Cetirizine Hydrochlorid
45 sản phẩm
Dược sĩ Thu Hà Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 3 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Bài viết biên soạn dựa theo
Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba
Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022.
CETIRIZIN HYDROCLORID
Tên chung quốc tế: Cetirizine hydrochloride.
Mã ATC: R06AE07.
Loại thuốc: thuốc kháng histamin H1 thế hệ hai.
1 Dạng thuốc và hàm lượng
Viên nén: 5 mg, 10 mg.
Viên nén nhai: 5 mg, 10 mg.
Viên nén phân tán trong miệng: 10 mg.
Viên nén bao phim: 5 mg, 10 mg.
Sirô: 1 mg/ml (118 ml, 120 ml).
Viên nang (chứa chất lỏng): 10 mg.
2 Dược lực học
Cetirizin là dẫn chất của piperazin và là chất chuyển hóa của hydroxyzin. Cetirizin là thuốc kháng histamin thế hệ hai, thuốc có tác dụng đối kháng mạnh và chọn lọc ở thụ thể H1 ngoại vi, nhưng hầu như không có tác dụng đến các thụ thể khác, do vậy hầu như không có tác dụng đối kháng acetylcholin và không có tác dụng đối kháng serotonin. Cetirizin ức chế giai đoạn sớm của phản ứng dị ứng qua trung gian histamin và cũng làm giảm sự di dời của các tế bào viêm và giảm giải phóng các chất trung gian ở giai đoạn muộn của phản ứng dị ứng.
Tính phân cực của cetirizin tăng so với hydroxyzin nên phân bố của thuốc vào hệ TKTW giảm và ít tác động lên TKTW so với các thuốc kháng histamin thế hệ thứ nhất (diphenhydramin, hydroxyzin) nên ít gây buồn ngủ. Tuy nhiên, tỷ lệ người bệnh dùng cetirizin có ADR như ngủ gà lại cao hơn so với người bệnh dùng các thuốc kháng histamin thế hệ thứ hai khác như loratadin.
Dạng kết hợp của cetirizin và pseudoephedrin hydroclorid được dùng để điều trị viêm mũi dị ứng quanh năm ở người lớn và trẻ em trên 12 tuổi.
3 Dược động học
3.1 Hấp thu
Thuốc hấp thu nhanh sau khi uống. Thời gian đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương là khoảng 1 giờ. Mặc dù thức ăn có thể làm giảm Cmax của cetirizin (lần lượt là 23, 37% đối với viên nên thông thường hoặc viên nhai tương ủng) và kéo dài thời gian (khoảng 1,7 hoặc 2,8 giờ tương ứng) để đạt Cmax thức ăn không ảnh hưởng đến mức độ hấp thu của thuốc (dựa trên AUC).
3.2 Phân bố
Thuốc liên kết với protein huyết tương khoảng 93%. Thể tích phân bổ biểu kiển khoảng 0,50 lít/kg. Thuốc vào được sữa mẹ, nhưng hầu như không qua hàng rào máu - não.
3.3 Chuyển hóa
Thuốc chuyển hóa ít ở gan.
3.4 Thải trừ
Nửa đời thải trừ ở trẻ em là 6,2 giờ, ở người lớn là 8 giờ. 70% liều được thải trừ qua nước tiểu (trong đó 50% liều ở dạng không biến đổi), 10% liều thải trừ qua phân.
4 Chỉ định và chống chỉ định
4.1 Chỉ định
Điều trị triệu chứng viêm mũi dị ứng quanh năm, viêm mũi dị ứng theo mùa.
Mày đay, mày đay mạn tính vô căn.
Viêm da dị ứng.
4.2 Chống chỉ định
Có tiền sử dị ứng với cetirizin, hydroxyzin.
Suy thận giai đoạn cuối(Clcr < 10 ml/phút).
5 Thận trọng
Cần phải điều chỉnh liều ở người suy thận vừa hoặc nặng, người suy gan.
