Crotamiton
6 sản phẩm
Dược sĩ Thu Hà Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Bài viết biên soạn dựa theo
Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba
Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022
Trang 524-525, tải PDF TẠI ĐÂY
CROTAMITON
Tên chung quốc tế: Crotamiton.
Loại thuốc: Thuốc diệt ghẻ và trị ngứa, dùng ngoài.
1 Dạng thuốc và hàm lượng
Kem: 10%, tuýp 30 g, 40 g, 60 g, 100 g.
Hỗn dịch dùng ngoài: 10%, lọ 100 ml.
2 Dược lực học
Crotamiton là một thuốc diệt ghẻ (Sarcoptes scabiei) ở người và điều trị triệu chứng ngứa trên da. Cơ chế tác dụng diệt ghẻ và chống ngứa chưa được biết rõ.
Crotamiton diệt được con ghẻ ở người, nhưng hiện nay có nhiều loại thuốc hiệu quả hơn được ưa dùng như permethrin, lindan hoặc Diethylphtalat. Ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, phụ nữ mang thai hoặc cho con bú, người bị viêm da diện rộng, Permethrin 5%, crotamiton 10% và một số thuốc diệt ghẻ khác được ưa dùng hơn lindan 1% vì tiềm năng gây độc của lindan. Với những đối tượng nói trên, trước đây crotamiton được coi là thuốc diệt ghẻ lựa chọn ưu tiên và hiện nay permethrin 5% là thuốc được ưa dùng hơn vì ít hấp thu qua da và tương đối an toàn khi bôi. Các thuốc diệt ghẻ, bao gồm cả crotamiton, không hiệu quả trong dự phòng bệnh ghẻ.
Sự đề kháng crotamiton của Sarcoptes scabiei chưa được nghiên cứu đầy đủ.
Crotamiton cũng đã được dùng để diệt chấy rận, nhưng hiệu quả và độ an toàn của thuốc chưa xác định rõ. Crotamiton gây độc với Pediculus humanus capitis (chấy) và Pediculushumanus corporis (rận). Để diệt chấy rận trên đầu, dùng crotamiton 10% bôi lên da đầu và để trong 24 giờ, sau đó rửa thật sạch.
Crotamiton điều trị triệu chứng ngứa do dị ứng, do côn trùng đốt, nhưng hiệu quả của thuốc dựa nhiều vào các nghiên cứu chưa được kiểm chứng.
3 Dược động học
Không có các thông tin về hấp thu toàn thân của crotamiton khi dùng ngoài da.
4 Chỉ định
Điều trị ghẻ (Sarcoptes scabiei). Hiện nay ít dùng với tác dụng này do có thuốc khác thay thế tốt hơn.
Điều trị triệu chứng ngứa.
5 Chống chỉ định
Có tiền sử mẫn cảm hoặc dị ứng với thuốc.
Bị kích ứng do bôi thuốc.
Viêm da chảy nước cấp tính.
6 Thận trọng
Không được bôi thuốc lên những vùng gần mắt, miệng, âm đạo, lỗ niệu đạo và các niêm mạc khác hoặc lên vùng bị trầy da. Nếu bị dính thuốc vào mắt, xung quanh mắt, miệng, xung quanh miệng phải rửa thật sạch với nhiều nước.
Không bôi thuốc lên vùng da đang bị viêm, bề mặt da bị trầy xước chảy máu, rỉ nước cho tới khi tình trạng viêm đã đỡ hẳn. Nếu người bệnh bị kích ứng hay có biểu hiện của quá mẫn do bôi thuốc, cần ngừng thuốc ngay và có biện pháp điều trị thích hợp.
Hiệu quả và độ an toàn của thuốc khi dùng cho trẻ em chưa được xác định.
7 Thời kỳ mang thai
Chưa có các nghiên cứu trên người và động vật mang thai. Chưa rõ thuốc có thể gây hại cho thai nhi khi dùng cho phụ nữ mang thai không, vì vậy chỉ dùng crotamiton cho phụ nữ mang thai khi thực sự cần thiết, đặc biệt trong ba tháng đầu.
