Chi Tử (Gardenia jasminoides Ellis)
43 sản phẩm
Dược sĩ Thu Hà Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Chi tử là hạt của cây Dành dành, theo y học cổ truyền là vị thuốc có công dụng lợi tiểu, lương huyết chỉ huyết, thanh nhiệt, trừ ưu phiền; chủ trị các chứng tâm phiền, sốt cao, mắt đỏ sưng đau, đi tiểu ra máu, nôn ra máu, hoàng đản tiểu đỏ, chảy máu cam. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc thông tin chi tiết về dược liệu Chi tử.
1 Tổng quan về dược liệu Chi tử
1.1 Tên gọi, danh pháp
Tên Tiếng Việt: Chi tử.
Tên khác: Dành dành; Sơn chi; Sơn chi tử.
Tên khoa học: Gardenia jasminoides Ellis, họ: Rubiaceae (Cà phê).
1.2 Đặc điểm thực vật
Dành dành thuốc loại cây nhỏ, cao khoảng 1 – 2m, mọc xanh quanh năm. Thân cây thẳng, nhẵn. Lá mọc đối, lá kèm to, mặt trên lá màu xanh sẫm và bóng. Hoa Dành Dành mọc đơn độc, màu trắng, không cuống, có mùi thơm, thường nở vào mùa hè. Quả chén có từ 6 - 9 góc, chia thành 2 - 5 ngăn, khi chín sẽ có màu vàng đỏ, bên trong có chứa rất nhiều hạt, có mùi thơm và vị đắng.
1.3 Phân bố, thu hái, chế biến
Ở nước ta, Dành dành phần lớn mọc hoang, được trồng chủ yếu ở khu vực các tỉnh miền Bắc. Trên các tỉnh Tây Bắc, cây được thấy mọc hoang ở ven các bờ suối trong khi ở đồng bằng, đây là 1 loài cây với nhiều ứng dụng: làm cây cảnh, làm thuốc hay để làm thuốc nhuộm thực phẩm (nhuộm thức ăn, trái cây thành màu vàng). Ngoài ra, cây Dành dành còn có ở các nước châu Á khác: Triều Tiên, Trung Quốc, Nhật Bản.
Thời điểm thu hoạch hàng năm là vào khoảng cuối mùa thu đầu đông, từ tháng 9 đến 11, quả chín là quả đã chuyển màu vàng đỏ, sau khi thu hái sẽ được ngắt bỏ cuống và loại bỏ tạp chất, cho vào đồ/ luộc tới khi hạt hơi phồng lên là được. Hạt sau đó sẽ bỏ vỏ rồi đem phơi hoặc sấy khô.
Có nhiều cách dùng hạt Chi tử: dùng trực tiếp, sao qua hoặc sao cháy đen nhưng chưa thành tro (tồn tính). Theo các tài liệu đông y, khi dùng trực tiếp Chi tử có tác dụng thanh nhiệt (chữa sốt), sao vàng giúp giải nhiệt (nóng trong người), còn sao đến cháy đen thì có khả năng cầm máu.
1.4 Bộ phận sử dụng
Chi Tử là quả chín cây Dành Dành, sau khi thu hái và được phơi sấy nhẹ đến khô.
Nếu vỏ được bóc trước khi phơi sấy, thì được gọi là Chi tử nhân. Quả Dành Dành hình trứng hay hình thoi, chiều dài từ 2 - 4cm, đường kính trung bình 1 - 2cm.
Mặt ngoài Chi tử có màu cam đến nâu đỏ, hoặc xám nâu, có khi đỏ xám, thường hơi bóng, trên thân quả có 5 - 8 đường gờ chạy dọc.
Lá cây có thể được thu hái và sử dụng quanh năm.
2 Thành phần hoá học
Trong Chi tử có chứa nhiều hợp chất có tác dụng sinh học, có thể kể đến như:
Nhóm Iridioid glycosid: gacdenidin, gardosid, shanzhisid, desacetylasperulosid methylester, acid geniposidic, scandosid methylester, geniposid,........
Nhóm acid hữu cơ: acid 3-cafeoyl-4-sinapoyl quinic, acid picrocrocinic, acid dicafeoyl-5-(3-hydroxy-3-methyl) glutaroyl quinic,........
5β-hydroxygeniposid
10-acetylgeniposid
α-crocin, α-crocetin, α-croxetin.
Sắc tố và tinh dầu.
3 Công dụng
3.1 Theo y học cổ truyền
Tính vị: Vị đắng, tính hàn.
Quy kinh: Quy vào các kinh tâm, phế, can, vị, tam tiêu.
Công dụng: Thanh nhiệt, tiêu phiền, ích tiểu, lương huyết và chỉ huyết.
Chủ trị: Các chứng bệnh do nhiệt như sốt cao, tâm phiền, hoàng đản dẫn đến tiểu đỏ, tiểu máu, nôn máu, chảy máu cam, mắt đỏ sưng đau. Khi dùng ngoài chủ trị các bệnh sưng đau gây ra do sang chấn.
3.2 Tác dụng dược lý
3.2.1 Trên hệ thần kinh trung ương
Cồn chiết của Chi tử có tác dụng an thần, ức chế thần kinh trung ương trên chuột thí nghiệm. Khi sử dụng kết hợp cùng hexobarbital có hiện tượng gây ngủ nhưng không thấy tác dụng chống co giật khi có kích thích gây ra.
