Dâm Bụt (Râm Bụt - Hibiscus rosa sinensis L.)
8 sản phẩm
Dược sĩ Khánh Huyền Dược sĩ chuyên môn
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Dâm bụt được biết đến khá phổ biến với công dụng hỗ trợ điều trị viêm ruột, kiết lỵ, mụn nhọt. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Dâm bụt.
1 Giới thiệu về cây Dâm bụt
Dâm Bụt còn có tên gọi khác là Bông bụt, Râm bụt, Phù tang; là cây ưa sáng, ưa ẩm, thường được trồng làm cảnh hoặc làm bờ rào; có thể nhân giống bằng cành hoặc gốc ghép.
Tên khoa học của Dâm bụt là Hibiscus rosa sinensis L., thuộc họ Bông (Malvaceae).
1.1 Đặc điểm thực vật
Cây nhỏ, cao 1-2m, hoặc cây nhỡ cao 4-5m. Thân hình trụ, tròn, nhẵn, màu nâu xám. Lá mọc so le, cuống dài, hình bầu dục, gốc tròn, đầu nhọn, mép có răng to, mặt trên sẫm bóng, mặt dưới nhạt; lá kèm hình chỉ dài và nhọn.
Hoa to, mọc đơn độc ở kẽ lá, có cuống dài, màu đỏ; tiểu đài có 6-7 mảnh hình chỉ; đài hợp hình ống, dài gấp 2-3 lần tiểu đài; tràng có 5 cánh mỏng rời nhau, có móng hẹp; nhị nhiều dính liền nhau bởi chỉ nhị rất dài, vượt ra ngoài tràng; bầu hình nón hay hình trụ. Quả nang tròn, chứa nhiều hạt. Mùa hoa quả vào tháng 5-7.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Lá, hoa, vỏ thân và rễ.
Hoa được thu hái vào mùa hè, các bộ phận khác thu hái quanh năm; có thể dùng tươi hoặc phơi hay sấy khô để dùng dần.
1.3 Đặc điểm phân bố
Cây có nguồn gốc từ Trung Quốc, được trồng và mọc hoang ở nhiều nơi trên nước ta cũng như các nước nhiệt đới và cận nhiệt khác.
2 Thành phần hóa học
Mỗi phần của Dâm bụt chứa nhiều loại hợp chất. Đã có báo cáo rằng phlobatannin, glycoside, Saponin, Flavonoid, terpenoid bao gồm các hợp chất khác như thiamine, Riboflavin và niacin có trong lá, hoa, thân và rễ.
Hoa ăn được chứa độ ẩm, nitơ, chất béo, chất xơ thô Canxi, phốt pho và Sắt. Những bông hoa màu vàng có chứa một số flavon như cyanidin-3,5-diglucoside, cyaniding-3-sophoroside3-5- glucoside quercetin-3,5-diglucoside và quercetin-3,7diglucoside. Bao gồm các hợp chất đã đề cập, kaempferol-3-xylosylglucoside phân lập có thể được tìm thấy trong hoa trắng.
Ngoài axit béo, rượu béo, hydrocarbon, lá còn chứa khoảng 7,34 mg/100 gm carotene, cũng như axit gentisic, chất nhầy và catalase. Mặt khác, cyclopropenoid có thể được tìm thấy trong vỏ rễ. Mặc dù hoa, thân và lá chứa một lượng nhỏ hợp chất cyanin và cyanidin, quercetin có thể được tìm thấy trong tất cả các bộ phận của Dâm bụt. Tuy nhiên, ß-sitosterol, teraxeryl axetat và axit malvalic chỉ có thể được tìm thấy trong thân và lá.
Dịch chiết metanol của hoa Dâm bụt có chứa các thành phần như ethanimidic acid, ethyl ester, propanal, 2,3dihydroxy, propanamide, N-ethyl-, ethylenediamine, O-methylisourea hydro sulfat, ethene, ethoxy- , axit hexadecanoic, metyl este, 7-formylbicyclo(4.1.0)heptan, 2-butanamine, (S)-, 1,3,5-triazine-2,4,6-triamine, N-formyl-β-alanine, (Z)6,(Z)9-pentadecadien-1-ol, butanedial, 1-propanol, 2-metyl- và axit methanecarbothiolic.
