Ceftezole
1 sản phẩm
Dược sĩ Diệu Linh Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Ceftezol là kháng sinh Cephalosporin thế hệ 1 bán tổng hợp được chỉ định trong các trường hợp nhiễm khuẩn gây ra bởi các chủng vi khuẩn nhạy cảm. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết về hoạt chất Ceftezol.
Tên chung quốc tế: Ceftezol.
Loại thuốc: thuốc kháng sinh cephalosporin thế hệ 1.
1 Tổng quan về hoạt chất Ceftezol
CTCT: C13H12N8O4S3.
Khối lượng phân tử: 440.47.
2 Tác dụng dược lý
2.1 Dược lực học
Ceftezol là kháng sinh bán tổng hợp thuộc nhóm cephalosporin thế hệ thứ nhất.
Cơ chế tác dụng của thuốc đó chính là ức chế sinh tổng hợp mucopeptide ở thành tế bào của vi khuẩn.
Ceftezol có tác dụng in vitro với một số vi khuẩn như:
Vi khuẩn Gram dương: S.pyogenes, Streptococcus pneumoniae, Staphylococcus aureus.
Vi khuẩn Gram âm: Escherichia coli, Proteus mirabilis, Klebsiella spp.
2.2 Dược động học
Sau khi tiêm tĩnh mạch ở người lớn có thể trạng tốt, chức năng thận ở mức bình thường thì người ta nhận thấy rằng, thời gian ceftezol đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương là khoảng 5 phút sau khi tiêm. Thời gian này thường kéo dài hơn khi tiêm bắp (khoảng 25 đến 30 phút).
Thuốc phân bố rộng khắp trong cơ thể đặc biệt các cơ quan như gan, thận, phổi, tim, lách.
Thời gian bán thải là 1 giờ.
Thuốc chủ yếu được đào thải qua thận dưới dạng không đổi.
3 Chỉ định - Chống chỉ định của ceftezol
3.1 Chỉ định
Điều trị các nhiễm khuẩn gây ra bởi các chủng vi khuẩn nhạy cảm với thuốc như:
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp.
- Nhiễm khuẩn ổ bụng.
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
- Nhiễm trùng máu.
3.2 Chống chỉ định
Người bệnh quá mẫn với ceftezol.
Có tiền sử dị ứng với các kháng sinh nhóm beta-lactam.
Trẻ dưới 2 tuổi.
4 Thận trọng
Điều tra tiền sử dị ứng của người bệnh đặt biệt là đối với các kháng sinh nhóm cephalosporin, kháng sinh nhóm penicillin hoặc các thuốc khác.
Thận trọng khi sử dụng với những bệnh nhân có tiền sử quá mẫn với penicillin hoặc đã có tiền sử dị ứng như nổi mẩn đỏ, dị ứng, hen suyễn,...
Do các phản ứng dị ứng có thể xảy ra trong quá trình điều trị nên bác sĩ cần chuẩn bị các phương tiện cấp cứu khẩn cấp để đề phòng trường hợp xảy ra sốc.
Theo dõi người bệnh trong suốt quá trình điều trị đặc biệt khi người bệnh có dấu hiệu mệt mỏi, thở rít, ù tai, vã mồ hôi, khó chịu vùng miệng, muốn đi đại tiện.
Áp dụng các biện pháp điều trị thích hợp trong trường hợp xuất hiện phản ứng quá mẫn.
Nhằm mục đích giảm tối đa nguy cơ phát triển các chủng vi khuẩn có khả năng đề kháng thuốc và duy trì độ hiệu quả của kháng sinh trong điều trị bệnh thì chỉ sử dụng ceftezol sau khi đã xác định có nhiễm trùng hoặc chắc chắn xác định được chủng vi khuẩn nhạy cảm. Việc điều trị kháng sinh kéo dài có thể gây nên tình trạng phát triển quá mức các chủng vi khuẩn đề kháng.