Cetirizin có thể gây hiện tượng ngủ gà, do vậy nên thận trọng khi lái xe hoặc vận hành máy móc.
Tránh dùng đồng thời cetirizin với rượu và các thuốc ức chế TKTW, vì làm tăng thêm tác dụng của các thuốc này.
Cần thận trọng ở những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ bí tiểu hoặc bí tiểu (như tổn thương tủy sống, tăng sản tuyến tiền liệt) vì cetirizin có thể làm tăng nguy cơ bí tiểu.
Thận trọng ở những bệnh nhân động kinh và bệnh nhân có nguy cơ co giật.
Thử nghiệm da bị ức chế bởi thuốc kháng histamin, cần dừng cetirizin ít nhất 3 ngày trước khi làm thử nghiệm da.
Độ an toàn và hiệu quả dùng cetirizin cho trẻ em dưới 6 tháng tuổi chưa được xác định.
6 Thời kỳ mang thai và cho con bú
6.1 Thời kỳ mang thai
Không có bằng chứng thuốc gây quái thai ở động vật và người. Tuy nhiên, nên tránh dùng thuốc kháng histamin cho phụ nữ mang thai.
6.2 Thời kỳ cho con bú
Cetirizin bài tiết qua sữa. Nên tránh dùng thuốc trong thời kỳ cho con bú.
7 Tác dụng không mong muốn (ADR)
7.1 Thường gặp
Hay gặp nhất là hiện tượng ngủ gà. Tỷ lệ ADR phụ thuộc vào liều dùng.
Mệt mỏi, khô miệng, viêm họng, chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn.
7.2 Ít gặp
Kích động, suy nhược, ỉa chảy, khó chịu, dị cảm, phản ứng trên da.
Chán ăn hoặc tăng thèm ăn, bí tiểu, đỏ bừng, tăng tiết nước bọt.
7.3 Hiếm gặp hoặc rất hiếm gặp
TKTW: lú lẫn, trầm cảm, ảo giác, rối loạn cử động, co giật, mất ngủ, muốn gây sự, run.
Tim mạch: nhịp tim nhanh, phù mạch, hạ huyết áp nặng.
Huyết học: thiếu máu tan huyết, giảm tiểu cầu.
Mắt: rối loạn vận nhãn mắt, rối loạn thị lực.
Gan, mật: chức năng gan bất thường, viêm gan, ứ mật.
Thận, tiết niệu: viêm cầu thận, rối loạn tiểu tiện.
Khác: phù, ngất, thay đổi vị giác, tăng cân, phản vệ.
7.4 Chưa xác định được tần suất
Đau bụng, buồn ngủ, giảm trí nhớ, ý tưởng tự sát.
8 Liều lượng và cách dùng
8.1 Cách dùng
Cetirizin được dùng đường uống. Mặc dù thức ăn có thể làm giảm nồng độ đỉnh trong máu và kéo dài thời gian đạt nồng độ đỉnh, nhưng không ảnh hưởng đến mức hấp thu thuốc, cho nên có thể uống cùng hoặc không cùng bữa ăn.
8.2 Liều lượng
Người lớn và trẻ em ≥ 12 tuổi: Uống 10 mg/lần, 1 lần/ngày.
Trẻ em 6 - dưới 12 tuổi: Uống 5 mg/lần, 2 lần/ngày.
Trẻ em 2 - dưới 6 tuổi: Uống 2,5 mg/lần, 2 lần/ngày.
Trẻ em 12 tháng - dưới 2 tuổi: Uống 2,5 mg/lần/ngày, có thể tăng liều tối đa uống 2,5 mg cử trong 12 giờ.
Trẻ em 6 tháng - dưới 12 tháng: Uống 2,5 mg/lần/ngày.
Trẻ em < 6 tháng tuổi: Không sử dụng.
8.2.1 Suy gan
Người già: Uống 5 mg/lần/ngày. Có thể dùng tối đa 10 mg/lần/ ngày ở người ≤77 tuổi, và 5 mg/lần/ngày ở người > 77 tuổi.