== >> Mời bạn đọc tham khảo vị thuốc cùng công dụng: Cây lá Dung - Vị thuốc trị đau dạ dày, tiêu chảy hiệu quả
3 Tác dụng - Công dụng của Dâm bụt
3.1 Tác dụng dược lý
3.1.1 Kháng khuẩn, kháng nấm
Các chiết xuất metanol từ lá đã được chứng minh là có hoạt tính kháng khuẩn chống lại Pseudomonas aeruginosa, Escherichia coli, Enterobacter aerogenes và Streptococcus pyogenes. Trong một nghiên cứu khác, Dung dịch chiết xuất từ lá 40 mg/ml cho thấy vùng ức chế tối đa đối với Bacillus subtilis, E.coli và S.aureus.
Chiết xuất metanol từ lá có hoạt tính chống lại Candida albicans, Aspergillus niger, Candida parapsilosis và Trichophyton rubrum. Chất chiết xuất methanol từ lá cũng ức chế sự phát triển của C.glabreta, A.flavus và C.albicans. Vùng ức chế cao nhất được ghi nhận đối với từng loại nấm là: Aspergillus niger (9mm), Aspergillus terreus (17mm), Aspergillus oryzae (17mm), Fusarium solani (10mm), Fusarium verticillioides (13mm) và Penicillium sp. (15mm) ở nồng độ Ethanol 50%.
3.1.2 Chống ung thư
Các dòng tế bào ung thư miệng KB (ATCC CCL-17) được điều trị bằng chiết xuất dầu Dâm bụt trong 24 giờ, cho thấy chiết xuất cản trở sự phát triển và sinh sôi của các tế bào ung thư này. Chiết xuất acetone của hoa Dâm bụt ảnh hưởng đến khả năng sống của dòng tế bào HeLa. Chiết xuất lá metanol thể hiện hoạt tính chống lại các tế bào ung thư bạch cầu K-562 cao hơn. Tác dụng của chiết xuất nước lá đã được thử nghiệm trên bốn dòng tế bào ung thư: MCF-7 vú, gan HepG2, phổi NCI-H23 và tế bào ung thư ruột kết HT-29 . Tương tự, chiết xuất nước của hoa làm giảm sự phát triển của các tế bào khối u ác tính B16F10.
3.1.3 Chống tiểu đường
Ở những con chuột mắc bệnh tiểu đường loại I không béo phì, chất chiết xuất từ lá cồn của Dâm bụt đã được chứng minh là một chất hạ đường huyết đường uống. Các chất chiết xuất được thử nghiệm cũng làm giảm đáng kể mức độ chất béo trung tính, urê máu, huyết sắc tố glycosyl hóa và cholesterol sau 5 tuần uống. Tác dụng chống bệnh tiểu đường của chiết xuất từ lá etanol của Dâm bụt đối với bệnh tiểu đường do alloxan gây ra ở chuột cũng đã được nghiên cứu. Ở chuột mắc bệnh tiểu đường do streptozotocin gây ra, 400 mg/kg chiết xuất metanol của lá đã làm giảm mức đường huyết từ 326,67 xuống 154,11mg/dI. Hơn nữa, nó làm giảm nồng độ axit uric, creatinine, AST (aspartate aminotransferase) (AST) và ALT (alanine aminotransferase), cho thấy tác dụng bảo vệ thận và gan.
3.1.4 Bảo vệ thần kinh
Chiết xuất metanol của rễ H. rosa-sinensis có tác dụng có lợi đối với hệ thần kinh trung ương ở chuột bạch tạng Thụy Sĩ và chuột Wistar. Thời gian ngủ do pentobarbital gây ra cũng được kéo dài, cho thấy tác dụng an thần bằng cách giảm truyền dopaminergic. Theo một nghiên cứu khác, 300 mg/kg chiết xuất rễ cây metanol đã cải thiện tình trạng thiếu hụt trí nhớ và học tập tốt nhất ở chuột đực giống Wistar, cũng như chứng lo âu do thiếu máu não gây ra. Sau 6 ngày, chiết xuất đã làm giảm quá trình peroxy hóa lipid và tăng mức superoxide dismutase, catalase và Glutathione reductase đã bị thay đổi sau khi tắc động mạch cảnh chung (BCCA) hai bên.
3.1.5 Kích mọc tóc
Tác dụng của chiết xuất ete dầu hỏa từ lá đã được nghiên cứu ở chuột bạch tạng đực. Chiết xuất 1% dẫn đến 65% anagen, 2% catagen và 33% telogen trong quần thể nang lông, so với 64% anagen, 1% catagen và 35% telogen ở nhóm được điều trị bằng minoxidil. Chiết xuất etanolic của lá góp phần làm tóc dài thêm 17mm, so với 19,36mm khi dùng Minoxidil sau 30 ngày. Khả năng mọc tóc của chiết xuất nước hoa Dâm bụt đã được đánh giá. Sau 30 ngày, 2% chiết xuất dẫn đến chiều dài tóc trung bình là 18,68mm, so với 19,24mm với 2% minoxidil ở chuột Wister.