Đã có báo cáo về việc xuất hiện phản ứng phụ là tiêu chảy và viêm đại tràng gây ra bởi Clostridium difficile trong quá trình sử dụng thuốc do đó, các bác sĩ cần cân nhắc trước khi sử dụng cho những bệnh nhân có tiền sử tiêu chảy khi dùng kháng sinh.
Thận trọng khi sử dụng ở bệnh nhân viêm đại tràng hoặc có vấn đề dạ dày - ruột.
Thận trọng khi sử dụng ở bệnh nhân rối loạn chức năng thận trầm trọng do nguy cơ xuất hiện tác dụng phụ trên thận của thuốc.
Thận trọng khi sử dụng ở bệnh nhân lớn tuổi, ăn uống kém, suy nhược, ăn uống ngoài Đường tiêu hóa.
5 Thời kỳ mang thai và cho con bú
Phụ nữ có thai: Dữ liệu hạn chế do đó chỉ sử dụng khi thật cần thiết.
Phụ nữ đang cho con bú: Thiếu dữ liệu do đó nên thận trọng trong quá trình sử dụng.
6 Tác dụng không mong muốn (ADR)
Một số tác dụng không mong muốn người bệnh có thể gặp phải trong quá trình điều trị bao gồm:
Viêm tắc tĩnh mạch, tiêu chảy, đau bụng, phản ứng dị ứng, viêm phổi, tăng creatinin, tăng nhẹ AST, ALT.
Theo dõi người bệnh trong suốt quá trình điều trị để được xử trí kịp thời.
7 Liều dùng và cách dùng ceftezol
7.1 Cách dùng
Thuốc được sử dụng theo đường tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp.
7.2 Liều dùng
Liều dùng ở người lớn thông thường là 0,5 đến 4g/ngày, chia làm 1-2 lần tùy thuộc vào tình trạng bệnh, chủng vi khuẩn, khả năng đáp ứng của người bệnh.
Đối với trẻ em từ 2-11 tuổi: Liều dùng tính theo cân nặng, liều thông thường là 20-80mg/kg/ngày, chia làm 1-2 lần.
Đối với bệnh nhân suy thận, liều khởi đầu tương đương người bình thường, sau đó liều dùng sẽ phụ thuộc vào độ thanh thải của creatinin, cụ thể như sau:
- Độ thanh thải của creatinin trên 40ml/phút: Sử dụng liều thông thường.
- Độ thanh thải từ 30-40 ml/phút: Sử dụng ¾ liều thông thường.
- Độ thanh thải từ 10-30 phút: Sử dụng ½ liều thông thường.
- Độ thanh thải dưới 10 ml/phút: Sử dụng ¼ liều thông thường.
8 Tương tác thuốc
Một số tương tác thuốc cần chú ý bao gồm:
Probenecid | Giảm độ thanh thải của ceftezol |
Các thuốc gây độc với thận như colistin, Vancomycin, polymyxin B | Tăng độc tính trên thận khi dùng đồng thời |
Aminoglycoside | Tăng hiệu quả điều trị nhưng đồng thời cũng gây tăng độc tính trên thận khi dùng đồng thời với ceftezol |
9 Tương kỵ
Tránh trộn chung với aminoglycosid trong cùng một Dung dịch.
Có thể sử dụng trên cùng một người bệnh nhưng không dùng đồng thời mà cần dùng tách biệt hai hoạt chất này.
10 Quá liều và xử trí
Triệu chứng: suy thận cấp, sốc phản vệ, co giật.
Xử trí: Hiện nay chưa có thuốc giải độc đặc hiệu do đó các biện pháp chủ yếu là điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng cho người bệnh.
11 Sản phẩm chứa ceftezol
Một số sản phẩm có chứa ceftezol trên thị trường như Tezacef, Seosaft Inj. 1g, Supzolin 1g,...
12 Tài liệu tham khảo
Tác giả Dong-Sun Lee và cộng sự (Ngày đăng 2007). Ceftezole, a cephem antibiotic, is an alpha-glucosidase inhibitor with in vivo anti-diabetic activity, PubMed. Truy cập ngày 16 tháng 6 năm 2024.