Táo Mèo (Sơn Tra, Chua Chát - Docynia indica)
82 sản phẩm
Dược sĩ Tăng Uyên Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Táo mèo được sử dụng rộng rãi bởi công dụng trị bệnh đại tràng, giảm mỡ máu, giảm cân. Vậy, vị thuốc này có tác dụng gì? Và sử dụng Sơn tra thế nào mang lại hiệu quả tối ưu nhất? Mời quý bạn đọc tìm hiểu trong bài viết sau đây.
1 Giới thiệu về cây Sơn tra
Quả Sơn tra có phải là Táo mèo không? Sơn tra còn có tên gọi khác là Chua chát, Táo mèo, mọc ở rừng hoặc núi cao, có độ cao từ 1500-2000m.
Hiện có 2 loài được dùng cho vị thuốc Sơn tra. Tên khoa học của 2 loài này là Malus doumeri A.chev (Chua chát) và Docynia indica Wall. (Táo mèo), thuộc họ Hoa hồng (Rosaceae). Dưới đây là hình ảnh cây Sơn tra.
1.1 Đặc điểm thực vật
Chua chát là cây gỗ to, cao 10-15m, cây non có gai. Cành non có lông, sau nhẵn. Lá mọc so le, hình bầu dục hoăc hình trứng, dài 6-15cm, rộng 3-6cm, gốc tròn, đầu nhọn, mặt trên lục sẫm, dưới nhạt, mép khía răng không đều; cuống lá dài 2-3cm. Cụm hoa mọc thành tán ở kẽ lá, 3-5 hoa màu trắng, đài hình bánh xe có lông, 5 răng nhọn; tràng 5 cánh tròn rộng, nhị nhiều ngắn hơn tràng. Quả tròn, hơi dẹt, đường kính 5-6cm, cao 4-5cm, khi non màu xanh bóng có những chấm mờ, sau chín chuyển vàng lục, hạt nâu sẫm. Mùa hoa tháng 2-3, mùa quả tháng 7-9.
Táo mèo là cây nhỡ, cao 5-6m, nhánh và cây non có gái. Lá mọc so le, ở cây con xẻ 3-5 thùy, mép khía răng không đều. Lá già hình bầu dục, dài 6-10cm, rộng 2-4cm, gốc tròn, đầu nhọn, nguyên hoặc khía răng nhỏ ở gần đầu lá, mặt trên xanh sẫm bóng, mặt dưới có lông dày trắng mịn, gân phụ 6-10 đôi, nổi rõ; cuống lá dài 1-1,5cm; lá kèm nhỏ, sớm rụng. Hoa tụ họp 1-3 cái ở nách lá, màu trắng, cuống dài 4-5mm, có lông; đài gồm 5 răng có lông màu trắng bạc; tràng có 5 cánh mỏng; nhị nhiều, bầu hạ 5 ô, mỗi ô 3-8 noãn. Quả trứng thuôn, đường kính 3-4cm, lúc non có lông, sau nhẵn, có đài tồn tại, chín màu vàng lục, chua dịu, hơi chát. Mùa hoa tháng 3-4, mùa quả tháng 8-10.
Cần phân biệt Sơn tra Việt Nam với Sơn tra Trung Quốc: Lá non và lá già đều xẻ 3-5 thùy, mép răng cưa. Quả Sơn tra Trung Quốc là quả cầu nhỏ, đường kính 1-2cm, khi chín vàng hoặc đỏ (nam sơn tra), 1-1,5cm, khi chín màu đỏ sẫm (bắc sơn tra).
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Quả chín, được dùng làm dược liệu Sơn tra.
Quả chín được thu hái vào mùa thu, rửa sạch, thái thành phiến, phơi hoặc sấy khô.
1.3 Đặc điểm phân bố
Tại Việt Nam, Chua chát có ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Kon Tum; Táo mèo có ở Lai Châu, Lào Cai, Nghĩa Lộ, Sơn La. Ngoài ra, Chua chát còn có ở Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản; còn Táo mèo có ở Ấn Độ, Mianma, phía nam Trung Quốc.
2 Thành phần hóa học
Alkaloids, anthocyanin, cyanogen glycosides, carotenoids, flavonoids, phytic acid, và terpenoids là các chất chuyển hóa thứ cấp quan trọng có trong thực vật có khả năng chống oxy hóa, chống tăng sinh, chống vi khuẩn, chống viêm, chống ung thư... Axit ascoricic (Vitamin C) là loại vitamin chính; gần 50 mg Vitamin C mỗi ngày là yêu cầu cơ bản đối với một người trưởng thành tiêu chuẩn để phát triển. Ở D. indica, lượng axit ascorbic xấp xỉ 14,84mg trên 100g quả.
Các bộ phận khác nhau của D. indica chứa các thành phần hóa học thực vật khác nhau. Nồng độ xyanua cao nhất được ghi nhận trong hạt trưởng thành. Axit phytic xấp xỉ 2,25mg trên 100g quả non trong khi đó là 1,81mg trên 100g quả chín và 1,85mg trên 100g hạt.