Liều khuyến cáo cho người lớn và trẻ em ≥ 12 tuổi là 5 mg/ngày, trẻ em từ 6 - < 12 tuổi có thể dùng liều thấp hơn 5 mg/ lần/ngày, trẻ em dưới 6 tuổi không khuyến cáo dùng.
Tuy nhiên có tài liệu khuyến cáo không cần hiệu chỉnh liều với người suy gan.
8.2.2 Suy thận
Hiệu chỉnh liều dùng theo Clcr như bảng sau:
Chức năng thận | Clcr (ml/phút) | Liều dùng |
---|---|---|
Bình thường | > 80 | 10 mg × 1 lần/ngày |
Suy thận nhẹ | 50 - 79 | 10 mg × 1 lần/ngày |
Suy thận vừa | 30 - 49 | 5 mg × 1 lần/ngày |
Suy thận nặng | 10 - 30 | 5 mg, cách 2 ngày 1 lần |
Suy thận giai đoạn cuối hoặc phải thẩm tách | < 10 | chống chỉ định |
Hiệu chỉnh liều cho trẻ em suy thận:
GFR > 30 ml/phút/1,73 m2: Không cần hiệu chỉnh liều.
GFR từ 10 - 29 ml/phút/1,73 m2: Giảm 50% liều.
GFR <10 ml/phút/1,73 m2: Không khuyến cáo dùng.
Lọc máu ngắt quãng hoặc thẩm phân phúc mạc: Giảm 50% liều.
9 Tương tác thuốc
Tránh kết hợp với các thuốc ức chế TKTW như thuốc an thần, rượu. Độ thanh thải cetirizin giảm nhẹ khi uống cùng 400 mg theophylin. Không dùng viên giải phóng chậm kết hợp cetirizin hydroclorid và pseudoephedrin hydroclorid ở người bệnh đang dùng hoặc ngừng thuốc IMAO.
10 Quá liều và xử trí
10.1 Triệu chứng
Các triệu chứng quan sát được sau khi dùng quá liều cetirizin chủ yếu liên quan đến tác dụng lên TKTW hoặc các tác dụng kháng cholinergic. Các ADR được báo cáo sau khi uống ít nhất 5 lần liều khuyến cáo hàng ngày: lú lẫn, tiêu chảy, chóng mặt, mệt mỏi, đau đầu, khó chịu, giãn đồng tử, ngứa, bồn chồn, buồn ngủ, ngủ gà, choáng, nhịp tim nhanh, run, bí tiểu; trẻ em có thể bị kích động.
10.2 Xử trí
Chưa có thuốc giải độc đặc hiệu. Khi quá liều cần gây nôn, rửa dạ dày, điều trị triệu chứng và hỗ trợ. Thẩm tách máu không có tác dụng trong điều trị quá liều cetirizin.
Cập nhật lần cuối: 2019
Phần nghiên cứu sau đây không nằm trong Dược thư quốc gia Việt Nam 2022 lần xuất bản thứ 3
11 Giải đáp các thắc mắc về Cetirizine
11.1 Có nên sử dụng Cetirizine cho trẻ em không?
Cetirizine được chỉ định dùng được cho trẻ >6 tháng tuổi nên các phụ huynh có con nhỏ gặp các biểu hiện dị ứng có thể cho con dùng thuốc. Tuy nhiên, để an toàn vẫn nên hỏi tư vấn bác sĩ và sau khi đã được chỉ định loại thuốc phù hợp thì nên cho trẻ uống đúng chỉ định và theo dõi con nghiêm ngặt trong suốt thời gian sử dụng thuốc.