8 Thời kỳ cho con bú
Chưa có tài liệu nào công bố những tác hại của thuốc khi dùng cho phụ nữ cho con bú. Thận trọng khi dùng cho phụ nữ đang cho con bú. Không bôi thuốc vào núm vú và vùng da xung quanh.
9 Tác dụng không mong muốn (ADR)
Khi bôi ngoài với liều phù hợp, thuốc có độc tính rất thấp.
9.1 Hiếm gặp và rất hiếm gặp
Các biểu hiện kích ứng nhẹ tại chỗ như mẩn ngứa, viêm kết mạc.
Dùng kéo dài có thể gây dị ứng da nhạy cảm.
9.2 Hướng dẫn cách xử trí ADR
Ngừng thuốc nếu người bệnh bị kích ứng da nặng hoặc có biểu
hiện của quá mẫn do bôi thuốc.
10 Liều lượng và cách dùng
10.1 Cách dùng
Thuốc chỉ được dùng ngoài. Không bôi thuốc lên mặt, mắt hoặc miệng. Hỗn dịch crotamiton cần được lắc kỹ trước khi dùng.
10.2 Liều dùng
10.2.1 Điều trị ghẻ
Bệnh nhân cần được tắm sạch bằng xà phòng, rửa sạch hết các vảy da, sau đó lau khô người. Bôi một lớp mỏng kem hoặc hỗn dịch dùng ngoài crotamiton 10% lên toàn bộ bề mặt da của cơ thể từ cổ tới chân, bao gồm cả gan bàn chân của trẻ chưa biết đi, chú ý đặc biệt đến các nếp gấp da (nách, bẹn, kẽ ngón chân, ngón tay...) và xoa nhẹ nhàng. Không được bôi thuốc vào mặt, mắt, miệng, niêm mạc và lỗ niệu đạo. Người lớn mỗi lần bôi khoảng 30 g kem là đủ. Trẻ em cần dùng ít hơn.
Bôi thuốc lần thứ 2 sau 24 giờ, 48 giờ sau lần bôi thuốc cuối cùng, người bệnh tắm để loại bỏ hết thuốc. Nên bôi thuốc vào buổi tối. Có thể nhắc lại điều trị sau 7 - 10 ngày nếu xuất hiện thấy rõ có con ghẻ sống.
Cần chú ý là sau khi điều trị bằng crotamiton, người bệnh có thể còn bị ngứa kéo dài thêm một đến vài tuần do mẫn cảm với con ghẻ. Triệu chứng này không có nghĩa là điều trị thất bại và không nên dùng lại thuốc. Có thể dùng kháng histamin uống và bôi corticosteroid tại chỗ để đỡ ngứa.
Quần áo và chăn màn, giường của người bệnh cần được vệ sinh sạch sẽ để tránh tái nhiễm bệnh. Không nhất thiết phải tẩy trùng khu vực sinh sống của người bệnh.
10.2.2 Điều trị ngứa
Bôi thuốc vào vùng da bị tổn thương và xoa nhẹ nhàng cho tới khi thuốc ngấm hết. Có thể lặp lại nếu cần. Với trẻ em dưới 3 tuổi, bôi thuốc 1 lần/ngày.
11 Quả liều và xử trí
11.1 Triệu chứng
Chưa có thông tin về quá liều crotamiton khi dùng bôi ngoài da, tuy nhiên đã có báo cáo 1 trường hợp bị xanh tím sau khi bôi quá nhiều kem crotamiton.
Nếu uống crotamiton có thể gây đau rát như bỏng, kích ứng ở miệng, thực quản, niêm mạc dạ dày cùng các triệu chứng như nôn, buồn nôn, đau bụng. Đã có 1 trường hợp người bệnh 23 tuổi bị co giật sau khi uống crotamiton, phải điều trị bằng Diazepam.
11.2 Xử trí
Loại bỏ phần thuốc còn chưa được hấp thu ở ống tiêu hóa như rửa dạ dày, uống than hoạt... Điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng.
Cập nhật lần cuối: 2019