Khi tiêm xoang bụng của chuột 1 lượng vừa đủ cồn chiết Chi tử, sau một giờ thấy các con chuột bị tiêm có thân nhiệt hạ, phục hồi sau vài giờ.
3.2.2 Trên hệ tiêu hóa
Cải thiện chức năng ống mật
Trong thành phần dịch chiết Chi tử có chứa các chất crocin, crocetin và genipin có tác dụng làm tăng sự bài tiết mật tại ống mật chủ.
Ức chế tiết acid dịch vị và cải thiện chức năng dạ dày – ruột
Genipin trong Chi tử có tác dụng ức chế nhu động dạ dày ở cả trạng thái bình thường và khi có kích thích của pilocarpin gây nên. Tác dụng của ganipin được cho là có tính đối kháng với tác dụng co bóp của acetylcholin và physostigmin.
Nhuận tràng
Gardenosid, geniposid được chứng minh gây tiêu chảy khi sử dụng trên chuột nhắt trắng thử nghiệm.
3.2.3 Trên hệ tim mạch
Chi tử có tác dụng làm hạ huyết áp trên các động vật làm thí nghiệm, tuy nhiên tác dụng này chỉ xuất hiện và có hiệu lực trong một thời gian ngắn.
Ở ếch, Chi tử làm giảm sức co bóp và hoạt động của cơ tim.
Giảm cholesterol máu: Thí nghiệm trên thỏ, crocetin có trong dược liệu Chi tử làm giảm chỉ số cholesterol trong máu.
3.2.4 Giảm đau, chống viêm
Giảm đau
Nhờ các hoạt chất genipin, gardenosid, dịch chiết nước Chi tử cho thấy hiệu quả giảm đau nhanh và rõ rệt
Kháng khuẩn, chống viêm
Chi tử có nhạy cảm và có khả năng ức chế các vi khuẩn gây bệnh ngoài da. Ngoài ra dịch chiết trong Ethanol có tác dụng chống viêm.
4 Liều dùng & cách dùng
4.1 Liều dùng
Chi tử dụng liều 6 – 12g hàng ngày dưới dạng thuốc sắc.
Ngoài ra có thể dùng ngoài làm thuốc đắp, đắp trực tiếp lên các vị trí bị sưng đau: Giã nát, thêm nước rồi đắp lên nơi sưng đau.
Lá giã nát được dùng đắp lên mắt khi bị đau mắt, đỏ mắt. Ngoài ra do không có tính độc, nhân dân ta thường dùng quả để nhuộm vàng cho thực phẩm.
4.2 Các bài thuốc có chứa Chi tử
Siro nhân trần
Nhân trần:.................24g.
Chi tử:.......................12g.
Nước:.....................600ml.
Cách dùng: Đem sắc nước đến khi còn khoảng 100ml, thêm đường vào khuấy đều cho đến khi thành siro. Dùng 3 lần mỗi ngày có tác dụng chữa vàng da, vàng mắt, viêm gan.
Chi tử hoàng nghiệt bì thang
Chi tử:..........................5g.
Hoàng nghiệt:............. 5g.
Cam thảo:....................2g.
Nước:......................600ml.
Cách dung: Đem các vị thuốc đun sôi trong 30 phút, sau đó chia lượng nước thuốc thành 2 - 3 lần uống trong ngày dùng cho người bị vàng da, vàng mắt, người đang sốt, người hay bị tâm phiền muộn.
Chữa bỏng nước
Chi tử đốt đến khi thành than, hoà cùng với lòng trắng trứng gà, sau đó bôi lên nơi bỏng.
Chữa cho trẻ con bị sốt nóng, ăn uống kém
Chi tử:.......................7 quả.
Đậu sị:..........................20g.
Cách dùng: thêm 400ml nước vào sắc cùng Chi tử và Đậu sị, đun đến khi còn khoảng 200ml, sau đó chia nước thuốc đã sắc thành 3 - 4 lần uống trong ngày.
Chữa bệnh gan, vàng da, vàng mắt
Nhân trần:.......................30 g.
Chi tử:..............................12g.
Vỏ Đại:.............................10g.
Chữa viêm gan do nhiễm trùng, vàng da
Chi tử::..............................9g.
Nhân trần::.......................18g.
Đại hoàng::........................6g
Cách dùng: sắc uống.
Chữa ho ra máu, thổ huyết
Chi tử, Hoa Hòe đem sao, Sắn dây, mỗi vị lấy 20g, sắc nước uống. Khi uống hòa thêm ít muối.
Chữa tiểu máu
Chi tử:..................................60g.
Đường kính.........................30g.
Cách dùng: sắc nước uống.
5 Tài liệu tham khảo
1. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Xuất bản năm 2006). Chi tử trang 432 - 434 (I), Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2023.
2. Từ điển cây thuốc Việt Nam (Xuất bản năm 2012). Chi tử trang 698, Từ điển cây thuốc Việt Nam. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2023.
3. Jingzhuo Tian và cộng sự (ngày cập nhập: ngày 10 tháng 5 năm 2022). A review of the ethnopharmacology, phytochemistry, pharmacology and toxicology of Fructus Gardeniae (Zhi-zi), Pubmed. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2023.