3.1.6 Các tác dụng khác
Bao gồm: Hoạt động bảo vệ gan khỏi tổn thương do stress oxy hóa, chống rối loạn lipid máu (giảm cholesterol, giảm triglyceride), chống sốt rét, bảo vệ niêm mạc dạ dày và chống loét, bảo vệ tim mạch (hạ huyết áp, cải thiện khả năng phục hồi), điều hòa miễn dịch, chống viêm, chữa lành vết thương bằng cách tái tạo biểu mô và sắp xếp Collagen, chống sinh sản (tránh thai, tác động tới quá trình sinh tinh).
3.2 Cây Râm bụt có độc không?
Theo y học cổ truyền, dược liệu Râm bụt không có độc. Các nghiên cứu nước ngoài cũng đã báo cáo thảo mộc này không gây độc gan thận và gen, cũng như không gây chết khi dùng liều cao.
== >> Mời bạn xem thêm dược liệu: Cây Mẫu đơn - Vị thuốc bổ máu, bổ thần kinh, lợi tiêu hóa
3.3 Công dụng theo y học cổ truyền
Uống nước lá Dâm bụt có tác dụng gì? Dâm bụt có tính bình, vị ngọt, hơi đắng, nhớt, quy vào kinh thận, có tác dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, lợi tiểu, chỉ huyết, giải độc, cố tinh, sát trùng.
Rễ cây Dâm bụt chữa bệnh gì? Trong đông y, Dâm bụt được dùng trong trị viêm niêm mạc dạ dày, viêm ruột, đi ngoài ra máu, kiết lỵ, mất ngủ, khô khát, bạch đới, mộng tinh, mụn nhọt, lở ngứa, sưng tấy.
4 Các bài thuốc từ cây Dâm bụt
4.1 Trị trĩ
Dùng 4-12g vỏ rễ Dâm bụt, sắc lấy nước ngâm, rửa trĩ.
4.2 Lá Râm bụt chữa mụn nhọt
Dùng nước sắc từ vỏ rễ Dâm bụt ngâm rửa vùng da bị mụn nhọt, đồng thời lấy lá hoặc hoa tươi giã nhỏ với một chút muối, đắp ngoài mụn nhọt đang mưng mủ sẽ giúp giảm nhức và nhanh vỡ mủ.
4.3 Chữa kiết lỵ ra máu
Dùng vỏ thân Dâm bụt (cạo bỏ vỏ thô), sao vàng, lá Táo sao vàng, mỗi thứ 20g; sắc lấy nước uống.
4.4 Chữa bạch đới, mộng tinh, tiểu buốt, lỵ
Nguyên liệu: Lá, hoa Dâm bụt, lá Bạch đồng nữ, Thài lài tía, mỗi thứ một nắm.
Cách làm: Giã nhỏ, chế với nước chín, chắt lấy nước cốt uống.
4.5 Chữa mộng tinh
Nguyên liệu: Hoa Dâm bụt 30g, gương Sen cả cuống 3 cái.
Cách làm: Sắc lấy nước uống.
4.6 Chữa khó ngủ, hồi hộp, tiểu đỏ
Dùng hoa Dâm bụt hãm với nước sôi, uống thay chè.
4.7 Chữa rối loạn kinh nguyệt, kinh tới sớm kỳ, ngắn vòng, hoặc ra nhiều máu, rong huyết
Nguyên liệu: Vỏ rễ Dâm bụt, lá Huyết dụ mỗi vị 30g.
Cách làm: Sắc lấy nước uống.
4.8 Chữa quai bị, đau mắt
Nguyên liệu: Lá Dâm bụt, lá Dành dành, mỗi thứ một nắm.
Cách làm: Giã nhỏ, chắt lấy nước uống, phần bã đắp lên chỗ quai bị, mắt bị đau.
4.9 Hoa Dâm bụt chữa sỏi thận
Dùng hoa Dâm bụt 9 cái cho vào bát, thêm nước và đường phèn, chưng cách thủy tới khi nước sôi được 1 phút thì tắt bếp, để nguội, ăn và uống hết.
5 Tài liệu tham khảo
Tác giả Katherine Marengo LDN và cộng sự (Ngày đăng 6 tháng 3 năm 2023). 8 Benefits of Hibiscus, Healthline. Truy cập ngày 27 tháng 11 năm 2023