Cinacalcet
1 sản phẩm
Dược sĩ Hoàng Mai Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Tên chung quốc tế: Cinacalcet
Biệt dược thường gặp: Mimpara, Sensipar
Phân loại: Các thuốc chống tuyến cận giáp khác
Mã ATC: H05BX01
1 Dạng thuốc và hàm lượng
Viên nén chứa hàm lượng 30mg, 60mg, 90mg Cinacalcet.
2 Dược lực học
Bệnh thận mạn tính tiến triển có sự gia tăng nồng độ hormone tuyến giáp với biểu hiện cường cận giáp thứ phát, cùng kèm theo sự rối loạn Canxi và phốt pho. Như vậy để điều trị bệnh cường giáp thứ phát cần phải giảm nồng độ hormone tuyến giáp, canxi và photpho có trong máu.
Cinacalcet là một thuốc hoạt động như một calcimimetic, tác động lên các thụ thể cảm nhận canxi của tuyến giáp (CaSR ), tăng độ nhạy của ion canxi trong máu, giảm bài tiết hormon cận giáp. CaSR phát hiện ra một thay đổi nhỏ ở mức canxi ngoại bào và duy trì mức PTH tương ứng và quá trình này xảy ra thông qua phiên mã gen PTH và sự phát triển của tế bào tuyến cận giáp CaSR kết hợp với protein G có miền xuyên màng, thiết lập vòng phản hồi tiêu cực nhằm giảm nồng độ canxi.
3 Dược động học
3.1 Hấp thu
Thuốc hấp thu nhanh qua đường uống, đạt giá trị cao nhất trong huyết tương khoảng từ 2- 6 giờ, giá trị nồng độ cao nhất và AUC lần lượt tăng 82% và 68% khi ăn cùng thức ăn giàu chất béo.
3.2 Phân bố
Cinacalcet được phân bố khắp các cơ quan trong cơ thể với thể tích phân bố khoảng 1000 L, thuốc có tỷ lệ liên kết với protein huyết tương từ 93% đến 97%.
3.3 Chuyển hoá
Cinacalcet trải qua quá trình chuyển hóa chủ yếu tại gan thông qua nhiều loại enzyme là CYP3A4, CYP2D6 và CYP1A2 với quá trình chuyển hoá N-dealkyl hóa thành axit hydrocinnamic và axit hydroxy-hydrocinnamic, sau đó được chuyển hóa thông qua quá trình oxy hóa β và liên hợp glycine. Tổng hợp các chất chuyển hoá lưu thông gồm axit cinnamic và dihydrodiol glucuronid hóa.
3.4 Thải trừ
Cinacalcet và chất chuyển hoá được đào thải chủ yếu qua thận, phần trăm qua nước tiểu và qua phân lần lượt là khoảng 80% và 15% qua phân, với thời gian bán thải của thuốc khoảng từ 30-40 giờ.
4 Chỉ định
Cinacalcet hydrochloride được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận để điều trị:
- Cường tuyến cận giáp thứ phát liên quan đến bệnh thận giai đoạn cuối
- Cường tuyến cận giáp nguyên phát trong trường hợp không phù hợp để phẫu thuật hoặc phẫu thuật có lợi ích thấp hơn nguy cơ.
5 Chống chỉ định
Người mẫn cảm với thành phần của Cinacalcet.
Người bệnh có nồng độ canxi huyết thanh dưới 8,4 mg/dL.
6 Liều dùng - Cách dùng
6.1 Liều dùng
Liều dùng khuyến cáo của Cinacalcet trong điều trị từng trường hợp, cụ thể:
6.1.1 Ở bệnh thận mạn tính (CKD) bị cường cận giáp thứ phát
Sử dụng liều tăng dần, khởi đầu từ liều 30mg/ngày, uống mỗi ngày 1 lần, sau đó cách từ 2-4 tuần đối với từng trường hợp bệnh cụ thể, bác sĩ sẽ tăng lên mức 60mg, 90mg, nhưng tối đa không quá 180 mg/ngày. Mục tiêu của điều trị là đưa giá trị hormone tuyến giáp về phạm vi khoảng 150 đến 300 pg/mL.