11.2 Có thai có dùng được Cetirizine không?
Sử dụng trong nhóm bệnh nhân cụ thể Cân nhắc khi cho con bú: Thỉnh thoảng có thể dùng liều nhỏ cetirizine trong khi cho con bú. Cetirizine được phát hiệnc có thể khiến lượng sữa tiết ra giảm đi hoặc có thể khiến trẻ buồn ngủ. Việc sử dụng công thức nhỏ mắt của cetirizine của người mẹ được cho là có nguy cơ tối thiểu đối với trẻ sơ sinh bú sữa mẹ. Các bác sĩ lâm sàng nên khuyên người mẹ ấn vào ống lệ bằng khóe mắt và loại bỏ Dung dịch còn sót lại để giảm lượng thuốc đến được sữa mẹ.
Cân nhắc khi mang thai: Cetirizine là thuốc loại B dành cho thai kỳ trước đây của FDA Hoa Kỳ. Đại học Sản phụ khoa Hoa Kỳ & Đại học Dị ứng, Suyễn và Miễn dịch Hoa Kỳ (ACOG-ACAAI) đề xuất cetirizine cho phụ nữ mang thai cần điều trị bằng thuốc kháng histamine. Chỉ dùng Cetirizine trong thai kỳ khi nhận thấy các tác dụng vượt trội của thuốc.
12 Cục quản lý Dược thu hồi một số thuốc chứa cetirizine
Cục Quản lý Dược đã quyết định thông báo đình chỉ lưu hành toàn quốc viên nén bao phim cetirizine tablets 10mg:
- Tên sản phẩm: cetirizine 10mg.
- Số đăng ký: VN-19406-15.
- Công ty sản xuất: Công ty Windlas Biotech Private Limited (India).
- Công ty nhập khẩu và kê khai: Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương – Codupha
- Các lô thuốc sau bị thu hồi: WCH7005E, WCH7006E, WCH7007E, WCH7008E.
- Ngày sản xuất: 25/8/2017.
- Hạn sử dụng: 24/8/2020.
Kết quả kiểm nghiệm thuốc cũng chỉ ra rằng các lô thuốc trên không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan và định lượng. Do đó Cục đã đình chỉ lưu hành, thu hồi 4 lô trên. Bên cạnh đó, Công ty Windlas Biotech Private Limited (India) cũng đã gửi văn thư đề nghị thu hồi thuốc tới Cục quản lý Dược.
Theo đó, công ty đã xác định 2 lô thuốc WCH7007E và WCH7008E không ổn định về chất lượng, vì vậy quyết định đình chỉ xuất khẩu, đồng thời tiến hành thu hồi toàn bộ 2 lô thuốc đã nhập khẩu vào Việt Nam. Công ty cũng đề nghị tiếp tục thu hồi toàn bộ 4 lô thuốc trên tại Việt Nam.
Cục Quản lý Dược đề nghị nhà nhập khẩu là công ty Cổ phần dược phẩm Trung ương – Codupha kết hợp với nhà cung cấp cũng như các nhà phân phối thuốc. Đề nghị phải nhanh chóng gửi thông báo thu hồi tới cơ sở khám chữa bệnh, bán buôn, bán lẻ trên toàn quốc về quyết định đình chỉ và thu hồi 4 lô thuốc WCH7005E, WCH7006E, WCH7007E, WCH7008E.
Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo cho các cơ sở khám chữa bệnh, các nhà thuốc, quầy thuốc lớn nhỏ đang sử dụng thuốc này, thu hồi lô thuốc không đạt chất lượng nêu trên. Đồng thời tiến hành kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện thông báo này. Phải có biện pháp xử phạt nghiêm minh những đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành.
13 Tài liệu tham khảo
1, Tác giả Aasim Naqvi; Valerie Gerriets (Ngày đăng 30 tháng 1 năm 2023). Cetirizine, PMC. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2023
2, Chuyên gia NHS. Cetirizine, NHS. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2023
3, Tác giả Angelo G. Corsico, Salvatore Leonardi, Amelia Licari, Gianluigi Marseglia, Michele Miraglia del Giudice, Diego G. Peroni, Carmelo Salpietro & Giorgio Ciprandi (Ngày đăng 6 tháng 12 năm 2019). Focus on the cetirizine use in clinical practice: a reappraisal 30 years later, Pubmed. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2023