Các công trình nghiên cứu khác nhau đã đề xuất rằng độ pH của quả D. indica là 3,25. Độ ẩm chứa trong quả khoảng 80,32% – 85,14% và trong 100g cùi chứa 14,8 – 17,5mg vitamin C. Chất đạm chứa khoảng 1,81 – 2,76mg cùng với 1,05 – 4,31mg đường khử, Magie (2060mg/100g) và Kali (140mg/100g). Các thành phần khoáng chất và dinh dưỡng như coban, đồng, Sắt, Mangan và Kẽm có mặt dưới dạng các nguyên tố vi lượng trong quả Sơn tra.
== >> Mời bạn đọc tham khảo vị thuốc cùng công dụng: Nần Vàng (Nần Nghệ): Vị thuốc giảm mỡ máu, bảo vệ gan và huyết áp
3 Tác dụng - Công dụng của Táo mèo (Sơn tra)
3.1 Tác dụng dược lý
3.1.1 Chống oxy hóa
Hoạt tính chống oxy hóa của chất chiết xuất từ cùi và vỏ của Táo mèo được xác định bằng cách sử dụng các thử nghiệm chống oxy hóa trong ống nghiệm. Mặc dù, khả năng thu hồi gốc tự do DPPH đã được quan sát thấy trong cả hai chất chiết xuất, nhưng chất chiết xuất từ vỏ cho thấy hoạt tính mạnh hơn khi giá trị IC50 là 23,76µg/mL. Giá trị IC50 của dịch chiết bột là 162,7µg/mL. Khả năng khử của dịch chiết cũng được xác định bằng phương pháp khử Fe3+ và khử phosphomolypden. Từ đó, cho thấy hoạt tính chống oxy hóa đáng kể của Sơn Tra.
3.1.2 Kháng khuẩn
Cả chất chiết xuất từ cùi và vỏ Táo mèo đều cho thấy mức độ hoạt động kháng khuẩn khác nhau đối với các vi khuẩn gram dương (Bacillus subtilis, Staphylococcus aureus, Micrococcus luteus) và gram âm (Escherichia coli, Shigella flexneri, Klebsiella pneumoniae). Đã quan sát thấy sự ức chế tối đa đối với Staphylococcus aureus là 29mm ở 625µg/mL.
3.1.3 Chống béo phì
Nghiên cứu cho thấy tác dụng chống béo phì và giảm trọng lượng cơ thể ở những con chuột béo phì được điều trị bằng đường uống hàng ngày với 650 mg/kg chiết xuất quả Táo mèo. Trọng lượng cơ thể của chuột được xử lý hàng ngày bằng các phần chiết xuất khác nhau đã giảm 9,5% (đối với chiết xuất etyl axetat), 3,8% (đối với chiết xuất chloroform) và 8,9% (đối với chiết xuất etanol tổng số) so với chuột béo phì không được điều trị.
3.1.4 Giảm rối loạn lipid máu
Bên cạnh đó, các chỉ số lipid máu của chuột mắc bệnh béo phì được điều trị bằng phần chiết xuất ethylacetae của quả Táo mèo trong 14 ngày đều giảm rõ rệt như triglyceride giảm 31,6%, cholesterol tỷ trọng thấp LDL-c giảm 28,6%, đặc biệt là mức đường huyết ở chuột béo phì giảm 14,3% so với đối chứng.
== >> Mời bạn xem thêm dược liệu: Gừng - Cải thiện tiêu hóa, chống nôn và chống say tàu xe hiệu quả
3.2 Công dụng của Sơn tra khô theo y học cổ truyền
Táo mèo có tính ấm, Chua chát có tình bình, cả hai đều có vị chua, ngọt, hơi chát, quy vào kinh tỳ, vị, can, có tác dụng kiện vị, tiêu thực, hóa đờm.
Trong đông y, Sơn tra được dùng làm thuốc bổ tỳ, kích thích tiêu hóa, giúp ăn ngon, dễ tiêu, chữa đầy bụng, ợ chua, kiết lỵ, cam tích ở trẻ em.
4 Các bài thuốc từ Sơn tra
4.1 Cao lỏng Sơn tra
Dùng Sơn tra 1kg rửa sạch, bỏ hạt, sắc với 3L nước tới khi còn 1L. Chắt lấy nước đầu. Sắc thêm với 3L nước nữa tới khi còn 0,5L, chắt lấy nước hai. Trộn 2 nước, cô lại tới khi còn khoảng 1L. Thêm 0,8kg kẹo mạch nha hoặc đường, hòa tan rồi cô đặc còn 1L thành phẩm. Thêm 40ml rượu ngâm Trần Bì hoặc Đại Hồi. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 thìa.
4.2 Kích thích tiêu hóa, bổ tỳ vị
Nguyên liệu: Sơn tra, củ Sả, Chỉ xác, vỏ Vối, Trần bì mỗi vị 25g, Hương Phụ 40g, Gừng tươi 20g, Phèn phi 10g.
Cách làm: Phơi khô, tán thành bột; người lớn mỗi lần uống 2 thìa cà phê, trẻ em uống ½-1 thìa cà phê với nước ấm, uống 2-3 lần mỗi ngày.