6.1.2 Ung thư tuyến cận giáp và cường tuyến cận giáp nguyên phát
Sử dụng liều tăng dần, khởi đầu từ 30mg/ngày, uống mỗi ngày 2 lần, sau đó có thể tăng lên 60mg hoặc 90 mg, ngày 2 lần tùy theo mức calci huyết thanh, nhưng tổng liều không quá 270mg/ngày. Thực hiện theo dõi nồng độ canxi huyết thanh thường xuyên đến khi đạt nồng độ ổn định trong máu.
6.2 Cách dùng
Uống trọn viên thuốc, nên uống trong hoặc ngay sau bữa ăn để tăng hấp thu. Không nên nhai, nghiền hoặc bẻ viên trước khi sử dụng. Tuyệt đối tuân thủ đúng lịch trình và hướng dẫn của bác sĩ trong điều trị.
7 Tác dụng không mong muốn
7.1 Thường gặp
Tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa, đau nhức cơ.
7.2 Ít gặp
Chóng mặt, tăng huyết áp, nhiễm trùng tiếp cận, chán ăn, suy nhược, đau ngực không do tim, động kinh.
7.3 Hiếm gặp
Buồn nôn, hạ canxi máu, hạ huyết áp, suy tim nặng hơn hoặc loạn nhịp tim, bệnh xương bất động, chảy máu đường tiêu hoá, bệnh vôi hoá sụn.
8 Tương tác thuốc
Không dùng đồng thời Cinacalcet với các thuốc hạ canxi do có thể làm hạ canxi huyết nghiêm trọng, nếu thật sự cần dùng đồng thời thì cần giám sát chặt chẽ những bệnh nhân.
9 Thận trọng
Nguy cơ hạ canxi máu đe doạ tính mạng đã được cảnh báo ở cả bệnh nhân nhi, tình trạng này sẽ nặng hơn ở đối tượng bệnh thận mạn tính nhưng không chạy thận nhân tạo.
Xuất huyết đường tiêu hoá có thể gặp khi sử dụng Cinacalcet, tuy nhiên chưa có dấu hiệu nghiêm trọng dẫn đến tử vong, nếu có bất cứ triệu chứng đau bụng, đi ngoài ra máu, cần thông báo với bác sĩ.
Thuốc có thể gây loạn nhịp thất, kéo dài khoảng QT, nên theo dõi chặt chẽ canxi huyết ở những bệnh nhân có nguy cơ cao.
Tình trạng hạ canxi máu do cinacalcet gây ra ngưỡng co giật thấp hơn, những đối tượng có tiền sử co giật cần được cảnh báo.
10 Thời kỳ mang thai và cho con bú
Các nghiên cứu trên động vật cho thấy thuốc gây mất con và giảm cân nặng cơ thể thai nhi, khuyến cáo không dùng cho phụ nữ thời kỳ mang thai và cần tránh thai hiệu quả trong khi dùng thuốc ở cả nam và nữ.
Chưa có báo cáo về an toàn khi sử dụng thuốc cho mẹ đang cho con bú, tuy nhiên nồng độ thuốc trong sữa mẹ không có thể đạt giá trị điều trị nên hạn chế cho con bú khi đang dùng thuốc, và nên theo dõi chặt chẽ ở trẻ sơ sinh nếu cần thiết phải dùng đồng thời.
11 Bảo quản
Bảo quản ở nhiệt độ tủ phòng dưới 30 độ C, tránh ánh sáng chiếu trực tiếp vào thuốc.
Để xa tầm tay của trẻ nhỏ.
12 Quá liều
Các tác dụng phụ tăng lên như buồn nôn, nôn, hạ canxi huyết khi quá liều sử dụng thuốc. Nên ngưng thuốc và cấp cứu sớm nhất có thể.
13 Tài liệu tham khảo
Chuyên gia Drugbank. Cinacalcet. Drugbank. Truy cập ngày 10 tháng 12 năm 2024.
Chuyên gia Drugs.com. Cinacalcet Dosage. Drugs.com. Truy cập ngày 10 tháng 12 năm 2024.
Chuyên gia Pubchem. Cinacalcet. Pubchem.Truy cập ngày 10 tháng 12 năm 2024.
Chuyên gia Drugs.com. Sensipar FDA Approval History. Drugs.com. Truy cập ngày 10 tháng 12 năm 2024.