản ứng dị ứng nghiêm trọng như lupus ban đỏ da (CLE) và Lupus ban đỏ hệ thống (SLE) có thể xảy ra, khi đó tạm thời ngừng thuốc và báo cho bác sĩ điều trị ngay lập tức.
Sốc phản vệ, hội chứng Stevens-Johnson, hoại tử thượng bì nhiễm độc đã được ghi nhận có thể xảy ra nếu dùng thuốc dài ngày. Cần cấp cứu y tế kịp thời và ngừng sử dụng thuốc ngay lập tức.
Loãng xương và nguy cơ gãy xương với PPIs nói chung khi dùng liều cao, kéo dài (> 1 năm): Kết quả không đồng đều giữa các nghiên cứu quan sát.
Dexlansoprazole có thể làm giảm nồng độ chromogranin A (CgA) huyết thanh và gây dương tính giả trong chẩn đoán khối u thần kinh nội tiết. Chỉ định ngừng sử dụng Dexlansoprazole một thời gian trước khi tiến hành xét nghiệm chẩn đoán.
Bổ sung Magie trong trường hợp cần thiết, đặc biệt khi sử dụng liều cao và kéo dài để dự phòng co giật, loạn nhịp tim do hạ magie máu.
Cải thiện triệu chứng khi điều trị với Dexlansoprazole, vẫn không thể loại trừ nguy cơ các bệnh ác tính như ung thư dạ dày. Bệnh nhân cần được xét nghiệm xác định loại trừ ung thư dạ dày ác tính trước khi chỉ định dùng thuốc.
Viêm thận kẽ cấp đã được báo cáo ở bệnh nhân sử dụng PPIs, ngừng dùng ngay lập tức và tới cơ sở y tế để được hỗ trợ nếu xuất hiện viêm thận kẽ cấp tính.
Dexlansoprazole làm tăng nồng độ Methotrexate và chất chuyển hóa của nó trong huyết thanh, dẫn đến nguy cơ độc tính của thuốc với người dùng. Xem xét ngừng tạm thời Dexlansoprazolekhi sử dụng Methotrexate liều cao.
Sử dụng lâu dài PPIs (> 1 năm) làm tăng nguy cơ polyp tuyến đáy vị. Bệnh nhân thường không có triệu chứng và tình cờ phát hiện khi nội soi. Điều trị trong thời gian ngắn nhất phù hợp với tình trạng đang điều trị.
8.2 Lưu ý khi dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú
Phụ nữ có thai: Không có nghiên cứu về sử dụng Dexlansoprazole ở phụ nữ có thai. Mặc dù là đồng phần của Lansoprazole, các nghiên cứu về tác dụng của Lansoprazole trên thai phụ không chắc chắn đúng đối với Dexlansoprazole
Phụ nữ đang cho con bú: Cân nhắc giữa lợi ích cho mẹ và ảnh hưởng của thuốc tới sự phát triển và sức khỏe của trẻ.
8.3 Quá liều và xử trí
Triệu chứng: Hạ thân nhiệt, an thần, co giật, giảm tần số hô hấp.
Điều trị hỗ trợ: Phương pháp thẩm tách không loại được thuốc.
8.4 Bảo quản
Bảo quản thuốc trong điều kiện phòng.
Hạn chế độ ẩm cao và tránh tiếp xúc ánh sáng trực tiếp.
9 Các chế phẩm có chứa Dexlansoprazole
Dexlansoprazole là thuốc mới được phê duyệt và phổ biến tại Châu Á vài năm gần đây, do đó sự phát triển các loại thuốc thương mại có chứa hợp chất này vẫn còn nhiều hạn chế.
Dexlansoprazole hiện nay được bào chế dạng viên giải phòng kéo dài với hàm lượng 30mg, 60mg, 90mg, dưới tên thương mại là: Dexlan-30; Dexlan-60, Dexilant 30mg, 60mg, 90mg.
10 Tài liệu tham khảo
1. The American Society of Health-System Pharmacists (Cập nhập: ngày 15 tháng 4 năm 2022). Dexlansoprazole, Medlineplus. Truy cập ngày 18 tháng 4 năm 2023.
2. Der, Gabriella BSN, RN (Cập nhập: tháng 12 năm 20003). An Overview of Proton Pump Inhibitors. Gastroenterology Nursing 26(5):p 182-190, Pubmed. Truy cập ngày 18 tháng 4 năm 2023.
3. D C Metz 1, M Vakily, T Dixit, D Mulford (Ngày đăng: ngày 1 tháng 5 năm 2009). Review article: dual delayed release formulation of dexlansoprazole MR, a novel approach to overcome the limitations of conventional single release proton pump inhibitor therapy, Pubmed. Truy cập ngày 18 tháng 4 năm 2023.
4. Haiyan Grady và cộng sự (Ngày đăng: tháng 11 năm 2019). Development of Dexlansoprazole Delayed-Release Capsules, a Dual Delayed-Release Proton Pump Inhibitor, Pubmed. Truy cập ngày 18 tháng 4 năm 2023.
5. Ronnie Fass và Rosita Frazier (Ngày đăng: tháng 2 năm 2017) The role of dexlansoprazole modified-release in the management of gastroesophageal reflux disease, PMC. Truy cập ngày 18 tháng 4 năm 2023.