4.3 Chữa ra mồ hôi trộm
Dùng hạt Sơn tra 5-10g, giã nát, sắc với 200ml nước tới khi còn 50ml, uống một lần mỗi ngày.
4.4 Chữa tích trệ, đầy bụng, khó tiêu, nôn ợ
Nguyên liệu: Sơn tra 20g, Chỉ Xác 12g, Hậu phác 8g.
Cách làm: Sắc nước uống.
Hoặc: Sơn tra 10g, Chỉ thực 6g, Trần bì 5g, Hoàng Liên 2g.
Cách làm: Sắc cùng 6 chén nước tới khi còn 2 chén, chia làm 3 lần uống trong ngày.
4.5 Trị tiêu chảy
Dùng 10g Sơn tra tán thành bột mịn, pha cùng nước sôi để uống.
Với trẻ em, nấu thành siro, mỗi lần dùng 5-10ml, ngày uống 3 lần.
4.6 Chữa ợ chua, ợ hơi, ợ nóng
Dùng Sơn tra sống và Sơn tra sao vàng, mỗi vị 20g, sắc uống trong ngày.
4.7 Trị kiết lỵ
Điều trị kiết lỵ mới phát: Sắc 30g Sơn tra với nước tới gần cạn, thêm 30g đường mía, sắc đến đặc, uống khi còn nóng.
Trị kiết lỵ cấp tính và viêm đại tràng cấp tính: Dùng Sơn tra (sao cháy sơ qua) 60g trộn đều với 30 ml rượu, sao tiếp tới khô. Sắc với 200ml nước trong 15-20 phút, lọc lấy phần nước. Thêm 60g gừng tươi và sắc đến khi nước sôi lên lần nữa thì tắt bếp, uống nóng.
Hoặc: Dùng Sơn tra 120g (sao cháy), 30g Bạch biển đậu hoa. Sắc với 5 phần nước tới khi còn 2 phần, uống nóng.
4.8 Trị Lipid máu cao
Trộn Sơn tra và Mạch nha cô đặc, tỷ lệ 1:1. Mỗi lần dùng 30g để uống, mỗi ngày uống 2 lần, trong 2 tuần.
5 Một số câu hỏi thường gặp
5.1 Cách ngâm rượu táo mèo
Nguyên liệu: Táo mèo (tươi), rượu trắng, đường, Mật Ong, bình đựng (nên sử dụng bình thủy tinh hoặc bình gốm).
Cách tiến hành:
Táo mèo đem rửa sạch, loại bỏ những quả dập nát, quả thối.
Cắt bỏ 2 đầu, cắt đôi quả táo mèo, ngâm với nước muối pha loãng, sau đó vớt ra để ráo.
Chuẩn bị bình sạch, khô.
Cho táo mèo vào bình, cứ một lớp táo mèo thêm 1 lớp đường, 1 lớp mật ong, đậy nắp bình và để trong khoảng 2 tuần.
Sau 2 tuần, chắt lấy nước cốt, cho vào chai hoặc hũ bằng thủy tinh để bảo quản. Sau đó, đổ rượu vào hũ đựng xác táo mèo theo tỷ lệ 1 phần táo, 4 phần rượu. Đây kín nắp và để nơi thoáng mát để ủ rượu.
Sau 3-4 tháng có thể sử dụng.
Phần nước ngâm táo mèo có thể trộn cùng với rượu táo mèo để sử dụng, giúp tăng thêm vị ngọt.
5.2 Giá táo mèo tươi là bao nhiêu?
Giá táo mèo tươi còn tùy thuộc vào chất lượng, những quả to, đều có giá dao động khoảng 50.000 đến 70.000 đồng 1 cân. Táo mèo tươi loại trung bình dao động khoảng 20.000 đến 25.000 đồng cho 1 cân.
Giá táo mèo khô thường đắt hơn, khoảng 120.000 đến 160.000 đồng 1 cân.
5.3 Uống nhiều nước táo mèo có tốt không?
Táo mèo giàu chất chống oxy hóa, giúp bổ sung các loại vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Tuy nhiên, giống như các loại nước khác, chỉ nên sử dụng nước táo mèo với một lượng vừa đủ, không nên tiêu thụ quá mức.
5.4 Cách ngâm rượu từ táo mèo khô
Chuẩn bị: Táo mèo khô, rượu nếp (40-50 độ), bình đựng (làm bằng thủy tinh hoặc bình gốm).
Cách tiến hành:
Táo mèo rửa sạch, để ráo.
Cho táo vào bình thủy tinh sạch, thêm rượu với tỷ lệ 1kg táo mèo khô, thêm 5 lít rượu.
Đậy kín bình.
Ngâm khoảng 3 tháng đã có thể sử dụng.
6 Tài liệu tham khảo
1. Nhận thức cây thuốc và dược liệu (Xuất bản năm 2021). Sơn Tra trang 267-268, Nhận thức cây thuốc và dược liệu. Truy cập ngày 3 tháng 4 năm 2023.